Nhà ‘quái dị’ và chuyện không hồi kết

Thứ Năm, 28/05/2015, 17:00
Một lần, vô tình tôi đọc được mẩu quảng cáo trên báo rao bán "mảnh đất" dài 5m, rộng 0,4m với giá… gần 3 tỷ đồng. Tưởng mắt mình có vấn đề hay báo nhầm lẫn do lỗi của người đánh máy, tôi đọc đi đọc lại dòng chữ đó. Không có sự nhầm lẫn nào ở đây. Chính xác là như vậy. Rẻo đất chỉ đủ xây một bức tường đôi đó đã được bán với giá trên trời vì nó nằm ở mặt đường sau khi tiến hành giải phóng mặt bằng còn thừa lại.
Nghĩa là mỗi m² trị giá 1,5 tỷ đồng, gấp 2, thậm chí gấp 3 lần giá trị một m² trên phố cổ. Nếu chủ nhà phía sau chấp nhận mua "bức tường" với giá này thì ngôi nhà của họ sẽ có giá trị gấp mấy lần. Vâng, chuyện bi hài về những ngôi nhà quái dị siêu mỏng, siêu méo ở các đô thị lớn đã diễn ra hơn chục năm nay, thỉnh thoảng được chính quyền các cấp xới lên nhưng rồi lại đâu vào đấy khiến bộ mặt đô thị thêm nham nhở, nhếch nhác.

Không thiếu gì những ngôi nhà kiểu này, nhất là những con đường kéo dài hoặc mới mở. Sự quái dị còn ở chỗ vì nhà siêu mỏng nên chủ nhà buộc phải cơi nới từ tầng hai, nghĩa là ban công được lao ra khoảng không. Không hiểu mọi người thấy thế nào khi đi bộ qua đây chứ tôi thì… lượn nhanh ra phía ngoài cho lành bởi cứ có cảm giác ngôi nhà phình to mất cân xứng đó lúc nào cũng có thể đổ ập xuống. Sắt rơi, cần cẩu gãy thì còn hy vọng may rủi thoát chết chứ nhà đổ thì chắc chắn về với ông bà ông vải sớm.

Cùng với 2 kiểu nhà quái dị trên, mấy năm gần đây, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh còn thêm một loại nhà quái dị nữa là nhà siêu cao. Chỉ vài chục m2 nhưng chủ hộ cho xây hàng chục tầng. Nhìn xa, những tòa nhà này mỏng manh và ngất ngưởng bất thường so với các nhà xung quanh. Tất nhiên, giải pháp để lên các tầng trên là thang máy nhưng nhìn tổng thể một con đường thì mọi người không khỏi lắc đầu ngao ngán và lo sợ bởi tòa nhà tạo cảm giác chênh vênh, có thể "gãy" bất cứ lúc nào.

Minh họa của Tả Từ.

Cách đây mấy hôm, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội đã có buổi làm việc với UBND quận Tây Hồ và Ba Đình về việc chấp hành pháp luật quản lý trật tự xây dựng đô thị. Tất nhiên, một nội dung khiến nhiều người quan tâm lại được xới lên: Đó là xử lý các công trình siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn. Theo đó, trên địa bàn quận Ba Đình hiện vẫn còn 68 trường hợp phải xử lý và trên địa bàn quận Tây Hồ là 23.

Đó là tính riêng 2 quận, còn cả thành phố thì trong năm 2014, thành phố mới chỉ giải quyết được 18/192 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo tồn tại, 174 công trình còn lại dù lãnh đạo các quận, các ngành lên phương án cụ thể cho từng trường hợp, nhưng cũng không dễ gì thực hiện được bởi hàng loạt những cái "vướng" được nêu ra. Và ngay lãnh đạo các quận, sở, ngành cũng không đưa ra được câu trả lời bao giờ dứt điểm.

Rất nhiều cuộc họp, hội thảo, bàn tròn được diễn ra, hàng nghìn bài báo, hàng trăm phóng sự truyền hình được thực hiện nhằm đưa ra những giải pháp hiệu quả với hy vọng mang lại diện mạo mới cho đô thị, nhưng rồi mọi chuyện lại rơi vào im lặng, người dân hằng ngày đi trên đường lúc đầu nhìn tức mắt với những công trình “quái dị” này, sau đó cũng quen dần.

Không ít ý kiến cho rằng, giải quyết tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo hiện nay vẫn chỉ loanh quanh phần "ngọn", tức là chạy theo xử lý khi những ngôi nhà “quái dị” đã hình thành. Trong khi đó, gốc của vấn đề là ở quy hoạch sau giải phóng mặt bằng lại chưa có. Nghĩa là, tất cả những gì liên quan đến cảnh quan đô thị phải được làm ngay từ khi lập dự án, chứ để dự án khi đã thực hiện rồi giải quyết hậu quả thì chắc chắn sẽ bế tắc hoặc đùn đẩy trách nhiệm.

Vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo sau mỗi dự án vẫn đang làm đau đầu và trở thành thách thức với các nhà quản lý. Giải pháp hữu hiệu cho tình trạng này là thu hồi đất không đủ điều kiện xây dựng công trình ngay khi tiến hành dự án. Còn những công trình đã tồn tại vẫn có thể cưỡng chế phá bỏ. Chỉ có vậy, bộ mặt thành phố mới được cải thiện và mang lại niềm tin cho người dân từ những hành động thiết thực như thế.

Tuấn Nguyễn
.
.
.