Người già tái hôn: Chỗ dựa tinh thần hay "tình cảm" quá đà?

Thứ Ba, 02/10/2012, 10:37
Ở sườn dốc bên kia của cuộc đời khi nhu cầu về vật chất chỉ còn là thứ yếu thì nỗi sợ cô đơn, ám ảnh là người thừa bị bỏ rơi luôn hiện hữu. Đó cũng là lúc những người già cần nhất sự đồng cảm và sự yêu thương của người bạn đời. Đã có biết bao câu chuyện "tình già" cảm động, họ sẵn sàng đến với nhau, chia sẻ với nhau để những năm tháng cuối đời được ấm áp. Thế nhưng chỉ vì những vụ lợi nhỏ nhen, những định kiến tầm thường của con cái họ nói riêng và xã hội nói chung đã khiến nhiều "chuyện tình yêu" của họ bị ngăn cấm. Phản đối chuyện tái hôn của người già, có nên chăng?

Tôi chỉ mong được danh chính ngôn thuận

Mái tóc tuyệt không còn một sợi đen. Gương mặt sầu não và khi nói chuyện với chúng tôi cụ ông Nguyễn Bá Dương, sinh năm 1928 (trú tại Tân Hội, Đan Phượng, Hà Nội) cứ giọt ngắn giọt dài. Từng kinh qua trận mạc, từng trải nghiệm biết bao thăng trầm, biến cố trong cuộc sống. Nhưng có lẽ chưa khi nào ông lại thấm thía nỗi đau nhân tình thế thái như bây giờ.

Năm 1999, vợ ông đã lìa đời do mắc chứng thấp khớp. Ba người con gái khi đó cũng đã danh ai phận nấy. Một mình ông với tuổi già cô quạnh. Ngôi nhà như rộng ra, ngày như dài hơn và đêm là một nỗi ám ảnh khiếp sợ của tuổi già. Hỏi ông về người phụ nữ đang cùng ông chung sống gần mười năm qua, giọng ông bất chợt trùng hẳn xuống.

Ông bảo: "Nó cũng như là duyên nợ. Năm 1981, trong một chuyến xe từ nhà máy trở về quê, tôi vô tình gặp bà Năm (Bà Nguyễn Thị Năm, 53 tuổi, trú tại xã Thọ An, Đan Phượng, Hà Nội - PV). Khi đó bà Năm là một quân nhân vừa xuất ngũ. Hỏi ra mới biết bà ấy là người ở xã bên. Thực lòng khi đó cả tôi và bà ấy cũng có chút tình cảm quyến luyến nhau nhưng nghĩ ai cũng đã có gia đình nên mọi chuyện chỉ dừng ở đó thôi. Sau này tôi biết bà ấy và chồng đã li dị nhau vì những bất đồng trong cuộc sống".

Thương bà Năm bất hạnh ông cũng thường xuyên hỏi thăm, giúp đỡ bà. Thế nhưng tình cảm của hai người vẫn chỉ ở chừng mực giống như hai người đồng chí đồng đội giúp đỡ nhau. Chỉ đến khi vợ ông mất thì tình cảm giữa ông và bà Năm mới gắn bó hơn lên.

Thấy có người phụ nữ tốt với bố mình như vậy các con của ông cũng thấy yên lòng. Thậm chí họ còn mời bà Năm xuống ở hẳn nhà để tiện bề chăm sóc cho ông và mỗi tháng sẽ trả bà tiền như trả lương một người giúp việc.

Tình yêu đã đến lúc nào ông cũng không hay. Những tưởng sẵn việc các con đang rất cảm tình với bà Năm vì bà đã thay chúng chăm sóc ông thì việc ông nói yêu bà và muốn lấy bà làm vợ là việc đương nhiên được chúng ủng hộ. Nào ngờ, khi ông đưa ra đề xuất ấy, các con của ông đã "điên" lên. Sáu đứa cả gái lẫn rể không một đứa nào đồng ý. Thậm chí chúng còn kịch liệt phản đối. Đỉnh cao của sự phản đối ấy là khi các con của ông đã quây đánh bà Năm chảy máu đầu tại chính ngôi nhà của ông.

Năm 2003, tự tay ông đã xin giấy chứng tử của vợ và giấy giới thiệu của xã Tân Hội lên xã Thọ An để được đăng ký kết hôn với bà Năm. Khai xong đâu đấy, ký cả vào rồi thì ba đứa con của ông đùng đùng lên UBND xã Thọ An và nói rằng bố của họ bị tâm thần nên không có đủ điều kiện để kết hôn. Vì chuyện đó mà người ta phải tạm thời hoãn việc đăng ký kết hôn của ông lại.

Hỏi ông, dù gì thì tuổi cũng đã cao rồi, sao ông và bà Năm không ở vậy với nhau coi như "rổ giá cạp lại" đâu cần chi phải kết hôn làm gì cho mệt. Không ngờ ông vẫn quả quyết rằng: "Đúng là nếu ở vậy thì cũng chả sao nhưng tôi muốn mọi chuyện phải kín kẽ. Thứ nhất nếu tôi đăng ký kết hôn danh chính ngôn thuận thì thiên hạ cũng không thể dị nghị gì về chuyện của chúng tôi. Tôi quá biết khi bà ấy quyết định chung sống với tôi đã có rất nhiều người lời ra tiếng vào. Họ bảo bao người sao không sống mà lại đi sống với một ông già hơn hẳn mình mấy chục tuổi. Thứ hai, nếu tôi với bà ấy có giấy đăng ký kết hôn, có sự công nhận của luật pháp thì sau này tôi nhắm mắt xuôi tay cũng không ai có thể làm gì được bà ấy". Nói rồi ông thầm thì với tôi như thể sợ ai nghe thấy: "Tôi cũng đọc báo nhiều chị ạ, nên tôi biết chuyện con cái giết cha mẹ bây giờ cũng không phải là hiếm. Tôi cũng sợ lắm".

Ông Dương rất muốn được kết hôn để bà Năm có một danh phận.

Ông nói những thước đất nơi ông ở và những thước đất ông đã chia đều cho ba người con gái cũng không phải là của hồi môn của các cụ để lại mà do vợ chồng ông đã chắt chiu mua được. Không sinh được con trai, chỉ có ba đứa con gái nên ông cũng đã cắt đất chia đều cho cả ba và chỉ giữ lại cho mình một phần nhỏ để lấy chỗ hương hỏa sau này. Thế mà, chỉ vì một chút đất nhỏ đấy thôi các con của ông cũng lo ngày lo đêm là nó sẽ rơi vào tay người khác.

Nỗi buồn phiền lớn nhất của ông bây giờ là, ông vẫn chưa lo được cho bà Năm một danh phận. Thậm chí ông cũng không dám đưa bà Năm về chung sống ở tại ngôi nhà của mình. Để được bà ấy chăm sóc ông lại phải đi về giữa Thọ An và Tân Hội. Ông sống cùng bà ở Thọ An hầu hết các ngày trong tháng, chỉ đến khi lĩnh lương hưu vào đầu mỗi tháng ông mới lại trở về ngôi nhà của mình. Và những ngày chờ lĩnh lương ấy ông lại một mình cơm niêu nước lọ. Khi ấy ông càng thấm thía và trân trọng hơn bao giờ hết cái đoạn "tình già" mà ông đang có như bây giờ. Càng trân trọng bao nhiêu ông càng mong mỏi tạo được danh phận cho người mà ông yêu thương bấy nhiêu.

Cần sự đồng cảm và yêu thương

Đã có nhiều nghiên cứu khẳng định phần lớn người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay có cuộc sống kinh tế ổn định. Tâm trạng lớn nhất của họ là muốn gắn bó với gia đình, hòa nhập với xã hội để thấy mình sống vẫn còn ý nghĩa. Dù vậy, không phải là không có những xao xuyến, rung động nhất là với những cụ ông, cụ bà phải sống cô đơn vài năm thậm chí vài chục năm để nuôi con.

Tình yêu không giới hạn tuổi tác. Và thực tế đã chứng minh điều đó. Mới đây người ta nhắc nhiều tới trường hợp hai cụ già cùng bước sang tuổi 91 ngụ ở Bến Tre đã quyết tâm đến với nhau bỏ mặc sau lưng những rào cản từ con cái và những định kiến nghiệt ngã của xã hội. Từng ấy tuổi, dám chắc hai cụ đến với nhau không còn vì những ham muốn tầm thường mà đơn giản chỉ vì hai cụ muốn được chia sẻ cùng nhau, được trò chuyện cùng nhau để vợi bớt nỗi cô đơn và tìm chút ấm áp cho những ngày tháng còn lại.

Hay chuyện tình đẹp như cổ tích của cụ ông Tống Văn Dinh, 74 tuổi (Hà Nội) với người đàn bà nhặt rác. Bỏ nhà cao cửa rộng để lang thang cùng người phụ nữ mình yêu thương nay đây mai đó. Sống cảnh màn trời chiếu đất, kê mấy mảnh gỗ người ta bỏ đi làm giường. Vậy mà ông Dinh đâu có thấy khổ, thấy thiệt thòi. "Chỉ cần sáng tỉnh dậy nhìn thấy bà ấy ở bên là tôi thấy ấm lòng" - ông Dinh chia sẻ.

Dẫu biết luật pháp chỉ không cho phép ngưỡng dưới của tuổi kết hôn (nam 20, nữ 18 tuổi), còn ngưỡng trên thì không giới hạn. Tuy vậy, từ ngàn đời nay ở Việt Nam hôn nhân không chỉ là vấn đề luật pháp mà còn nhiều vấn đề khác liên quan. Cụ thể ở những người cao tuổi, hôn nhân còn tùy thuộc vào hoàn cảnh gia đình, đặc biệt là con cái. Với người Việt Nam, đức hy sinh là vô cùng cao cả. Họ có thể sống cô đơn cả đời để nuôi dạy con cái mà không hề thấy mình cô độc.

Và chính từ đó mà nhiều người cho rằng việc người già tái hôn nghĩa là người đó còn nhiều ham hố chuyện tình dục, chăn gối, nhưng điều này chưa hẳn đã chính xác. Khi về già nhu cầu về vật chất ngày càng giảm đi, nỗi sợ hãi bị bỏ rơi, bị cô đơn ngày càng ám ảnh. Chính vì điều này việc có bạn già là nhu cầu cực kỳ quan trọng.

Không phải ai cũng có thể bước qua được ngưỡng cửa của định kiến kể cả những người cao tuổi. Con cái cho rằng già mà tái hôn là "ham hố quá mức" hay "tự nhiên đổ đốn" hoặc bị lừa về mặt tài sản. Nhiều người còn lo lắng vì phải gánh thêm một người già, cha dượng hay mẹ kế nếu chấp nhận cho cha mẹ già đi bước nữa. Đặc biệt nhiều gia đình lo lắng đến chuyện thừa kế sau này. Việc con cái ngăn cản bố mẹ già tái hôn có rất nhiều lý do, có thể là vì "ghen thay người đã mất".

Ví dụ như con gái cho rằng nếu bố lấy vợ nữa có nghĩa là đã phản bội mẹ. Hoặc ngược lại. Nhưng ít ai biết được việc bù đắp cho cha mẹ về vật chất khi về già chỉ là một phần rất nhỏ. Và câu nói "con chăm cha không bằng bà chăm ông" vẫn còn nhiều người chưa hiểu hết.

Ông Kim Quốc Hoa, Tổng biên tập Báo Người cao tuổi:

"Tái hôn, trước hết là quyền công dân của mỗi con người được pháp luật cho phép. Nhưng việc tái hôn ở những người cao tuổi hầu hết đều gặp khó khăn vì tư duy hẹp hòi của con cái. Nếu tái hôn mà người già cảm thấy sẽ vui hơn, hạnh phúc hơn, thanh thản hơn thì chúng ta nên ủng hộ. Phải hiểu rằng những trói buộc của lễ giáo phong kiến không còn phù hợp với xã hội bây giờ.


Đồng thời ở một xã hội hiện đại khi con cái trưởng thành thường sống tách biệt với cha mẹ và không có nhiều thời gian để quan tâm đến cha mẹ. Chính vì thế sẽ khiến những người già luôn cảm thấy héo hon và cô đơn. Đối với những trường hợp bị con cái ngăn cấm tái hôn chúng ta nên giải thích cho con cái họ hiểu rằng, tái hôn là một nhu cầu cần thiết. Nó thậm chí giúp cho cả con cái họ được nhẹ lòng.


Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng Luật sư Interla:

Theo luật hôn nhân và gia đình là không giới hạn về năng lực hành vi. Người được kết hôn chỉ cần đủ về độ tuổi, có quyền công dân, chứng minh được mình chưa có vợ (có chồng) hoặc chồng mất (vợ mất). Trong trường hợp của ông Dương, con cái cản trở việc ông này kết hôn là vi phạm luật hôn nhân và gia đình. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.


Ông Nguyễn Phi Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hội:

Trong cuộc sống hàng ngày, ông Dương là người hoàn toàn bình thường, không có biểu hiện gì là tâm thần. Ông ấy không đăng ký kết hôn tại xã Tân Hội chắc hẳn là có lý do riêng. Thế nên ông ấy mới phải lên tận xã Thọ An, nơi bà Năm sinh sống để đăng ký kết hôn. Giả sử nếu ông ấy quay về đây đăng ký kết hôn chúng tôi sẽ tạo điều kiện hết mức.

Ngọc Anh - Quang Anh
.
.
.