Người giàu và chuyện sử dụng đồng tiền

Thứ Ba, 15/12/2015, 19:00
Cộng đồng cư dân mạng dậy sóng sau công bố của vợ chồng ông chủ facebook dành 99% tài sản của mình vào việc làm từ thiện, để góp phần làm thay đổi cuộc sống tương lai của thế giới. Một thông điệp tuyệt vời được truyền đi sau sự kiện cặp vợ chồng nổi tiếng này sinh con gái đầu lòng. 

Cùng với sự sửng sốt của truyền thông, các cư dân mạng tham gia vào làn sóng bàn về câu chuyện những người giàu có sử dụng đồng tiền theo cách nào. Và như một lẽ đương nhiên, ai cũng hiểu rằng, "cho đi" là cách tốt đẹp nhất mà những người giàu có góp phần tạo ra những ảnh hưởng tích cực với tương lai của thế giới.

Trên trang cá nhân của mình, cặp vợ chồng nổi tiếng Zuckerberg và vợ là Priscilla Chan viết cho con gái mới chào đời: "Cuộc sống mới của con đầy hứa hẹn, và chúng ta hy vọng con sẽ được hạnh phúc và khỏe mạnh để khám phá tất cả. Con đã cho cha mẹ một lý do để soi xét về một thế giới mà cha mẹ muốn con tồn tại trong đó. Giống như tất cả những người làm cha làm mẹ khác, chúng ta muốn con mình lớn lên trong một thế giới tốt hơn trước kia". 

99% số tài sản khổng lồ của Zuckerberg, khoảng 45 tỷ đô la từ cổ phiếu facebook sẽ được dành để góp phần tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ tương lai. Câu chuyện cảm động trong thế giới ngày đang càng nhiều cạnh tranh, tổn thương, bạo lực và lòng tham đã khiến cho hàng tỷ người theo dõi trên mạng xã hội cảm thấy ấm áp, thêm tin tưởng vào lòng tốt và những điều tốt đẹp của cuộc đời.

Cặp vợ chồng giàu thứ 16 thế giới cam kết sẽ dành 99% tài sản của mình cho thiện nguyện.

Câu chuyện dùng phần lớn tài sản mình có làm thiện nguyện của người giàu đứng thứ 16 thế giới do tạp chí danh tiếng Forbes bình chọn nhắc nhở mọi người trong thế giới này về việc sống là cho đi. Về mặt tài sản, lẽ dĩ nhiên không phải ai cũng giàu có như Zuckerberg, nhưng tinh thần cho đi, tinh thần làm cho thế giới trở nên đẹp đẽ hơn, tương lai trở nên đẹp đẽ hơn luôn là lựa chọn của những con người giàu lòng trắc ẩn, biết yêu thương người xung quanh và có ý thức bảo vệ thế giới cho các thế hệ tiếp nối.

Trông người ngẫm ta, không ít cư dân mạng tỏ ý buồn lòng khi những người giàu ở ta chưa có được tinh thần đó. Không ít người càng giàu thì ý muốn sở hữu càng cao, luôn muốn nhiều hơn nữa để tự hào khi "kiểm kê" số tài sản mình có, bất chấp cách để sở hữu số tài sản đó là đúng hay sai. Không ít người giàu có lại nuông chiều con cái, ki cóp để cho con cái ăn chơi, lêu lổng, lười lao động và quen hưởng thụ, coi thường giá trị của lao động. 

Không đâu xa, ngay trên mạng xã hội facebook, một mạng xã hội sinh ra từ trí tuệ của  Zuckerberg và biến anh trở thành một tỷ phú trẻ của thế giới, mỗi ngày có không ít những cậu ấm cô chiêu chăm chỉ khoe thân, quần áo hàng hiệu, xe sang và những bữa ăn xa xỉ, những cuộc vui thâu đêm suốt sáng với bạn bè. Họ thường là con của những gia đình giàu có, trong khi cha mẹ lao tâm khổ tứ lo làm ăn thì họ chỉ lo hưởng thụ.

Hiếm có cậu ấm cô chiêu show ảnh chăm chỉ học hành, nghiên cứu, làm việc, hay giữ gìn lối sống giản dị, bình dân đời thường. Một vài người thốt lên bằng những comment: "Giá như cha mẹ họ cũng dành 99% hay chỉ cần 50% tài sản cho việc thiện nguyện, để giúp đỡ những người còn khó khăn khổ sở hơn có cuộc sống dễ chịu hơn, thì  chắc chắn họ cũng sẽ hiểu được giá trị của tình thương trong cuộc sống. Họ sẽ hiểu được rằng, những phù phiếm họ đang mua bằng tiền chỉ làm cho họ mất đi những khoảng thời gian đẹp đẽ đáng sống của cuộc đời.Cách sống đó không giúp họ nhận ra các giá trị đích thực, và có khi còn đẩy họ đến với những tệ nạn xã hội, tự hủy hoại bản thân để khi mở mắt ra thì đã quá muộn".

Không có luật nào trên đời quy định rằng người giàu thì phải mang của cải cho đi. Để giàu một cách chính đáng, ai cũng phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, ai cũng phải lao tâm khổ tứ nhọc nhằn. Nhưng lẽ thường, những người lao tâm khổ tứ để giàu thì hiểu được giá trị của lao động, của yêu thương, của trao và nhận, vì không ai thành công mà không từng nhận được sự giúp đỡ của người khác và của thần may mắn phù trợ nữa. Cho đi là cách họ trả ơn cuộc đời, trả ơn những người đâu đó, lúc nào đó đã âm thầm giúp đỡ mình, để cho mình có được thành công.

Tài sản được cho đi để giúp đỡ mọi người, không phải là chuyện nhiều hay ít, nhỏ hay lớn. Nó còn được xem là một văn hóa sống, một tinh thần tương thân tương ái vì những điều tốt đẹp hơn. Nó là ước mong của những người ưu tú, đã từng góp phần vào việc thay đổi thế giới, về một thế giới sẽ tiếp tục được thay đổi nhiều hơn theo chiều hướng tốt đẹp, cho thế hệ con cháu mình.

Ca sĩ Hồng Nhung, khi chia sẻ về chương trình thiện nguyện nhằm kêu gọi thế giới hảo vệ loài tê giác đang có nguy cơ bị tuyệt chủng đã nói: "Người có ảnh hưởng trong xã hội đến một lúc nào đó cần phải biết lo nhiều hơn cái nồi cơm của nhà mình. Phải biết chia sẻ, cho đi, và làm những việc có ích chung cho cộng đồng".

Sử dụng đồng tiền để làm thiện nguyện, người giàu sẽ để lại di sản của họ làm giàu có thế giới đồng thời cũng là cách gián tiếp họ giáo dục con cái mình lòng yêu thương, san sẻ trên suốt hành trình làm người của bọn trẻ. Khi tinh thần cho đi tràn khắp thế gian, những nỗi thống khổ của con người sẽ bé lại.

Cẩm Thi
.
.
.