Người hát rong muôn thuở

Thứ Tư, 26/08/2015, 10:34
Điệu múa Kông Tuôr biến ông thành chàng Đam San hét ra lửa, lừng lững sức mạnh; biến bà thành "Nữ thần mặt trời" đẹp mê hoặc chim muông, cây cỏ, làm nức lòng hàng ngàn anh lính. Cái chất hát rong của họ như hai ngọn gió gặp nhau, tạo nên sức mạnh cổ vũ tinh thần chiến đấu cho bộ đội.

"Đam San" gặp "Nữ thần mặt trời"

Trời Tây Nguyên mưa dầm, ngồi bắt chéo chân trong quán cà phê, nghe điệu nhạc mang đậm chất "rừng", tôi buột miệng hỏi Đại tá, bác sĩ quân y Nguyễn Văn Hòa: "Ở đây còn người hát rong không"?. Suy nghĩ một lát, ông ồ lên: "Còn chứ, còn đôi tình nhân già hát rong muôn thuở". Thế rồi, mặc cho trời vẫn đang "khóc" ròng, tôi thúc giục ông đi ngay, như thể không còn cơ hội nữa.

Ngôi nhà của vợ chồng "hát rong muôn thuở" nằm bình yên trên một con đường nhỏ của Tp. Buôn Ma Thuật (Đắk Lắk). Ông là Trần Mạnh Thi, chàng trai gốc Bắc chính hiệu. Bà là H'Nhâm buôn Giá, người con của đồng bào M'nông. Họ là hai người chiến sĩ, một cặp đôi hát rong, giữa chiến tranh và trong thời bình. Gặp khách, ông Thi lao ra bắt tay, siết thật chặt, bà H'Nhâm cười giòn tan trong mưa. Căn nhà của người hát rong treo lấp lánh huân, huy chương và hình ảnh biểu diễn nghệ thuật. Đôi mắt họ sáng long lanh khi kể về thời "tiếng hát át tiếng bom". 

Với phong cách như thế này, ít ai biết ông là người Bắc chính hiệu.

17 tuổi, trong không khí sục sôi toàn dân tham gia đánh giặc cứu nước, hai anh em Trần Mạnh Thi từ biệt xóm làng lên đường vào Nam. Sau những ngày hành quân dài dằng dặc, họ được biên chế vào mặt trận Tây Nguyên. Ông Thi được phân công trong đội xung kích tuyên truyền quân giải phóng tại Binh Trạm Bắc (đất Kom Tum bây giờ).

Năm 1968, cuộc tổng tiến công và nổi dậy như vũ bão diễn ra khắp nơi. Em trai ông Thi đã hy sinh trong một trận đánh ở Đức Lập (Đăk Nông ngày nay). Phải một thời gian dài sau đó, ông mới bình tĩnh để biên thư về cho gia đình. Tin em trai hy sinh ông không dám nói trong thư, nhưng ở mép ngoài của phong bì, ông viết vội một dòng: "Em T cụt rồi bố ạ".

Gói đau thương vào lòng, ông Thi đi đàn đi hát khắp nơi, ông mang nhiệt huyết và tinh thần căm thù giặc vào những đêm biểu diễn. Trong những lần như thế, ông đã gặp cô gái người M'nông rực rỡ như "Nữ thần mặt trời". H'Nhâm buôn Giá được biết đến là hoa Pơ Lang của đơn vị. H'Nhâm sinh ra trên mảnh đất có những người anh hùng đóng khố, của nắng, của gió và nghèo đói. Cha mẹ H’Nhâm chết trong một trận cuồng phong của núi rừng. Dân bản che chở, bao bọc đưa H’Nhâm đi làm cách mạng. Thương yêu cô gái M'nông mồ côi có tài hát múa, có nụ cười trong veo, hồn hậu, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo (khi ấy đang là Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên) đã nhận làm con nuôi.

Công việc thường ngày của ông Thi.

Trần Mạnh Thi xuất phát điểm là nghệ sĩ múa rối, còn H'Nhâm đã nổi tiếng với điệu múa Kông Tuôr. Mỗi khi diễn tiết mục này, H'Nhâm đều phải múa ít nhất hai lần trở lên vì khán giả hâm mộ quá. Múa Kông Tuôr (điệu múa truyền thống của dân tộc M'nông) kết hợp với đàn K'lông Pút (là một dàn gồm nhiều ống nứa, lồ ô) tạo thành một bản nhạc rừng sôi động, căng tràn sức sống. Nó làm cho con suối ngừng chảy, con chim ngừng hót và con người cứ đắm say ngất ngây theo từng giai điệu. Nó khiến tâm hồn con người trẻ lại, phấn khích và thấy yêu tha thiết mảnh đất nơi mình đang sống, từ đó không tiếc máu xương để đổi lấy hòa bình cho dân tộc.

Những đêm tập luyện giữa rừng già, nghe tiếng suối róc rách dưới khe, nghe chim kêu đánh nhịp màn đêm, Trần Mạnh Thi được H'Nhâm dạy múa, dạy đánh trống và chơi đàn K'lông Pút. Một thời, giữa mưa bom bão đạn, giữa cuộc sống đói ăn thiếu mặc trong những cánh rừng già, họ mang lời ca tiếng hát "át tiếng thú gầm, lấn tiếng bom rơi" truyền tinh thần và ý chí cho bộ đội.

Ngoài biệt tài múa rối, Trần Mạnh Thi lĩnh hội được nhiều tuyệt chiêu nghệ thuật đặc sắc của núi rừng. H'Nhâm cảm mến chàng trai gốc Bắc nhỏ nhắn, duyên dáng lại rất chịu khó học hỏi. Mạnh Thi thấy thương cô gái M'nông mồ côi cha mẹ, sớm phải chịu cảnh cơ cực. Những đêm giữa rừng thanh vắng, đội xung kích tuyên truyền quân giải phóng Tây Nguyên không ngừng tập luyện để sáng mai biểu diễn cho bộ đội xem. Họ di chuyển như "gánh hát rong vũ trang" giữa rừng và được trang bị súng để khi cần thì sẵn sàng chiến đấu.

Nhớ về ngày ấy, ông Thi cười rung chòm râu: "Thật ra nói gánh hát rong là cách ví von thôi,  vì chúng tôi là những người lính thực thụ. Chúng tôi hát vì mục đích chiến đấu, khích lệ tinh thần cho đồng đội. Nó hoàn toàn khác với những gánh hát rong phiêu bạt như ngọn gió, ở đâu thích thì đến, chán thì đi".

Tìm em giữa trời Hà Nội

Mùa mưa, nước sông Mơ dâng cao xóa sạch lối mòn. Trong một lần vượt sông, sức người nhỏ bé không thể chống lại con nước chảy xiết, H'Nhâm bị nước cuốn trôi một khúc xa, Mạnh Thi thấy thế, quăng tất cả đồ dùng đang mang vác trên vai lao thẳng ra dòng nước xiết nắm lấy tay H'Nhâm. Hai con người vật lội với dòng chảy hung hãn, cố gắng bám víu lấy tảng đá, rễ cây nhích dần tới bờ. H'Nhâm mừng đến chảy nước mắt, lòng rưng rưng cảm ơn chàng "Đam san" vừa xả thân cứu mình.

Một trong những lần biểu diễn của chàng "Đam San" và "Nữ thần mặt  trời".

Tình cảm của H'Nhâm ngày một lớn lên, Mạnh Thi làm việc gì H'Nhâm đều lặng lẽ để ý, chàng đi đâu nàng theo đó. Đội xung kích tuyên truyền nảy nở một mối tình "thương trong câu hát". Chiến tranh chẳng biết ai còn ai mất, ai đi đâu về đâu nên suốt 4 năm thầm yêu, thầm nhớ, vẫn chưa ai dám trao lời ước nguyện.

Năm 1972, H'Nhâm được đưa ra Hà Nội học tập. Mạnh Thi được cấp trên điều động qua Đoàn 671 Bộ tư lệnh tiền phương đóng tại đất bạn Campuchia. Ngày chia tay, Mạnh Thi trao cho H'Nhâm chiếc khăn tay làm vật đính ước. "Đất nước hòa bình nếu anh còn sống trở về, anh sẽ đi tìm em". Đó là lời sau cùng Mạnh Thi gửi cho người yêu.

4 năm kể từ ngày chia tay giữa cánh rừng Tây Nguyên, ngày đất nước hân hoan trong niềm vui thống nhất, H'Nhâm mong ngóng một bóng hình mịt mù phương trời nào? Người còn hay đã hóa thành đất. Lời hẹn ước lúc chia tay cứ phập phùng trong lồng ngực. Nhìn những đoàn tàu đầy ắp bộ đội về quê, nhìn những cái ôm trào dâng nước mắt, lòng H'Nhâm như chảy máu.

Chờ đợi trong mòn mỏi, âu lo đến tột cùng. Còn ông Thi, những năm xa cách, ông luôn mong ngóng ngày trở về tìm cô gái M'nông yêu thương của mình. Biết cô đang sống trong tình yêu thương của người cha nuôi là một vị tướng huyền thoại, ông rất yên tâm. Một năm sau giải phóng, Mạnh Thi mới được trở về đất Bắc. Ông len lỏi trong dòng người giữa Thủ đô, chỉ một mảnh giấy nhỏ trong tay, phải mất mấy ngày ông mới dò la được tung tích H'Nhâm.

Hạnh phúc ngỡ như trong mơ, H'Nhâm nhẹ nhàng ép mình vào ngực người yêu nghe con tim thổn thức. Suốt 4 năm biền biệt, không một cánh thư, không một dòng tin nhắn, lại trong hoàn cảnh chiến tranh như vậy bà vẫn một lòng đợi chờ người yêu, lỡ như ông không về nữa thì sao? Mỉm cười ý nhị, bà H'Nhâm cho biết: "Tôi có niềm tin ở anh Thi, trong lòng luôn khắc ghi một trách nhiệm phải đợi chờ…".

Tình yêu đã chín muồi, đám cưới được tổ chức tại Thanh Hóa, nơi Mạnh Thi đang theo học trường trung cấp xây dựng của quân đội. Làm lễ cưới xong, cô dâu âm thầm quay về Hà Nội sống cảnh xa chồng. Bốn đứa con ra đời, một mình H'Nhâm chăm sóc, dạy dỗ. Năm 1985, thấy cảnh chồng vợ xa nhau biền biệt, đơn vị tạo điều kiện cho họ chuyển công tác vào Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đăk Lăk. Đó chính là nguyện vọng cuối cùng của bà H'Nhâm, quay về nơi bà đã phải nếm trải nỗi mất mát, đau thương, nơi đang còn nắm đất của tổ tiên bà. Ông Thi ủng hộ vợ, hơn nữa ông muốn được sống ngay tại mảnh đất từng chất chứa bao nhiêu kí ức đắng cay, ngọt ngào thời trai trẻ của mình.

Họ được ngợi khen là cặp tình già thắm thiết.

Trót mang cái nghiệp cầm ca, trót yêu tha thiết để rồi không bỏ được nên dù đã nghỉ hưu, dù tuổi đời đã xế bóng nhưng vợ chồng ông Thi vẫn hăng say đi hát, đi múa cho đồng bào nghe. Khắp núi rừng Tây Nguyên, hầu như nơi nào cũng in dấu chân họ, cũng âm vang giọng hát của họ. Điệu múa Kông Tuôr làm nên tên tuổi của H'Nhâm năm nào nay vẫn giữ nguyên sức sống. Bao thế hệ nối tiếp được giao nhiệm vụ hát cho núi rừng nghe, múa cho dân bản xem đều được H'Nhâm truyền dạy kinh nghiệm sống, kinh nghiệm diễn. 

"Bông Pơ Lang" của núi rừng Tây Nguyên, chàng "Đam San" của đồng bằng Bắc bộ bây giờ luôn là cặp tình già thắm thiết nhất. Ông vận bộ trang phục của đồng bào Ê Đê, bà vẫn vận chiếc váy thổ cẩm chính hiệu của dân tộc mình bước lên sân khấu. Ông ôm trống nhảy múa tưng bừng, bà múa tay dẻo như dây đàn. Suốt 20 năm sau ngày nghỉ hưu, bà H'Nhâm vẫn chưa một ngày được nghỉ. Dân bản bắt bà làm Chữ thập đỏ, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh. Còn ông Thi, những ngày không đi hát, ông làm bạn với nghề hớt tóc tại nhà.

Ngọc Thiện
.
.
.