Người phụ nữ bị lừa khi muốn tìm thiên đường nơi đất khách

Thứ Hai, 03/08/2020, 08:51
Chỉ vì tin vào những lời dụ dỗ về một cuộc sống thiên đường nơi đất khách, họ đã bán hết nhà cửa, bỏ trốn sang Thái Lan, nhưng rồi nhanh chóng vỡ mộng. Trong số những người thất vọng sau nhiều ngày lang bạt nơi đất khách đã phải tìm đường hồi hương có chị Nay H'Chấc (SN 1980) cùng hai người con là Nay H' Oanh (SN 1997), Nay H'Gunna (SN 2009) trú ở buôn Bưng B, xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên…


Bị chính người thân dụ dỗ

Cách đây gần 15 năm, một số phần tử phản động Fulro từ Tây Nguyên lén lút đến xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên dụ dỗ, lôi kéo một số người đi theo Tin Lành Đêga chống đối chính quyền địa phương, bất chấp pháp luật, tham gia nhiều cuộc gây rối trật tự…

Trong số đó có người chồng của Nay H'Chấc là Kso Y BLia - một đối tượng ngang ngược, đã lôi kéo một số người trốn sang Thái Lan. Kết cục giữa năm 2005, Kso Y BLia bị truy tố và xét xử về tội tổ chức người khác trốn ra nước ngoài. Ra khỏi trại giam, YBLia không phục thiện mà tiếp tục tái phạm.

Công an xã Ea Lâm thường xuyên động viên Nay H'Chấc nỗ lực ổn định cuộc sống sau khi trở về.

Trong lúc chính quyền địa phương đang nỗ lực cảm hóa, đưa ra trước đồng bào ở buôn làng để kiểm điểm giáo dục, thì tháng 8-2016 YBLia dẫn hai đứa con trai là Nay Y Quét, Na Y Kly trốn khỏi buôn làng sang Thái Lan một thời gian rồi liên lạc lôi kéo người vợ cùng hai đứa con gái là Nay H'Oanh, Nay H'Gunna trốn chạy vào cuối tháng 7-2019.

Nhắc lại những ngày kinh hoàng đã trải qua, chị Nay H'Chấc kể rằng từ bên Thái Lan, chồng liên lạc qua mạng xã hội Facebook, nói chị bán hết mấy con bò và nương rẫy, dẫn hai đứa con trốn khỏi buôn làng sang bên đó sẽ được thụ hưởng cuộc sống sung sướng. Tin vào viễn cảnh sung sướng, chị dẫn hai đứa con là Nay H'Oanh và Nay H'Gunna xuống phố núi Hai Riêng gặp một người đàn ông lạ mặt đưa lên xe khách đi TP Hồ Chí Minh trong đêm 26-7-2019.

Nay H'Chấc kể lại cho Công an xã Ea Lâm cùng các trinh sát an ninh về hành trình đi tìm "cuộc sống thiên đường" đầy tủi nhục.

Tại Bến xe Miền Đông có thêm 3 người nữa là dân tộc Ja Rai đến từ huyện Ea H'Leo, tỉnh Đắk Lắk được nhập thành một nhóm để lên xe khách đi hai tuyến từ TP Hồ Chí Minh sang Campuchia rồi từ Campuchia sang Thái Lan trong hai ngày kế tiếp. Chỉ riêng tiền xe, ba mẹ con chị đã phải chi trả cho người đàn ông lạ mặt là 40 triệu đồng, nhưng ông ấy không trực tiếp dẫn đường mà lại "bán đứng" cho lái xe, phụ xe. Dọc đường đi từ Campuchia sang Thái Lan, lái xe, phụ xe điện thoại cho Kso Y BLia nhiều lần để dò hỏi nơi đến.

Sang tới nơi, người phụ nữ này vỡ mộng khi thay vì cuộc sống giàu sang sung sướng là những ngày phải sống trong nhà trọ ở khu tạm cư. Nhà trọ thì ọp ẹp như ổ chuột, không bằng một góc nhà sàn ở làng mà giá thuê mỗi tháng tương đương hai triệu đồng tiền Việt. Gần một tháng, ba mẹ con chị mới tìm được việc làm trong mấy quán ăn, làm từ sáng sớm đến tối mịt với mức tiền công rẻ mạt, thất thường.

Nhiều lúc chủ quán đe dọa đẩy đuổi không trả tiền công, thậm chí âm thầm báo cho Cảnh sát Thái Lan bắt giữ, xử lý về tội nhập cư bất hợp pháp nên bị đẩy đuổi phải trốn chui nhủi…Nhưng lỡ đến xứ người phải chấp nhận khổ cực đã đành, đằng này đau đớn xót xa hơn là chồng tôi ăn nằm với người phụ nữ khác nên mới chửi mắng, xua đuổi, đánh đập thậm tệ.

Sau những ngày sống khổ sở nơi đất khách quê người, Nay H'Chấc quyết định quay về Việt Nam. Nhưng khi biết Nay H'Chấc dự tính tìm đường trở về Việt Nam, một số đối tượng tung tin đe dọa: "Về lại bên đó sẽ bị bắt đi tù, đánh đập, đối xử phân biệt" rồi xuống giọng dụ dỗ: "Ráng chờ thêm vài ngày nữa sẽ được đưa lên máy bay đi Mỹ". Thế nhưng chờ từ ngày này sang tháng kia, chờ riết vẫn không thấy ai đưa sang nước thứ ba trong khi đời sống thường nhật cứ vấp phải khó khăn vì Cảnh sát Thái truy đuổi, nhưng chẳng có ai giúp đỡ.

Nay H'Chấc kể: "Hồi còn ở buôn làng, Y BLia cũng đã lừa dối tôi bán hết lúa, sắn, heo, bò để ném vô sòng bài, tôi đã phải vay mượn trả nợ. Tưởng đâu ở bên đất Thái ổng nghĩ lại tình chồng, nghĩa vợ kêu mình qua đó sinh sống, ai ngờ tôi bị lừa gạt thêm lần nữa. Ổng nói sẽ cho tiền ba mẹ con tôi về lại Việt Nam nhưng chỉ là lời hứa nên ba mẹ con tôi phải thắt lưng buộc bụng, dành dụm từng đồng".

Công an giúp người lầm lỗi trở về

Cùng thời gian đó các trinh sát ở Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Phú Yên và Đội An ninh Công an huyện Sông Hinh đang bám trụ ở các buôn làng miền núi huyện Sông Hinh đã nghe một số người dân "bật mí" nỗi niềm tâm sự của Nay H'Chấc mỗi khi liên lạc bạn bè, người thân qua mạng xã hội Zalo, Facebook, Messenger.

Phóng viên đến thăm một gia đình ở buôn Bưng B, xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh.

Nay H'Chấc trốn khỏi buôn làng, bỏ lại người mẹ ruột 85 tuổi là bà Nay H' Âm sống trong cảnh đơn côi, nên chính quyền địa phương và người dân trong buôn làng phải hỗ trợ đời sống sinh hoạt. Nắm được thông tin đó, ba trinh sát là Thiếu tá Y Rin MLo, Thượng úy Kpá Minh và Đại úy Ksor Y Van tiếp xúc với già làng có uy tín ở buôn Bưng B, xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh cùng một số bạn bè, người thân Nay H'Chấc để nắm lại tâm tư, nguyện vọng của người phụ nữ này.

Sau khi nghe báo cáo và đề xuất biện pháp hỗ trợ người lầm lỗi hồi hương, Đại tá Trần Trọng Hiền - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên chỉ đạo nhóm trinh sát người dân tộc Ê đê khẩn trương kết nối liên lạc với Nay H'Chấc để giải thích cho người phụ nữ lầm lỗi hiểu được chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước cùng với tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam.

Ông Kso Y Lip ở buôn Bưng B, xã Ea Lâm kể lại cho phóng viên về một thời lầm lỗi đi theo Tin Lành Đêga.

Và sau nhiều lần kiên trì liên lạc, giải thích, kết cục Nay H'Chấc cùng hai người con gái Nay H'Oanh và Nay H'Gunna đã trở về. Trong suốt hành trình họ trở về, các trinh sát Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Phú Yên thường xuyên kết nối liên lạc, động viên và hướng dẫn đảm bảo an toàn.

Về đến buôn làng quê nhà thời điểm ánh chiều vừa buông xuống, Nay H'Chấc đã bật khóc khi nhìn thấy người mẹ già gầy guộc ngồi đơn độc bên bếp lửa trong ngôi nhà sàn trống hoác. Không riêng ông Ma Gú - Trưởng dòng họ ở buôn Bưng B, xã Ea Lâm mà già làng Ma Sương đều nói với Nay H'Chấc: "Mầy nghe kẻ xấu dụ dỗ, rủ rê, kích động, xúi giục từ bỏ dòng họ, trốn khỏi buôn làng là vi phạm luật tục của người Ê đê rồi đó. Lẽ ra mầy phải nộp phạt bò, rượu nhưng bà con trong buôn làng nghĩ rằng mầy nhẹ dạ, cả tin kẻ xấu nên mọi người đều đồng tình tha thứ…".

Trong câu chuyện với tôi, Nay H'Chấc bảo: "Từ nay tôi sẽ không nghe theo kẻ xấu nữa. Ở đây còn có chính quyền địa phương và bà con hỗ trợ giúp đỡ khi ốm đau, khó khăn, hoạn nạn chứ bên Thái Lan cuộc sống người nhập cư trái phép sống chui nhủi cơ cực lắm. Có đi mới biết, có đến mới hiểu, ở nơi đất khách không có "Tin Lành Đêga" nào ban phát cho mình cuộc sống giàu sang sung sướng đâu.

Bây giờ, ba mẹ con được về tới căn nhà của mình ở buôn làng này là may mắn lắm rồi. Hơn chục sào đất rẫy, gần chục con bò trong chuồng đều bán hết lúc trốn đi. Giờ thì ai kêu cuốc cỏ, trồng mì…tôi cũng đi làm để kiếm tiền chăm lo cho mình cùng mẹ già và hai đứa con. Tôi mong mọi người đừng nên tin kẻ xấu rồi phải chịu khổ như ba mẹ con tôi…".

Tạm biệt miền núi Ea Lâm trong chiều muộn, nhìn ánh mắt của Nay H'Chấc tôi cảm nhận người phụ nữ này đã thật sự nhận diện lỗi lầm sau hành trình đi tìm "cuộc sống thiên đường" xứ khách từ gam "màu hồng" do đối tượng phản động lưu vong ở nước ngoài "vẽ" ra để thực hiện âm mưu chống phá, chia rẽ đoàn kết dân tộc bằng những chiêu bài đen tối.

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.