Nhân chi sơ, tính "cà khịa"

Thứ Năm, 03/10/2019, 15:58
Chừng nào chúng ta còn tự đầu độc chính mình thì mọi hô hào về bảo vệ môi trường chỉ là chém gió.


Cuối tháng 9-2019, xe cứu hỏa trên đường làm nhiệm vụ thì bị một ô tô Kia Morning cản đường. Xe nhỏ phớt lờ còi, loa yêu cầu nhường đường cho xe cứu hỏa đi làm nhiệm vụ. 

Khi bị phạt thì tài xế xe Kia Morning vẫn cố trình bày do nghe nhạc nên không nghe thấy loa cảnh báo. Chẳng lẽ tài xế bị khiếm thính? Chẳng lẽ cách âm xe Kia Morning tốt nhất địa cầu? Nếu khiếm thính sao khi có còi xe ưu tiên, xe Morninh vẫn đạp phanh? Phải chăng đó là nhân chi sơ tính "cà khịa"? Những vụ thế này không hề ít. Vậy khi có cháy mà xe cứu hỏa đến trễ thì chớ trách.

Gần đây, Tây ''ba lô'' tập trung ở mấy đoạn đường tàu hỏa vào ga Hà Nội. Các hộ dân đường tàu bèn mở quán cà phê cho Tây thỏa mãn du lịch mao hiểm, cho biết thế nào là tàu chạy sạt qua mặt đánh vèo.

Trên cây cầu cổ Long Biên, nam thanh nữ tú thi nhau nhảy vào giữa đường ray, tạo dáng khi có đoàn tàu đang sắp đi qua. Phớt lờ mọi biển cảnh báo nguy hiểm, các thanh niên dường như thích cà khịa với mọi quy định.

Dạo này phong trào bảo vệ môi trường thật rầm rộ. Trên thế giới có các nhà hoạt động môi trường tuổi teen dám tuyên chiến với các cường quốc thải rác thì trong nước ta, thanh nhiên cũng xắn tay đi nhặt rác tại các khu du lịch và nơi ở của bản thân. Các nhà môi trường thế giới còn tổ chức nghỉ học vì môi trường. May quá tuổi teen chúng ta không hưởng ứng mục này.

Minh họa Tả Từ.

Những ngày cuối tháng 9 này, nhiều thông báo quan trắc về độ ô nhiễm không khí của Thủ đô đáng lập kỷ lục thế giới. Các chuyên gia môi trường không thấy nhắc gì đến các khu công nghiệp gần Thủ đô. Họ nhắc tới nguyên nhân khí thải từ ô tô, xe gắn máy và nhấn mạnh dân nội thành vẫn duy trì đốt than tổ ong, dân ngoại thành thì thi nhau đốt rơm rạ sau mùa gặt. 

Thật rõ là ''nội công ngoại kích'' chả kém gì hun chuột thì người sống sao nổi? Câu hỏi đặt ra: Sao các doanh nhân chế biến gỗ ép không thu mua rơm làm nguyên liệu liệu cho rẻ. Nhất cử lưỡng tiện, vừa ra tiền vừa bảo vệ môi trường.

Bất lực, các công dân chỉ còn biết lên mạng xã hội theo dõi các đánh giá của giới quan trắc rồi than thở với nhau. Họ nỗ lực tìm đối tượng phải chịu trách nhiệm về ô nhiễm.

Tại các giao lộ dừng đèn đỏ, có những điểm thường xuyên  từ 60 tới 90 giây không thấy ô tô xe máy nào chịu tắt máy. Các điểm barie ngăn chờ tàu hỏa chạy qua thì phải chờ lâu hơn, nhưng dân ta vẫn để ga đều. Hiếm có ai cho xe của mình nghỉ ngơi. Các thanh niên tình nguyện cầm biển đề hãy tắt máy khi chờ đèn đỏ cũng chả có ai bận tâm. Họ vẫn nổ máy đều như một sự thách thức.

Ô nhiễm môi trường có làm ai chết ngay tại chỗ đâu mà sợ. Mình có tiền mua xăng, mình có quyền nổ mà. Có người cho rằng tắt máy đi cũng không tiết kiệm xăng hơn. Đừng tranh cãi về tiết kiệm! Chỉ nói về ích lợi nếu mỗi xe chịu nhịn nổ đi vài phút thì sẽ đỡ đi một lượng khí thải đáng kể. Chừng nào chúng ta còn tự đầu độc chính mình thì mọi hô hào về bảo vệ môi trường chỉ là chém gió.

Còn bạn. Bạn có tắt máy xe khi chờ đèn giao thông không?

Lê Tâm
.
.
.