Người vợ bị phản bội và hành trình giành quyền làm mẹ

Thứ Sáu, 01/12/2017, 16:34
Lúc nhỏ, chị bị cha bạo hành đến thâm tím mặt mày, phải bỏ nhà ra đi. Ðến tuổi trưởng thành, chị cũng không gặp may mắn trong tình yêu khi người đàn ông chị trao gửi con tim rời bỏ chị đến với người phụ nữ khác và không chịu nhập hộ khẩu cho con về với mẹ.


Tuổi thơ ám ảnh đòn roi của cha và những tháng năm lưu lạc

Lê Hoàng Oanh sinh ra trong một gia đình tiểu thương tại Long Xuyên, An Giang trong tình yêu thương vô bờ bến của mẹ nhưng lại chứng kiến rất nhiền trận đòn roi của cha trút xuống gia đình. Chị kể cha mình biết đánh võ, ra ngoài rất oai hùng nhưng về nhà thường xuyên trút giận lên hai mẹ con.

“Nghe mọi người kể lại, ngày trước mẹ tôi đồng ý lấy ba tôi là vì sợ. Ông dùng vũ lực ép cưới, nếu không lấy ông, bà khó mà toàn mạng”, chị Oanh nhớ lại.

Cho đến giờ, khi đã hơn 30 tuổi, chị vẫn tự hỏi, ngày trước, không hiểu lý do gì mà cha chị thường xuyên đánh đập con gái.

“Đến giờ, khi quay lại nhà cũ, hàng xóm rất mừng vui chào đón, họ nắn bóp tay chân tôi rồi hỏi: Mày đây hả Oanh, có thật mày đây không? - Bởi họ không tin tôi có thể sống thành đạt, khỏe mạnh đến giờ”, chị kể.

Chị Oanh bắt đầu câu chuyện đời mình bằng ký ức đòn roi kinh hoàng như thế. Cha chị - một người đàn ông mà chị gọi là “giang hồ vặt” là một người buôn bán gian lận nhưng luôn dùng vũ lực để uy hiếp khách hàng và kẻ yếu thế hơn mình. Ông thích uống rượu, chơi số đề, cờ bạc..., và hễ cứ “khó chịu” trong người là lôi vợ con ra đánh.

“Ông tát, đá, rồi rùng roi. Những chiếc roi của ông, qua thời gian, ngày càng được “nâng cấp”, từ roi tre, roi mây, dây roi bằng da cá sấu, rồi đến ống nước có gân.... Trên người tôi chằng chịt sẹo lớn, sẹo nhỏ, vết này chưa lành, vết khác lại đè lên... đến nỗi sau này da thịt tôi dường như mất hết cảm giác”, chị Oanh hồi tưởng.

Hàng xóm không ai dám can ngăn vì họ sợ ông ấy trả thù. Vả lại, mỗi khi đánh vợ con ông thường khóa kín cửa,

“Đỉnh điểm là năm tôi 17 tuổi, không hiểu vì lý do gì mà ông trút giận lên người tôi. Chị cứ tưởng tượng cậu bé Nguyễn Văn Hào làm cho chủ vựa tôm bị đánh thế nào thì cơ thể, mặt mũi tôi cũng sưng phù hệt như thế, chỉ khác là tôi không bị dí sắt nung vào người thôi”, chị Oanh nhớ về tuổi thơ đầy ám ảnh.

Trong cơn đau đớn, phẫn nộ, chị chỉ còn một ý thức duy nhất là phải rời bỏ ngôi nhà ấy. “Lúc đó, cô bạn thân của tôi nhà bán vựa trái cây, vơ một nắm tiền bán hàng nhét đại vào chiếc túi trong đó có một bộ quần áo rồi nó đưa tôi ra bến xe và bảo: Mày nhất định phải đi khỏi nơi này. Tôi như người mất hồn bước lên xe đi Sài Gòn”, chị nhớ lại.

Đúng là chị đã lên chiếc xe đò về Sài Gòn, nhưng khi xe đến Cai Lậy thuộc tỉnh Tiền Giang, có một bà khách xuống xe, lần đầu đi xa, chị cứ ngỡ đó là Sài Gòn, nên xuống theo và lẽo đẽo đi theo người đàn bà kia. Thấy lạ, người phụ nữ kia dò hỏi. Chị lúc đó chỉ biết sợ hãi, bật khóc và kể thật cho bà ấy nghe hoàn cảnh của mình. 

Chị Oanh và con trai.

Sau khi chị vén áo cho bà xem những vết thương chi chít, người phụ nữ thương tình cho chị ăn ngủ lại một đêm. Bà hỏi số điện thoại của người thân để gọi cho báo gia đình nhưng chị nằng nặc xin bà đừng cho cha biết, chị sợ phải trở về cái địa ngục nơi mình vừa thoát ra. Bà chủ nhà cho chị hai lựa chọn, một là sáng sớm mai ra đồn công an để người nhà đến đón, hai là bà cho tiền và đưa chị ra bến xe đi Sài Gòn. Và chị chọn phương án thứ hai.

Chuyến xe định mệnh thả chị ở khu Lãnh Binh Thăng, Sài Gòn, chị trôi dạt vào khu trọ nghèo nàn của những dì gánh hàng tàu hũ đi bán rong. Chị trích 90 ngàn đồng trong số 184 ngàn được bạn dúi cho hôm trước, thuê một sạp nhỏ để ngủ trong một tháng. Nghe lời các cô, dì khuyên, chị xin đi làm phục vụ tại quán cà phê gần đó, với mức lương 200 ngàn đồng một tháng. 17 tuổi, bỏ học, bỏ nhà đi bụi để trốn những trận đòn roi của cha, cuộc đời lang bạt của chị bắt đầu từ đó cho đến ngày dựng lên được một cơ nghiệp nho nhỏ là một công ty xuất nhập khẩu như hiện tại.

Ngoài phục vụ, bưng bê ở quán cà phê, chị Oanh còn trải qua nhiều công việc khác nhau khắp từ Nam ra Bắc như: pha chế, làm thủ kho, giúp việc nhà, đứng mở cửa tại các nhà hàng... Nhiều lần bị gạ gẫm bán dâm, bị lừa đảo mất hết tài sản... nhưng chị không nản chí. Chị vừa làm vừa học bổ túc, rồi học trung cấp du lịch và gây dựng được công ty nhỏ ở tuổi 35.

Sau khi bị cuộc đời quăng quật, chị cố gắng vươn lên rồi tiếp tục bị một vố đau từ chính người đàn ông chị quen biết, thương yêu và chung sống hơn 10 năm.

Hành trình giành quyền làm mẹ

Chị Oanh kể, chị biết anh khi làm công việc pha chế đồng thời mở một quán cà phê nhỏ ở Đà Nẵng. Ấn tượng về anh từ lần đầu gặp mặt cho đến khi anh phản bội chị vẫn luôn là “hiền lành, thông minh, tinh tế, có tư cách”. “Khi đó anh tỏ ra quan tâm tới tôi nhưng tôi nhìn thấy tay anh đeo nhẫn cưới nên không để ý”. Rồi sau đó chị quay lại TP Hồ Chí Minh làm việc và như định mệnh sắp đặt, 4 năm sau chị gặp lại anh ở đây. Anh nói đã ly hôn, rời Hà Nội vào Sài Gòn bắt đầu lại.

“Rồi chúng tôi đến với nhau một cách rất tự nhiên, sau đó anh đề nghị góp gạo thổi cơm chung, lúc đó tôi đã yêu anh quá rồi nên không ngại ngần gật đầu đồng ý”, chị nhớ lại.

Hai người đã có những tháng ngày thật đẹp bên nhau, trải qua hành trình đạp xe xuyên Việt cùng nhau. Trong ký ức của chị, anh chu đáo, chăm sóc chị từng ly từng tý. “Tôi gội đầu xong bao giờ anh cũng sấy tóc cho tôi, massage, lo cho tôi từng bữa ăn, giấc ngủ”, Oanh hồi tưởng lại những ký ức đẹp. Rồi họ cũng có một đám cưới cổ tích như bất cứ cặp đôi nào. Trong trái tim chị, một người đàn ông yêu và thương mình đến thế, làn sao có thể quay lưng. Và cứ thế, chị hân hoan, hạnh phúc trong niềm tin bất diệt của mình. Người đàn bà lần đầu cảm nhận được sự yêu thương của đàn ông đâu ngờ mình bị phản bội vào đúng thời điểm chị sinh con cho anh.

Oanh cùng chồng và con trai trong sinh nhật bé 1 tuổi.

Gần ngày sinh, chị một mình vác bụng bầu ra Hà Nội để sinh con vì anh đang nhận công việc ngoài đó, anh nói chị ra sinh để anh có điều kiện chăm sóc hai mẹ con. “Sau này, xâu chuỗi lại tôi mới nhận ra đó là một kịch bản được dựng sẵn. Việc tôi từ Sài Gòn ra Hà Nội sinh vô tình tiếp tay cho anh thuận tiện trong việc làm giấy khai sinh và nhập hộ khẩu cho con tại đây”, Oanh kể về khởi nguồn chuỗi bi kịch thứ hai của mình.

Khi con trai được 6 tháng tuổi, chị phát hiện chồng ngoại tình với bạn học cũ. Đang là vợ, chị bỗng bị nhân tình của chồng tố ngược là “người thứ ba”, chỉ vì hai anh chị làm đám cưới mà chưa đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, Oanh lạ lùng ở chỗ luôn tin chồng tuyệt đối, chị tin đó chỉ là phút ngã lòng của đàn ông. 

Đến mức khi nhân tình của chồng tìm vào TP Hồ Chí Minh, nhắn tin dọa tự vẫn, chị còn lái xe đưa chồng đến trấn an. Chỉ đến khi ba người có cuộc trao đổi thắng thắn, chị mới hay bấy lâu nay mình chỉ là một “con ngốc” trong câu chuyện ba người. Oanh tình nguyện rút lui và chúc phúc cho người cũ nhưng nỗi đau vẫn chưa buông tha chị.

Từ khi sinh con đến hiện tại, khi con trai được 17 tháng tuổi, bé sống cùng mẹ tại TP Hồ Chí Minh nhưng hộ khẩu lại ở Hà Nội - quê cha. Chị nhiều lần nhờ anh chuyển hộ khẩu cho con về trong này để tiện làm các thủ tục hành chính nhưng anh cố tình trì hoãn dù chị đã gửi đơn lên các cấp có thẩm quyền. Trong thâm tâm chị luôn lo sợ có ngày sẽ mất con vì anh từng bày tỏ ý định cho bé ra nước ngoài, nhờ người thân chăm sóc.

Hỏi chị sao có thể điềm tĩnh đối mặt và tha thứ như vậy chị bảo: Đơn giản anh là con người chứ đâu phải đồ vật để sở hữu. Nếu anh hết yêu Oanh, nghĩa là Oanh đã không đủ hấp dẫn để giữ anh ấy bên mình. Oanh thành tâm chúc anh hạnh phúc.

Oanh kết thúc chuyện đời nhiều ám ảnh với đàn ông của mình bằng cái chết bi thương của người cha. “Khoảng những năm 2000, cha tôi tay trắng, phải chạy xe ôm để kiếm sống. Hai cửa hàng phụ tùng xe máy lớn cùng bao gia sản mà khi ly hôn mẹ tôi không đòi chia một đồng, đều theo ông vào các sòng bạc. “Hôm đó là một ngày định mệnh, tôi đi chơi cùng bạn và bỏ quên điện thoại trên taxi. Buổi sáng sớm cha tôi hết tiền, ông gọi điện cho tôi hỏi xin nhưng không liên lạc được. Cha mẹ, anh em, bạn bè đều từ mặt, nhà cửa không có, ông mắc võng ngủ dưới gầm cầu như thường lệ. Buổi sáng hôm sau, ông dùng 10 ngàn đồng cuối cùng của mình để mua xăng tự thiêu”, chị kể.

Khi công an gọi người thân đến nhận xác, ông bà nội, cô dì chú bác bên nhà nội không ai dám chứa chấp người đàn ông mà Oanh gọi là cha. Công an điện thoại cho cô về. Hội chữ thập đỏ địa phương đã quyên góp và làm ma chay cho cha cô đầy đủ. Từ đó, chị đem di ảnh cha về nhà thờ cúng.

Oanh bảo: “Tôi nghĩ cuộc đời có nhân có quả. Cha tôi gieo nghiệp rồi phải trả nghiệp đau đớn. Cho nên tôi không hề oán hận ông vì tôi nghĩ ông đã phải trả cái giá quá đắt rồi. Với người mà con trai tôi gọi là ba, tôi cũng không oán hận. Dù sao chúng tôi cũng có quãng thời gian đẹp bên nhau, tôi trân trọng và chúc anh hạnh phúc”…

Châu Mỹ
.
.
.