Người mẹ đáng thương 19 năm chờ con gái mất tích

Thứ Tư, 30/10/2019, 12:31
Nhờ mạng xã hội, nhiều trường hợp mất tích nhiều năm bỗng nhiên tìm được thân thế, tìm được gia đình và có những cuộc hội ngộ đẫm nước mắt. Câu chuyện của chị Phạm Thị Giở cũng giống như vậy, sau gần 20 năm trời lưu lạc, nhờ những thông tin ngắn ngủi mình còn nhớ, chị đã tìm được gia đình, nơi có người mẹ già mong ngóng con cũng trong từng ấy năm trời…


Những thông tin ngắn ngủi

Cách đây khoảng 2 tháng, mạng xã hội chia sẻ rầm rộ về thông tin của một người phụ nữ sống tại Trung Quốc gần 20 năm. Những dòng chữ nguệch ngoạc viết lại những thông tin ngắn ngủi mà chị còn nhớ, được đăng tải để tìm địa chỉ nhà và tên của bố mẹ với mong muốn tìm lại được quê hương, gia đình.

Cũng theo những dòng chia sẻ này, sự việc được đưa lên mạng xã hội kể từ khi có người đi làm ăn ở bên Trung Quốc, phát hiện một phụ nữ Việt Nam có biểu hiện tâm trí không ổn định, khóc lóc rất nhiều. Khi gặng hỏi, người phụ nữ này bằng một thứ tiếng Việt bập bõm câu được câu chăng cho biết đã sống ở Trung Quốc gần 20 năm. Còn lý do vì sao chị lưu lạc ở nước ngoài, không nhớ rõ về gia đình thì vẫn chưa được giải đáp.

Ngôi nhà xập xệ của bà Hảo.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đó chính là người phụ nữ này vẫn còn nhớ được tên tiếng Việt của mình và của bố mẹ. Qua trao đổi và tự giải nghĩa, người tiếp xúc phải rất vất vả mới có thể hiểu được tên của chị là Phạm Thị Giở, bố là Phạm Thanh Hiền còn mẹ là Nguyễn Thị Hảo, từng sinh sống ở xóm 6 xã Chất Bình, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Chỉ với vài dòng thông tin ngắn ngủi đó được đăng tải, nhiều người đã chia sẻ và tìm kiếm nhân thân, gia đình cho chị Giở. Rất may mắn chỉ sau đó không lâu, một số người dân sinh sống tại huyện Kim Sơn đã tìm ra thông tin về một gia đình có con mất tích đã lâu, cùng người phụ nữ nói trên có nhiều điểm trùng hợp.

Để tìm hiểu về mối liên quan giữa người phụ nữ nói trên và gia đình có con mất tích, phóng viên đã tìm về xóm 6, xã Chất Bình, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Trong ngôi nhà cũ kĩ được chính quyền và người dân địa phương hỗ trợ xây dựng lại từ năm 2010, bà Nguyễn Thị Hảo (73 tuổi) ngồi thẫn thờ trên chiếc giường cũ kĩ, xập xệ trong góc nhà. Không rõ vì tuổi cao sức yếu hay chính nỗi đau mất con đã dằn vặt bà, khiến người mẹ này luôn giữ một trạng thái thất thần như vậy kể từ khi tiếp xúc.

Do bà Hảo bị điếc nặng nên phóng viên không thể xác minh được câu chuyện về cô con gái thất lạc đã gần 20 năm. Nhưng rất may sau đó, người con dâu của bà Hảo là chị Nguyễn Thị Vì đã chạy sang giúp mẹ tiếp khách. Qua trò chuyện, chị Vì xác nhận rằng sau khi thông tin nói trên được đăng tải, đã có một người quen đến để thông báo về chị Phạm Thị Giở (SN 1973) được tìm thấy sau 19 năm mất tích. Hiện chị Giở đang ở bên Trung Quốc, đã có chồng và sinh con.

“Tôi cũng chỉ được đứa cháu chạy sang thông báo về sự việc, nó nói rằng người ta báo tin đã gặp được chị Giở ở bên Trung Quốc. Nghe nói, chị ấy có chồng và con ở bên đấy, khi gặp người Việt thì khóc rất nhiều, chị ấy nói tiếng Việt không được thành thạo vì quên nhưng người này vẫn hiểu và thông báo lên mạng”, chị Vì nói.

Chị này cho biết, chị Phạm Thị Giở là chị chồng của mình, không được thông minh nhanh nhẹn cho lắm. Cách đây 19 năm, khi đó chị Giở vẫn chưa lập gia đình thì được nhờ lên Thái Nguyên trông con cho người chị cả lấy chồng và sinh sống ở đó. Ít ngày sau, gia đình nhận được tin chị Giở bỗng nhiên mất tích không rõ nguyên nhân. Mặc dù sự việc đã được báo cáo lên chính quyền và người thân cũng đi tìm nhưng cho đến nay vẫn không có một chút thông tin gì về chị.

Hoàn cảnh éo le

Nói thêm về hoàn cảnh gia đình mình, chị Vì buồn bã kể lại, mẹ chồng chị sinh được 6 người con (5 gái, 1 trai), chị Giở là con gái thứ 3, kế tiếp đó là chồng của chị Vì và cũng là người con trai duy nhất trong gia đình. Do hoàn cảnh khó khăn nên sau khi các chị em trong nhà đến tuổi trưởng thành, mỗi người lập gia đình và tự đi lập nghiệp ở những nơi khác nhau.

“Gia đình vợ chồng tôi ở lại đây cùng mẹ, còn các chị khác thì sau khi lập gia đình, mỗi người một nơi để kiếm kế sinh nhai. Do hoàn cảnh khó khăn nên cũng không ai có khả năng đi tìm chị Giở nữa, cũng may chúng tôi không chuyển đi nốt, không thì chị ấy có nhớ thông tin cũng không tìm về được đến nhà”, chị Vì buồn bã chia sẻ.

Ngồi kế bên để xem chúng tôi trao đổi, dù tai điếc nặng nhưng dường như bà Hảo cũng đoán được phần nào câu chuyện đang nói về cô con gái đáng thương phải sống xa cách gia đình hàng chục năm của bà. Sau khi chị Vì dừng lại câu chuyện, bà Hảo lại đứng dậy và tiếp lời con dâu, nói về hoàn cảnh éo le của gia đình mình.

“Gia đình tôi khó khăn, hoàn cảnh lắm. Cũng vì cái nghèo mà bằng đấy đứa con chẳng đứa nào được ăn học một cách tử tế. Đứa nào được đi học nhiều lắm thì cũng chỉ gọi là xóa nạn mù chữ chứ không được học hành cẩn thận như con nhà người ta. Ngày con Giở đi lên Thái Nguyên trông cháu rồi bị mất tích thì ông nhà tôi còn sống, ông ấy cũng thương con lắm nhưng tiền không có, lấy gì để đi tìm con.

Đến khi biết là mất con, ông ấy buồn bã suốt nhiều năm rồi cho đến khi qua đời vẫn không biết con gái đang ở nơi nào. Không biết ở dưới suối vàng biết con còn sống, ông ấy có yên lòng hơn không”, bà Hảo đau xót kể.

Chỉ vào ngôi nhà cũ nát của mình, bà Hảo cho biết những ngày đó, ngôi nhà này còn được xây bằng đất, nhìn xập xệ hơn bây giờ rất nhiều. Do hoàn cảnh khó khăn nên cách đây 10 năm, xã cùng người dân hỗ trợ xây dựng lại căn nhà cho có chỗ chui ra chui vào. Khi biết tin con còn sống, hiện đang lưu lạc bên xứ người, bà Hảo cùng các con cũng không biết cách nào để được gặp chị Giở vì không có tiền.

“Thương con lắm nhưng cũng chẳng biết làm cách nào để đưa nó về được, cả ngày cứ ngồi như thế này trông ngóng, nhớ con quá mà bất lực”, bà Hảo chia sẻ nỗi buồn.

Khi đề nghị về việc được giúp đỡ và hỏi về nguyện vọng của gia đình có muốn đón chị Giở về quê hương hay không, chị Vì tỏ ra rất buồn cho biết, hiện tại chỉ còn mẹ già nhưng hoàn cảnh quá khó khăn, chị em thì mỗi người một nơi.

“Từ ngày mất liên lạc, mẹ tôi đi khắp mọi nơi cầu khấn và tìm kiếm nhưng không thấy nên phải chấp nhận. Bây giờ, chị ấy đã có chồng con rồi, gia đình tôi rất mừng và coi như chị ấy vẫn còn sống, mong chị ấy bình an”, chị Vì tâm sự.

Tưởng chừng như sự xa cách này sẽ là vĩnh viễn bởi khi đã biết tung tích của cô con gái thất lạc, gia đình vẫn không thể nào gặp được do hoàn cảnh không cho phép. Nhưng may mắn thay, khi chị Giở xác định được nhân thân của mình tại Việt Nam, chị đã được nhà chồng bên Trung Quốc cho phép về thăm nhà và hỗ trợ chi phí. Người mẹ già ấy đã có thể nhìn thấy con gái sau gần 20 năm xa cách.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Tiên - Chủ tịch UBND xã Chất Bình, huyện Kim Sơn cho hay, chồng bà Nguyễn Thị Hảo đã mất, gia đình cũng trong diện có hoàn cảnh vô cùng khó khăn.

Ông Tiên cũng thông tin thêm, cách đây vài năm bà Hảo có được bình xét vào diện hộ nghèo nhưng đã hết tiêu chí vì xã còn nhiều hoàn cảnh khác. Hiện tại bà Hảo không còn bất kỳ khoản hỗ trợ nào, mà sinh sống nương tựa vào vợ chồng người con trai.

Qua tìm hiểu, vợ chồng anh Phạm Văn Giang, người con trai bà Hảo đang sống ngay bên cạnh cũng có hoàn cảnh khó khăn. Công việc của anh Giang tự do, còn người vợ hàng ngày ở nhà làm nghề đan thủ công.

Thái Hà
.
.
.