Người vợ liệt sĩ nửa thế kỷ thờ chồng nuôi con

Thứ Hai, 04/03/2019, 09:13
Cảm phục, mến yêu người chiến sĩ Công an vũ trang nơi giới tuyến cầu Hiền Lương- sông Bến Hải, cô thanh nữ đẹp nết đẹp người ở tuyến lửa Vĩnh Linh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã hạnh phúc "gật đầu" về cùng một nhà. Sau lễ cưới, vì hoàn cảnh chiến tranh, họ ở với nhau chỉ được vỏn vẹn 3 ngày đêm ngắn ngủi.


Hơn một năm sau chị đau đớn nhận tin dữ, người chồng chị hết lòng yêu thương đã hy sinh dưới chảo lửa bom B52 của giặc. Chị cố gắng vượt qua tất cả, vừa tiếp tục với công việc gùi lương tải đạn vào miền Nam cho bộ đội chiến đấu, vừa nuôi con khôn lớn trưởng thành. 52 năm qua, người mẹ, người vợ ấy vẫn một lòng sắt son thờ chồng nuôi con. 

Người phụ nữ ấy là bà Phùng Thị Huê, hiện đang sống tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị. Bà năm nay 80 tuổi, nhưng đầu óc vẫn còn minh mẫn. Hỏi chuyện quen biết rồi lấy chồng là chiến sĩ Công an vũ trang giới tuyến, bà bồi hồi kể lại: "Hồi nớ, mệ ở Tân Mỹ, Vĩnh Giang, Vĩnh Linh, gần với bến đò B Tùng Luật ở hạ nguồn sông Bến Hải. 

Bà Huê thắp hương cho chồng.

Mệ tham gia dân quân giới tuyến, cùng với các lực lượng vũ trang chủ lực của địa phương và Trung ương chiến đấu chống Mỹ và Quân đội Sài Gòn leo thang xâm lược miền Bắc. Bên cạnh đó còn tham gia gùi lương tải đạn vượt sông vào Nam cho Bộ đội chiến đấu và cõng cáng Bộ đội bị thương từ bờ Nam ngược ra  để cấp cứu, chữa trị tại các trạm phẫu và bệnh viện dã chiến trên địa bàn Vĩnh Linh.

Mệ biết ông nó (một cách gọi chồng thân thương của người Vĩnh Linh) năm 1965, khi ông nó nhiều lần vào từng gia đình ở đây thăm hỏi, chuyện trò; xông xáo lao động cùng với bà con và hay chuẩn bị, phục vụ bữa cơm cho nhiều người. Ông nó rất thích ăn rau sống, sắn củ và khoai lang luộc. Bà con ai cũng thương vì sự gần gũi, tình cảm và sự nhiệt tình, chịu thương chịu khó ấy".

Kể đến đây, đôi mắt bà ngấn lệ. Bà sụt sùi nhớ lại: "Tháng Chạp năm 1965, tức đầu năm 1966 dương lịch, mệ và ông nó được ông Hồ Sỹ Thản, lúc đó là Bí thư Khu vực Vĩnh Linh đứng ra tổ chức lễ cưới. Vì là cán bộ trinh sát, thường xuyên phải nắm bắt thông tin dọc cả một vùng giới tuyến, kéo dài từ Hói Cụ, Giàng Phao cho tới Cửa Tùng, Vĩnh Linh, nên sau cưới chỉ 2 ngày, ông nó đã phải sớm trở lại địa bàn hoạt động.

Mãi đến giữa năm đó, ông nó mới có dịp ghé về thăm mệ, nhưng cũng chỉ được một đêm. Đến gần giữa năm 1967 thì mệ sinh thằng Hùng. Khi con mới 3 tháng tuổi, một hôm có 2 cán bộ cũng Công an vũ trang giới tuyến đến hỏi mệ về chiếc xe đạp và cái đài (radio) của ông nó.

Lúc đó, mệ linh cảm một điều chẳng lành, song gạn hỏi thì họ chỉ bảo là ông nó đi hoạt động vào miền Nam, tưởng có gửi những đồ đạc đó lại cho mệ. Rồi khoảng 1 tháng nữa lại có 2 cán bộ khác cũng là Công an vũ trang giới tuyến về đưa mẹ con mệ đi sơ tán ra Tân Kỳ, Nghệ An. Thời buổi chiến tranh trên bom dưới đạn, cái chết xảy ra thường xuyên hàng giây hàng phút và ngay cả trên mâm cơm.

Người sống như hạt gạo trên sàng, nên nỗi đau đến tận cùng cũng phải ráng gượng đứng lên, nuốt nước mắt, nỗi đau vào trong, can trường chiến đấu để tồn tại, để bảo vệ quê hương, đất nước thiêng liêng của mình… "Biết là vậy, song ai cũng ngày đêm mong ngóng, cầu mong người thân của mình lành lặn trở về, ai cũng trong tận thẳm sâu trái tim mình không tin là người thân bị mất vì bom đạn.

Bà Huê sống sum vầy, hạnh phúc với các cháu, chắt của mình.

Mệ bồng con đi sơ tán, mà lòng luôn hướng về quê, về đôi bờ sông Giới tuyến, khao khát chiến tranh sẽ sớm kết thúc, ông nó sẽ sớm trở về bên vợ bên con. Nhưng niềm hy vọng của mệ đã không thành hiện thực, giữa năm 1968, khi thằng Hùng tròn 1 tuổi, cấp trên chọn thời điểm báo tin chồng mệ đã hy sinh".

Sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của người cán bộ Công an vũ trang vùng giới tuyến, Thiếu úy Hồ Sỹ Cước, chồng bà Huê, được người dân xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Linh cho hay: Từ 8h sáng 10/9/1967, hàng loạt máy bay B52 quần thảo trên bầu trời Vĩnh Linh. Chúng liên tục ném bom khu vực dọc bờ bắc sông Bến Hải, bến đò B Tùng Luật và địa bàn các xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Thạch, Vĩnh Kim. Lực lượng chiến đấu của ta gồm dân quân, Bộ đội và Công an vũ trang.

Họ liên tục hô, truyền khẩu lệnh: Hãy nhanh chóng đưa người già, trẻ con xuống hầm trú ẩn. Dọc các giao thông hào và dưới các mô đất, họ tổ chức từng tiểu đội bắn trả máy bay của địch một cách quyết liệt. Vào tầm 4h chiều cùng ngày, tại địa bàn xã Vĩnh Hòa, một tiểu đội chiến đấu do Thiếu úy Hồ Sỹ Cước chỉ huy, khi đang đánh lạc hướng máy bay địch khỏi khu vực hầm chữ A có nhiều người trú ẩn, đã bị trúng bom B52, hy sinh. 

Vợ chồng anh Hùng, chị Hương và các con đã trưởng thành.

Ở vùng tập kết sơ tán Tân Kỳ, bà Huê nhận hung tin chồng hy sinh gần một năm trước đó, đã ôm con khóc cạn nước mắt, nằm giường mấy ngày liền. Nhưng rồi bà đã gượng đứng lên. Bà tiên phong vào hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp của địa phương. Chỉ sau 6 tháng, các xã viên thấy bà một con người khác hẳn, vừa thông minh, sáng tạo, vừa kỷ luật và chuyên cần với công việc.

Bà con ở đây đã chọn bà làm Chủ nhiệm HTX cho đến năm 1973, bà về lại quê hương thôn Tân Mỹ, xã Vĩnh Giang, Vĩnh Linh. Ngày đầu tiên trở lại quê, bà và con trai đến ngay xã Vĩnh Hòa để tìm kiếm nơi chốt cất chồng. Vừa hỏi thông tin, bà con ôm chầm lấy hai mẹ con, nước mắt lưng tròng, vừa bày tỏ sự thương tiếc, người cán bộ Công an vũ trang đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì dân nhân.

Rồi họ dẫn mẹ con bà đến một bãi bằng cao ráo ở đầu thôn 1, nơi có 13 ngôi mộ liệt sĩ được chôn cất ngay ngắn, đàng hoàng. Mộ chồng bà nằm ở giữa, trên tấm bia tôn có khắc ghi dòng chữ: Liệt sĩ, Thiếu úy Hồ Sỹ Cước, quê quán Đông Thanh, Đông Hà, Quảng Trị, hy sinh ngày 10 tháng 9 năm 1967.

Bà gục xuống trước tấm bia, nhòa lệ, đôi bàn tay bà run rẩy lần sờ lên từng nét chữ. Bà con xung quanh đứng nghiêm, kính cẩn cúi đầu, tưởng nhớ các liệt sĩ trước hàng mộ chí. Khói nhang nghi ngút quện hòa vào nước mắt. Họ thì thầm: Cả 13 người đều cùng một tiểu đội, đều sát cánh chiến đấu, bên nhau đến phút cuối cùng.

Bà Huê tiếp tục vào HTX, cùng với người dân, dân quân Tân Mỹ lao động quần quật suốt ngày đêm trên đồng ruộng, cố gắng làm ra càng nhiều của cải, lương thực càng tốt để cung cấp cho bộ đội chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1984, khi con đã tốt nghiệp cấp 3, bà đưa con vào TP. Huế học ôn 3 tháng để thi vào ngành Công an.

Bà bảo, đó là mong muốn lớn nhất của đời bà, cũng như người con duy nhất luôn muốn nối bước cha mình. Không phụ công sinh thành, tình yêu thương vô bờ bến của mẹ cha, con trai bà, anh Hồ Sỹ Hùng đã luôn nỗ lực học hành, đạt kết quả tốt. Sau tốt nghiệp ra trường, anh được phân công đảm nhận nhiều vị trí công tác khác nhau.

Hiện tại, anh đang là Phó trưởng Công an huyện Vĩnh Linh, cấp bậc hàm Thượng tá, trực tiếp phụ trách công tác điều tra hình sự của đơn vị. Nói về Thượng tá Hùng, Ban chỉ huy Công an Vĩnh Linh cũng như toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đều rất cảm phục, yêu mến anh, bởi lẽ anh sống rất chân thành, tình cảm, luôn biết lắng nghe, chia sẻ và giúp đỡ mọi người xung quanh.

Trong công việc, anh là người thông minh, sáng tạo; làm việc gì cũng cương quyết đến nơi đến chốn, đúng luật pháp, tôn chỉ của ngành Công an và phù hợp với đạo lý, tình người. Riêng những năm công tác tại Công an Vĩnh Linh, anh đã nhiều lần vinh dự được các cấp chính quyền và ngành Công an tặng thưởng nhiều Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong công tác điều tra khám phá án. 

Anh Hùng có 2 người con, một gái, một trai đều chăm ngoan, học giỏi. Các con anh đều theo nghề nghiệp của bố, trong đó con gái Hồ Thị Khánh Hiền, hiện đang công tác tại Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an Vĩnh Linh, cấp bậc hàm Trung úy; con trai Hồ Sỹ Tài, Thượng sĩ, công tác tại Công an quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng.

Vợ anh, chị Nguyễn Thị Hương, hiện là Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Linh. Chị cũng là người thông minh, sáng tạo, luôn sống chan hòa với mọi người. Anh bộc bạch, đời anh có nhiều thiệt thòi vì khi sinh ra mới 3 tháng bố đã hy sinh.

Song, bù đắp lại, anh có những may mắn lớn, đó là người mẹ luôn hết mực yêu thương, chăm sóc nuôi dưỡng anh và người vợ thảo hiền luôn sống thuận hòa, hiếu thảo với mẹ chồng như chính mẹ ruột của mình. Gia đình ở thị trấn Hồ Xá (Vĩnh Linh), nhưng tháng nào cả gia đình cũng vào thăm nội ở Đông Thanh. Nơi đó, người bố của anh đã sinh ra, lớn lên và theo tiếng gọi xuống đường đi kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc rồi ra vùng giới tuyến hoạt động, dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Sau ngày đất nước giải phóng, mộ của ba anh được quy tập, đưa vào Nghĩa trang liệt sĩ xã Vĩnh Giang mà không phải Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh theo chỉ đạo của cấp trên, bởi không chỉ thể theo tâm nguyện của mẹ anh và bên nội, mà còn là mong muốn của hết thảy bà con xã Vĩnh Giang, nơi ba anh đã từng sống, sát cánh chiến đấu cùng với bà con ở đây. Hàng tháng và vào ngày lễ, tết, cả gia đình anh đều về đây thắp hương viếng bố; thăm hỏi, chuyện trò và ăn cơm gia đình với bà con xung quanh.  

Chiều muộn, tôi mới rời ngôi nhà ấm áp, luôn có tiếng nói cười của các thành viên trong gia đình bà Huê. Hình ảnh về bà, một người vợ liệt sĩ 52 năm đằng đẵng thờ chồng nuôi con làm tôi vừa cảm phục vừa cảm thấy rất thương bà.

Những chia sẻ của bà về người chồng, về đứa con mồ côi cha mới thấy hết nỗi đau xót, sự mất mát do chiến tranh: "Ông nó thương tôi nhiều lắm! Ông nó sống ai cũng quý. Tội nghiệp thằng Hùng, đến bây giờ nó có cháu ngoại rồi mệ vẫn rất thương nó. Nó mất cha từ nhỏ nên có rất nhiều thiệt thòi, người mẹ dù có yêu thương đến mấy cũng không thể bù đắp được…".

Phan Thanh Bình
.
.
.