Người phụ nữ nhặt rác và chuyện buồn bên nghĩa địa hài nhi

Thứ Năm, 16/06/2016, 14:43
Có lẽ đó là cái duyên nợ của cuộc đời chị Cúc khi tìm thấy 7 hài nhi nơi bãi rác. Bỏ tất cả công việc lại, dùng những đồng tiền ít ỏi của mình, chị mua cho mỗi cháu một chiếc hộp nhựa và vải trắng để chôn cất. Từ đó cho đến nay đã 5 năm trôi qua, việc đi gom, đi nhặt xác các hài nhi bị bỏ rơi đã trở thành việc thường trực của người phụ nữ này không quản đêm mưa, ngày nắng...


Hành trình không hồi kết

Từ ngày bắt đầu làm công việc này, chị Đỗ Thị Cúc (xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) đã nhận được sự ủng hộ của nhiều bà con, láng giềng. Thế nhưng năm tháng trôi qua, hài nhi nhặt được mỗi ngày một nhiều, những người tham gia lúc đầu rồi cũng mệt mỏi mà bỏ cuộc, chỉ còn mình chị Cúc "cầm cự" được cho tới tận bây giờ. Chị nói: "Có lẽ cũng là cái duyên nợ với các cháu, mình thấy các cháu bé bị bỏ như vậy, kinh không chịu được...".

Căn phòng nhỏ nơi đặt tủ bảo quản.

Bắt đầu từ những phòng khám thai rồi đến các bệnh viện ở các tỉnh lân cận, nơi nào có khả năng có thể tìm được các hài nhi là chị lại lóc cóc xe đạp tới để xin đem về an táng. Lúc đầu, khi nghe lí do của chị, các bác sĩ cũng rất nghi ngờ vì không nghĩ có người làm việc này không công, sợ chị có mục đích xấu khi xin xác hài nhi về. Sau nhiều lần thuyết phục và trình bày với họ mục đích tâm linh của mình, các bác sĩ cũng đồng ý. Và sau đó, mỗi ngày khi xong công việc của gia đình, chị Cúc lại dắt xe đạp đi xuyên màn đêm tới các bệnh viện, phòng khám để nhận các cháu về chôn cất.

Dần dần, khi các bác sĩ đã quen với hình ảnh người phụ nữ lếch thếch đạp xe này thì cứ khoảng một vài ngày họ lại gọi điện cho chị Cúc đến "đón" các cháu. Có lần, 3h sáng chị nhận được cuộc điện thoại từ bệnh viện ở Hưng Yên thông báo đến nhận các cháu, chị lại lóc cóc dắt xe một mình vượt qua quãng đường 50km để tới bệnh viện.

Mỗi lần mang xác hài nhi về, chị lại tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo mới với những cháu đã thành hình rồi lưu giữ vào một chiếc hộp nhựa để bảo quản, chờ tới cuối tuần để đưa đến nhà thờ làm lễ rồi an táng ở vườn Thánh. Chị chia sẻ: "Có những ngày mùa đông trời lạnh buốt, con đường thì vừa tối vừa vắng nhưng tôi cũng không sợ. Vì tôi biết con đường làm việc thiện đầy gian nan này luôn có các cháu đồng hành dõi theo bảo vệ mình...". Tin tưởng là vậy và chị Cúc vẫn giữ mãi niềm tin đó trên mỗi con đường mình đi và duy trì công việc cho tới tận bây giờ.

Chị Cúc đang đặt một hộp chứa hài nhi vào tủ bảo ôn.

Chị Cúc cho biết, mỗi ngày ngoài các cháu nhận ở bệnh viện, ở đâu có tin có xác hài nhi bị bỏ rơi là chị lập tức tới hoặc tìm kiếm ở bãi rác nơi chị làm việc. Một ngày như vậy, chị tìm được từ 20-40 cháu đem về chuẩn bị an táng.

"Trước đây khi chưa có điều kiện bảo quản, tôi thường đem các cháu ra nghĩa trang vườn Thánh chôn cất luôn. Cứ một mình vác xẻng đi lên đó rồi tự mình cầu nguyện cho các cháu yên nghỉ. Sau này có vài người thiện nguyện đến ủng hộ tủ bảo ôn nên đón được các cháu xong mới tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo, đưa vào tủ chờ cuối tuần đến nhà thờ. Rồi cứ khoảng ba tuần hai vợ chồng tôi lại đưa các cháu vào những hộp lớn đưa ra nghĩa trang", chị Cúc tâm sự.

Nhường đất cho hài nhi

Rồi số lượng hài nhi chị Cúc đem về ngày một nhiều, hầm mộ đầu tiên nơi chị đặt các cháu cùng nơi chôn cất hai đứa chẳng mấy chốc đã kín. Chị bàn với chồng di dời mộ của gia đình về một nơi gọn gàng để lấy đất xây thêm bể chứa.

Được sự ủng hộ của chồng, cho tới nay hai bể chứa lớn được xây trên mảnh đất trước đó chôn cất người nhà của vợ chồng chị cũng đã đầy và được xây kín với gần một vạn hài nhi. Chị cũng vô cùng trăn trở về việc này và cho biết: "Tôi cũng tính sẵn rồi, còn một bể chưa kín cũng chỉ thêm được vài tháng là đầy, rồi các cụ của nhà tôi ở gần đấy cũng sẽ chuyển đi chỗ khác để chỗ này cho các cháu. Rất may các anh chị trong gia đình cũng ủng hộ rất nhiều...".

Cùng với sự ủng hộ đó, cũng có những người coi chị như kẻ điên khùng, bị ám nên mới đi lo những chuyện như vậy. Ngày đầu khi chị đi chôn 7 cháu bé nhặt ở bãi rác, có nhiều người bảo chị là hâm, còn có người vào tận nhà để gặng hỏi xem mục đích của chị là gì khi làm việc này.

Khu mộ của các hài nhi.

"Vì theo tư duy của những người bình thường khác sẽ nghĩ, chẳng ai điên mà đi làm cái việc đáng sợ đó. Nhiều người còn cho rằng tôi dùng những hài nhi này vào mục đích kiếm tiền, bán sang Trung Quốc. Điều tra mãi, chứng kiến công việc tôi làm suốt nhiều năm họ mới hiểu lòng mình, hiểu mục đích của việc làm này. Tất cả chỉ vì các sinh linh bé bỏng tội nghiệp", chị Cúc thở dài. Quãng thời gian sống với sự đàm tiếu, chị bỏ ngoài tai tất cả và làm công việc này với tất cả cái tâm của mình suốt 5 năm qua.

Thế nhưng, với chị Cúc, việc chị cảm thấy nhẹ lòng nhất không phải là đi xin xác các cháu về chôn cất mà là việc đã cứu được 55 sinh mạng bé bỏng. Để làm được việc đó, cứ khi nào xong việc kinh tế gia đình, chị lại đến những phòng khám, nạo hút thai để khuyên những bà mẹ trẻ có ý định bỏ thai khi không có lí do chính đáng.

Chỉ vào hai đứa trẻ sinh đôi đang chạy tung tăng trong căn nhà, chị nói: "Hai cháu này là Trần Bảo Quốc và Trần Bảo Khánh, cũng là một trong những ca khuyên giải như vậy đấy. Mẹ hai đứa tên là Trang, còn trẻ lắm, tôi phải khuyên hết lời rồi bỏ tiền túi ra hỗ trợ đi đẻ. Do hai cháu đẻ non phải nằm lồng ấp một tuần, chi phí trong một tuần ấy cũng do tôi bỏ ra mất hơn 3 triệu. Vậy mà khi các con khoẻ rồi, mẹ các cháu lại nhất quyết không nhận nuôi nên tôi đem hai cháu về".

Cho tới nay đã gần hai tuổi nhưng mẹ của Quốc và Khánh chưa một lần về thăm con, bố hai cháu là một thanh niên cũng sống ở gần đây nhưng không hề đoái hoài. Có những người xin con nuôi nhưng chị không đồng ý vì họ chỉ nhận bé trai. Chị Cúc nói: "Tôi chỉ đồng ý khi nào họ nhận nuôi cả hai. Hai đứa sinh ra đã không được bố mẹ thừa nhận, giờ còn tách rời hai anh em chẳng phải quá tội nghiệp hay sao...". Rất may mắn, cho đến nay hai cháu bé vẫn sống vui vẻ, khoẻ mạnh và hoà đồng cùng gia đình chị Cúc.

Hai cháu Bảo và Khánh.

Ngoài trường hợp nói trên, cũng đã có nhiều người trước khi có ý định bỏ thai đến xin chị ý kiến. Lần nào chị cũng khuyên giải hết mình, có người chị khuyên qua điện thoại không được còn đến tận nơi để can ngăn đừng bỏ cháu bé. Mỗi lần như vậy, chị lại hỗ trợ tiền cho người phụ nữ muốn bỏ con để họ có điều kiện sinh đẻ nuôi con. Và mỗi lần khuyên giải thành công, chị Cúc cảm thấy nhẹ đi gánh nặng trên vai, một sinh mệnh bé nhỏ lại được cứu sống.

Nhớ lại trường hợp của một cô gái tên Hương quê Bắc Giang, chị Cúc kể: "Cô ấy gọi điện cho tôi để xin tư vấn, rồi còn về tận nhà tôi để nhờ giúp đỡ. Cô ấy kể rằng bạn trai sau khi làm mình có thai đã đòi chia tay và không muốn nhận con nên không muốn giữ cháu bé. Sau nhiều lần khuyên giải, Hương đã chịu sinh đứa bé và tôi đã bỏ tiền trợ cấp, tiền vay ngân hàng của mình ra để lo chuyện sinh đẻ giúp cô ấy...". Sau khi sinh con, nghe lời chị Cúc, Hương đã về thông báo cho gia đình và chuẩn bị cho cuộc sống của một người mẹ đơn thân. Nhưng không lâu sau đó, bạn trai biết tin Hương đã sinh một cậu con trai kháu khỉnh đã quay lại và hỏi cưới. Cho đến nay, đứa bé đã 3 tuổi và cuộc sống gia đình Hương vô cùng hạnh phúc.

Cứ qua mỗi lần như vậy, động lực giúp chị Cúc tiếp tục con đường của mình lại tăng lên bội phần. Do điều kiện còn khó khăn, ngoài công việc bện chổi, đan lát hai vợ chồng chị còn canh tác trên sào ruộng để duy trì kinh tế của gia đình. Nhưng mỗi khi có ai gọi điện nhờ giúp đỡ hay có tin báo đi nhận các cháu về chôn cất, chị lại dắt xe vội vã đi ngay.

Chị ngậm ngùi nói: "Tôi chỉ mong không phải nhận cuộc điện thoại đi nhận các cháu mỗi ngày nữa. Mong sao số hài nhi tìm được ngày càng ít đi để không phải buồn, phải thương xót cho các cháu. Mong rằng giới trẻ bây giờ sống phải có trách nhiệm hơn với bản thân, đừng vì thú vui nhất thời mà tạo oán nghiệp sau này cho mình". Gấp lại cuốn sổ dày ghi chép số lượng các cháu tìm được mỗi ngày, chị Cúc lau vội giọt nước mắt rồi cùng chồng quét dọn nhà cửa. Ngày mai, lại một ngày anh chị đưa hàng trăm hài nhi tội nghiệp đi chôn cất.

Lê Phong
.
.
.