Nhà trường và phụ huynh hãy nghiêm túc!

Thứ Tư, 03/04/2019, 21:30
Khi vụ nữ sinh Hưng Yên bị các bạn đồng môn đánh hội đồng và làm nhục lan rộng thì ngay lập tức, mọi tội lỗi đều được cộng đồng quy kết cho nhà trường.


Nếu đúng như vậy thì việc giải quyết bạo lực học đường đơn giản quá. Chỉ cần thay đổi bộ máy nhân sự nhà trường là xong.

Rất tiếc là không dễ như vậy. Báo cáo của UNICEP công bố tháng 9-2018 cho biết: Khoảng 50% thiếu niên từ tuổi 13 đến 15 trên toàn thế giới đã trải qua bạo lực, từ bạn bè ở trong trường và xung quanh trường, từ đánh nhau thật cho tới các hình thức bắt nạt khác.

Bạo lực học đường trên toàn cầu, theo báo cáo, gồm cả các vụ tấn công vào lớp học và việc giáo viên phạt trẻ em về mặt thân thể.

Báo cáo này được thực hiện ở 122 nước, chiếm 51% số trẻ em tuổi từ 13 đến 15 trên toàn cầu. Bản tin này dẫn báo cáo nói thêm là hầu hết các nước đều có tỷ lệ trung bình trẻ bị bắt nạt là 50%, trong đó ở Mỹ là 48% bọn trẻ đã trải qua bạo lực, kể cả bắt nạt từ bạn bè ở trong trường và quanh trường.

Không chắc khảo sát này có làm tại Việt Nam, nhưng chắc chúng ta cũng khó có thể có số liệu quá khác biệt với thế giới. Nếu ai đó nói không biết, không nghe, không thấy bạo lực học đường từ lâu thì người đó không trung thực. Việc đau lòng này diễn ra từ rất lâu. Cách đây ngót chục năm, Gặp nhau cuối năm đã phải bê bản lời chế bài "Đi học" để rung chuông báo động thế này:

"Hôm qua em đến trường, bạn đánh em bầm tím ớ ơ.

Bao nhiêu bạn quay phim cả trường em biết hết

Nhưng mà tôi nào biết, chúng đánh nhau ngoài đường.

Trường của tôi tiên tiến, ai cũng được giấy khen".

Minh họa Tả Từ.

Bây giờ, bạn đọc nghĩ lại xem bản thân đã từng trải nghiệm mức độ nào đó của bạo lực học đường chưa? Bạo lực học đường là có thật với mức độ rất phức tạp. Báo chí nói nhiều, yêu cầu phải xử nghiêm và công bằng, nhưng đây là lứa tuổi nhạy cảm, chưa trưởng thành nên có nhiều rào cản mà nhà trường, luật pháp và gia đình không thể dễ dàng xử lý.

Cá biệt, có vụ xung đột của học sinh. Phụ huynh đứa trẻ đến nhà học sinh bị đánh để nói chuyện phải trái và hòa giải. Quá trình tương tác không thành công, phụ huynh định xin lỗi mà rồi lại hành hung cả chủ nhà. Một hiện tượng đáng ngại không kém là những phụ huynh bức xúc sẵn sàng vào trường tấn công giáo viên.

Một số nhà trường cũng hay nặng "bệnh" thành tích mà xuê xoa cho việc bạo lực học đường, phù phép việc to thành nhỏ, biến việc nhỏ thành không có. Đúng thế, nhưng cũng lạ là rất ít người nhìn thấy lỗ hổng khổng lồ của giáo dục gia đình. Vai trò cha mẹ, ông bà họ tộc đâu rồi? Tốt nghiệp tiểu học là tốt nghiệp nhân cách. 

Khoảng thời gian quan trọng đầu đời này, quá nhiều gia đình không tập trung giáo dục nhân cách mà chú trọng đào tạo quý tử thành siêu nhân và nhồi những kiến thức ngoại lai vô ích. 

Có những gia đình cổ vũ cho kỹ năng sinh tồn cực đoan. Kỹ năng này và bạo lực mơ hồ nhiều khi chỉ cách một bước chân. Khi không biết tự trọng nhân cách bản thân và tôn trọng người khác thì trẻ em có thể thực thiện hành vi làm nhục người khác một cách không đắn đo.

Nếu không chăm lo từ hạt mầm, gốc rễ thì cây nào cũng còi cọc hoặc mục, thối. Gia đình là ngôi trường quan trọng nhất. Nhà trường hãy nối dài những truyền thống cốt lõi như một gia đình lớn chứ không phải nơi nhồi những kiến thức thời thượng chỉ để chiều chuộng phụ huynh. Con em chúng ta không đòi ưu tiên. Con em chúng ta cần công bằng. Muốn công bằng, nhà trường và phụ huynh, hãy nghiêm túc!

Còn bạn. Bạn thường trách kỷ hay trách nhân?

Lê Tâm
.
.
.