Người phụ nữ nhiều năm chăm hàng xóm tật nguyền

Thứ Tư, 15/07/2015, 15:00
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng bệnh nặng mất sớm, một mình bà tần tảo nuôi con khôn lớn. Bao nhiêu vất vả đè nặng lên vai người goá phụ, nhưng người phụ nữ ấy vẫn mở rộng tấm lòng chăm mẹ con người hàng xóm tật nguyền suốt nhiều năm liền. Câu chuyện về bà Nguyễn Thị Oanh (sinh năm 1959), trú tại khu phố Bắc Thành, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên vẫn được nhiều người nhắc đến như một người phụ nữ giàu nghị lực và có tấm lòng nhân ái.

Hàng ngày, cứ thu xếp xong công việc nhà, việc công ty, bà Oanh lại sang nhà bà Đoàn Thị Nhung ở bên cạnh để dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm nước cho hai mẹ con người hàng xóm. Bà Nhung là người có hoàn cảnh khó khăn nhất khu phố Bắc Thành. Chồng mất sớm, một thân một mình bà lặn lội nuôi đứa con trai tật nguyền từ nhỏ. Anh Cò năm nay đã ngoài 30 tuổi nhưng không có khả năng đi lại và sinh hoạt cá nhân. Tuổi già, sức yếu, nhưng bà Nhung vẫn phải lặn lội sớm hôm để kiếm tiền nuôi con, vậy mà tai họa cứ liên tiếp giáng xuống người goá phụ bất hạnh.

Bà Nhung sức khỏe yếu hầu như chỉ nằm một chỗ.

Năm 2009, trong một lần đi làm, bà Nhung gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng. Để bảo toàn tính mạng cho bà, bác sĩ phải cưa mất bàn chân trái. Không lâu sau, bà Nhung lại bị mù hai mắt do biến chứng của bệnh tiểu đường. Không thể đi làm được nữa, hai mẹ con người đàn bà tật nguyền sống mòn mỏi dựa vào số tiền trợ cấp thương tật ít ỏi của Nhà nước.

 Người thân, họ hàng đều không có, hàng ngày, bà Nhung vẫn phải mò mẫm tự cơm nước, chăm sóc cậu con trai quanh năm, suốt tháng chỉ biết nằm một chỗ chờ mẹ phục vụ. Có những ngày trời mưa, sân nhà trơn trượt, lọ mọ đi nấu cơm cho hai mẹ con mà bà ngã bổ nhào, chân tay bật cả máu. Lúc ấy bà chỉ biết cắn răng chịu đựng một mình mà khóc thương cho số phận hẩm hiu của hai mẹ con.

Tình cờ một lần đi ngang qua nhà bà Nhung, thấy cảnh bà Nhung ngã sõng soài ngoài sân, bà Oanh vội vàng chạy vào đỡ. Nhìn cảnh mẹ mù chăm con tàn tật, sống trong căn nhà lụp xụp chẳng có gì đáng giá, bà Oanh vô cùng thương cảm. Hoàn cảnh của bà Nhung cũng đâu khác gì hoàn cảnh của bà. Bà cũng từng có một gia đình hạnh phúc, một người chồng hết lòng thương yêu vợ con và một đứa con ngoan.

Nhưng ông trời đã lỡ cướp mất hạnh phúc nhỏ nhoi ấy khi chồng bà đổ bệnh nặng. Bao nhiêu tiền bạc trong nhà đều đội nón ra đi theo những ngày ông nằm viện, trong khi bệnh tình không thể nào cứu vãn nổi. Ông mất khi đứa con còn quá nhỏ. Bao nhiêu gánh nặng đè nặng lên vai người thiếu phụ. Khó khăn lắm bà mới xin vào nấu cơm thuê cho một công ty. Tiền lương chẳng đáng là bao, bà phải chắt chiu từng đồng để nuôi con ăn học và trả nợ tiền chữa bệnh cho chồng.

Có lẽ vì đồng cảm với hoàn cảnh của bà Nhung mà bà Oanh càng thương mẹ con người hàng xóm hơn. Có những trưa nắng chang chang, lo xong công việc ở công ty, bà Oanh lại tất tả trở về nhà hàng xóm để lo cơm nước, dọn dẹp cho mẹ con bà Nhung. Có hôm, bà còn trực tiếp tắm rửa, thay quần áo, vệ sinh cá nhân cho hai mẹ con bà Nhung. Đến bữa ăn, bà lại kiên nhẫn xúc từng thìa cơm cho anh Cò, cẩn thận như chăm sóc cho chính con cháu của mình. Nhìn những cử chỉ, hành động săn sóc tận tụy của bà Oanh dành cho mẹ con người hàng xóm, nhiều người cứ ngỡ bà là con cháu trong gia đình. Nhiều hôm chăm lo cho hai mẹ con bà Nhung xong, bà Oanh lại tất tả đi làm ngay đến nỗi quên cả bữa ăn.

Thời gian đầu, thấy bà Oanh nhiệt tình giúp đỡ nhà hàng xóm, nhiều người tỏ ý nghi ngờ. Có người bảo bà rảnh việc, thân mình lo không xong còn bày vẽ lo cho người khác, nhưng bà bỏ ngoài tai tất cả, bởi với bà, đơn giản chỉ là giúp đỡ người khó khăn hơn mình, đặc biệt lại cùng cảnh ngộ mẹ góa, con côi. Và hàng ngày, bà vẫn làm công việc đó như một thói quen, một trách nhiệm với chính người thân trong gia đình mình.

Phong Trâm
.
.
.