Người nghệ nhân một đời say mê với những họa tiết thổ cẩm

Thứ Ba, 26/02/2013, 15:16

Nghệ nhân Đỗ Đình Được được nhiều người ví von, gọi là "ông vua thổ cẩm", quả thật chẳng sai. Ông theo và giữ nghề thổ cẩm đến nay tròn 60 năm. Bây giờ chân chậm, mắt mờ nhưng trái tim ấy vẫn đập những nhịp đập của tình yêu cả một đời ông dành cho những hoạ tiết đầy màu sắc, huyền hoặc trong từng thớ vải thổ cẩm...

Dặm dài những chuyến đi

Khi còn công tác giảng dạy ở Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, mỗi năm, nghỉ ba tháng hè, nghệ nhân Đỗ Đình Được lại vác ba lô lên đường. Ông đi tìm chất liệu cho những bài giảng của mình, tìm chất liệu cho những hoa văn, những màu sắc của thổ cẩm, tìm chất liệu cho chính tâm hồn người nghệ sĩ để có thể thăng hoa mà sáng tạo.

Ông say mê những vùng đất mới, những màu sắc từ tự nhiên, những hoa văn tinh tế trên mỗi sản phẩm của đồng bào  các dân tộc ở mỗi vùng miền ông đặt bước chân qua.

Mỗi chuyến đi lại chắt chiu thêm những tinh túy được tích lũy qua lớp lớp các trầm tích văn hóa. Ông bảo rằng, tất cả những sáng tạo của người nghệ sĩ chân chính đều phải được bắt nguồn từ cuộc sống, từ đời sống chân thực của con người.

Hiện thực đi vào tâm hồn người nghệ sĩ, qua lăng kính tâm hồn nhạy cảm với những hình khối, những bố cục, những màu sắc để rồi họ cách điệu, hình tượng hóa chúng một cách sống động tạo nên những tác phẩm nghệ thuật thực sự. Và chỉ có những chuyến đi, sự trải nghiệm thực sự, sống những cuộc sống thực sự thì nghệ sĩ mới có thể làm được nghệ thuật một cách chân chính.

Điểm dừng chân của người nghệ sĩ say mê với nghề ấy thường là những khu vực hẻo lánh, ít người đặt chân đến. Đó là miền Tây Bắc xa xôi, địa đầu Tổ quốc, nơi có đồng bào các dân tộc Mường, Tày, Mông, Dao, Thái,… sinh sống.

Những chuyến đi dài ngày của ông đậm chất của một người nghệ sĩ lãng du. Ông sống cùng đồng bào, tìm hiểu về đời sống văn hóa tinh thần, những tinh hoa trong nghề dệt thủ công của họ, đặc biệt là những tấm thổ cẩm của mỗi dân tộc, sự khác biệt của chúng.

Và rồi ông say mê con người, thiên nhiên Tây Bắc, say mê những vùng đất tươi đẹp, say mê những nét văn hóa Tây Bắc đặc sắc và độc đáo được lưu giữ nghìn đời nay trên những tấm thổ cẩm, nơi truyền giữ và tiếp nối bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc.

Chất Tây Bắc ngấm dần trong tâm hồn của người nghệ sĩ đất Hà thành, làm chất liệu, linh hồn để ông thăng hoa với những tác phẩm mang đậm dấu ấn của đất nước, con người dân tộc Việt.

Năm 1964, nghệ nhân Đỗ Đình Được tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và được giữ lại trường làm giảng viên. Những năm tháng vừa làm thầy, vừa là một nghệ sĩ theo đuổi những sáng tạo nghệ thuật, vừa đứng trên bục giảng, vừa say mê cầm bút vẽ đã giúp ông tiếp cận nhiều hơn cả lý luận và thực tiễn, trau dồi thêm chất lửa trong ông, để tình yêu với thổ cẩm cứ âm ỉ cháy, cháy mãi, cháy mãi.

Những chuyến đi, ông thường dành thời gian về sống cùng đồng bào các dân tộc, học hỏi cách họ chiết xuất các màu nhuộm từ thiên nhiên, nguyên liệu làm sợi, kỹ thuật dệt của đồng bào. Năm 1979, sau khi về hưu, ông dành trọn thời gian cho việc nghiên cứu về thổ cẩm, say mê sáng tạo ra những tác phẩm thực sự mang linh hồn với những nét độc đáo riêng có của đất Hà thành.

Làm sống lại nghề dệt thổ cẩm

Làng Triều Khúc nổi tiếng là làng thủ công của đất Thanh Oai, Hà Đông xưa. Nổi tiếng nhất là nghề dệt từ nguyên liệu thô, sần, những phế liệu từ dệt lĩnh, dệt lụa thải ra, được chuốt lọc lại thành những con tơ, cuộn sợi nhuộm đủ màu rồi mới dệt thành vải để làm quai nón. Câu ca “Ai làm ra nón quai thao, để cho anh thấy cô nào cũng xinh” đã làm nên danh tiếng của làng. Dệt thổ cẩm cũng là một nghề truyền thống của làng.

Sinh ra trong một gia đình nhiều đời gắn bó với nghề dệt ở làng Triều Khúc, từ khi lên năm, lên sáu, ông Được đã biết phân biệt được thế nào là sợi thô, sợi sần, thế nào là dệt lĩnh, dệt lụa… Chất thợ đã chảy trong máu. Và nó thăng hoa kể từ khi ông say mê với thổ cẩm, sáng tạo không ngừng nghỉ để làm sống lại nghề dệt Triều Khúc trứ danh ở đất trăm nghề.

Ông Được đã làm nên một dòng thổ cẩm với những nét rất riêng của đất Hà thành. Ông cho biết, sự khác biệt giữa thổ cẩm Hà Nội với các vùng miền khác được thể hiện trong cách pha trộn màu sắc, sự cách điệu, bố cục trình bày và độ bền chặc của tấm thổ cẩm.

Đồng bào dân tộc thiểu số thích màu sặc sỡ, các màu gốc như đỏ chói, xanh chói, vàng chói..., còn người Hà Nội thường ưa màu nhẹ nhàng, trầm dịu. Cách bố cục, cách điệu hoa văn trên những sản phẩm thổ cẩm Hà Nội cũng đòi hỏi sự tinh xảo, sống động và có hồn hơn.

Đối với thổ cẩm, khi nhuộm màu sợi vải, để tạo ra được màu sắc đẹp và hợp với gu của người Hà Nội, không được nhuộm nguyên màu gốc mà phải tìm công thức pha trộn sao ra màu phù hợp. Để làm được điều đó, người nghệ sĩ phải không ngừng nỗ lực tìm tòi, học hỏi, sáng tạo.

Màu sắc chỉ làm nên một phần thành công cho tác phẩm, để có tính nghệ thuật, những nét hoa văn, bố cục cũng phải gần gũi với đời sống, chân thực và hấp dẫn người sử dụng. Ông luôn cố gắng đưa ra những đường nét hoa văn sinh động, độc đáo, lạ mắt. Trong quá trình dệt, ông áp dụng một phần máy móc hiện đại sản xuất ra những sợi tơ chuốt, mềm, đều hơn, khi dệt ít bị lỗi.

Ông tâm sự: “Muốn có những tấm thổ cẩm đẹp phải ấp ủ ý tưởng, chọn nguyên vật liệu, tìm công thức pha trộn màu, phối màu, gia công dệt công phu. Mỗi tấm thổ cẩm không đơn thuần là sản phẩm lao động giản đơn mà còn là sản phẩm tinh thần, một sự sáng tạo mang đậm nét văn hóa dân tộc.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận trong từng chi tiết. Hoa văn, họa tiết phải trực tiếp do chính bàn tay con người dệt nên…”. Ở tuổi 80, người nghệ sĩ già vẫn cứ say mê. Bao nhiêu tinh hoa thổ cẩm ông chắt chiu suốt cả một đời, ấy là những tâm đắc, là tình yêu sinh nghề tử nghiệp, là trái tim của người nghệ sĩ chân chính với nghệ thuật.

Nghề nào cũng lắm thăng trầm

Chính ông Được đã vực dậy nghề dệt ở làng Triều Khúc. Từ những năm tháng chiến tranh, ông đã tổ chức sản xuất thổ cẩm để xuất bán ra nước ngoài. Ông bảo: “Nghề nào cũng lắm thăng trầm. Thịnh suy âu cũng là cái lẽ bình thường. Nghề dệt thổ cẩm này cũng vậy, hoàng kim nhất những năm sau đổi mới, và bế tắc nhất những năm tháng chiến tranh ác liệt, không có thị trường”.

Kể từ khi cụ Nguyễn Hữu Dị khai mở nghề dệt thổ cẩm ở làng Triều Khúc đến nay, trải qua biết bao thăng trầm nhưng thành công nhất có lẽ là thế hệ của nghệ nhân Đỗ Đình Được. Ông Được và nhiều nghệ nhân cùng thời đã từng được mời sang làm các chuyên gia để dạy nghề dệt tại Viêng Chăn (Lào).

Chính ông Được cũng là người nghiên cứu thành công kỹ thuật dệt thổ cẩm bằng máy Giắc-ca, làm nên những sản phẩm dệt thổ cẩm có hoa văn, màu sắc hấp dẫn, rút ngắn được thời gian dệt nên một sản phẩm.

Ông Được bảo: Thời của ông, nghề dệt thổ cẩm ở Triều Khúc nổi danh lắm. Nhiều sản phẩm xuất ra nước ngoài được bạn bè quốc tế biết tiếng. Bây giờ, thế hệ những nghệ nhân già như ông đã chẳng còn ai. Người trẻ nối nghiệp, giữ nghiệp cha ông chưa thể hội hết tinh hoa của nghề.  Họ thiếu tình yêu, thứ tình yêu say đắm mà một đời ông Được đã dành cho thổ cẩm. Bởi vậy, đám thợ trẻ cứ bỏ nghề dần. Rồi mai đây, chẳng biết liệu có còn nữa hay không.

Câu chuyện về những thăng trầm của thổ cẩm Hà thành như một chuỗi dài, liên hoàn biết bao câu chuyện giữa đời người với nghề, với nghiệp. Người nghệ nhân già chia sẻ: “Cũng có những lúc muốn bỏ nghề, nhất là những năm tháng chiến tranh, bế tắc. Nhưng rồi chính tình yêu, cái thứ tình cảm máu thịt với thổ cẩm đã giữ lại, để trụ lại cho đến hôm nay, chân chậm, mắt mờ, hơn 60 năm”.

Nghệ nhân Đỗ Đình Được bây giờ không còn đủ sức để sáng tác, để theo nghề nữa. Lớp học cuối cùng ông đã chuyển giao tất cả máy móc, kỹ thuật, những tinh hoa một đời ông mê mải chắt chiu cho lớp học trò. Cuộc sống bây giờ bình lặng trôi, người nghệ sĩ mái tóc bạc phơ ngưng đọng hết thảy thứ tình yêu đặc biệt ông dành cho thổ cẩm suốt cả một đời.

Những câu chuyện vẫn còn tiếp nối. Những mạch cảm xúc vẫn dào dạt. Những kỉ niệm một thời du lãng. Những cuộc vật lộn giữ nghiệp gìn nghề… Tất cả vẫn cháy, cháy theo những ấp ủ và hi vọng, cháy theo niềm khắc khoải từ ánh mắt thẳm sâu một đời con người nghệ sĩ gắn bó với những tinh hoa của những khối hình và những sắc màu

Việt Duy
.
.
.