Người giữ “lửa” nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Thứ Năm, 24/03/2016, 19:55
Làng Luống Nọi, xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng từ lâu đã nổi tiếng về nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Tày với những họa tiết, hoa văn đặc sắc và đẹp mắt. 


Để tiếng tăm, thương hiệu làng nghề dệt thổ cẩm Luống Nọi được nhiều người quan tâm, uy tín trên thị trường, nhiều chị em trong làng đã không ngừng cố gắng để tạo ra những tấm trang phục thổ cẩm mang đậm nét truyền thống và bản sắc dân tộc hài hòa, tinh tế nhất. Người phụ nữ đi tiên phong trong việc quảng bá, xây dựng thương hiệu trang phục dệt thổ cẩm đến khắp mọi vùng miền chính là nghệ nhân Nông Thị Thược (55 tuổi), dân tộc Tày ở làng Luống Nọi.

Nặng lòng với nghề dệt thổ cẩm

Chúng tôi đến “xưởng” dệt của chị Nông Thị Thược vào một buổi chiều muộn, gọi là xưởng có phần hơi quá bởi nó chỉ là căn mái lợp nằm bên góc một căn nhà đơn sơ với nền tường nhà được chát bằng đất đỏ. Giữa nơi thôn quê yên vắng, ở căn nhà nhỏ bé đó, người ta nghe thấy những tiếng gỗ lách cách phát ra từ khung dệt, cùng những điệu hát then từ chiếc điện thoại di động của chị Thược. Những điệu nhạc mang đậm âm hưởng quê hương, dân tộc ấy khiến chị ngày đêm say sưa, cặm cụi với cái khung dệt, âm thầm lưu giữ những tinh hoa trong việc sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc.

Nghệ nhân Nông Thị Thược hàng ngày miệt mài bên chiếc khung cửi để dệt nên những tấm thổ cẩm truyền thồng.

Bên hiên ngôi nhà nhỏ tại xóm Luống Nọi thuộc xã Phù Ngọc nằm cách tỉnh lộ 203 chừng 100 mét, người ta vẫn thường thấy chị Thược hàng ngày cặm cụi ngồi dệt nên hàng trăm, hàng nghìn tấm vải thổ cẩm đầy đủ màu sắc, hoa văn truyền thống. Các sản phẩm dệt thổ cẩm của chị khá phong phú và đa dạng gồm mặt địu, mặt khăn, ga trải giường, khăn trải ghế, bàn, trang phục dân tộc Tày.

Ngoài các mẫu họa tiết truyền thống, cổ xưa chị còn tự sáng tạo ra nhiều mẫu khác chủ đề xoay quanh những loài cây, hoa, động vật… Những tấm vải thổ cẩm này đã gắn với chị từ thuở nhỏ, càng lớn tình yêu nghề càng mãnh liệt, cứ rảnh rỗi chị lại ngồi vào khung cửi nhiều giờ đồng hồ mà không biết chán. Bàn tay của chị cứ thoăn thoắt trên chiếc khung dệt. Ngày này qua tháng khác, bỗng một ngày chị trở thành nghệ nhân làng nghề nổi tiếng khiến không ít người cảm phục, ngưỡng mộ.

Từ hồi 13 tuổi chị Thược đã biết dệt những sản phẩm thổ cẩm đơn giản. Tình yêu đối với nghề dệt đã lớn dần theo cùng năm tháng. Những công đoạn, kỹ thuật về dệt thổ cẩm đã thành thục đến từng chi tiết nhỏ. Mặc dù nghề mưu sinh chính của gia đình là làm thuốc lá (mỗi năm từ tháng 7 đến tháng 3 dương lịch) nhưng cứ rảnh rỗi đôi phút chị lại tranh thủ ngồi vào chiếc khung dệt.

Đến nay, ba chiếc khung dệt nằm trong “xưởng” dệt bên hiên nhà đã gắn bó với 4 thế hệ kể từ thời bà cố nội của chị Thược. Chị luôn trân trọng và gìn giữ những thứ đó, bởi lòng yêu nghề đã ngấm sâu vào từng giọt máu, khiến chị hăng hái dệt, sáng tạo ra những đứa con tinh thần độc đáo và ý nghĩa vừa là nơi để chị trải lòng những vui buồn cuộc sống.

Nhờ vào những cố gắng cũng như năng khiếu bẩm sinh và sự sáng tạo, chị Thược trở nên nổi tiếng khi các sản phẩm của chị làm ra được bày bán, nhiều người tâm đắc tìm đến tận nhà để đặt hàng. Chị nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng và là một trong hai người của tỉnh được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề” Việt Nam năm 2014. Các sản phẩm dệt thổ cẩm của chị được đem đi triễn lãm tại các Hội thi trang phục các dân tộc và làng nghề truyền thống ở các tỉnh miền Nam và đi tham quan, trưng bày sản phẩm tại Triển lãm trang phục Asean.

Những sản phẩm này có thể dùng làm khăn trải bàn, ghế, mặt địu.

Chị cho biết: “Nhờ những thành quả đó mà tôi cùng các chị em trong làng làm bao nhiêu cũng không kịp cung ứng. Những đơn đặt hàng từ Hà Nội, Bắc Kạn, thành phố Hồ Chí Minh, từ bên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh gọi đến lấy mỗi lần dăm ba chục chiếc tôi không dám nhận hết bởi đâu đủ sức và thời gian làm. Mỗi tấm thổ cẩm làm ra mất nhiều thời gian, cẩn thận đến từng chi tiết mới khiến khách hàng hài lòng được”.

Nói xong, chị lấy từ trong tủ ra một vài tấm mặt địu, khăn trải ghế, bàn vừa hoàn thiện cách ít hôm để cho chúng tôi chiêm ngưỡng, giải thích các ý nghĩa hoa văn, màu sắc trên tấm thổ cẩm một cách say sưa, chẳng chút giấu giếm.

Tinh hoa trang phục truyền thống người Tày

Kỹ thuật dệt thổ cẩm truyền thống của người Tày ở xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng bao gồm các công đoạn như quay sợi, mắc khung, tạo hoa văn, dệt vải. Nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi sự kiên trì, đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của người phụ nữ.

Các mẫu hoa văn thổ cẩm của người Tày là sự kết hợp hài hoà giữa đường nét, màu sắc và hoa văn. Các màu sắc sáng, tối, nóng, lạnh được xử lý rất khéo léo trên nền chủ đạo là màu trắng đục, tạo nên một bản sắc riêng của văn hoá truyền thống Tày, khiến ta khó có thể nhầm lẫn với cách trang trí hoa văn của các dân tộc khác.

Tất cả có hơn 20 loại hoa văn, họa tiết khác nhau như hoa lê, hoa mận, hoa đào, hoa mai và các loại hoa lạ trong rừng chỉ có ở miền núi (boóc chắm, boóc kíp, boóc tròn, boóc pắt…). Một số muông thú như: Hươu, nai, ngựa, chim, bướm… cũng được thể hiện trên hoa văn thổ cẩm của người Tày.

Chị Nông Thị Thược, nghệ nhân làng nghề dệt thổ cẩm Luống Nọi cho biết: “Các sản phẩm dệt thổ cẩm của người Tày ở Luống Nọi đều được đan thủ công, vắt từng sợi vải. Nhiều năm qua, tôi đã đứng ra bao tiêu, quảng bá giới thiệu sản phẩm thổ cẩm của làng nghề đi khắp mọi vùng miền với hy vọng danh tiếng làng nghề được nhiều người biết đến.

Hiện nay đã có gần 20 hộ dân đang làm liên tục nhưng vẫn không kịp cung ứng. Trung bình mỗi người làm được 4 mảnh thổ cẩm/ngày, thu nhập khoảng 35–40 triệu đồng/năm/người. Gọi là thu nhập phụ lúc rảnh rỗi thôi, điều quan trọng là gìn giữ được kỹ thuật, tinh hoa của nghề dệt thổ cẩm cũng như bản sắc văn hóa dân tộc của người Tày cho các thế hệ con cháu mai sau”.

Sản phẩm có nhiều màu sắc đa dạng, hoa văn hài hòa và tinh tế.

Luống Nọi là làng nghề duy nhất trong huyện còn nguyên bản về kỹ thuật, công cụ dệt thổ cẩm. Nơi đây, hiện còn gần 30 khung cửi trong những ngôi nhà sàn của các gia đình dân tộc Tày. Một số khung cửi ở làng nghề này cũng đang được trưng bày tại Nhà Bảo tàng Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng. Làng dệt thổ cẩm Luống Nọi kết hợp được hai yếu tố quan trọng đó là cơ sở thủ công truyền thống với việc xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở của cộng đồng. Đây là một lợi thế khác biệt để thu hút, gây ấn tượng tốt đẹp cho khách du lịch tham quan.

Trăn trở việc bảo tồn nghề dệt thổ cẩm

Mấy năm nay, xã Phù Ngọc đang khởi sắc, kinh tế không ngừng cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống nhiều lần so với trước đây. Tất cả đều nhờ chính quyền và nhân dân đồng lòng trong việc định hướng phát triển sản xuất, áp dụng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả ở địa phương, điển hình là mô hình trồng cây thuốc lá, các làng nghề truyền thống như dệt vải, trồng dâu nuôi tằm.

Hiện nay, các sản phẩm du lịch ở địa phương đang phát triển mạnh mẽ, do đó nghề dệt thủ công truyền thống được quan tâm, chú trọng hơn. Các sản phẩm dệt thủ công truyền thống vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, vừa trở thành sản phẩm hàng hóa bán ra thị trường tăng thêm thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, nhiều địa phương trong tỉnh Cao Bằng nghề dệt thổ cẩm truyền thống đang dần mai một. Chị Thược trăn trở: “Tôi được đi nhiều nơi trong tỉnh giao lưu văn hóa các làng nghề, thế nhưng số lượng các nghệ nhân chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần lớn đều đã cao tuổi, nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình truyền dạy lại nghề cho con cháu.

Hơn nữa, đa số thế hệ trẻ, con em của đồng bào dân tộc Tày chưa nhận thức rõ được giá trị văn hóa truyền thống quý báu của nghề dệt thủ công truyền thống nên hầu như không biết và không quan tâm đến nghề dệt, số lượng người theo học và thực hành nghề không nhiều. Những mẫu mã, hoa văn, màu sắc của các sản phẩm dệt thủ công chưa thực sự phong phú, đa dạng nên chưa đáp ứng được thị hiếu của người sử dụng”.

Với những người phụ nữ ở làng nghề dệt thổ cẩm Luống Nọi như chị Nông Thị Thược, Nông Thị Duyên, Hoàng Thị Lệ, Nông Thị Iu, Đàm Thị Siu… đang ngày đêm mệt mài dệt nên những tấm thổ cẩm truyền thống không chỉ góp phần gìn giữ biểu tượng văn hóa cổ truyền của người Tày ở xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng mà còn có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch tại địa phương, đồng thời giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương. Ngoài ra, đây còn là những tấm gương điển hình để mọi người noi theo và là mô hình phát triển kinh tế để nhiều địa phương khác tham khảo, áp dụng.

Lưu Vĩnh-Quách Phượng
.
.
.