Người đàn ông với tình yêu kỳ diệu

Chủ Nhật, 02/09/2012, 15:05
"Lần đó, em tìm về Tân Kỳ, Nghệ An. Chị có tưởng tượng nổi không, trước mắt em là một cô gái bé nhỏ, gầy guộc. Phương chỉ còn hơn 20kg, cơ thể gần như héo lại. Em không kìm lòng mình được. Khi mình yêu một người nào đó và mình cần người đó trong cuộc đời, thì sẽ vượt qua được mọi khó khăn, trở ngại. Và em nghĩ cuộc đời em sẽ gắn bó với người con gái này. Em đã ở lại Tân Kỳ không một chút đắn đo". Chín kể, giọng anh nghèn nghẹn.

Lá thư tuyệt tình và bước ngoặt của số phận

Lần đó, Trương Văn Chín đã quyết định ở lại chăm sóc người con gái mà anh yêu thương, dù lúc đó, bệnh tình của Phương rất nặng. Anh nói, có một điều gì đó còn lớn hơn cả tình yêu, đó là  yêu thương, là mong muốn được chia sẻ, là nhu cầu được chăm sóc và ở bên cạnh người mình yêu.

Tôi đã ngồi rất lâu trong căn phòng nhỏ của vợ chồng Phương - Chín, nhìn anh loay hoay bên cạnh Phương bằng những cử chỉ chăm sóc, ân cần. Đôi mắt ấy, ánh nhìn ấy, bàn tay ấy, đã hơn 9 năm trời, vẫn yêu thương và tha thiết như vậy. Có lẽ, một ai đó nghe câu chuyện của anh sẽ hoài nghi.

Ngôi nhà mơ ước của vợ chồng Phương - Chín.

Nhưng nhiều người cho rằng, những người như Chín đâu có hiếm trong xã hội này. Nhưng nếu họ tận mắt nhìn anh chăm sóc vợ mình, mới cảm nhận được tình yêu và sự chân thành của Chín. Có một ngọn lửa đã được nhóm lên giữa mùa đông khắc nghiệt. Người nhóm lên ngọn lửa và kiên nhẫn duy trì hơi ấm của nó trong tiết trời khắc nghiệt đó chính là người đàn ông có vóc người bé nhỏ, nhưng tâm hồn thì vô cùng rộng lớn, Trương Văn Chín.

Cơ thể bé nhỏ, gầy guộc hơn 9 năm trời nằm liệt trên giường bệnh của Phương không một vết lở loét, trầy da. Trông Phương không có cảm giác của người bị bệnh tật. Đôi chân teo tóp của Phương hàng ngày được Chín xoa bóp, nên sạch sẽ, thơm tho. Hàng ngày, Chín tự tay làm vệ sinh cho Phương. Hai ngày một lần, anh nấu nước ấm, bế vợ ra phòng tắm. Thân thuộc đến nỗi, anh cảm nhận được từng thay đổi nhỏ trên cơ thể héo hon của vợ mình. Từng hơi thở gấp.

Từng dấu hiệu bất thường trong bụng. Anh đều lắng nghe và cảm nhận nó như chính cơ thể mình. Chín kể, lần Phương có thai, lúc đó, Chín đang xoa bóp cho Phương, anh cảm nhận thấy cơ thể cô có gì bất thường. Chín cảm giác như có một khối u trong bụng vợ. Hai người không hề nghĩ đến niềm hạnh phúc được làm bố, làm mẹ. Chín nhất quyết đưa Phương đi khám. Lần đó, Phương có thai…

Thế nhưng, để có được sự bình yên và hạnh phúc giản dị hôm nay, Chín cũng đã trải qua bao biến động, bao dằn vặt, đau khổ khi tận mắt chứng kiến người yêu từng phút đấu tranh giữa sự sống và cái chết. Khi Phương biết mình trở thành người tàn phế, cô đã viết thư chia tay Chín. Lòng đau như cắt, nhưng tâm hồn cô thực sự thanh thản, bởi nghĩ rằng Chín sẽ gặp được người con gái lành lặn, khỏe mạnh hơn mình. Bức thư đó đến bây giờ, Chín vẫn nhớ từng dòng.

"Anh yêu thương, có lẽ lúc anh nhận được những dòng tâm sự này thì em đã xa hàng ngàn cây số. Em mong anh đừng buồn và đừng trách em. Chính vì yêu anh nên em mong anh hãy quên em đi để đi tìm cho mình một tình yêu mới, vì em không thể mang lại hạnh phúc cho anh và em cũng không thể làm được cô dâu xinh xắn trong ngày cưới nữa".

Đưa vợ đi dạo.

Chín cầm lá thư, lặng người đi rất lâu. Chín một mình bươn bã kiếm sống. Nhà Chín ở tận Tiền Giang xa xôi. Bố mẹ mất sớm. Định mệnh đã khiến chàng trai này gặp và yêu Nguyễn Thị Phương. Ngày đó, Phương mới chỉ 20 tuổi, một cô gái trong trẻo, hồn nhiên, và yêu đời. Phương viết lá thư đó khi hai người đang ở xa nhau. Phương tuyệt vọng và quyết định trở về quê. Cô không muốn người đàn ông mà mình yêu thương phải chịu những hệ lụy. Dù viết mà lòng đau đớn. Còn với Chín, có thể đó cũng là một cơ hội để anh tìm được hạnh phúc khác.

Và người đời cũng chẳng ai oán trách anh. Nhưng Chín đã không thể làm như vậy. Anh bị ám ảnh rất nhiều. Vì lòng tốt ư, nếu chỉ là lòng tốt và tình thương thì anh không thể vứt bỏ tất cả lặn lội vào tận vùng đất khắc nghiệt đó để tìm về một người con gái bị tàn phế. Có điều gì đó, là tình yêu, và lớn hơn cả tình yêu. Anh vác ba lô, lên tàu. Chuyến đi đó đã thay đổi cuộc đời, số phận của Chín.

"Tôi cần cô ấy trong cuộc đời"

Chỉ giản dị vậy thôi, Chín đã cùng Phương đi qua những tháng ngày cực nhọc. Phương nhớ lại,  khi Chín và mẹ mang cô lên Sài Gòn, gặp Giáo sư Ru Nô, tìm một cơ hội cuối cùng cho căn bệnh u máu tủy sống. Tiền trong túi đã cạn. Chín xin đi làm cho một nhà hàng từ 4 giờ sáng đến 11 giờ đêm để lấy tiền chữa bệnh cho người yêu. Người gầy rộc đi. Lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi. Phương xót xa nhìn người yêu vất vả vì mình. Sáu tháng lang thang ở Sài Gòn, Chín vất vả, cực nhọc. Nhưng rồi, sự thật phũ phàng. Phương đã bị liệt hoàn toàn.

Chín kể, lần đó, anh đã không giấu được nỗi đau của mình. Vốn là người trầm tĩnh, hiền lành, Chín rất ít khi bộc lộ cảm xúc của mình. Nhưng lần đó, anh đã khóc. Nhìn Phương héo hon trong tuyệt vọng, Chín càng tự nhủ, mình phải mạnh mẽ đứng lên. Và sức mạnh, lòng dũng cảm của Chín đã truyền hơi ấm sang cơ thể lạnh giá của Phương. "Anh đã quyết định rồi, cho dù em thế nào thì anh vẫn luôn ở bên em. Cuộc đời của em đã phải chịu quá nhiều đau khổ và thiệt thòi. Từ nay anh sẽ bù đắp và chia sẻ với em phần đời còn lại. Ngày nào em còn sống thì ngày đó, anh còn ở bên chăm sóc em".

Và trong hành trình trở về quê lần đó của Phương vào năm 2004, có Chín. "Tôi nắm tay anh mà nước mắt rưng rưng. Những giọt nước mắt đau khổ và cả những giọt nước mắt hạnh phúc lại tuôn ra, lăn tròn trên đôi gò má hốc hác của tôi. Bởi trong bất hạnh tôi vẫn có được những niềm hạnh phúc. Trong khổ đau cay đắng của cuộc đời, tôi vẫn có được những giây phút ngọt ngào". Phương đã viết như vậy trong nhật ký của mình.

Tình yêu đã làm hồi sinh một cơ thể bệnh tật, héo mòn. Nhưng Phương yêu Chín. Cô nhìn thấy tương lai mịt mờ phía trước. Và tìm cách từ chối, thậm chí, còn giấu con dao lam định tự kết liễu cuộc đời mình. Nhưng Chín kiên quyết, thậm chí van xin: "Xin em đừng xua đuổi anh, đừng bắt anh phải rời xa em, cho dù cực khổ đến mấy, thì anh cũng chịu được. Chỉ cần anh nhìn thấy em vui là anh cũng cảm thấy hạnh phúc lắm rồi. Anh không thể rời xa em được… Em hãy cố gắng ăn uống, cho nhanh khỏe để sống với anh. Nếu em có mệnh hệ gì thì làm sao anh sống được. Anh rất cần em. Mặc dù chúng ta chưa làm hôn lễ, nhưng trong anh, em mãi là người vợ mà anh yêu thương".

Tấm chân tình của Chín đã vực Phương đứng dậy. Nhiều hàng xóm cảm phục trước tấm lòng hiếm có của chàng trai miền Tây. Nhưng không ít người dị nghị, hoài nghi, họ không tin trên cuộc đời lại có một tình yêu như vậy. Có người cho rằng Chín là một người điên, hâm, dở hơi, thần kinh có vấn đề mới yêu mù quáng như vậy. Thậm chí, nhiều kẻ còn đồn Chín là một tên tội phạm nguy hiểm đang bị truy nã, về với Phương là để tìm nơi ẩn náu. Tôi hỏi anh, có lúc nào anh mỏi mệt trước áp lực của dư luận nơi đất khách quê người. "Em đã lựa chọn mà, và em không ân hận với lựa chọn của mình". Chín cười. Nụ cười lành không một vết xước.

Hạnh phúc giản dị.

Cuộc sống của gia đình Phương khốn khó. Chín lăn ra lao động, quần quật suốt ngày, mang thêm cả nghề trồng cây về cho gia đình Phương tăng thêm thu nhập cho gia đình. Thế nhưng, Chín không hề vắng bóng trong từng bữa ăn của Phương. Tự tay anh nấu những món Phương thích, dù chỉ đạm bạc thôi, như con tép, bát canh rau. Rồi cũng tự Chín đơm từng bát cơm và đỡ Phương dậy bón cho cô.

Nhưng có một ký ức thật đẹp trong quãng sống của hai người. Đó là đám cưới. Năm đó, miền Bắc rét như cắt da cắt thịt. Trời mưa rỉ rích. Nhiều người lo cho sức khỏe của Phương không trụ lại được với thời tiết, chứ nói gì đến cưới xin. Thế mà hôm rước dâu, trời bừng nắng. Chín đứng cạnh vợ, trong niềm hạnh phúc khó tả. Đúng 3 năm 6 tháng anh về quê Phương, gắn bó hơn cả nghĩa vợ chồng, nhưng Chín và Phương chưa từng là vợ chồng đúng nghĩa.

Tôi đọc trong cuốn tự truyện của Phương, những trang viết cảm động, đẫm nước mắt về tình yêu của Chín. Tôi muốn trích lại một đoạn, chỉ là một lát cắt nhỏ trong 9 năm trời vật lộn để giành lấy sự sống cho người mình yêu, nhưng có lẽ, chúng ta cũng thấm hiểu vì sao, một tình yêu thấu trời thấu đất của Chín - Phương đã có một kết cục tốt đẹp như ngày hôm nay. "Ai cũng khen tôi vui vẻ và khỏe mạnh. Nhưng thực ra, tôi có được điều đó là nhờ vào tình yêu của chồng tôi. Kể cả việc sắm đồ cho con, là công việc của người mẹ, nhưng tôi đã không thể làm được. Chồng tôi rất khéo trong việc mua sắm.

Khổ nhất là đại tiểu tiện, bởi tôi không tự chủ được nên phải đặt ống thông tiểu. Khi thai càng lớn, càng tụt xuống, lại chèn bàng quang, làm cho ống thông tiểu bị hở, nên nước tiểu rò rỉ ra ngoài, khiến tôi bị ướt suốt. Ngày nào tôi cũng phải tắm rửa năm, sáu lần. Có nhiều đêm, 1, 2h sáng tôi phải gọi chồng dậy thay quần áo…".

Và cứ như thế, Chín đã tiếp thêm sức mạnh cho người vợ tật nguyền, để họ có thể sống và viết tiếp câu chuyện cổ tích giữa đời sống có quá nhiều nỗi bất an này…

Khánh Linh
.
.
.