Người gặp lại hai mươi năm sau

Thứ Sáu, 03/04/2020, 13:51
Có những cuộc gặp vô cùng bất ngờ. Người mình mong, mong lắm một lần gặp lại, tưởng chừng mãi vời xa tăm cá bóng chim bỗng hiện lên trước mắt ta như một giấc mơ. Đúng hơn là một món quà của ai đó tặng ta trong hoàn cảnh không mấy trớ trêu thì cũng hơi hơi lạ lẫm.


Dạo ấy, tôi theo một doanh nghiệp vào thắp hương cho các liệt sĩ ở tỉnh Quảng Trị nơi nổi tiếng với nhiều dấu tích chiến tranh thời chống Mỹ. Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia đường Chín, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn...là những nơi đoàn chúng tôi đến. Giữa sáng hôm ấy, dưới bóng cây bồ đề linh thiêng (nghe đâu là tự mọc lên ôm lấy tượng đài Tổ quốc ghi công), sau khi làm lễ viếng trước hương hồn mười nghìn liệt sĩ ở Nghĩa trang Trường Sơn, đoàn chúng tôi lên xe quay ra Hà Nội. 

Đến trưa, xe chạy đến giữa Hà Tĩnh, ai cũng có vẻ đói rồi nhưng chú tài cười hề hề nói: "Các bác cố chịu một chút đi, em sẽ đưa mọi người đến quán này ngon lắm". Chưa kịp để ai lên tiếng, chú tài lại chém tiếp: "Ngon mà rẻ nhé, mọi người yên tâm đi" rồi dấn ga cho xe lao vun vút. 

Quốc lộ 1 A loang loáng trong nắng trưa, ngồi xe máy lạnh mát rượi nhưng ai cũng hình dung được cái nóng hừng hực bên ngoài. Và chắc cũng chẳng có người nào quan tâm tới tốc độ xe lúc này vì ai cũng mong đến chỗ ăn ngon mà rẻ như chú tài xế nói.

Hình ảnh đẹp về Cảnh sát giao thông (ảnh mang tính minh họa)

Tôi đang thiu thiu thì bỗng giật mình khi xe phanh lại. Mọi người nhốn nháo. Tôi mở mắt nhìn ra. Chết cha. Bên lề đường, một tốp cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, trong đó có một nữ. Chú lái xe mặt hơi tái, quay lại nói lí nhí: "Chết cha rồi, chắc bị phạt chạy quá tốc độ...".  Xem chừng không còn mấy nhuệ khí khi chém ngon mà rẻ nữa. Tôi cười cười nói với người cầm lái vĩ đại: "Đành vậy thôi, chuẩn bị tiền xuống nộp phạt đồng chí nhé.". Lái xe nhăn mặt lấy giấy tờ bước xuống, tôi cũng xuống theo. 

Sau động tác chào rất chân phương của thiếu úy cảnh sát nam, lái xe chúng tôi xuất trình giấy tờ. Thiếu úy cảnh sát nói: "Xe anh đã chạy quá tốc độ" và chuyển giấy tờ cho nữ cảnh sát mang quân hàm đại úy. Tôi bước đến, rút thẻ nhà báo ra và mỉm cười với thiếu úy cảnh sát, nhẹ nhàng nói:  "Thưa đồng chí, lỗi một phần là ở đoàn chúng tôi ạ. Vì anh em vừa đi viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn về trưa, muốn tìm đến quán ăn quen nên đã giục lái xe chạy nhanh". 

"Các bác ạ, dù lý do gì thì cũng phải làm chủ tốc độ chứ không dễ xảy ra tai nạn lắm", thiếu úy nhã nhặn nói với chúng tôi. Nữ đại úy công an nhìn vào tôi, dịu dàng nói: "Đúng thế các anh ạ, lỡ xảy ra chuyện gì không hay thì khổ nhiều người". Tôi nhìn đăm đắm vào nữ đại úy công an. Ơ kìa, gương mặt tròn tròn, đôi lúm đồng tiền như hai xoáy nước, và cặp mắt bồ câu ấy... Đây là cô gái mà tôi đã từng xôn xao hai mươi năm về trước. 

Mọi đường nét y nguyên, tuy rằng cái nét ngây thơ hồn nhiên, trong veo trong vắt của tuổi học trò không còn nữa. Đúng hơn, nó chỉ còn lưu giữ lại bâng khuâng trong hồi ức của tôi. Và tôi đã đi tìm trong suốt hai thập kỷ mưa nắng nhấp nhô kia mà chưa hề gặp. Nói thật, cũng có lúc thấp thoáng trong mơ nhưng chưa bao giờ sắc nét cả. Cô gái cũng nhìn tôi chăm chăm trước sự ngạc nhiên không đỡ nổi của thiếu úy cảnh sát và lái xe của chúng tôi:

- Ơ kìa, anh Quý! Có phải anh Quý học ở Trường cấp ba Bố Trạch đó không?

- Kìa Duyên, đúng là Duyên rồi phải không?

- Còn ai vào đây nữa, cô bé bị anh nhòm ngó ngày xưa đó.

- Trời ạ, hai mươi năm rồi, em ở đâu, làm gì mà anh chẳng biết một chút gì hết. Trốn người ta kỹ thế cơ chứ!

- Anh trốn thì có. Đi bộ đội biền biệt nơi mô mà chẳng cho ai biết chi cả...

Hai mươi năm trước, khi đi học cấp Ba, tôi ở trọ nhà Duyên. Một ngôi nhà tranh vách đất ở cái làng quê nằm bên dòng sông Gianh rộng lớn và xanh thắm. Ký ức của tôi còn lưu giữ mùi hương bưởi, hương thị trong vườn nhà Duyên. Mùi hương ấy dường như đều có ở nhiều làng quê nhưng bưởi và thị trong ký ức tỏ mờ của tôi lại gắn với tên của một thiếu nữ. Duyên! 

Duyên thua tôi hai tuổi, khi tôi học lớp mười thì em lớp tám. Tối đến, cùng chung một chiếc bàn có ngọn đèn vàng hoe và khét mùi dầu hỏa tôi và em học bài. Chiến tranh chưa kết thúc nhưng làng em  không phải là mục tiêu trọng điểm bắn phá của máy bay Mỹ nên cũng khá bình yên. Vì thế, trường cấp ba của huyện tôi mới dời về đây. Thỉnh thoảng mẹ Duyên lại mang ra cho hai đứa mấy món ăn thêm, khi thì củ khoai, bắp ngô, lúc là trái ổi, quả thị. Mẹ coi tôi như con cái trong nhà. 

Nói thêm một chút điều này, bố Duyên đang ở chiến trường B. Hai người mới có mỗi Duyên. Em học không giỏi lắm nhưng chăm. Các môn xã hội khá hơn các môn tự nhiên. Hằng tối, tôi thường giảng thêm toán, hóa, lý cho em. Trái tim của chàng trai mười bảy đã biết xao động trước dáng vẻ mảnh mai của thiếu nữ. Gọi là gì nhỉ? Yêu rồi chăng? Hình như thế mà không phải thế. 

Duyên luôn biết giữ khoảng cách với tôi, cô bé tuổi mười lăm mười sáu nào mà chẳng thế. Em nhỉ. Có hôm, ngồi học chung, bàn chân tôi vô tình chạm phải bàn chân em. Trong khoảng tối dưới gầm bàn, có bốn bàn chân khe khẽ chạm vào nhau, chẳng biết chúng nói với nhau điều gì mà tôi thấy ngọn đèn dầu rung rinh và mùi hương thị bỗng quá giang ngọn gió vào với hai đứa. Tôi nhìn em cười, thương thương pha lẫn chút ma mảnh hồn nhiên của chàng trai mới lớn. Em rút chân lại. Chỉ còn đôi bàn chân tôi độc thoại trong bóng tối vo ve tiếng muỗi. Con mèo mướp ở đâu đấy kêu lên mấy tiếng eo eo, chừng như muốn trêu tôi. 

Tôi có cảm giác nong nóng ở mặt, đứng lên, vươn vai: "Anh đi rửa mặt đây, hôm nay buồn ngủ thế cơ chứ!". Tôi nhớ, có lần em hỏi tôi: "Sau này anh Quý sẽ làm nghề gì?". Tôi nói luôn: "Anh sẽ đi bộ đội, như bố Duyên vậy". Duyên cười: "Cũng được. Thế anh Quý biết Duyên mơ làm gì không?". Tôi hí hửng: "Duyên ấy à, chắc muốn làm cô giáo chứ gì". Đôi lúm đồng tiền hiện lên trước mắt tôi: "Anh đoán sai bét. Em đấy à, em sẽ đi công an...".

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, nguyenhuuquyqb@gmail.com

Tốt nghiệp cấp ba, tôi nhập ngũ, trở thành lính Trường Sơn trong giai đoạn cuối của những năm tháng dân tộc ta xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước... Biền biệt hết miền rừng này đến vùng núi khác, vừa làm lính vừa làm thơ và được chuyển về tạp chí Văn nghệ Quân đội khi tuổi đã ngoài bốn mươi. 

Kể từ khi khoác áo lính, tôi chưa có dịp được trở lại ngôi nhà mình đã trọ học bên dòng sông Gianh. Duyên đi đâu, ở đâu, làm gì tôi cũng không hề biết. Tuy rằng, gương mặt tròn tròn, đôi lúm đồng tiền như hai xoáy nước, và cặp mắt bồ câu ấy vẫn thấp thoáng trước mắt tôi. Cùng với hương bưởi, hương thị thơm thảo theo mùa vẫn níu lại cho tôi những cảm nhận yên bình xa lắc xa lơ mà như chưa hề tạm biệt. Có lẽ nhờ Duyên, vì Duyên của tuổi trăng tròn chưa bao giờ vơi khuyết trong tâm hồn tôi chăng.

-Này nghĩ gì mà có vẻ xa vắng thế anh? Tôi sực tỉnh khi nghe Duyên nói.

-À, mà này em... Bố, mẹ bây giờ ra sao, Duyên?

Im lặng.

Tôi cầm tay em, bởi hiểu ra...Duyên để nguyên như thế, khẽ nói:

-Mẹ mất cách đây bốn năm anh ạ. Bố hi sinh ở chiến trường, phần mộ ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, nơi các anh vừa đến viếng đó.

Trời ơi, có điều gì tâm linh ở đây không nhỉ. Linh hồn bất tử của người lính vẫn theo dõi, đồng hành cùng người thân họ hay sao. Cuộc gặp gỡ này, của tôi, của em hình như là sự sắp đặt của những linh thiêng thầm lặng. Tôi ngước nhìn bầu trời. Thăm thẳm xanh như lần đầu mới thấy. Và cất tiếng gọi Duyên!

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý
.
.
.