Cụ Đào Thanh Cảnh 82 tuổi - ba mươi năm lang thang đất Sài thành:

Người đàn ông 30 năm "Xin ngủ dưới vòm cây"

Thứ Hai, 10/09/2012, 16:32
Không phải là ông ba bị đi ăn xin, không phải là một kẻ nghèo tội nghiệp. Với ông Đào Thanh Cảnh, 82 tuổi, hơn ba chục năm lang thang ghế đá công viên, lại là một cuộc đời tự do mê ly chưa bao giờ có, một cuộc trải nghiệm mà ở những giây phút cuối cùng của chuyến bôn ba, ông nhận ra mọi quy luật của cuộc sống, và thảnh thơi quên đi những ngày quá khứ đã qua nhiều buồn tủi.

Góc Công viên 30-4 (TP HCM) chiều muộn, người ta thường thấy một cụ ông thảnh thơi lôi những chiếc cốc nhựa đựng thức ăn ra vừa thưởng thức vừa nghe chương trình thời sự chiều qua chiếc radio cũ kĩ. Mấy bạn trẻ ồn ào đi lại xung quanh, cụ lại di chuyển hết chỗ đồ đạc lỉnh kỉnh của mình sang một chiếc ghế đá khác; tiếp tục ăn bữa tối. Cụ Đào Thanh Cảnh- 82 tuổi đã sống tới nửa cuộc đời của mình như vậy khắp các công viên - ghế đá đất Sài thành.

Không thể quên ngày thơ ấu

Cụ Cảnh sinh ra đã là đứa trẻ mồ côi cha. Nghe người ta kể lại, chưa kịp bú giọt sữa nào của mẹ thì bà đã ra đi vì băng huyết. Chào đời chưa được ẵm bồng, ông đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Đứa trẻ lớn lên từng ngày trong một gia đình địa chủ giàu có, nuôi rất nhiều trẻ mồ côi dùng để làm người ở. Gọi một tiếng cha mẹ cho phải phép nhưng từ khi biết cảm nhận, đứa trẻ mồ côi ấy chỉ toàn thấy sự ghẻ lạnh.

Bị đối xử với thân phận của người hầu, tình thương duy nhất cụ Cảnh nhận được thời đó là của bà cụ già, đấng sinh thành của người cụ gọi bằng cha mẹ. Hằng ngày, bà cụ xin sữa của đứa con dâu cho hai đứa trẻ mồ côi bú mớm trong đó có cụ Cảnh. Đến tuổi học hành, bà cụ cũng bỏ tiền ra cho cụ Cảnh và người em trai chung số phận ấy học qua bậc tiểu học. Cũng vừa lúc bà cụ qua đời, đứa trẻ sống kiếp đầy tớ, bị đối xử và bóc lột một cách tàn nhẫn từ người được gọi là cha và mẹ. Năm đó cụ Cảnh mới tròn 13 tuổi.

Năm 15 tuổi, ông Cảnh buộc phải lấy vợ do cha mẹ nuôi cưỡng ép. Ngày đó lấy vợ sinh con không phải là hạnh phúc, là tình yêu mà là lấy thêm người về nhà lao động, phục dịch cho gia chủ. Năm 19 tuổi, đoạn tuyệt gia đình, cụ Cảnh chặt đứt ngón tay út của mình, bỏ lại cuộc sống gượng ép, từ Hải Phòng khăn gói lên Hà Nội kiếm sống bằng nghề thợ may ở phố Hàng Bông.

Công việc may vá qua ngày kiếm tiền tạo dựng cuộc sống, nuôi người vợ bệnh tật và đứa con nhỏ. Đến năm 1982 khi nhà may đóng cửa cũng là lúc người vợ qua đời, đứa con gái đã yên bề gia thất. Bỏ hết tất cả, với bản tính mê phiêu du, cụ vào Sài Gòn kiếm sống và bắt đầu cuộc sống lang thang không nhà cửa không ai có thể tưởng tượng được.

Xin ngủ dưới vòm cây

Thời gian trôi đi như thoi dệt, ban ngày cụ làm việc trong các quán ăn, xưởng mộc, xưởng may… bất cứ nơi đâu có việc. Đêm đến là những cuộc picnic trên đường phố Sài Gòn, ấy thế mà ngót ngét đã 30 năm. Ông già bà lão sống nhàn cư vẫn thường kêu than vì chứng mất ngủ, còn đối với cụ Cảnh thì đó chẳng phải là vấn đề.

Cứ mệt là cụ ngồi tựa đầu vào ghế đá ngủ không kể sáng chiều. Có ngày ngủ 1,2 tiếng cũng khỏe, ngày nào mệt hơn thì chống tay lên ghế đá ngủ luôn 5,6 tiếng. Cụ cười vui vẻ: "Cuộc sống này là niềm vui của tôi, chẳng có gì là khổ cực cả". Cái niềm vui sống của một kẻ ngao du khắp nơi như cụ chính là biết được rằng trên đời có rất nhiều những tấm lòng nhân hậu.

Hồi mới vào Sài Gòn được 5 năm, đi làm kiếm tiền cũng vất vả, tuổi lại già yếu, nhưng đi đến đâu người ta cũng đối xử với cụ đàng hoàng. Có một cặp vợ chồng già cai quản cả một trang trại lớn ở ngoại ô Sài Gòn cũng đề nghị cụ về ở nhà họ, coi sóc vườn tược giúp.

Cơm ăn ngày 3 bữa, quần áo mới sạch, những thứ mà từ bé đến giờ ông mơ ước mà không bao giờ có. Ngặt nỗi, khu vườn có rộng mênh mông cỡ nào, cuộc sống có đủ đầy cỡ nào cũng không thể kìm chân được cụ Cảnh với một tâm hồn phóng khoáng. Cụ Cảnh lại rời gia đình kia, về lại Sài Gòn và quyết định lấy hiên nhà trống, ghế đá quen làm ngôi nhà của mình trong những ngày tháng tuổi già.

Chỉ có ở dưới tán cây, trên đường phố, được làm những việc cụ yêu thích, nhìn cuộc đời với những thay đổi mới là niềm hạnh phúc đích thực của cụ Cảnh. Đã có nhiều lần người ta bắt cụ vào trại dưỡng lão dành cho người già cơ nhỡ, nhưng với cụ cuộc sống tập trung ở đó bức bách và tù túng. Hàng ngày trên ghế đá, cụ nghe đài. Chiếc đài radio nhỏ cụ gom tiền mua được ở một cửa hàng đồ cũ trở thành người bạn thân thiết nhất, là thông tin là kiến thức mà cụ Cảnh thường cập nhật.

Niềm an ủi từ những người xa lạ

Với cái tuổi bát thập, cụ biết mình là người may mắn được sống thọ, và còn may mắn được trẻ lâu, sau gần 30 năm lao động chắt góp, cụ trữ cho mình một chút tiền nhỏ phòng thân. Chủ yếu là tiền phục vụ ở một tiệm cơm nhỏ, còn lại là từ những người đối tốt với cụ. Cụ nhớ rõ từng người đã cưu mang, từ chị công nhân môi trường, đến anh bán dạo; từ ông già thảnh thơi tập thể dục ở góc công viên, đến bà lão bán vé số.

Giờ đi dọc những con đường Sài Gòn quanh khu nhà thờ Đức Bà, ai cũng nhận ra cu å- ông lão nói giọng Bắc thân thiện. May mắn cho cụ, chỉ vì sống ngoài trời che đầu bằng chiếc mũ cũ sờn nên thỉnh thoảng cụ mắc chứng cảm nắng, cảm lạnh. Có lần cảm nặng cụ nằm sõng soài trên ghế đá góc công viên bất tỉnh, ấy vậy mà tỉnh dậy đã thấy một cậu thanh niên trẻ đi chiếc xe máy rất đẹp mớm cháo nóng với tía tô cho mình.

Có một lần thì chị làm ở cửa hàng xăng dầu kế bên công viên dìu vào tận bệnh viên. Cụ hỏi ra mới biết nhà chị ấy cũng chẳng dư giả gì, ấy vậy mà vẫn bỏ tiền ra chăm người lạ. 30 năm ở đất Sài Gòn có lẽ đến hàng nghìn người đối xử tốt với cụ, cụ chưa quên một ai, câu chuyện về lòng tốt của những người xa lạ cứ kéo dài mãi dường như không dứt.

Có lẽ cũng chính vì lý do đó, nên đến tuổi xưa nay hiếm này, cụ không sợ khi nói đến cái chết. Cụ sẽ ra đi thanh thản dưới một tán cây hay một bóng râm nào đó, mang theo mình tất cả những lòng tốt của người đời là niềm an ủi về bên kia thế giới. Ngồi trầm tư bên ghế đá những hồi ức quá khứ trở lại với cụ là kỉ niệm về cậu em trai chung hoàn cảnh mà cụ từng bồng bế khi ở nhà bố mẹ nuôi.

Cụ Cảnh còn nhớ như in hình ảnh và nụ cười của người em ấy, và những dòng nhắn nhủ an ủi tâm hồn mồ côi của cụ: " Em gửi đến anh một dòng tình cảm thành thực, xưa ở nhà cũng không có ai yêu quý và đối xử với em tốt như anh".

Hiện tại, cả nước có khoảng 800.000 người già có nhu cầu được chăm sóc, nhưng thực tế, số nhà dưỡng lão chưa nhiều, mỗi tỉnh chỉ có 1 - 3 trung tâm. Hiện TP. HCM chỉ có 4 trung tâm chuyên nuôi dưỡng người già lang thang cơ nhỡ và tàn tật do ngân sách tài trợ. Những người như cụ Cảnh sẽ ít có cơ hội được vào trung tâm, chưa kể đó không phải là nơi cụ mong muốn...

Huyền Cẩm
.
.
.