Nhật Bản: Lớp học giúp trẻ tự tin biết ứng xử khi bị bắt nạt

Thứ Năm, 02/05/2019, 11:33
Ở Nhật Bản, bắt nạt là một vấn đề xã hội lớn, với hơn 410.000 vụ bắt nạt được báo cáo tại các trường phổ thông các cấp ở nước này trong năm 2018. Theo dữ liệu của Bộ Giáo dục Nhật Bản, 10/250 học sinh tự tử là nạn nhân bị bắt nạt tại trường học.


Tạo dựng cho trẻ sự tự tin

Trong một buổi trị liệu vật lý (còn được gọi là CBT), Yuto Kikuchi, 29 tuổi, một giáo viên tại Trường tiểu học Matsudo thành phố Yakiri ở tỉnh Chiba, đã đề nghị khoảng 60 học sinh lớp 6 hãy tưởng tượng một con voi màu hồng. 

Vài phút sau, anh đảo ngược hướng dẫn của mình, yêu cầu các học sinh nhanh chóng quên điều đó đi. Những đứa trẻ nhắm mắt và cố gắng xua đuổi hình ảnh của những con voi màu hồng ra khỏi tâm trí chúng. Mặc dù hết sức cố gắng nhưng nhiều đứa trẻ vẫn không thể làm được ngay lập tức.

“Con voi hồng cứ trồi lên trong đầu em”, một đứa trẻ nói. Thầy giáo hỏi “Có bao nhiêu bạn gặp khó khăn khi không nghĩ đến những chú voi màu hồng?”. Tất cả đều giơ tay. Bài tập này nhằm giúp trẻ nhận thức và biết cách đối phó với những suy nghĩ sẽ nảy sinh trong đầu khi bị rơi vào trạng thái lo lắng. “Bạn càng cố gắng không nghĩ về điều gì, bạn càng thực sự nghĩ về nó”, Kikuchi giải thích. 

Các liệu pháp này đã, đang và sẽ hoạt động bằng cách thay đổi con người, thái độ và hành vi của họ bằng cách tập trung vào suy nghĩ, hình ảnh, niềm tin. Tạo dựng cho trẻ sự tự tin, biết cách cư xử, giải quyết và đối phó với những cảm xúc rối loạn.

Trong một buổi trị liệu vật lý (còn được gọi là CBT).

Bên cạnh Chiba, phương pháp trị liệu tâm lý cũng đã được giới thiệu tại các trường học ở quận Saitama, Kyoto, Tottori và Fukuoka. “Bất cứ ai cũng có thể cảm thấy lo lắng, nhưng nếu nó trở nên quá mức, có thể có những tác động bất lợi có thể xảy ra, chẳng hạn như ở trẻ em sẽ sợ đi học”, thầy hiệu trưởng Hiroko Asaoka chia sẻ. 

Theo khảo sát của khoảng 140.000 học sinh tiểu học và trung học cơ sở đang trốn học, 33,2% cho biết họ có xu hướng cảm thấy lo lắng.

Tư duy tích cực

Nạn bạo lực học đường ngày càng gia tăng ở Nhật khiến nhiều học sinh ở nước này sợ đến trường. Vì thế đã có nhiều trường học áp dụng các liệu pháp hành vi nhận thức, các trò chơi trực tuyến, để giúp trẻ em đối mặt với các vấn đề hằng ngày nhằm giảm bớt khả năng bị bắt nạt hoặc bắt nạt người khác. 

Các trường tiểu học và trung học cơ sở này đã đưa ra chế độ trị liệu tâm lý, thường được áp dụng để điều trị chứng lo âu, trầm cảm hoặc các rối loạn khác ở người lớn, trong một thí nghiệm nhằm giúp trẻ em chinh phục nỗi sợ hãi trong khi học tập và vui chơi ở trường.  

Các học sinh được học để có thể xử lý được những suy nghĩ tiêu cực cũng như vượt qua những khó khăn, biết cách giải quyết hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp phải các tình huống bị bắt nạt hoặc thấy bạn bị bắt nạt. 

Có 10 lớp CBT đang được tiến hành tại các trường dựa trên chương trình do Trung tâm nghiên cứu phát triển tâm thần trẻ em tại Đại học Chiba tạo ra. Học sinh được thực hiện các trò chơi nhập vai bằng cách sử dụng một cuốn sách bài tập dài khoảng 100 trang, thử thách bản thân để xây dựng lòng can đảm, để bày tỏ cảm xúc và học các phương pháp thư giãn.

Anh Go Kasai, một người cha ở tỉnh Aomori, cũng có con gái là bé Rima Kasai tự tử vì bị bắt nạt.

Yuko Urao, một giáo sư trợ lý được bổ nhiệm đặc biệt tại Đại học Chiba, người đã nghiên cứu về ý tưởng cho chương trình CBT, cho biết khóa học này không chỉ giúp ngăn ngừa trốn học mà còn ngăn chặn sự bắt nạt bằng cách khiến trẻ em đồng cảm với người khác.

Ví dụ, bằng cách áp dụng kỹ thuật CBT trong lớp âm nhạc, thay vì một học sinh luôn lo lắng, sợ hãi những đứa trẻ khác sẽ cười nhạo nếu cậu chơi sai một đoạn nhạc, hoặc hát nhầm lời cậu bé sẽ được học về sự thay đổi trong tư duy như một phản biện. 

Cậu sẽ tự nghĩ, tự lên dây cót cho bản thân “Tôi đã luyện tập rất nhiều. Ngay cả khi tôi thất bại, không phải ai trong lớp cũng có quyền cười nhạo tôi”. Và cậu được chơi trò chơi này một cách nhuần nhuyễn cho đến khi không còn lo lắng, bận tâm về việc các bạn sẽ cười nhạo mình. Từ trong ý thức, trong tư duy của cậu sẽ mất dần đi cảm giác lo lắng, sợ hãi nếu bị thất bại.

Bên cạnh đó, mặt tích cực của CBT là các học sinh trong khi học được cách tự bảo vệ bản thân bằng cách tư duy tích cực, đồng thời cũng xuất hiện nhận thức “không có quyền cười nhạo, hoặc chê bai người khác”… 

Trường Vân
.
.
.