Người lao động “khách mời”

Thứ Tư, 28/12/2016, 11:32
Nhật Bản lặng lẽ đón nhận lao động người nước ngoài, nhưng không gọi đó là dòng lao động nhập cư, vì có vấn đề nhạy cảm, theo Hãng tin Bloomberg. Như thế nào?


Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã nói rõ không có chuyện mở cửa đón dòng lao động phổ thông không có tay nghề cao đến thường trú, phản ánh nỗi lo sợ truyền thống nơi người Nhật rằng người nước ngoài có thể gây bất ổn xã hội và bào mòn bản sắc dân tộc. 

Khi Bloomberg phỏng vấn cựu Bộ trưởng Kinh tế  Heizo Takenaka, ông nói: “Ở Nhật, chữ “dân nhập cư” không được dùng khi làm chính sách. Thủ tướng thường nói đấy là người lao động khách mời, không phải người lao động nhập cư”.

Nghị sĩ Masahiko Shibayama là cố vấn của Thủ tướng Abe, là người kêu gọi lập chương trình “người lao động khách mời”, cấp visa 5 năm cho họ tham gia các lĩnh vực thiếu hụt người làm. Nhưng ông cũng lưu ý rằng ngay cả việc du khách nước ngoài ồ ạt đến Nhật du lịch cũng khiến dân Nhật thắc mắc nên cho bao nhiêu người nước ngoài đến làm việc.

Chiêu “lách cửa sau”

Dòng lao động xuyên biên giới đã là chủ đề của giới chính trị, như chuyện Anh trưng cầu dân ý Brexit để rời khỏi EU. Ở Nhật, dòng lao động nhập cư hiếm khi là một giải pháp cho các thách thức về kinh tế và dân số. Chính phủ Nhật đã ước tính dân số 127 triệu người Nhật sẽ giảm còn 19 triệu dân từ năm 2040. Và đã có lời kêu gọi phải đón nhận lao động người nước ngoài để Nhật đạt được sự phát triển kinh tế bền vững dài hơi. Một thăm dò năm 2015 cho biết 85% các giám đốc nhân sự Nhật khó mà t́m được đủ số nhân viên.

Nên Chính phủ Nhật đã nhắm vào lao động người nước ngoài có tay nghề cao, đối tượng của “cuộc chiến thế giới” giành giật tài năng. Năm 2016, Thủ tướng Abe hứa sớm cấp quyền thường trú cho  lao động người nước ngoài, ở mức “cấp nhanh nhất thế giới”. Hiện một người nước ngoài phải sống ở Nhật 10 năm liên tiếp mới được cấp quyền thường trú.

Mặt khác, dù lệ thuộc lao động người nước ngoài không tay nghề ở nhiều lĩnh vực, Nhật không có các hạng mục visa cấp cho người có thể đến Nhật làm việc. Thay vào đó là “chiêu cửa sau” như “chương trình huấn luyện”, về lý thuyết là huấn luyện cho người ở các nước đang phát triển có những kỹ năng để họ có thể sử dụng ở nước họ, nhưng thực tế đó là hệ thống “người lao động khách mời”.

Nhật  -đang có tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất trong nhóm nước phát triển G-7 sẽ cho phép thêm người lao động không tay nghề nhập cảnh trong một thời gian tạm, khi các công ty đang chật vật tìm người lấp vào các vị trí bị khuyết. Số lao động người nước ngoài ở Nhật đã tăng gấp đôi trong 8 năm qua, từ 486.000 người năm 2008 lên gần 908.000 người năm 2015. Khoảng 190.000 ngoại kiều này làm việc theo “chương trình huấn luyện”.

Các nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền Dân chủ tự do (LDP) của Thủ tướng Abe  cũng ủng hộ một dự luật sẽ mở rộng “chương trình huấn luyện” để có người làm việc ở mảng chăm sóc người già, sản xuất và nông nghiệp. Một đề xuất của LDP cho phép lao động người nước ngoài có thể tạm trú 5 năm so với 3 năm như hiện nay. Nhật cũng cần công nhân xây dựng, để chạy đua xây và nâng cấp các cơ sở hạ tầng của Olympic mùa hè Tokyo 2020. Dòng lao động người nước ngoài đã xuất hiện nhiều ở Tokyo, chủ yếu là người Trung Quốc.

8 năm qua, số lao động ngoại kiều này đã tăng gấp đôi dù vẫn còn ít, và đảng cầm quyền của Thủ tướng Abe đang xem xét các chính sách để tăng thu hút thêm lao động người nước ngoài

Già làm việc trẻ chê

Trong khi đó, báo The Wall Street Journal nêu thị trường việc làm “căng” ở Nhật, buộc người sử dụng lao động bản xứ phải tìm thuê các công dân cao tuổi để làm những việc mà giới trẻ xứ đảo Phù Tang chê, dù Nhật đang đâm khủng hoảng là một quốc gia ngày càng đông người già, thiếu nhân lực lao động.

Cụ Takashi Abe 77 tuổi phải kiếm việc gần nhà để có tiền nuôi vợ bệnh, và cụ nhận làm bảo vệ giữ xe, phải đứng suốt nhiều giờ để điều tiết luồng xe vào-ra một bãi đậu, dưới bất kỳ thời tiết nào. Trước đây, đấy là việc của thanh niên, nhưng khi thị trường việc làm “căng”, chủ lao động đành nhờ người già bù lấp. Cụ Abe nói: “Làm gì có chuyện hạn chế tuổi tác. Nếu khỏe thì vẫn làm được thôi”.

Cụ Takashi Abe làm bảo vệ, phải đứng suốt nhiều giờ.

Hiện kinh tế Nhật đang bị trì trệ, nhưng ở Tokyo tràn ngập các bảng rao kiếm việc làm. Tỉ lệ thất nghiệp đã giảm 3% và hôm 29-11, Chính phủ Nhật nói lần đầu tiên số người thất nghiệp giảm dưới mức 2 triệu người (tính từ năm 1995) và cứ 100 người tìm việc thì có 140 việc làm, một tỉ lệ cao nhất trong 25 năm. 

Kinh tế Nhật hiện vẫn chật vật, nhưng vẫn đủ tạo ra một sự thiếu hụt người lao động, vì nhân lực trong tuổi lao động giảm mạnh từ cuối những năm 1990 vì tỉ lệ sinh con thấp ở nước này. Chính phủ không cho phép nhập cư ồ ạt để bù vào sự thiếu nguồn lực lao động.

Nên khi các công ty cần hỗ trợ, số người Nhật từ 65 tuổi trở lên được tuyển dụng đã tăng 33% trong 5 năm qua. Đó là một con số được Thủ tướng Abe hoan nghênh. Ông đang tìm cách vực dậy nền kinh tế, bằng cách khuyến khích các nhóm dân cao tuổi và phụ nữ tham gia lao động. Người già hiện chiếm hơn 1/4 dân số Nhật và họ nhận những việc làm “kém thơm” mà giới trẻ chê.

Fumihiko Nakata, Chủ tịch công ty Japan Security Patrols chuyên cho thuê bảo vệ các công trình xây dựng lớn ở Tokyo, nói: “Vấn nạn lớn nhất của chúng tôi là không đủ nhân sự. Chúng tôi không phải một ngành có sức hút.  Giới trẻ theo nghề này nhận ra khó mà mơ có được một tương lai”.

Lãnh đạo các công ty xây dựng, vận tải cũng cho biết; tỉ lệ nhân công trên 65 tuổi đã tăng vì giới trẻ “xấu hổ” với việc làm đòi hỏi cao nhưng lương lại thấp, ít bổng lộc. Nhiều nhân công cao tuổi nhận các việc làm, vì họ bị các công ty lớn hơn cho nghỉ việc khi họ 60 tuổi. Luật qui định các công ty này phải giữ chân người lao động cho đến khi họ 65 tuổi, nhưng không nhất thiết phải giữ nguyên mức lương hoặc nhiệm vụ cho họ.

Lương “bèo”, chỉ có người già làm

Trong một thăm dò với 5.000 người trong độ tuổi 60 hồi năm ngoái, Viện Chính sách lao động - đào tạo Nhật Bản (thuộc chính phủ) cho biết hơn 1/3 số người được hỏi nói nhiệm vụ của họ bị đổi, khi họ tiếp tục lao động sau khi đến tuổi hưu trí. Và khoảng 80% nói họ chịu bị giảm lương khi tiếp tục làm việc.

Viện tuyển dụng việc làm (một nhánh nghiên cứu của Công ty tuyển dụng lao động Recruit Holdings Co) nói mức lương trung bình hàng năm trả cho người lao động trong độ tuổi vừa 60 thì thấp hơn 1/3, so với mức lương trung bình trả cho người lao động gần kết thúc độ tuổi 50 ở các công ty có hơn 1.000 nhân viên.

Khi ông Hideo Hashimoto 60 tuổi, công ty sữa bò nọ để ông làm công tác nghiên cứu thêm 4 năm, ít trách nhiệm hơn nhưng lương cũng bị giảm. Ông nghỉ và làm cố vấn bán thời gian cho Công ty xử lý nước Hinode Sangyo Co. ở Yokohama. Ông nói: “Dù công việc hiện tại chẳng hề liên quan việc tôi từng làm, tôi có thể sử dụng các kỹ năng của mình. Vui lắm”.

Giám đốc Công ty Hinode Sangyo, bà Kaori Fujita, nói việc thuê dụng nhân công cao tuổi cho phép các công ty nhỏ như của bà “hút”tài năng của các công ty lớn. Nhưng bà cũng lo lắng chuyện tìm được nhân công trẻ hơn để ông Hashimoto có thể truyền đạt tri thức chuyên môn. Bà nói: “Chúng tôi cần sự cân bằng về tuổi tác nhân công. Nhưng khó tìm được người trẻ chịu làm ở một công ty nhỏ”.  

Anh Thao ( theo The Wall Stress Journal)
.
.
.