Người về từ một kiếp phôi phai

Thứ Tư, 18/02/2015, 07:00
Trong âm thanh ồn ã của phố phường với đầy dây nhợ như đánh võng trên đầu, bà Thu soạn lại sàng hoa kể tôi nghe về một Hà Nội cũ. Một Hà Nội mà ở đó, người ta vẫn dâng lên bàn thờ tổ tiên một đĩa hoa thơm tỏ tấm tâm thành...

1. Có lẽ Hà Nội bây giờ chỉ còn bà Phan Thị Thu ở chợ Đồng Xuân và bà Vũ Thị Xây ở cổng chợ Quảng Bá là hai người đàn bà bán hoa cúng sót lại của một thời xa vắng. Khi nhiều người chuyển sang bán những loại hoa tân thời thì hai bà vẫn bán hoa theo nếp cũ. Và khách của hai bà phần đông cũng là những người phụ nữ quen với lề thói cũ.

Trong âm thanh ồn ã của phố phường với đầy dây nhợ như đánh võng trên đầu, bà Thu soạn lại sàng hoa kể tôi nghe về một Hà Nội cũ. Một Hà Nội mà ở đó, người ta vẫn dâng lên bàn thờ tổ tiên một đĩa hoa thơm tỏ tấm tâm thành.

13 tuổi, bà đã theo mẹ đi bán hoa ở cửa chợ Đồng Xuân. 18 tuổi, bà cùng các chị các em của làng Ngọc Hà quảy quang gánh hoặc cắp sàng một bên hông đi bán hoa khắp "Hà Nội băm sáu phố phường". Đi thành từng tốp 5 - 7 người, cười nói ríu rít, vui lắm. Bà kể, lúc đó những cô gái Ngọc Hà mặc áo tứ thân màu nâu gụ, chít khăn mỏ quạ, đội nón trắng, chân đi guốc thấp, một tay giữ quang gánh một tay tung tẩy, bao giờ hết hoa thì mới về. Nom rất duyên dáng.

Mà ngày ấy, người mua hoa cúng nhiều nên chẳng bao giờ ế hàng cả. Làng Ngọc Hà của bà là nơi cung cấp hoa cúng cho toàn bộ Hà Nội mỗi bận giỗ chạp, tết nhất. Giờ đây, cùng với biến thiên của thời gian và quá trình đô thị hóa, người ta bán đất cát hết cả, xây nhà cao tầng hết rồi, làng hoa nức tiếng ngày xưa bây giờ cũng chẳng còn, giọng bà Thu đầy tiếc nuối.

Các loại hoa dâng lên bàn thờ tổ tiên thường là những loài hoa ngát, có mùi thơm như móng rồng, huệ trắng, lan ta, lan trắng, hồng quế, cúc vạn thọ, ngâu, bưởi, hoàng lan... được đặt vào đĩa. Thường thì 1 đĩa có 5 loại hoa, không đủ thì 3 loại. Người ta mua hoa tùy theo số lượng ban thờ nhà mình. Còn đi lễ chùa thì thường mua 10 gói, có người mua 15 gói. Những loại hoa cúng thơm được cả tuần lễ, nhiều nhà khi hành lễ xong rồi vẫn để hoa nguyên trên đó cho khô, đến bao giờ có hoa mới rồi mới thay.

Ngày xưa ở đất kinh kỳ này, nhà giàu cũng như nhà nghèo, không ai bảo ai, cứ mỗi dịp giỗ chạp, tết nhất thì trên bàn thờ bao giờ cũng có một bát hương, chén nước và đĩa hoa. Đó như luật bất thành văn và là nét đặc biệt mà chỉ có những người sinh ra và lớn lên ở đất Thăng Long này mới có. Và phải dâng bằng đĩa mới đúng điệu, mới thể hiện được sự linh thiêng, trang nghiêm, cung kính mà con cháu tỏ trước Đạo ông bà.

Bây giờ phố phường trăm lối, dân tứ xứ đổ về san phẳng mọi lề thói yêu dấu một thời. Người ta hôm nay ở đó nhưng biết đâu ngày mai chuyển đi nơi khác, với lại họ cũng chẳng mặn mà với những gói hoa cúng dâng lên bàn thờ tiên phật như thói quen của người Hà Nội một thời. Bà Thu cũng già rồi nên bà không còn đi rao hoa như ngày xưa nữa. Những người Hà Nội gốc còn rớt lại sau những chiều vàng lịch sử, bây giờ còn mấy ai? Thế hệ con cháu, chẳng thiết tha gì chuyện của các ông các bà các cụ, mấy thói quen cũ trở thành điều "ối dào", lạc hậu. Có một bức tường văn hóa vô hình được dựng lên, bởi thời gian, bởi khoảng cách, bởi cái rợn ngợp vần xoay không cùng.

Bà vẫn ở đó, trong dòng chảy ngàn năm lưu niên và cũng là người đương thời của Hà Nội mà chúng ta đang sống bây giờ, bà không bán ở cửa chợ Đồng Xuân nữa mà đã dịch chuyển về gần đó - đầu phố Hàng Khoai - cạnh những cửa hàng hoa tân thời sang trọng. Bà bảo bà yêu nghề của bà. Đó là nghề của "những người muôn năm cũ".

Bà Thu, người 63 năm bán hoa cúng ở đất Hà Thành. Ảnh: Lê Bích.

2.Nếu bà Thu, bà Xây là "những người muôn năm cũ" thì Đại tá Phạm Thị Bích, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật bảo vệ, Bộ Tư lệnh cảnh vệ (K10), trực thuộc Bộ Công an là người thương hoài đất Thăng Long. Ông bà ngoại của bà là người gốc Hà Nội. Ngay từ nhỏ, ảnh hưởng từ mẹ, mạch ngầm của đất ấy đã ăn sâu vào huyết quản của bà. Hà Nội là nơi bà sinh ra, là quê hương thơ mộng và trữ tình nhất.

Bà kể tôi nghe về Hà Nội mùa nào thức nấy, mùa hạ thì ăn chim sẻ, mùa thu thì ăn chim ngói. Khi những hạt mưa tháng 4 tháng 5 nghèn nghẹn không mưa được nữa là mùa rươi chiêm. "Tháng Chín đôi mươi tháng Mười mồng 5", mưa vài hạt rồi tạnh, nồm nồm, bí bí, rươi chui lên từ những khe đất lợ, ấy là mùa mưa rươi. Bà là người phụ nữ của năm hai ngàn không trăm mười lăm nhưng vẫn giữ nếp ăn cổ truyền từ hàng trăm năm trước cho gia đình của mình. Ăn sao cho đúng vị, ăn sao cho đúng điệu của người Hà Thành.

Bà bảo bây giờ người ta hình như "ăn tạp", cái gì cũng ăn. Người Tràng An xưa không thế. Bà nói với chồng mình rằng: "Hằng năm, em sẽ cố gắng làm cho anh và các con ăn những món ăn truyền thống mùa nào thức nấy của người Hà Nội để mà nhớ vị, để các con biết đất này có những món ăn như thế, và ăn như thế nào mới là cách ăn của ông cha. Hằng năm 1 - 2 lần thôi, để chúng dù có đi đâu, làm gì, vẫn không quên được nguồn cội".

Bà nói những người phụ nữ là linh hồn của Tết, của truyền thống văn hóa dân tộc. Với bà, cầu kỳ làm nên giá trị, làm nên chất riêng không nhòa lẫn vào bất cứ vùng đất nào của xứ Đông kinh xưa. Và để neo giữ mạch ngầm ấy vẫn còn chảy lặng lặng trong mỗi nếp nhà thì người phụ nữ trước hết phải là người thấm đẫm và yêu thích truyền thống ấy. Họ là người giữ lửa cho một thời vàng son của Hà Nội. 

Cả trăm bông sen chỉ lấy được 1 lạng gạo sen để ướp trà. Ảnh: Lê Bích.

Mà ngày trước, không phải Tết đến người ta mới chuẩn bị trà sen, trà nhài. Từ tháng 5, tháng 6 các mẹ các chị đã chuẩn bị đi hái sen, hái nhài để ướp rồi. Trong ký ức của bà, vẫn còn đó hình ảnh cô thiếu nữ Phạm Thị Bích sớm ngày nào đạp xe lên Hồ Tây lấy cả trăm bông sen về cho mẹ ướp trà. Lắt lẻo đạp đi rồi lắt lẻo đạp về và sau yên xe bao giờ cũng là những cánh sen ngậm sương tinh khiết "rụng mát trong bình minh". Vẫn còn đó cảnh mẹ con quây quần trong gian phòng nhỏ, trong lúc mẹ gỡ nhụy sen hay còn gọi là gạo sen để ướp trà, đám trẻ con lấy những phần dư thừa của bông sen để chơi trò đập vào trán kêu chen chét nghe rất vui tai.

Bà kể, lấy hoa nhài, hoa sen ướp trà phải ngắt lúc nào hoa ngát nhất, thơm nhất. Nếu sen thì phải lấy trước khi mặt trời mọc và phải là sen Hồ Tây, còn nhài thì phải được ngắt vào những ngày nắng nhất. Và ướp trà sen, phải là trà Hà Giang, trà Thái Nguyên, nếu trà khác thì coi như hỏng. Rồi bà kể về cách nhận biết sao là một chén trà sen trà nhài đúng kiểu của người Hà Thành xưa, nước màu xanh như thiên hạ vẫn nói với nhau thì không phải rồi. Chè phải có màu nâu sóng sánh. Rồi cách cầm chén trà, đưa lên uống như thế nào mới thưởng thức hết vẻ tinh túy của đất trời.

Kể đến đây, trên khóe mắt của người đàn bà 57 tuổi can trường không biết bao nhiêu lần đối mặt với hiểm nguy để hoàn thành phận sự ấy lại đỏ nhòe đi. Bà bảo, cứ mỗi mùa sen về, lại thấy nhớ mẹ nao lòng, lại thấy nhớ Tết xưa nao lòng. Kỷ niệm là điều không có gì so sánh được. Mỗi lần tự tay chuẩn bị mâm cỗ ngày Tết là thêm một lần nhớ về. Và trong điều đó, đã bao hàm cả tình cảm, sự trân quý xen lẫn là ký ức ngọt ngào của đời mình rồi.

Hai người đàn bà không hẹn mà gặp trong một không gian văn hóa Tết còn sót lại của Hà Nội xưa. Họ, những di chỉ thời gian, dù cho Hà Nội khác xưa thì vẫn không xóa đi được trong họ một ký ức đẹp. Ký ức gắn với Tết cổ truyền, với một thời nồng nàn nhất đã qua đi. Họ là những người về từ một kiếp phôi phai.

Đậu Dung
.
.
.