Người đi tìm hơi thở quá khứ

Thứ Hai, 10/09/2012, 14:44
Chỉ là một ông già Nam Bộ bình thường, thời trai trẻ chưa một lần được ngồi ở giảng đường đại học. Nhưng đến tuổi xế chiều, lại được trường đại học mời giảng dạy chuyên đề về cây cảnh, được Hội hoa lan cây cảnh châu Á mời tham dự hội nghị ở Singapore… Đó là ông Nguyễn Văn Ba, tức ông Ba Tín, chủ nhân vườn cây kiểng Thanh Tâm ở thị xã Tân An.

Ông Ba sinh ra ở Mỹ Tho, lớn lên và lập nghiệp ở Long An. Với diện tích 1.000m2 đất, vườn nhà ông gần như hội tụ hết những kỳ quan thế giới. Nhiều loại cây bonsai đầy tính học thuật được chăm sóc một cách điệu nghệ từ chính đôi bàn tay của ông, người đã xây đấp cắt sửa lặng lẽ cả một đời người bằng sự đam mê và cần cù của mình.

Theo sử sách để lại, cây kiểng xuất hiện ở Việt Nam vào thế kỷ thứ 12, nhưng mãi đến thế kỷ 16 mới phát triển xuống Nam Bộ. Các vị tiền nhân thời ấy sống giữa đồng bằng sông nước, tưởng nhớ đến tổ tiên Đại Việt, đến những ngọn núi đá vôi ở Hoa Lư, đến hồn thiêng Đông Đô… nên tái hiện lại trong khuôn viên gia đình một vườn cây kiểng với cảnh núi non hùng vĩ, tạo thành một quần thể thiên nhiên thu hẹp để ngắm nhìn, hoài niệm. Tưởng nhớ một thời cha ông chân trần mang gươm đi mở nước.

Nghề chơi nào cũng lắm công phu. Song nghệ thuật cây kiểng và hòn non bộ có thể xem là kỳ công nhất. Đây không chỉ là thú vui tao nhã mà còn hàm ý giáo dục người đời, hướng con người đến cái thiện, giữ gìn gia phong và hồn quốc túy. Mỗi loài cây, mỗi loại đá tượng trưng cho các nhân vật, với những học thuyết đã từng chấn động một thời. Cây kiểng đúng nghĩa là các loại cây mang dáng cổ thụ, sần sùi với tuổi thọ hàng trăm năm, được hãm trong các chậu nhỏ tạo thành sự hùng vĩ của thiên nhiên thu hẹp. Đối với kiểng thế, người ta thường ghép ý nghĩa của nhánh, thân cây với đạo đức xã hội Á Đông. Một xã hội điều hành tôn ti trật tự quốc gia bằng lễ giáo hơn là pháp luật. Vì thế một người chơi cây kiểng sành điệu khi nhìn vào dáng đứng và cách bố trí cảnh quan trong vườn, họ có thể đoán biết ít nhiều về gia thế và lịch sử dòng tộc của chủ nhân.

Ông Nguyễn Văn Ba.

Thông thường một cây kiểng có giá trị phải hội đủ 4 yếu tố: Nhất hình, nhì thế, tam chi, tứ diệp tượng trưng cho thiên đạo, nhân đạo và đạo làm con. Theo ông Tín, cây kiểng được uốn sửa thành 3 tầng, bốn đoạn thân và năm chùm nhánh lá để tượng trưng cho nam nhi là Tam Cương, Ngũ Thường và nữ nhi là Tam Tòng Tứ đức. Trong đó có các tầng đoạn ngã theo 4 hướng gọi là tứ trụ, theo luật âm dương thể hiện cho vũ trụ và nhân sinh. Về chủng loại cây cũng mang ngụ ý. Cây mai được uốn theo hình chữ Nữ, cây tùng được uốn theo hình chữ Thập. Nên người đời thường nói: “Vô nữ bất thành mai, vô thập bất thành tùng”.

Ngoài những quy tắc về đạo đức, cây kiểng còn phải được tạo dáng theo các thế như: thăng long – giáng long, nghinh sơn – chiếu thủy, nghinh sơn – yểm địa hoặc thế chân nôm rễ trồi lên mặt đất. Những thuật ngữ của thế cây được sử dụng bằng từ Hán Việt để minh chứng bằng nghĩa tượng hình mang nặng màu sắc tôn sư trọng đạo. Đó cũng là một cách giải thích những người Á Đông thường không hợp tác lâu dài với những người mà nhà riêng của họ không có bàn thờ tổ tiên. Họ cho rằng, ngay cả ông bà bố mẹ của họ không được tôn kính trong khi đối tác chỉ là khách hàng.

Việc xây đắp hòn non bộ phải bằng đá vôi, tạo ra 3 ngọn núi ghép lại thành chữ sơn. Trong núi có hang động, thác nước, có cây lá um tùm và có người đang ngồi tĩnh tuệ thể hiện sự sinh tồn của vũ trụ. Nhưng trong quá trình tạo dáng, nhiều nghệ nhân chỉ cần dựng lên một ngọn núi cheo leo cũng đủ đẹp. Đôi khi ngọn núi nhô ra một tảng đá nhỏ gọi là huyền nhai. Muốn thưởng thức vẻ đẹp của nó, người ta có câu: “Huyền nhai tán thủ, tử hậu tái tố” có nghĩa là: có leo lên ngọn đá treo, buông tay rơi xuống chết, sau đó sống lại mới thấy hết vẻ đẹp kỳ bí của nó.

Trong giai đoạn giao thời hiện nay, một số người trở nên giàu có một cách không chính danh, trong khi bề dày của gia tộc không rõ nét cộng với sự hiểu biết về văn hóa và nghệ thuật cây cảnh chỉ dừng lại ở mức độ cảm tính. Vì thế họ dùng vườn cây kiểng để đánh bóng gia chủ, các đại gia này đã đầu tư tiền tỷ để tậu một khu kiểng thế với hòn non bộ đồ sộ giữa vườn, mục đích chỉ để tô vẽ thêm sự bề thế cho ngôi biệt thự đắt tiền, ngầm thông báo thế lực và sự giàu có của mình hơn là nhận diện một quần thể xã hội. Vì vậy, những thế cây đại diện cho các bậc hiền sĩ được sắp xếp chung với các đẳng cấp thấp, hoặc đặt các loại cây này ở một góc vườn hoang vắng, thậm chí là nơi để phóng uế. Thay vào đó, những loại cây tài lộc được xếp đầu bảng đặt ngay trước cổng nhà. Điều ấy đã cho thấy tiền bạc lợi lộc đi trước đạo đức và trí tuệ.

Thông qua hình ảnh ấy có thể xác định một sự thật rõ ràng là đồng tiền không phải là tất cả. Nếu chỉ sống bằng tiền mà không có trí tuệ chỉ làm người nô lệ cho sức mạnh vật chất, cả đời chỉ là người vô cảm tự mình đánh mất nhân tính. Với hệ quả giáo dục của gia đình dựa trên thế lực, vô tình đã biến con cháu họ trở thành một hội chứng ích kỷ, ăn chơi sa đọa nhưng đầy uy quyền. Những “cô chiêu cậu ấm” thừa tiền thiếu chữ ấy đã và đang trở thành một gánh nặng cho xã hội. Trong những khu vườn bạc tỷ này, những hình ảnh: Nhất hình, nhì thế, tam chi, tứ diệp là một tên gọi mơ hồ gì đó xa lắc trong quá khứ. Những tiếng nói thì thầm của nghệ nhân bình phẩm dòng đời thông qua hình tượng thế cây đã dần dần mất đi nhường chỗ cho những tiếng gầm gừ của đàn chó cao to hung hãn như muốn nuốt chửng người xem.

Tôi đến vườn cây kiểng của ông Ba Tín tại thị xã Long An vào buổi sáng. Những tia nắng ban mai xuyên qua rặng dừa thành những chòm sáng lung linh di động, làm rực lên khu vườn của ông. Chủ nhân là một ông già hiếu khách, cao ráo, tóc đã bạc phơ, tuổi đã bát tuần với những mẩu chuyện về cây và người đầy tính học thuật của triết học phương Đông. Ông như một từ điển sống, một người thầy trầm lặng. Nếu như ông địa đang đứng cầm cây quạt mỉm cười chào đón khách ở cổng chính, biểu tượng cho sự tốt bụng vui vẻ chân chất, thì ông Ba hiện thân của một ông thổ công miệt vườn. Ông chỉ khác ông thổ địa một điều là được đi nhiều nước trên thế giới, được gặp gỡ trao đổi với nhiều ông địa khác, cộng thêm kiến thức sâu rộng từng trải được chắt lọc hệ thống của hai nền văn minh Đông Tây giữa tâm linh và hiện hữu.

Đến vườn kiểng nhà ông, khách lữ hành sẽ hết sức ngỡ ngàng về sự bố cục phối cảnh tài hoa, vừa tương phản lại hài hòa. Phía mặt trời mọc là tượng voi phục, tượng trưng cho sức mạnh tiềm tàng của phương Đông. Hướng Tây là tượng sư tử ngồi biểu thị uy quyền cho lãnh địa ánh sáng và bóng tối. Bên phải là chùa Một Cột biểu tượng cho nền văn minh Phật giáo của Đại Việt, bên trái là các tháp Chăm cổ kính rêu phong… Đi trong vườn tĩnh lặng giữa hai hàng cây kiểng như cần thăng, kim quýt, trắc bách diệp, tùng, mai, đại lộc, ngô đồng… mới thấy một không gian cây lá quần tụ được bố trí theo đẳng cấp xã hội, chứng tỏ sự am hiểu người đời của chủ nhân. Có những chậu cảnh được khách thương hồ ngã giá đến 35 triệu đồng nhưng ông từ chối.

Ông nói: “Sống để làm nơi giao lưu đàm đạo với bạn bè, chết để lại cho con cháu vui chơi, đồng thời nhắc nhở cho dòng tộc biết ngôn ngữ của loài cây, biết mình thuộc hạng người nào trong xã hội để tồn tại”. Ông chỉ cho tôi xem bức phù điêu bát thố, nếu chỉ là một người xem bình thường, đấy chỉ là tám con bạch mã đang phi nước đại. Nhưng thực ra đó là một bài học về đạo lý và trách nhiệm của một gia đình, dòng tộc. Trên đường thiên lý, bốn tiểu mã đang tung vó hí hửng tượng trưng cho lớp trẻ, hai trung mã đang chạy sát vào nhau, cùng nhìn một hướng tượng trưng cho đồng vợ đồng chồng. Cuối cùng là một đôi ngựa già tượng trưng cho ông bà, những bậc từng trải đầy kinh nghiệm, đang kiểm soát hành trình của thế hệ con và cháu.

Bao bọc xung quanh vườn là các kỳ quan thế giới thu nhỏ do chính tay ông xây đắp: Phú sĩ sơn lặng lẽ trong tuyết, tháp Effel tráng lệ, Kim tự tháp hùng vĩ, đền Angkor của Cao Miên cổ kính… Vạn Lý Trường Thành tượng trưng cho sức mạnh dời non lấp bể của con người. Triều đại nhà Tần nay đã lùi vào dĩ vãng, nhưng nhìn những bức tường rêu phong ẩn mình ngoằn ngoèo trên những đồi núi đá, người ta có thể nghe văng vẳng đâu đây tiếng gào thét của người xưa hay tiếng rên rỉ của thảo dân trong từng viên đá nhuộm máu…

Vườn cây kiểng của ông Ba Tín, ngoài hoa lá thiên nhiên, hồn thiêng sông núi thu hẹp, còn là nơi giao lưu hội tụ của các nghệ nhân, của khách thương hồ, những người đã có một thời trai trẻ oanh liệt. Họ đến đây thông qua cây cỏ núi sông để bình phẩm, để hàn huyên tâm sự. Và đã trở thành cái hẹn vào ngày chủ nhật cuối năm. Những người chơi Bonsai từ miền Tây, miền Đông Nam Bộ lần lượt mang những kiệt tác của mình đến vườn ông để ngắm cảnh, đặt tên, bình cây, bình đời…

Nếu có dịp đến tỉnh Long An, bạn hãy ghé thăm vườn cây kiểng Thanh Tâm, bạn sẽ thấy cuộc đời này còn biết bao nhiêu điều chưa khám phá. Bạn sẽ nghe hơi thở của quá khứ, những lời thì thầm của đất. Nơi ấy có một ông già tóc bạc phơ đang mỉm cười chào đón và giải thích về cây và người một cách chân tình. Tưởng chừng như con người này mình từng gặp đâu đó ít nhất hai lần trong đời. Phải chăng đó là một danh nhân văn hóa làng, người đang đi tìm hơi thở của quá khứ để nhắc nhở thế hệ mai sau hãy giữ mình, giữ hồn thiêng sông núi của cha ông và tự biết mình là ai để tồn tại

Trần Đại
.
.
.