Người phụ nữ giúp nhiều nhà tù có tỷ lệ phạm nhân tái phạm 0%

Thứ Bảy, 10/12/2016, 07:23
Một nhóm hỗ trợ phạm nhân làm lại cuộc đời được bà Collette Carroll, 66 tuổi khởi xướng vào năm 2000. Và 9 năm sau, bà thành lập tổ chức phi lợi nhuận - Viện Tái hòa nhập California (California Reentry Institute).


Giải thích lý do trăn trở với con đường hoàn lương của phạm nhân, bà cho biết khi nhìn thấy một tù nhân từ chối nhận quyết định phóng thích sớm hơn hạn định vì không có kế hoạch rõ ràng cho cuộc sống sau khi ra tù, nên đã quyết định hỗ trợ họ nhiều hơn.

Chương trình của Viện Tái hòa nhập California đang nhắm vào mục tiêu thay đổi nhận thức về xã hội và cảm xúc, đồng thời dạy các kỹ năng cần thiết để tù nhân thuận lợi hòa nhập với cuộc sống bên ngoài. 

Chương trình này mang tính tự nguyện, tù nhân phải tham gia ít nhất 24 tháng và tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt, đồng thời yêu cầu người tham gia có trách nhiệm với hành vi của mình. Những tù nhân cần hiểu vì sao họ đã phạm tội và làm thế nào để thay đổi bản thân, trở thành thành viên tích cực của xã hội.

Bà Collette Carroll.

Bà Carroll được Kênh truyền hình CNN Mỹ bình chọn là một trong những "anh hùng" của năm 2015. Tuy không phải là người đang thụ án, nhưng hằng tuần bà đều ghé vào một nhà tù khét tiếng ở bang California, với mục đích hỗ trợ những phạm nhân đang tuyệt vọng sau song sắt tìm kiếm niềm tin làm lại cuộc đời.

 "Nhiều người thậm chí không muốn soi gương, không muốn nhìn thấy bản thân mình" - bà Carroll giải thích rằng "họ sợ hãi bởi có quá nhiều gánh nặng tâm lý". 

Từ năm 1994, người phụ nữ này bắt đầu làm việc với những phạm nhân tại nhà tù San Quentin - nhà tù lâu đời nhất ở bang California, được mở năm 1852, giam giữ nhiều tù nhân phạm tội nghiêm trọng.

Thực tế, khi ra tù, một số phạm nhân lo lắng xã hội khó chấp nhận quá khứ đen tối của mình, còn một số người ngồi tù nhiều năm lại cảm thấy lạc lõng với cuộc sống hiện đại. Như trường hợp của ông Otis Johnson - người "bóc lịch" khi mới 25 tuổi vì sát hại một cảnh sát, sau 44 năm ngồi tù, ông trở lại cuộc sống bên ngoài và cảm thấy xã hội quá nhiều đổi thay.

"Tôi thấy nhiều người lẩm nhẩm nói chuyện một mình, khi đến gần mới biết họ đeo vật gì đó trong tai. Tôi tưởng như mọi người đã trở thành nhân viên cơ quan tình báo CIA, bởi điều duy nhất tôi nghĩ đến là khi một ai đó đi lòng vòng với một đống dây rợ quanh tai thì đó là nhân viên an ninh…" - ông Johnson tâm sự sau khi ra tù và đi dạo ở Quảng trường Thời Đại (thành phố New York).

Lớp học do bà Carroll tổ chức tại nhà tù San Quentin mở cửa vào thứ bảy hằng tuần. Bà gọi phạm nhân tham gia chương trình là "khách hàng" và cho hay chuyên gia trong tổ chức của bà sẽ ở bên họ, giúp họ nhận biết nơi họ đã ở, đang ở và làm thế nào để đến được nơi họ muốn tới, giúp họ hiểu rằng họ vẫn có thể mơ ước về một tương lai tươi sáng. 

Đến nay, chương trình hỗ trợ phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng của bà Carroll đã có một khóa tốt nghiệp sau 27 tháng tham gia. Lớp học hiện tại có 50 người.

Bà Carroll còn mở đơn vị chuyển tiếp để cung cấp môi trường an toàn và hỗ trợ cho những tù nhân đã hoàn thành khóa học của bà bên trong nhà tù San Quentin. 14 học viên tốt nghiệp từ khóa đào tạo đầu tiên vẫn nhận được trợ giúp từ Viện Tái hòa nhập California khi họ đề nghị.

"Tỷ lệ tái phạm tội là 0% đối với những tù nhân tham gia "chương trình sau phóng thích". Họ đang sống tốt và đóng góp cho xã hội" - bà Carroll tự hào cho biết.

Người phụ nữ giàu lòng nhân ái này cũng mở lớp đào tạo nghề, kỹ năng quản lý tình huống và một số chương trình khác để đảm bảo rằng những tù nhân mãn hạn luôn xác định đúng hướng trong hành trình xây dựng cuộc đời mới. 

"Những con người lầm lỡ đó thực sự rất cần những điều chúng tôi cung cấp, bởi họ muốn trở thành người tốt hơn" - bà Carroll cho biết. 

Trường Vân
.
.
.