Nhận phúc lợi – mất thẻ xanh?

Thứ Năm, 22/08/2019, 15:58
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành quy định sẽ rút tư cách thường trú nhân đối với những người nhập cư hợp pháp nếu họ sử dụng một số chương trình phúc lợi. Quy định mới cũng ngăn chặn những người đang xin nhập cư vào Mỹ nhưng không chứng minh được khả năng tự lực cánh sinh.


Quy định do Bộ An ninh Nội địa ban hành hôm 12-8, là một trong những bước đi mạnh mẽ nhất của chính quyền để thiết lập một hệ thống nhập cư theo các quan chức Nhà Trắng là "chặt chẽ hơn, sáng suốt hơn". Tuy nhiên, những người chỉ trích quy định này cho rằng nó có thể làm tổn thương những người nhập cư nghèo và dẫn đến tình trạng hoang mang lan rộng trong các cộng đồng người di cư.

Quy định mới thắt chặt định nghĩa về những người có khả năng trở thành “gánh nặng ngân sách”. Theo luật di trú, một người nhập cư bị xem là "gánh nặng ngân sách" sẽ không được cấp giấy phép thường trú hợp pháp, hay còn gọi là thẻ xanh. 

Quy định mới cũng được các cơ quan Tư pháp và Ngoại giao sử dụng để sàng lọc những người chưa phải là công dân, quyết định xem có trục xuất họ khỏi Mỹ, hoặc không cho họ nhập cảnh vào nước Mỹ. 

Người di cư đang sử dụng hoặc nhiều khả năng sẽ sử dụng một trong các chương trình phúc lợi như Trợ cấp y tế (Medicaid), một số loại hỗ trợ nhà ở hoặc tem thực phẩm… có thể không đủ điều kiện.

Quy định mới sẽ có hiệu lực vào giữa tháng 10 tới đây, nhưng không có quyền hồi tố, do đó việc nhận trợ cấp chính phủ trước đây không ảnh hưởng tiêu cực đến người nhập cư. 

Tuy nhiên, quy định sẽ áp dụng cho những người đang tìm cách thay đổi tình trạng nhập cư của họ. Ước tính có khoảng 22 triệu người đang sống hợp pháp ở Mỹ song không có thẻ công dân có thể sẽ chịu sự tác động của quy định mới này.

Việc sử dụng một số phúc lợi khác, bao gồm các chương trình ăn trưa ở trường, nhà tạm trú cho người vô gia cư, food pantry (nhà thực phẩm từ thiện) và Chương trình Bảo hiểm Sức khỏe trẻ em sẽ không ảnh hưởng đến hồ sơ xin thẻ xanh. 

Phụ nữ mang thai và trẻ em dựa vào Trợ cấp y tế cũng được miễn quy định này. Quy định cũng không ảnh hưởng đến các chương trình nhân đạo cho người tị nạn và người xin tị nạn. 

Chính sách mới cho phép người nước ngoài được coi là có khả năng trở thành gánh nặng ngân sách được mua một công trái với số tiền tối thiểu 8.100USD để "điều chỉnh tình trạng". Trái phiếu này sẽ được hoàn tiền khi nhập tịch hoặc khi họ rời nước Mỹ. Quy định số tiền tối thiểu mua công trái này sẽ tăng dần theo tỷ lệ lạm phát.

Người nước ngoài muốn đến Mỹ nói chung phải chứng minh rằng họ có đủ thu nhập để không trở thành một "gánh nặng ngân sách". Theo thống kê chính thức của Chính phủ Mỹ, kể từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền, số vụ bị từ chối cấp thị thực vào Mỹ vì lý do người xin cấp có thể trở thành “gánh nặng ngân sách” đã tăng đáng kể, từ 164 trường hợp vào năm 2016 lên tới hơn 5.500 trường hợp trong tài khóa 2018.

Viện Chính sách Di cư (MPI) ước tính sẽ có thêm 559.000 người mỗi năm có thể bị xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở chi phí phúc lợi khi nộp đơn xin thị thực nhập cư từ các lãnh sự quán ở nước ngoài. Biện pháp này cũng có thể chặn những người lao động ngắn hạn và du khách đến Mỹ. Khoảng 518.000 người nước ngoài có thị thực tạm thời tìm cách kéo dài thời gian lưu trú mỗi năm có thể phải chứng minh họ không nhận một số phúc lợi nhất định, theo ước tính của Bộ Nội an.

Doug Rand, một cựu quan chức chính quyền Obama và đồng sáng lập của Tổ chức Boundless Immigration (nhập cư không biên giới), cho biết quy định mới có thể khiến hơn 50% số người nộp đơn xin thẻ xanh diện kết hôn bị từ chối, mỗi năm buộc gần 200.000 cặp vợ chồng phải rời khỏi Mỹ hoặc sống xa nhau vô thời hạn. "56% người nộp đơn xin thẻ xanh theo diện gia đình có thể bị từ chối vì quy định về phúc lợi công cộng" – Rand nói.

Quí Hải
.
.
.