Nhân ngày hội đọc sách: Cần một tư duy khác…

Thứ Sáu, 26/04/2013, 14:39

Trước Ngày hội đọc sách năm nay, trong một cuộc họp báo, nhà tổ chức đưa ra một con số thống kê khiến không ít người giật mình. Trung bình mỗi người Việt Nam đọc không nổi 1 cuốn sách trong một năm. Nhưng  bình tĩnh suy ngẫm lại, thì có thể hiểu, chúng ta đã quên chăm bẵm phần gốc cho câu chuyện liên quan đến văn hóa đọc, thì chúng ta chỉ hái được thứ quả teo tóp như vậy thì chẳng phi lô-gíc tí  nào.

Đọc sách là một công việc mang tính cá nhân. Chẳng ai giúp ai lĩnh hội kiến thức trong một cuốn sách, nếu họ không tự mình trải nghiệm.

Nghĩa là mọi hô hào trong việc đọc sách đều chả có nghĩa lý gì. Chúng ta nói các bạn đọc sách đi, trí tuệ nhân loại nằm trong sách cả đấy, tuy đúng, nhưng là giáo điều, sáo rỗng. Và hiệu quả mang lại không đáng là bao. Thì cứ thử nhìn lại mà xem, chúng ta năm nào cũng tổ chức những ngày hội đọc sách, báo chí truyền thông rầm rộ đưa tin, nhưng mức độ cải thiện tình trạng tuột dốc không phanh của văn hóa đọc chả khởi sắc đáng kể.

Ở đô thị hiện nay, phần nhiều các ông bố bà mẹ đang bằng lòng với việc con chơi game trên máy tính, xem tivi là đủ. Thậm chí nhiều gia đình giàu có, nội thất tiền tỉ, xế hộp đắt tiền, nhưng trong nhà "bói không ra" một cuốn sách. Lại có những nhà, mua sách về chỉ để làm sang, "dọa" khách đến nhà là chính, chứ các thành viên trong gia đình không mấy khi nhấc sách ra khỏi giá.

Ở nông thôn, nhiều hộ gia đình bói không ra một cuốn sách. Người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, bạc mặt lo bữa ăn đã vất vả, thì việc dành tiền mua sách là xa xỉ, là không tưởng. Thư viện của làng, của xã, nếu có thì đóng cửa để đấy, sách vở lèo tèo, không được bổ sung cập nhật thường xuyên. Chính quyền mải bận rộn những việc dân sinh khác, mà quên đi rằng, tổ chức các hoạt động văn hóa nhằm tạo dựng thói quen đọc sách cho nhân dân cũng là một việc của chính quyền…

Tóm lại có hàng chục lý do để dẫn đến chuyện chúng ta "tự kỷ" về tỷ lệ đọc sách của người Việt mình. Người thành thị đọc rất ít sách và người nông dân không đọc sách. Chúng ta đang đi trong thế kỷ XXI với những đôi chân như vậy, thì sao có thể lạc quan về tương lai.

Ngày hội đọc sách, rằng hay thì thật là hay, rằng nên thì thật là nên, nhưng nếu vẫn mãi chỉ dừng ở việc khua chiêng gõ trống, hô hào khẩu hiệu thì năm sau tỉ lệ đọc sách trong nhân dân liệu có tăng hơn năm trước? Ban tổ chức, có lẽ vì sợ thất bại về mặt truyền thông, hoặc lo ngày hội thiếu hấp dẫn chăng, mà năm nào cũng dày đặc các tiết mục văn nghệ quần chúng. Nhiều người băn khoăn, tại sao vẫn phải là các nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu ngày đọc sách, mà không có mặt nhiều hơn những giáo sư, những nhà văn, những nhà khoa học thành danh- những người mà bản thân họ đã là một ví dụ sinh động, thuyết phục nhất cho việc đọc sách đã ảnh hưởng đến cuộc đời mỗi con người như thế nào?

Nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến trong một tiết mục tại Ngày hội đọc sách.

Công chúng đã chán những màn thả bóng màu mè, văn nghệ quần chúng như bất kỳ một lễ hội nào trong năm. Công chúng cần được nhìn thấy nhiều hơn những tấm gương như dịch giả Bích Lan, người đã thay đổi cuộc đời mình bằng sách. Ban Nhà văn trẻ Hội nhà văn Việt Nam "sân khấu hóa" các tác phẩm văn học, ý tưởng hay, nhưng chết cái là chương trình năm nào cũng bị xếp vào màn cuối, khi mà những múa, những hát quần chúng đã kết thúc, và khán giả đã bỏ về nhiều vì bội thực  văn nghệ quần chúng trước đó, không thể kiên nhẫn chờ. Cho nên, nếu truyền thông có nói hàng vạn người quan tâm tới sách đã đến với ngày hội đọc sách, thì người viết bài cũng không tin.

Những người quan tâm tới sách thực sự, yêu sách thực sự chắc chắn là không đến để xem văn nghệ quần chúng. Họ đến để được tham gia vào những hoạt động mang tính chiều sâu, tìm những câu trả lời cho việc chọn và đọc sách trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin. Nếu không như thế, thì cũng là tri ân người làm ra sách, người viết sách, người có chung niềm đam mê với sách như mình, phát hiện ra những bí ẩn tâm hồn từ việc đọc sách …

Thực sự đi xem Ngày hội dành cho văn hóa đọc mà cứ thấy văn hóa nghe nhìn, văn hóa quần chúng được tôn vinh nhiều hơn là văn hóa đọc. Nói không quá, là sự nghèo nàn  về ý tưởng, đơn điệu trong hình thức thể hiện, cũng là một biểu hiện của việc lười đọc sách.  Rõ ràng cần một tư duy khác cho một Ngày hội đọc sách, cũng như cần một tư duy khác về việc tạo ra nhu cầu, thói quen, niềm đam mê đọc sách, thì mới hy vọng cải thiện được tỉ lệ đọc sách trong nhân dân như các nhà quản lý văn hóa mong muốn…

Hội Quân
.
.
.