Người tị nạn Sudan "bán mình" trong những mỏ vàng kiếm tiền đến miền đất hứa

Thứ Hai, 05/02/2018, 17:00
Nhiều người tị nạn từ Darfur, Sudan sống tại trại tị nạn ở miền bắc nước láng giềng Chad đang mạo hiểm cuộc sống trong những mỏ khai thác vàng. Để có tiền cho cuộc hành trình đến miền đất hứa Châu Âu, những người tị nạn sẵn sàng làm tất cả, bất chấp nguy hiểm rình rập.


Nguy hiểm rình rập

Người tị nạn Sudan đang mạo hiểm cuộc sống của mình trong những mỏ khai thác vàng nằm sâu trong lòng đất có thể sập bất cứ lúc nào. Theo một số nguồn tin, ít nhất 25 người đã thiệt mạng trong những mỏ khai thác vàng ở Chad vào năm ngoái.

Người tị nạn được thả xuống những hố khai thác vàng sâu đến 50m bằng dây thừng. Tại đây, họ sử dụng đuốc để khai thác, tìm kiếm vàng một cách rất thủ công. Tất cả đều "nuôi" hy vọng sẽ tìm được lượng vàng đủ lớn để trả khoản tiền hàng nghìn bảng Anh theo yêu cầu của những kẻ buôn lậu cho cuộc hành trình qua Libya đến châu Âu.

Nasrudin Omar Bahar bị liệt từ thắt lưng xuống sau vụ sập hầm khai thác vàng ở Tibesti.

Nasrudin Omar Bahar, 29 tuổi quyết định dốc hết khoản tiền tiết kiệm 200 bảng Anh còn lại để tham gia khai thác vàng ở Tibesti, miền bắc Chad. "Tôi hy vọng, mình sẽ có đủ tiền để sang châu Âu. Tôi không quan tâm đất nước mình đến là quốc gia cụ thể nào, chỉ cần nơi đó có sự bình an, thanh thản và cuộc sống tốt đẹp hơn nơi tôi đã sống.

Cuộc sống rất khó khăn và chúng tôi không đủ tiền tiếp tục cuộc hành trình nếu không làm công việc nào đó. Một số người nói với tôi về việc khai thác vàng và tôi đã đến đó tìm kiếm cơ hội cho chính mình", Nasrudin Omar Bahar nói.

Tuy nhiên, cơ hội dường như đã khép lại trước mắt Nasrudin Omar Bahar. Do máy móc khai thác vàng thô sơ, mỏ khai thác vàng của Nasrudin Omar Bahar sập. Anh may mắn sống sót nhưng bị liệt từ thắt lưng xuống. Giờ đây, Nasrudin Omar Bahar nằm bất động trên giường trong trại tị nạn Farchana gần biên giới với Darfur.

Nasrudin Omar Bahar không phải người di cư Sudan duy nhất tìm kiếm cơ hội đổi đời từ những mỏ khai thác vàng. Mohamed Jouma Ahamed, 41 tuổi cho biết, anh trai của anh cũng tham gia tìm kiếm vàng ở Tibesti với hy vọng có đủ tiền cho cuộc hành trình đến châu Âu.

"Ở lại đây không hề dễ dàng. Chính vì vậy, chúng tôi muốn đến châu Âu. Có rất nhiều chàng trai trẻ cố gắng đến châu Âu bằng đường biển qua Libya. Họ đến khu vực phía bắc của Chad - nơi có thể tìm kiếm vàng, nhận tiền mặt và trả cho những kẻ buôn lậu đưa họ đến Libya", Mohamed Jouma Ahamed nói.

Hàng ngàn người tị nạn Sudan kiếm tiền trong các hầm vàng ở Chad

Vàng đã được phát hiện xung quanh Tibesti vào năm 2012. Nhiều người, trong đó có người tị nạn Sudan đổ xô đến khu vực này khai thác vàng với hy vọng có thể tìm ra lời giải cho bài toán khó của mình. Một báo cáo được công bố hồi cuối năm ngoái ghi nhận rằng, trong số những thợ mỏ khai thác vàng, có hàng ngàn người tị nạn từ Darfur. Những cuộc cạnh tranh khốc liệt, đụng độ bạo lực giữa các thợ mỏ khiến nhiều người phải bỏ mạng.

Ước tính, khoảng 323 nghìn người thoát khỏi cuộc chiến nổ ra ở Darfur, Sudan năm 2003 hiện sống trong các trại ở phía bắc Chad, gần biên giới với Sudan. Vào thời kỳ cao điểm của cuộc xung đột, tình trạng của những người tị nạn được mô tả là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới

Ông Mahamat Khatir Idriss, 60 tuổi, người đứng đầu ngôi làng Tenbeba ở Darfur kể lại rằng, ông và khoảng một ngàn người phải rời bỏ quê hương đến trại tị nạn Treguine ở phía đông Chad sau nhiều năm sống trong bạo lực. Cuộc xung đột kéo dài khiến người dân không thể tự bảo vệ mình. Trong khi đó, các cơ quan chức năng không bảo vệ dân thường khi bị tấn công.

"Những người lính của Liên minh Châu phi Liên Hợp quốc tại Darfur (Unamid) đến gặp chúng tôi, lấy thông tin nhưng không có hành động gì. Chúng tôi gọi điện thoại cho Unamid để tìm kiếm sự hỗ trợ nhưng thất vọng", ông  Mahamat Khatir Idriss  nói.

Fatna Idriss Adam, 25 tuổi nói rằng, cô và những người thân trong gia đình đã sống nhiều ngày trong sợ hãi nên quyết định đến Treguine để bắt đầu cuộc sống mới. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là giờ đây, kinh phí cung cấp cho các trại tị nạn đang giảm. Các Chính phủ thuyết phục người tị nạn quay trở lại quê hương bằng cách đưa một số người đại diện cộng đồng đến Darfur để đánh giá tình hình an ninh.

Adam Ismail Abdallah, 38 tuổi, một trong số những người được đưa trở lại Darfur vào năm ngoái nói rằng, Darfur vẫn không an toàn. "Tất cả mọi thứ vẫn như trước kia, bạo lực, chết chóc, hãm hiếp…", Adam Ismail Abdallah nói.

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.