Nhà quê và về quê

Thứ Tư, 04/11/2015, 15:32
Thì ra câu chuyện nhà quê, về quê tưởng nhỏ mà không nhỏ. Hay tại tôi cứ lẩn thẩn mà "chẻ sợi tóc làm tư" ra thế chứ nó cũng chả quan trọng gì. Thôi thì dù sao, đó cũng là chuyện bắt mình phải nghĩ, còn nó cần thế hay không, chưa biết.

Là trai nông thôn, học xong làm việc ở thành thị, lấy vợ là người Hà Nội, công việc, con cái ổn cả, nhà cửa chẳng sang trọng gì nhưng cũng đủ để sống một cuộc sống yên ổn mà sao những suy nghĩ về quê cứ luôn thấp thỏm trong tôi? Trước đây, thỉnh thoảng vợ và con vẫn đùa: "Bố nhà quê lắm". 

Tôi hiểu, đó như một lời chê. Thì tôi vốn là người nhà quê, không quê sao được? Dù xa quê đã lâu và thực sự, tôi đã là một tay nhà quê mất gốc nhưng cái chất quê, kiểu quê nó lặn vào máu tự bao giờ. Ẩn kín đến đâu rồi cũng có lúc bật ra, gây khó chịu cho người khác bởi cái sự thiếu văn minh của mình.

Ngày làm ở Sở Văn hoá Hà Nội, tôi cứ nói đùa với các bạn là tôi đang "lấy nông thôn bao vây thành thị", đang "nhà quê hoá" đất kinh kỳ. Chả biết mình đã làm hỏng và phá đất kinh kỳ những gì do ngu dốt, kém cỏi... nhưng phải nói rằng chính những ngày này tôi mới có dịp nhận ra nhiều cái "nhà quê" vẫn đang tiềm ẩn nơi thị thành, đang làm cho nơi đây giầu có thêm lên.

Những người xa quê ngày càng ít về quê hơn (ảnh chỉ có tính chất minh họa).

Đi sâu vào các khu phố cổ, lật những lớp bao phủ bên ngoài, nhìn sâu hơn vào phía sau, tôi nhận thấy rất nhiều chất "nhà quê" của dân tứ chiếng đã góp phần tạo nên mảnh đất kinh kỳ này. Và, ẩn sau những lớp bụi thời gian, bụi "kinh thành", cứ lấp lánh nét đẹp của những người nhà quê thuộc nhiều thế hệ khác nhau đã cùng góp sức lực, trí tuệ tâm huyết (cả tài sản và sinh mạng của mình nữa) cho vùng đất mới mà họ đã chọn làm nơi lập nghiệp của mình.

Chỉ riêng những đình chùa của các hội làng nghề thôi đã thấy rất rõ điều đó. Xa xôi gì đâu, độ trên dưới một thế kỷ nay thôi - những gì mà tôi thấy và biết chứ các nhà lịch sử thì chứng minh được từ nhiều thế kỷ trước nữa, những tốp thợ lành nghề của các nơi đã lập thành những phường, những khu của riêng mình. Bằng tài hoa và công sức, họ đã tạo lập cả một nghề, dựng xây một nghiệp cho một gia đình, dòng họ, phường nghề cho đến ngày nay. Những người ấy, trước đây không hề tự ti về nguồn gốc nhà quê của mình, họ đã đặt tên cửa hiệu, phường nghề, hội đoàn của mình là người ở làng X., tỉnh Y. để nhắc nhớ đến quê hương bản quán, đến tổ tiên mình.

Bây giờ đã mất đi khá nhiều (và đó là điều đáng tiếc) nhưng bạn đi trên phố cổ vẫn còn những ngôi nhà xây đầu thế kỷ XX ghi tên hiệu, làng ở cổng nhà, các đình, quán, nơi thờ thành hoàng, tổ nghề của các làng nghề khắp đất Bắc mà đông nhất vẫn là xứ Kinh Bắc, xứ Đông và xứ Đoài. Đúng như một nhà thơ đã viết, khi đi đến một nơi nào đó, người dân đã gánh trên vai cả đất nước đi theo. Đến tận đầu thế kỷ XX người ở phố vẫn ngại bị người khác chê mình là dân tứ chiếng, không có quê quán nên luôn tự hào mình vốn là người nhà quê bây giờ lập nghiệp ở vùng đất mới. Mối dây liên hệ giữa họ - người thành thị với quê quán, xứ sở vẫn còn rất khăng khít và thiêng liêng. Điều đó bây giờ đang nhạt dần.

Cũng vì làm văn hoá, tôi cũng hay được đến dự những lễ khánh thành các loại từ đường, các quỹ khuyến học do những người con của một làng quê nào đó, giờ thành những đại gia, bỏ tiền ra xây dựng cho quê. Những ngày ấy vui lắm. Người bỏ công của ra làm lợi cho quê vui vì mình đã nhìn thấy kết quả. Người nhà quê vui vì quê mình có thêm điều này điều kia để mở mày mở mặt với thiên hạ. Những ngày ấy cả làng vui như hội. Và mối dây liên hệ giữa người gốc quê và quê nhà cũng bớt lỏng lẻo đi. Có người làm điều này điều nọ cho quê cũng như một sự đền ơn món nợ sinh thành với cha mẹ, làng xóm. Dù xuất phát từ điều gì thì đó cũng là một nếp hay.

Giờ, do nhiều nguyên nhân và cũng là điều khó tránh, có hai luồng suy nghĩ trái nhau của hai thế hệ: thế hệ cha và con. Thế hệ cha -những người sinh ra và lớn lên độ 18-19 tuổi mới rời quê lên thành thị lập nghiệp. Thế hệ này vẫn nhớ quê và coi đó là chốn đi về của tuổi già, là "chốn nương thân" lúc cần yên ổn và cũng là nơi "trở về với cát bụi". Với họ, nghĩa vụ với làng quê, phần mộ tổ tiên, ông bà còn quan trọng lắm. Hàng năm, thế nào cũng cố về vài lần, với ít nhiều ngậm ngùi, cảm khái, bất lực trước những đổi thay của thế thái nhân tình, lòng người. Tình quê còn nặng nhưng lực bất tòng tâm.

Thế hệ con cái không sinh ra ở quê mà ở thành thị nên quê hương đối với họ là ngôi nhà họ sinh ra và đang ở với tất cả niềm vui, nỗi buồn, những lo lắng mưu sinh và hạnh phúc họ có ở chốn thị thành. Họ cũng biết quê hương bản quán không phải ở đây nhưng sự gắn bó với quê cha không sâu đậm. Không sống ở quê, không có những ràng buộc thiết thực, hàng ngày, quê với họ chỉ là những kỷ niệm mỗi lần theo cha mẹ về thăm họ hàng, là những ràng buộc cũng rất lỏng lẻo. 

Họ không thờ ơ nhưng cũng không ai "bắt" họ phải gắn bó với quê hương như cha mẹ họ được- những người bây giờ vào mùa đông, kéo ống quần lên, lấy tay gãi vào ống chân, bụi của nước mặn, chua phèn vẫn còn rơi trắng nhà và trên móng chân, móng tay họ, dấu ấn của những ngày làm ruộng, dù ít, vẫn còn khắc vệt thời gian trên đó.

Phạm Quang Long
.
.
.