Người việt giỏi giang trên đất Lào

Thứ Hai, 15/08/2016, 12:35
Câu chuyện về đất nước Lào và những gương mặt người Việt, đặc biệt là về Khăm Hùng mà chúng tôi gặp trong một chuyến đi ngắn cứ làm ngỡ ngàng, bâng khuâng mãi trên chuyến bay về Hà Nội. Họ không chỉ là cầu nối hữu nghị Lào - Việt, đóng góp vào đời sống cộng đồng nơi họ là công dân, mà tấm lòng còn sâu nặng với cố hương.

Thoạt đầu, từ một nơi náo nhiệt như Hà Nội đến Luang Prabang bé nhỏ trong thung lũng rộng chỉ chừng 25 héc-ta, giữa ngày nắng nóng lên 40 độ, đường phố còn nhiều nét hoang sơ, ta sẽ cảm thấy cố đô có vẻ tẻ lặng. 

Nhưng phải "sống chậm" với nhịp sống quen thuộc của Lào như có người ví, nó đủng đỉnh như những đàn voi, biểu tượng của vương quốc Vạn Tượng và khám phá phố cổ, đền đài, núi non, hang động, như hang Pakou còn lưu giữ nhiều tượng Phật chạm trổ tinh tế qua nhiều thời kỳ, tháp nước, như tháp Kuangsi được ví như "Viên ngọc xanh giữa rừng nhiệt đới"… và dòng Mekong xanh khi chưa mùa mưa, mới bắt đầu "mê" dần và thích thú Luang Prabang.

Sáng nào cũng vậy, vào lúc 6 giờ những nhà sư trẻ, đi thành hàng đoàn khất thực dọc các con phố trung tâm như một nghi lễ. Nhiều gia đình, kể cả khách Âu - Mỹ cũng mang xôi, bánh kẹo, nước ngọt… ngồi xếp bằng trên chiếu, thảm trải vỉa hè từ tinh mơ chờ dâng vật phẩm, làm những nghĩa cử của tình thương yêu, chia sẻ và cả tâm linh, cầu cho sự bình an của gia đình mình. 

Nhưng các nhà hàng, cửa hiệu, chùa chiền, Bảo tàng Quốc gia… phải 9 giờ sáng mới mở cửa. Bạn không thể tìm đâu một cửa hàng ăn uống, cà phê… vào lúc hơn 7 giờ sáng. Người Lào cứ thong thả sống như vậy, không việc gì phải gấp gáp, phải thức khuya dậy sớm dù là thành phố du lịch. Những thành phố du lịch của nhiều quốc gia đều có các khu phố "tận thu" bằng hoạt động 24/24 giờ. 

Nhưng cái sự "lười" ở Lào là cứ ngủ cho đẫy giấc. Muốn đón xe ra phố cổ phải ra đường vẫy xe tuk tuk. 30.000 kip cho quãng đường 2 - 3km (hơn 80.000 VND). Tịnh không có một bóng taxi. Dạo phố có thể thuê xe đạp hoặc xe máy. Giá cả dịch vụ, ăn uống… ở Lào phần lớn đắt đỏ hơn Việt Nam. Tối thiểu như tiền đi vệ sinh cũng đắt gấp 3 lần.

Có đêm, thèm đi uống cà phê và ngắm đêm, chúng tôi thuê một xe tuk tuk chạy vòng từ ven sông Namkhan sang bờ Mekong, vào các phố cổ lúc 9 giờ tối mà không thể tìm được quán cà phê nào. 9 giờ đêm là hàng cà phê đóng cửa, chỉ còn một số quán bia, hàng ăn lai rai nhưng cũng không quá khuya. 

Thế giới ẩm thực sôi động, bình dân là cuối chiều ở những con ngõ nhỏ chợ đêm. Rất nhiều loại bánh trái, hoa quả, chè, xôi nếp, thịt xiên nướng, cá nướng… đặc biệt mùi cá nướng của Mekong thơm nức, hấp dẫn xếp từng vỉ trên bếp than đỏ rực trong ngõ ẩm thực, đi qua mà rỏ nước miếng.

Tôi và Tạ Duy Anh tình cờ gặp lại một chị người Việt mà ngay hôm đầu đến Luang Prabang chúng tôi đã gặp ở đầu chợ đêm. Người phụ nữ quê Hải Dương sang đây đã 10 năm, làm nghề bán kem dạo (xe đẩy) trên phố đi bộ Sisavangvong và trước cổng chợ đêm. Chị cũng "câu" được vài người nhà sang đây làm ăn. 

Chị bảo, cuộc sống cũng tạm ổn, tất nhiên phải hơn ở quê thì mới phải bươn trải xa nhà như vậy. Tôi biết, quê tôi cũng có những phụ nữ sang tận đây buôn tóc, nghe nói "trúng lắm", mang tiền về xây nhà lầu, tậu xe rần rần cả. Chúng tôi làm một chầu kem "ủng hộ" người quê nhà. Lão Tạ cứ tấm tắc khen kem Lào thế mà ngon đáo để, xơi liền mấy cái cho hạ hỏa. 

Chị bán kem giống như phần lớn người Việt, chiếm khá đông số người Việt ở Lào, họ chỉ sang làm ăn những năm gần đây, ở rất nhiều nghề khác nhau: Nghề bạc của Đồng Sâm (Thái Bình); buôn bán nhỏ, thu mua phế liệu, thợ mộc, phu mỏ, làm cầu đường, nhiều nhất là thợ xây dựng, và công nhân làm ở các công ty của người Việt.

Chúng tôi rời Luang Prabang trên chiếc xe khách cũ, ì ạch. Từ Luang về Vientiane khoảng 425km nhưng đường đồi dốc quanh co, lại có một vài điểm đá sạt lở còn để lại vết tích trên đường nên cũng phải chạy mất 10 giờ. Lào đất rộng, rừng nhiều, dân thưa. Đã từng nổi tiếng với bạt ngàn rừng nguyên sinh, gỗ quý, đất nước Triệu voi. 

Có lẽ cũng vì đất rộng, rừng nhiều, tài nguyên giàu có, dân ít nên người ta không phải cạnh tranh, cứ thế mà "săn bắn, hái lượm" của thiên nhiên… là một phần làm nên lối sống thong dong, hiền hòa của con người nơi đây. Tất nhiên, văn hóa mang tính Phật và những chùa chiền tôn nghiêm dày đặc có lẽ là nhân tố chính làm nên tính cách Lào. 

Tuy nhiên, dọc hai bên quốc lộ dài hơn bốn trăm cây số giờ chủ yếu là núi, đồi trọc, cây thưa thớt, không biết vào sâu hai bên đường có còn cánh rừng nguyên sinh nào không? Lại nhớ những năm chiến tranh, Lào cho mượn cả chiều dài hơn 700km đường rừng phía Tây Trường Sơn cho những đoàn quân ta vào Nam kháng chiến. Nói về tình nghĩa đặc biệt Việt - Lào, kề vai sát cánh trong chiều dài lịch sử là cả một thiên chuyện vô cùng sinh động.

Cũng giống như ở Luang Prabang, không thấy ở Vientiane có taxi. Phương tiện công cộng bình dân vẫn là tuk tuk. Hùng bảo, hầu như nhà nhà đều có ôtô, hoặc chạy xe máy nên dùng taxi làm gì. Còn ôtô, xe máy người ta để ngay vỉa hè mà không sợ trộm cắp. Giá một chiếc ôtô ở Việt Nam có thể mua gần hai xe cùng loại ở Lào và ba xe ở Camphuchia. Trật tự giao thông cũng tuần tự mà đi, không còi xe, chen lấn. Giờ cao điểm, cũng đã thấy một số tuyến phố kẹt đường, nhưng không hỗn độn luồn lách như xứ mình.

Vào thăm nhà máy thép của doanh nhân Khăm Hùng (áo trắng đứng giữa).

Giờ thì chúng tôi thăm nhà máy thép của Khăm Hùng và một tư gia đang xây dựng của anh với mặt bằng xây dựng 750m², trên khu đất 8.000m². Vậy Khăm Hùng là ai, anh trở thành công dân Lào và dựng nghiệp ra sao? 

Khamhung Chaychalon tên thật là Phạm Mạnh Hùng, sinh năm 1962, quê Vũ Thư, Thái Bình. Anh khởi nghiệp là lái xe. Từng lái xe một năm cho nguyên Phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộc khi ông Lộc còn ở Thủy điện Hòa Bình. Năm 1989, Hùng được điều động vào Nam nhưng anh bỏ việc, dông thẳng sang Xiêng Khoảng, lang thang làm thợ hồ với một nhóm thợ xây dựng. 

Trong một lần xây dựng tư gia cho vị Phó Chủ tịch Quốc hội Lào (nay là Bộ trưởng Bộ Tư pháp và là em trai nữ Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou), qua câu chuyện, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết ông từng học ở Học viện Chính trị Quốc gia Nguyễn Ái Quốc ở Hà Nội, nơi Hùng có một người anh giảng dạy ở đó. Thế là Hùng trở thành người thân quen. Quả là một cơ may hiếm có. Chính vị lãnh đạo này thông cảm hoàn cảnh của Hùng, bảo lãnh cho anh được nhập quốc tịch Lào. Thành người Lào, việc làm ăn sẽ thuận lợi hơn làm chui.

Sau ba năm làm thợ xây, Hùng mở doanh nghiệp xây dựng. Anh cũng là người tham gia xây chợ Sáng. Những năm 90, không khí mở cửa, làm ăn thuận lợi, kiếm được ít tiền nào là anh gom dồn mua đất hết. Đến nỗi vợ cũng phàn nàn về việc ôm đất lạ lùng của Hùng. 

Có lẽ xuất sinh từ đất Thái Bình đất chật người đông nên Hùng sớm nhận ra sẽ một ngày Vientiane sầm uất, người ta đổ về Thủ đô mà đất thì không đẻ được. Thập niên ấy đất đang rẻ. Chẳng hạn mảnh đất 8.000m² mà anh đang xây "lâu đài" hai tầng với 1.500m² sử dụng, ốp toàn gỗ hương, dự kiến xây trong 3 năm (hoàn thành vào 2017) khi mua đất chỉ 10.000 USD, nay có giá 2 triệu USD.

Ở khuôn viên nhà máy thép, Khăm Hùng có xưởng mộc dựng riêng để những người thợ tay nghề cao của Nam Định chế 200 khối gỗ hương, 2.000 USD/khối thành khung, thành cửa, thành ván ốp tường, thành bếp, thành tủ… của ngôi nhà đã nói trên thì mọi người cứ há hốc mà nghe Hùng nói như bị thôi miên vậy. Ấy là chưa kể anh có 17 tấm gỗ hương dày 15cm, rộng bình quân 1,3m, dài 6m, giá 1 tỷ đồng/tấm còn đắp chiếu trong kho, chỉ trưng một tấm ở phòng khách, một tấm làm bàn ăn cho công nhân.

Vậy Hùng có bao nhiêu mảnh đất? Hùng nói mặt tỉnh queo, rằng chỉ có 28 miếng. Miếng nhỏ nhất vài trăm mét, miếng rộng nhất 4 héc-ta. Miếng 4 hec-ta khi mua là 400.000 USD, bây giờ họ trả 4 triệu USD. Ấy là chưa kể 2 căn nhà cho thuê, mỗi năm lấy vài chục ngàn Mỹ kim chơi chơi. 

Vì thế, khi đưa chúng tôi đến Plaza Centre ở U Don, Thái Lan (cách biên giới 50km), Hùng bảo hàng tuần anh vẫn sang đây mua cá hồi và rau sạch cho cả tuần, chúng tôi mới cảm động vì một người thành đạt, có đời sống cao như thế, thích mua gì là mua không mặc cả, thỉnh thoảng vào sòng bạc để tiêu khiển độ mươi ngàn đô cho biết mùi… mà giản dị, gần gũi, không kênh kiệu và tiếp đón chúng tôi chân thành, ấm áp đến thế!

Đến 2001 Khăm Hùng mới chuyển làm thép. Anh đầu tư vào thép 30 triệu Mỹ kim, trở thành công ty thép lớn nhất Lào với 400 lao động. Hiện anh có 8 đại lý thép ở Vientiane và 17 đại lý ở cả nước. Hùng quản lý sản xuất, đầu tư và hợp tác. 

Vợ anh, Nguyễn Thị Nguyệt, học Đại học Tài chính, quản lý hệ thống bán hàng. Những ngày chúng tôi ở Lào giá thép đang lên. Anh bảo, bình quân mỗi ngày công ty bán ra 3.000 tấn thép và thu về 300.000 USD (gần 7 tỷ VND). Tối tối vợ, con ngồi đếm tiền đủ mệt, sáng nhập tiền vào ngân hàng. 

Hiện Khăm Hùng hỗ trợ nuôi 18 người Việt cô đơn, quả phụ, hoàn cảnh cực khó khăn, mỗi người được cấp 3 triệu đồng/tháng. Nhưng quan trọng là anh giúp được nhiều người Việt có công ăn, việc làm, gây dựng cơ đồ trên đất Lào. Anh được cả nhiều người Việt, người Lào quý trọng, kể cả các quan chức lớn của Chính phủ bởi những đóng góp của mình. Nhiều lãnh đạo cao cấp Lào có mối quan hệ tình thân với anh.

Câu chuyện về đất nước Lào và những gương mặt người Việt, đặc biệt là về Khăm Hùng mà chúng tôi gặp trong một chuyến đi ngắn cứ làm ngỡ ngàng, bâng khuâng mãi trên chuyến bay về Hà Nội. Họ không chỉ là cầu nối hữu nghị Lào - Việt, đóng góp vào đời sống cộng đồng nơi họ là công dân, mà tấm lòng còn sâu nặng với cố hương. 

Khăm Hùng bảo mỗi năm anh về cố quốc đến 15 lần là minh chứng cho điều ấy. Anh còn hẹn sẽ mời chúng tôi trở lại Lào trong dịp khánh thành ngôi nhà đặc biệt của một người thành đạt mà dung dị chất quê Thái Bình.

Hà Nội, 3/5/2016

Trần Quang Quý
.
.
.