Người làm mõ bên Thành cổ

Chủ Nhật, 09/08/2015, 10:00
Đêm. Tiếng mõ bỗng vang lên nỗi niềm quạnh vắng. Bên ngôi chùa Mõ ấy ở miệt biển Hải Phòng. Lại một đêm. Đó là nhịp đập trái tim dịu dàng của nàng công chúa muốn thoát khỏi mối lương duyên cuộc đời. Tiếng mõ như rót vào trái tim tôi một tiếng lòng khắc khoải, trong sự gắng gỏi, bứt thoát. Nó dần dần vang ngân trong sáng và lảnh lót như một đốm lửa bừng lên trong đêm tối. Cốc... cốc... cốc...

Đó là câu chuyện tình cổ của bà chúa Mõ thời nhà Trần cứ ám ảnh mãi trong tâm hồn tôi. Và, rồi thế là vào một ngày tháng 5 năm 2015, ở Huế...

Gặp anh Liêm ‘‘mõ”

Ấy là sự ngẫu nhiên khi tôi gặp nụ cười của anh và nghe anh gõ trên cái mõ lớn trưng bày ở Festival làng nghề ở Huế. Tiếng mõ đúng là tiếng đập của trái tim. Một trái tim lớn. Âm vang lên nghe ấm áp lạ thường. Anh gõ thêm một tiếng nhẹ, rồi một tiếng nặng tạo nên một bản nhạc hòa tấu như sương như khói bên dòng sông Hương. 

Khi đó tôi bỗng chắp tay muốn hướng về phía thành cổ bên kia sông mà nhẩm đọc lên câu thơ của nhà thơ, cũng là vua Trần Nhân Tông, người đã tu trên Yên Tử, muốn chia sẻ cho kiếp nhân gian trầm luân trong bể khổ: "Phải, trái rụng theo hoa buổi sớm. Lợi, danh lạnh với trận mưa đêm. Hoa tàn, mưa tạnh, non im ắng. Xuân cỗi còn dư một tiếng chim". Phải nói tiếng mõ lớn đã gợi cảm cho sự hòa nhập với chúng sinh, sự gắn kết của cộng đồng nhân ái. 

Nghệ nhân Lê Thanh Liêm với chiếc mõ lớn cao 0,8m

Nghệ nhân Lê Thanh Liêm, người làm ra hàng trăm các loại mõ lớn, nhỏ và cung cấp cho khắp các chùa ở Huế. Ở tuổi gần ngũ tuần, anh đã từng bôn ba khắp nơi kiếm ăn bằng cái nghề thơm thảo này. Đã ba đời nhà anh làm nghề mộc, riêng anh còn học thêm điêu khắc gỗ để làm hàng mỹ nghệ, nhưng phải đến mươi năm nay anh mới chuyên tâm làm mõ. 

Đó quả là một câu chuyện bất ngờ cho dù ngỡ như làm mõ dễ như trở bàn tay. Nhưng không hề, anh kể, xưa bố anh chỉ làm ra những chiếc mõ tre, hay mõ gỗ đơn giản và cứ mỗi lần bắt tay làm mõ tròn là âm sắc không được như ý. Bởi lẽ điều bí ẩn không phải chỉ ở tay nghề tinh xảo. Ở phường Xuân Thủy có một số gia đình đã từng làm mõ, nhưng cuối cùng cũng chỉ có vài gia đình theo đuổi; bởi không những tiền thì ít, mà còn đòi hỏi người nghệ nhân phải có biệt tài lấy tiếng mõ. Âm thanh vang lên từ một khối gỗ, phải thanh thoát, ấm vang như đánh thức tâm giác của con người. Tựa như lời cảnh tỉnh, kêu gọi và an ủi chúng sinh. Nếu không có lòng nhiệt thành và không có niềm say mê thì nghệ nhân khó có thể theo đuổi nghề mõ. 

Nghệ nhân Liêm còn đưa cho tôi xem ảnh chiếc mõ kỷ lục mà anh làm để chào mừng Lễ hội 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, vào năm 2010. Đó là chiếc mõ nặng 250kg và cao 1,2m. Âm vang rền như tiếng trống vậy. Anh kể, khi được đặt hàng thì phấn khởi tưng bừng lắm, nhưng khi bắt tay làm mới thấy đầy cam go. Trước hết tìm đâu ra thân gỗ mít lớn đến như vậy. Trước kia các nhà làm mõ như gia đình anh chỉ làm những mõ trung bình, lớn lắm thì cũng chỉ cao chừng 40cm. Vì đó là mõ làm cho các chùa đặt hàng. Các nghệ nhân chưa mấy ai làm được những chiếc mõ lớn, cao như vậy. 

Anh Liêm đã mất ngủ nhiều đêm để thiết kế và dựng quy trình thi công chiếc mõ kỷ lục này. Nhưng cuối cùng thân gỗ lớn vẫn chưa tìm ra. Anh đã đi nhiều nơi, hỏi cũng lắm chỗ, khắp trong Nam, ngoài Bắc để mua gỗ. Phải đến mấy tháng sau, nghe tin người mách anh phải sang tận Lào để khảo sát gỗ, và đã tìm được khối gỗ mình cần. Đó là một cây mít khủng, 200 năm tuổi và phải đốn về cho thi công khi gỗ còn tươi. Khi gỗ đã khô thì không thể đục rỗng được.

Nghe anh nói tôi vô cùng ngạc nhiên, vì ban đầu tôi cứ tưởng hai nửa khối gỗ tròn đục khoét xong rồi ghép lại như công nghệ làm gốm vậy. Anh cười rồi giải thích cho tôi biết, đó chính là sự bí ẩn của chiếc mõ. Chỉ lấy tiếng mõ được khi đó là một khối gỗ liền nạc. Nghệ nhân cho đục rỗng khối gỗ sau khi đã dựng phôi hình chiếc mõ ở bên ngoài. Việc đục khoét này đòi hỏi hằng tháng trời kiên nhẫn và khéo léo, nếu không độ dày mỏng không đều và khó lấy tiếng. Như quả dừa vậy, nghệ nhân phải đục khoét sao cho đều và nhẵn như lớp cùi mịn và nuột nà. Nom phải ngon gỗ để lấy tiếng cho đẹp. 

Thấy tôi tỏ ra phân vân vì đục rỗng trong một khối gỗ tròn thật khó khả thi. Ngay lập tức nghệ nhân Liêm dẫn tôi đến một quả mõ lớn đang thi công. Anh bật đèn pin chiếu qua một lỗ nhỏ của miệng mõ cho tôi xem tận mắt và chụp ảnh vào trong để kiểm tra. Một, chứng minh trong và ngoài vỏ mõ không hề có vết ghép và hai, chứng minh lớp đục bên trong rất nhẵn, đều đặn và nuột như cùi dừa không sai. Lúc này tôi chỉ biết cười và thán phục. Thật khó tưởng tượng. Vì họ đang làm ngay trước mắt tôi mà thôi. Và nhìn anh Liêm mỉm cười mỹ mãn vì đã thuyết phục được tôi về cái độ tinh vi của nghề làm mõ. 

Và, vô tình anh đã kể cho tôi quá trình làm chiếc mõ kỷ lục thế nào. Đó là chiếc mõ được khắc trổ ở mặt trên 2 con “Cá hóa rồng” theo truyền thuyết dân gian. Nghe nói chiếc mõ này đã được cung tiến vào khu vườn phật tích chùa Bái Đính. Thỉnh thoảng những người đi lễ vẫn được nghe tiếng mõ vang lên ấm như tiếng trống trên đỉnh núi. Đó là một kỷ lục khó quên của nghệ nhân Lê Thanh Liêm.

Thanh âm thức tỉnh tâm hồn

Trong quầy bày hàng của nghệ nhân tôi thấy chiếc mõ nào cũng mang hình đầu cá. Quai mõ đều được khắc chạm hình vẩy cá hay vẩy rồng. Đặc biệt khe hở để làm tiếng mõ vang lên được cũng có hình miệng con cá. Chiếc mõ lớn được bày để “khoe hàng” của nghệ nhân cũng tạo nên hình tượng “Ngư hóa song Long chầu”. Hỏi vì sao vậy? Nghe anh Liêm kể mới hay đó là một sự tích thú vị trong nhà chùa và cũng là một triết lý sâu sắc để cho con người luôn hướng thiện và tu dưỡng tinh thần.

Lễ hội đền Mõ.

Loài cá là loài không bao giờ nhắm mắt và thích hoạt động. Cũng vì muốn cho người tu hành gắng công tu luyện, mau chóng đạo quả nên mõ treo hay mõ tròn đều được tạc hình con cá. Đó là thâm ý muốn thức tỉnh con người vượt ra khỏi cơn mê muội u trầm. Học và tu rèn để hành đạo làm phúc cho chúng sinh. Do vậy tiếng mõ giữ cho buổi lễ trang nghiêm và giúp cho người ta không bị phân tâm. 

Với triết lý, âm thanh mõ trong Phật pháp, đánh thức mọi người tỉnh cơn mê muội trong cuộc sống thường ngày. Mắt nhìn, mũi ngửi, tai nghe, thân xác cảm nhận và ý thức luôn luôn chuyển động theo nhịp của cuộc sống. Cái tĩnh trong cái động của phật pháp là thế. Cho nên mõ bao giờ cũng được thiết kế hình con cá mở mắt là vì vậy. Và ở các nước theo đạo Phật đều gọi mõ là “Mộc ngư” có nghĩa là cá gỗ.

Tôi đang chăm chú lắng nghe nghệ nhân Liêm trò chuyện về triết lý của tiếng mõ thì có một người đàn ông đã lớn tuổi bước vào ngắm chiếc mõ nhỏ rồi hỏi mua. Ông nói mua để cho vợ tụng kinh tại gia. Thường xuyên đi lễ chùa xa, giờ vợ ông đã yếu nên dựng bàn thờ Phật ở nhà. Không ngày nào bà không thắp hương, gõ mõ, tụng kinh. Bà có nỗi buồn riêng không dễ bày tỏ mà chỉ biết trao gửi vào tiếng mõ để thoát khỏi nỗi niềm ưu sầu nhân thế. 

Người khách kể chuyện với một nét mặt u buồn. Ông bất ngờ đọc một câu thơ đã làm để tặng vợ trong một lần đi lễ. Giọng ông như lặn vào con tim, thầm thì, thầm thì: “Em nhớ hôm nào sông nước vắng. Chuông chùa lay động ánh sương chiều. Lời kinh, tiếng “mõ” như thầm nhắn. Cái kiếp phù sinh buổi xế chiều”. Đọc rồi ông gõ mấy tiếng vang lên: Cốc! Cốc! Cốc!...

Khi người khách đi, nghệ nhân Liêm mới nói ông ấy đã chọn đúng mõ cái cho vợ. Vì mõ cái và mõ đực có tiếng khác hẳn nhau. Nhạc có giọng nam, giọng nữ, mõ cũng vậy, cũng có cung trầm, cung bổng. Tôi lại thêm một lần trố mắt ngạc nhiên khi nghe nói. Nghệ nhân Liêm còn kể người làm mõ chỉ nhìn gỗ đã nghe được tiếng mõ vang lên như thế nào. Mõ cái cho nữ tu có tiếng trong trẻo, thanh thoát. Còn mõ đực của nam có tiếng trầm ấm, ngân vang. Đó là một bản năng kỳ diệu của người thợ.

Tiếng mõ là tiếng lòng tôi

Tiếng mõ là nhịp điệu bất tận và tinh khôi của tâm hồn. Luôn trở về cõi lòng nhân ái. Nghệ nhân Liêm bỗng trở nên triết lý khi nói về cái nghề làm mõ của mình. Anh không còn nhớ mình đã làm được bao nhiêu cái mõ đưa đến các chùa trên khắp đất nước. 

Có người Việt kiều tu ở một chùa bên Pháp xa xôi có lần tìm đến mua một chiếc mõ do chính tay anh làm. Bởi bà đã từng được nghe tiếng mõ do gia đình anh nhập sang đó qua một đoàn phật tử. Dường như bà đã ngộ ra nhiều điều từ trái tim và tâm hồn con người từ âm thanh chiếc mõ xứ Huế mang tên Liêm “mõ”. Đó là tiếng lòng được gửi trao giữa con người với con người dù ở mọi phương trời xa xôi. 

Nghệ nhân Liêm kể, khi lấy tiếng mõ từ khối gỗ vừa đục xong, nhiều khi bị ù đặc cả tai. Sau những phút trầm lắng và nhớ tới tiếng chuông, tiếng mõ đang ngân lên từ chùa Thiên Mụ, nơi mà anh thường đi lễ, khi đó âm thanh mới trở về. Tiếng mõ vang lên với niềm vui chia sẻ. Một nhát đục, hai nhát đục... theo chiều âm vang lên mà lựa tay. Miệt mài trong cô đơn. Khi ấy có lẽ anh đã viết lên những vần thơ: “Tiếng mõ là tiếng lòng tôi. Gửi trao khắp mọi phương trời, Nam mô. Âm vang từ mái nhà chùa. Mõ reo từng tiếng, bốn mùa bình yên”. Chia tay tôi ngước nhìn anh. Đúng là đôi mắt ấy, chân thành mang ánh sắc phật, ấm áp và trầm tư.

Vương Tâm
.
.
.