Nhật Bản:

Cảnh sát "mệt" vì trả đồ cho người mất của

Thứ Hai, 27/03/2017, 08:00
Chính phủ Nhật Bản đưa ra luật về tài sản thất lạc. Bất kỳ ai trả lại đồ nhặt được cho cảnh sát có quyền nhận một phần thưởng trị giá 5 - 20% giá trị tài sản thất lạc, nếu nó được trả lại cho người đánh mất, hoặc sở hữu hợp pháp toàn bộ số tài sản đó nếu không có người nhận lại trong vòng 3 tháng. 

Năm 2016, chỉ riêng người dân thành phố Tokyo đã giao nộp khoảng 32 triệu USD tiền mặt thất lạc cho cảnh sát.

Theo Sở Cảnh sát Tokyo, 75% số tiền được gửi tận tay người đánh mất. Ngoài ra, chìa khóa, kính mắt và vật dụng dễ rơi, những món đồ trị giá hàng triệu USD cũng được chuyển đến phòng tiếp nhận tài sản thất lạc của Sở Cảnh sát Tokyo hằng năm.

Lòng tốt của người già là “đặc sản” vùng nông thôn Nhật Bản.

Toshinari Nishioka, cựu cảnh sát đang làm giáo sư tại Học viện Quốc tế Kansai, nói với Bloomberg: "Trường ở Nhật Bản có những giờ học về đạo đức và nguyên tắc đối nhân xử thế. Học sinh được học cách tưởng tượng đến cảm giác của người đánh mất tài sản và tiền bạc. Không hiếm trẻ em đem những đồng xu 10 yen đến giao cho cảnh sát".

Rất nhiều người nước ngoài đã từng đến Nhật Bản và luôn tự hỏi người Nhật được giáo dục như thế nào mà họ lại tốt đến như vậy? Theo lý giải của giáo sư Thomas Lifson tại Viện Nghiên cứu American Thinker, giáo dục giữ một vai trò rất quan trọng.

Đối với người Nhật, họ coi cộng đồng sống xung quanh  như những người đang đi chung trên một chuyến tàu dài, luôn tin rằng tất cả mọi người đều sẽ có lúc gặp lại nhau, chính vì vậy họ sẽ cư xử theo cách không tạo ra "kẻ thù", để người khác giữ ấn tượng về mình một cách đẹp nhất có thể.

Người Nhật tốt bụng lắm, cái sự tốt bụng của họ dường như đã trở thành di sản văn hóa, chứ không đơn thuần chỉ là cách mà người ta đối xử với nhau. Một ngày mùa đông rét mướt cuối tháng 11-2016, nhiệt độ ở Niigata giảm xuống âm 15 độ C.

Thời tiết khắc nghiệt dường như không ngăn cản được các cô giáo lái xe hàng chục cây số đi dạy tiếng Nhật cho sinh viên nước ngoài, có những cô còn rất trẻ, thậm chí đang mang bầu nhưng vẫn không ngại xa xôi, đều đặn mỗi tuần đi dạy 2 buổi học như thế.

Một tháng một lần, các cô tổ chức tiệc mời sinh viên đến ăn, sinh viên nào có con được mang con đến. Đến Noel, các cô cùng chung tay tổ chức Giáng sinh cho học trò, với lý do để các em không tủi thân khi xa nhà.

Mùa xuân đến, sinh viên nghèo chẳng có tiền đi ngắm hoa anh đào, các cô lại đến đưa các em đi. Muốn tìm hiểu về văn hóa Nhật, chỉ cần thổ lộ một câu, các cô sẽ chở học trò đến một khách sạn thật đẹp để sinh viên mặc kimono pha trà đúng kiểu Nhật.

Đầu mỗi mùa đông, ở rất nhiều ký túc xá sinh viên trên khắp nước Nhật là những thùng quần áo cũ miễn phí, gọi là cũ nhưng còn rất mới và đẹp, mang về mặc mãi không thấy hỏng. Sinh viên có thể lấy bao nhiêu tùy thích để không phải tốn tiền mua quần áo. Và tất cả đều miễn phí!

Nhưng sự miễn phí ở đây được các cô dành cho sinh viên với tất cả sự tôn trọng và yêu quý chứ không coi thường họ. Sinh viên nước ngoài học vài năm rồi đa số cũng phải trở về, đến ngày đó ai cũng khóc vì các cô đến tận nơi chia tay, lái xe đưa lên tàu tiễn chân sinh viên về nước.

Kèm theo đó là bao nhiêu quà, trẻ con được sữa, được bánh kẹo, đồ chơi, bố mẹ được quần áo và ông bà được gửi cả những món quà thuần Nhật như khăn, khuôn ảnh nhỏ có nhiều hình hoa anh đào. Cầm những món quà nho nhỏ đó, lại tự nhủ phải sống thật tốt, tốt như các cô giáo Nhật vậy.

Những câu chuyện như thế là điều rất bình thường tại các miền quê của nước Nhật, nơi chẳng có nhiều nhà cao ốc, chẳng có trung tâm mua sắm hay siêu xe, nhưng lòng tốt của người dân, đặc biệt là người già có thể coi như một thứ di sản phi vật thể của mảnh đất này.

Nguyễn Minh
.
.
.