Người dùng bút mực “kết nối thế giới”

Thứ Năm, 30/06/2016, 08:30
Ông là Dương Văn Ngộ, 86 tuổi. Cho đến nay, có thể khẳng định ông là người duy nhất và cuối cùng ở TP HCM vẫn còn sử dụng bút mực để viết thư thuê bằng hai thứ tiếng Anh, Pháp cho người Việt Nam muốn gửi đi nước ngoài, viết lưu niệm trên danh thiếp cho những du khách từ khắp nơi trên thế giới đến tham quan Bưu điện trung tâm TP HCM. 


Ông viết thư thuê không phải vì cuộc sống mưu sinh (vì thù lao chỉ từ 5-15 ngàn đồng/1 trang giấy A4) mà vì muốn giúp người, vì cảm thấy mình phải có trách nhiệm đối với những người khó khăn và vì thỏa mãn niềm đam mê… Với cách viết độc đáo của mình, ông đã được một du khách người Đức đặt cho biệt danh: "Người dùng ngòi bút mực kết nối thế giới".

1.Tôi gặp ông vào đầu giờ chiều một ngày giữa tháng 6-2016. Trời  se lạnh bởi cơn mưa rào với gió lớn kéo dài hàng giờ liền trước đó, nhưng ở hàng ghế gỗ đặt gần cuối khán phòng Bưu điện TP Hồ Chí Minh, sức nóng ngày càng tăng lên bởi có hàng chục du khách khắp các nước trên thế giới đang đứng vây quanh một người đàn ông nhỏ thó, tóc bạc phơ để chờ đến lượt được ông viết những dòng chữ lưu niệm bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp bằng bút mực trên những tấm danh thiếp mà họ mới mua để giữ làm kỷ niệm cho một chuyến đi du lịch đầy ấn tượng.

Ông Ngộ đang dịch thư cho một người có con ở Pháp.

Mặc dù đã có hẹn từ trước nhưng thấy có đông khách Tây đứng vây quanh, tôi lặng lẽ kéo chiếc ghế gỗ ngồi chăm chú xem ông nhịp nhàng nâng chiếc kính lúp soi vào những mẩu giấy nhỏ có ghi tên của du khách một cách cẩn thận, rồi hạ xuống và cầm cây bút mực phăng những dòng chữ lưu niệm.

Hơn một giờ đồng hồ trôi qua, tốp khách Tây ai nấy đều đã có được điều mình muốn, họ cảm ơn nồng hậu, tặng ông những đồng tiền 1 hoặc 2USD rồi tạm biệt lên đường. Những tưởng đã đến lượt mình được hỏi chuyện ông thì ngay tức khắc lại phải nhường thời gian cho một tốp du khách khác.

Ngước cặp kính lão đã bị trễ xuống tận sống mũi, ông chậm rãi quay sang tôi bảo: "Mọi khi khách thường đông vào buổi sáng, nhưng hôm nay chắc do trời mưa nên lại đông vào buổi chiều. Chịu khó đợi bác chút nhé, xong rồi bác cháu ta tha hồ hàn huyên…".

Nói rồi ông lại cúi xuống bàn cặm cụi dịch rồi ghi những dòng chữ lưu niệm. Mãi đến 15h30 ông mới xong việc, nhưng đây lại là thời gian theo quy định của riêng ông là trở về với gia đình để dành chút thời gian chăm chút cho người vợ (năm nay cũng 86 tuổi) đang bị bệnh phải nằm một chỗ, và còn đỡ đần cho người con gái là giáo viên chút việc nhà nên ông bảo tôi bớt chút thời gian đi cùng để nghe ông kể chuyện.

Theo lời kể của ông Ngộ, ông sinh năm 1930 tại khu Phú Lâm (nay là quận 6, TP Hồ Chí Minh) trong gia đình có cha làm nghề thợ nguội, còn mẹ không có việc làm nên tìm đến những kho hàng lấy bao bố rách về vá lại kiếm tiền phụ giúp cha ông nuôi con.

Ngày ấy, tuy gia đình thuộc diện nghèo túng, nhưng với truyền thống hiếu học nên thuở nhỏ tất cả các anh chị em của ông đều được cắp sách đến trường. Thương cha mẹ phải quanh năm còng lưng kiếm gạo cho đàn con nhỏ, năm 1946, khi vừa học xong đệ tam (hết cấp 2 bây giờ), ông xin phép được nghỉ học vào làm kho hàng của ngành bưu điện (lúc ấy vừa thu hồi từ Pháp).

Lúc đầu ông xin được làm bốc vác và sắp xếp các kiện thư từ trong kho cho ngay hàng thẳng lối, nhưng chỉ ít ngày sau, người phụ trách kho hàng biết ông đọc và viết được tiếng Pháp nên đã xếp cho ông làm công việc phân loại các gói tài liệu bằng tiếng Pháp.

Sau hai năm miệt mài làm việc, năm 1948 ông được đề cử dự tuyển vào làm nhân viên chính thức (vì lúc này ông mới đủ 18 tuổi).Sau kỳ thi ấy ông đã trúng tuyển hạng ưu.Đến thời Mỹ nhảy vào thay thế Pháp, để phục vụ yêu cầu mới của ngành Bưu điện, ông Ngộ đã được khuyến khích học thêm tiếng Anh.Với sự kiên trì của mình, chỉ một năm sau ngày tự đi học, ông đã có thể đọc, viết thông thạo.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông được điều động ra công tác tại Bưu điện trung tâm TP Hồ Chí Minh  nhận nhiệm vụ mới với tên gọi tuyển thư. Với nhiệm vụ này, hàng ngày ông cùng các đồng nghiệp tuyển lựa hàng ngàn thư từ các loại của những người xa xứ từ khắp các nước trên thế giới gửi về cho thân nhân ở Việt Nam. Ngoài ra, với khả năng đọc, viết thông thạo hai thứ tiếng Anh, Pháp, ông còn được lãnh đạo bưu điện giao cho dịch những văn bản quan trọng và ông thường  hoàn thành công việc một cách xuất sắc.

Ông Dương Văn Ngộ.

2.Sau 44 năm gắn bó với ngành Bưu điện, năm 1990 ông đã được nghỉ hưu để trở về với gia đình, người thân, nhưng bước ngoặt mới lại đến. Khi ấy tại Bưu điện trung tâm TP Hồ Chí Minh thường xuyên có nhiều người Việt Nam từ khắp các tỉnh thành đến tìm người đọc giúp thư tín của người thân từ nước ngoài gửi về. Họ cũng muốn viết những bức thư hồi âm nhưng không biết tiếng.

Lúc đó có rất ít người làm được việc này nên lãnh đạo Bưu điện đã đề nghị ông trong những lúc rảnh việc ra phụ giúp. Mang chuyện này về bàn với vợ và con gái lớn, ngay lập tức ông bị phản đối bởi sau hơn bốn chục năm cống hiến, họ muốn ông được nghỉ ngơi, được quây quần bên gia đình cùng vợ con và để được họ chăm sóc.

Những ngày nghỉ ở nhà, ông cảm thấy tù túng nên cứ chiều chiều, ông rủ đứa cháu ngoại ra quảng trường trước cửa Bưu điện trung tâm thành phố tiếng là tản bộ, nhưng thực chất là để ông ngắm nhìn những người khách ra vào gửi thư từ, đánh điện tín hoặc mua những tấm bưu thiếp làm quà. Một lần vào ngày cuối năm 1990, khi đang tản bộ, ông gặp một phụ nữ trạc tuổi như ông đang dò hỏi từng người khách qua đường để tìm kiếm người dịch hộ một bức thư bằng tiếng Pháp.

Nhìn dáng vẻ quê mùa, khắc khổ của người phụ nữ, ông đã động lòng rồi dắt đứa cháu nhỏ chủ động tiến lại gần.Như  tìm thấy được sự tin tưởng ở ông Ngộ, người phụ nữ không ngần ngại giãi bày: Quê bà ở tận tỉnh Bình Phước. Những năm Pháp thuộc, bà đã bị một người lính thực dân cưỡng hiếp và sau đó sinh được một đứa con trai mang hai dòng máu.

Năm 1945, khi đứa trẻ lên 2 tuổi thì cha nó hết thời hạn phục vụ trong quân đội trở về Pháp và người đàn ông ấy đã về tận quê bà bắt đứa con trai mang theo. Đằng đẵng hơn 45 năm ngóng trông, cuối cùng bà cũng nhận được bức thư cùng tấm ảnh chụp lúc con trai còn nhỏ. Khổ nỗi thư viết bằng tiếng Pháp nên bà không thể nào biết được nội dung trong thư nói gì và muốn hồi âm cũng chẳng được, hơn nữa bà cũng không biết chữ.

Nhờ mãi mà không ai dịch được, bà cầm bức thư xuống Bưu điện trung tâm Sài Gòn hy vọng sẽ kiếm được một người nào đó giúp đỡ, nhưng bưu điện vào giờ tan tầm, những người làm công tác dịch thuê cũng đã trở về nhà. Bà đành ra trước cửa hỏi những người khách qua đường với mong muốn tìm kiếm chút hy vọng.

Ông Ngộ trong lần được Chủ tịch Hội đồng châu Âu đến thăm vào năm 2012.

Không để cho người phụ nữ này chờ đợi lâu, ông ngồi bệt xuống vỉa hè dịch cẩn thận từng câu, từng chữ rồi đọc lại cho bà nghe việc anh con trai vô tình đọc được cuốn nhật ký sau ngày cha qua đời và biết được mình có mẹ là người Việt Nam nên muốn tìm cách liên lạc tìm mẹ để báo hiếu.

Cũng trong buổi chiều hôm ấy, ông Ngộ còn giúp người phụ nữ ấy liên lạc điện thoại với người con trai.Nhìn chiếc bàn điện thoại ướt đẫm nước mắt của người mẹ ấy, ông Ngộ cảm thấy như mình đã làm được một điều gì đó hữu ích. Ngay đêm hôm ấy ông về nhà thuyết phục mọi người trong gia đình để ông được làm công việc viết thư thuê giúp người, giúp đời. Rồi cứ vậy, đều đặn cứ 8h sáng các ngày từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, ông Ngộ lại xách chiếc cặp táp, bên trong đựng hai cuốn từ điển Anh, Pháp, hai chiếc kính lúp, những chiếc bút mực cùng một xấp giấy trắng ra Bưu điện trung tâm Sài Gòn viết thư thuê.

Lúc đầu, ông Ngộ chỉ viết hoặc dịch thuê cho những người Việt, nhưng lâu dần khi biết được khả năng thông thạo hai thứ tiếng Anh, Pháp, lại chỉ sử dụng bút mực để viết, ông được các du khách của nhiều nước trên thế giới tìm đến nhờ ông viết lời hay, ý đẹp trên những tấm bưu thiếp để làm kỷ niệm cho một chuyến đi du lịch.

Có lẽ do quá ấn tượng về ông Ngộ nên tháng 10 -2012, khi sang thăm Việt Nam, vị Chủ tịch Hội đồng Châu Âu đã đến Bưu điện trung tâm TP Hồ Chí Minh tìm gặp ông Ngộ.

Theo lời kể của ông Ngộ, lần ấy khi thấy một vị khách có rất nhiều người đi xung quang bảo vệ bước vào sảnh bưu điện.Nghĩ chắc họ đến làm việc nên định dọn dẹp đồ đạc về sớm thì bất ngờ vị Chủ tịch Hội đồng châu Âu tiến lại gần chào ông bằng cả hai thứ tiếng Anh và Pháp, đồng thời đề nghị ông ngồi lại để họ được trò chuyện.

Sau khi nghe vị Chủ tịch này kể lại, ông Ngộ mới biết chuyện trước đó khi cô con gái rượu của ông ấy đi du lịch đến Việt Nam đã được ông viết lưu niệm trên danh thiếp. Trước khi ông Chủ tịch có chuyến công du đến Việt Nam thì cô con gái đã dặn ông phải đến thăm một người mà cô rất kính trọng.Cũng trong lần gặp gỡ ấy ông ta đã đặt cho ông Ngộ cái biệt danh: "Người dùng ngòi bút mực kết nối thế giới".

Nói về ông Ngộ, bà Nguyễn Thị Minh Giang, một người mù ngồi bán vé số ở  trước cửa Bưu điện trung tâm thành phố chia sẻ: Hàng ngày bà đi bộ từ bên kia cầu Thị Nghè, quận Bình Thạnh sang ngồi bán vé số với hy vọng được những người qua đường mua ủng hộ để kiếm chút tiền lời mua gạo cho con ăn học.

Lúc đầu, cứ mỗi buổi chiều lại có một ông lão đến dúi vào tay bà khi thì 5 ngàn, khi hai chục. Bà đưa vé số thì ông lão không lấy, trả lại tiền thì ông bảo: "Cùng cảnh ngộ, cầm mấy đồng mua cơm ăn cho đỡ đói, lấy sức mà bán tiếp".

Lúc đó bà Giang không biết ông lão ấy là ai, cho tiền hoài để làm gì? Tuy nhiên khi hỏi những người xung quanh, bà mới biết không chỉ riêng bà mà còn nhiều người mù, người tàn tật khác cũng được ông chia sẻ những đồng tiền ít ỏi kiếm được hàng ngày từ công việc viết thư thuê. Mỗi lần muốn cảm ơn thì ông gạt phăng rồi bảo: "Khó khăn thì cùng chia sẻ với nhau để sống, có gì to tát đâu mà cảm ơn".

Chuyện về ông còn dài lắm, nhưng đồng hồ đã điểm 18h, cũng là thời gian mặc định mà người già như ông phải được nghỉ ngơi nên tôi đành phải nói lời tạm biệt. Trả lời câu hỏi của tôi trước lúc chia tay, ông nói vui: "Còn chút sức lực nào thì cống hiến bằng ấy, miễn sao mình có thể giúp ích được chút gì cho đời, cho người…".

Đức Cương
.
.
.