Nhà tranh cũng như nhà ngói

Thứ Ba, 01/05/2018, 10:01
Cha tôi là một cựu chiến binh, sau ngày giải phóng, với mong ước quê hương Việt Nam sẽ ngày càng giàu đẹp, nên cha đã đặt tên cho 4 người con trai lần lượt là: Việt, Nam, Hạnh, Phúc.


Đúng như những gì cha tôi kỳ vọng, sau thời kỳ đổi mới, từ nền kinh tế nặng về bao cấp "ngăn sông cấm chợ", Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường. Đất nước vươn mình phát triển, người dân ngày càng giàu hơn. Thế là nhiều người đã tìm thấy được cơ hội làm giàu. Trong số những người này có 3 thằng em trai của tôi.

Thằng Nam bỏ nghề nông, chuyển sang buôn gỗ. Ngày ấy, rừng Việt Nam bạt ngàn. Nó mua gỗ 1 đồng, về xẻ ra bán lấy 10 đồng. Chỉ vài năm, thằng Nam trở thành một đại gia gỗ. Tên tuổi của nó nổi tiếng khắp nước.

Thằng em thứ hai cũng bỏ nghề nông, chuyển sang làm ngành giao thông vận tải. Vì là nền kinh tế thị thường nên nhu cầu về giao thông rất lớn. Ngành vận tải không chỉ vận chuyển hành khách mà còn chuyên chở rất nhiều loại hàng hóa. Nhờ đó, thằng Hạnh cũng giàu lên nhanh chóng. Đoàn xe của nó có cả trăm chiếc, trải dài từ Bắc vào Nam.

Ảnh minh họa.

Thằng em út của tôi là thằng thức thời nhất. Nó chuyển từ nghề nông theo ngành xây dựng. Theo quan điểm của nó, nghề này không bao giờ lo thất nghiệp, dù nghèo khổ đến mấy người ta cũng cố gắng xây cho được một căn nhà để làm tổ ấm. Kinh tế càng phát triển thì ngành xây dựng càng hốt bạc. Ngoài xây nhà, thằng út còn xây cao ốc, chung cư, lâu đài, biệt thự, biệt phủ… Bây giờ, thằng Phúc đã là một đại gia lẫy lừng.

Tôi là anh trai cả, nhưng bản tính nhút nhát, ngại thay đổi. Nên sau hơn 30 năm, tôi vẫn chỉ là một nông dân, sống trong căn nhà gỗ cũ. Đối với tôi, như vậy là hạnh phúc rồi. Nhưng vợ tôi thì luôn cằn nhằn, so bì tôi với các chú, điều này làm tôi buồn, tôi cũng chẳng biết phải thay đổi như thế nào. Mở miệng nhờ mấy đứa em thì tôi tự ái. Tôi là anh cả đã không lo được cho các em, ai lại đi nhờ vả chúng nó.

Nhưng có một điều làm tôi tự hào, đó là năm nào các em cũng tụ tập về nhà tôi làm bữa tiệc nho nhỏ. Vườn tôi rộng, rau sạch, cá đầy ao, gà đầy vườn, không gian mát mẻ yên tĩnh, nên các chú rất thích về đây nhậu.

Dịp lễ 30-4 năm nay cũng vậy, cả 3 chú đều về nhà tôi, nhưng khuôn mặt ai cũng buồn, lo lắng, bất an. Sau khi uống được 5 lon bia, tôi mới hỏi từng người.

- Chú Nam sao mà buồn vậy?

Chú ấy thở dài:

- Nay rừng đã cạn, Nhà nước lại cấm dữ quá nên nghề em không còn làm ăn được nữa.

Tôi nghe xong, tỏ vẻ thông cảm cho chú nó. Tôi quay sang hỏi thằng em thứ hai.

- Chú Hạnh sao mà buồn vậy?

Chú ấy thở ra:

- Anh làm nông nên không biết, một chiếc xe đã phải gánh rất nhiều chi phí, nay lại cộng thêm phí BOT, phí bảo vệ môi trường… Nghề xe lại rủi ro cao, sương mù cũng tai nạn, nông dân đốt khói cũng gây tai nạn… Nghề này hết ăn.

Tôi nghe xong, ra vẻ rất thông cảm cho chú Hạnh. Tôi quay sang thằng em út.

- Chú Phúc sao mà buồn vậy?

Thằng Út thở dài vừa thở ra giải thích:

- Anh không biết gì sao, nay Nhà nước đánh thuế lên nhà ở, chỉ cần căn nhà 700 triệu đồng là phải đóng thuế. Chính vì vậy lượng người xây nhà giảm hẳn, nên ngành em cũng kén việc làm.

Nghe thằng Út nói xong, tôi rất buồn cho chú nó, nhưng cũng rất vui cho bản thân mình. Tôi bưng ly bia, nhìn 3 thằng em với vẻ đắc chí:

- Các chú uống mừng với anh một ly, vì anh không phải đóng thuế nhà ở.

Thằng Nam nghe xong, nhìn tôi và nói với giọng đầy chia sẻ:

- Nói anh đừng buồn, căn nhà anh cũng phải đóng thuế.

Tôi hết sức thắc mắc:

- Chú Ba đùa à. Nhà anh là nhà gỗ lợp tranh, sao phải đóng thuế?

Thằng Nam giải thích rõ hơn:

- Với kinh nghiệm buôn gỗ của em, căn nhà gỗ của anh phải trên 1 tỷ đồng. Ngày xưa anh làm nhà, gỗ rất nhiều nên anh không quan tâm. Nhưng nay gỗ rất quý hiếm, chỉ cần 10 cái trụ gỗ nhà anh đã tiền tỷ.

Tôi nghe xong chỉ biết kêu trời. Một lão nông hiền lành chất phác như tôi, cả đời không biết bon chen, tranh giành, đoạt lợi với người khác. Cả cuộc đời, tôi chỉ có một căn nhà gỗ mái tranh để chui ra chui vào, giờ cũng phải đóng thuế nhà ở là sao?

Nghĩa Nam
.
.
.