Nhật Bản:

Vấn nạn đàn ông chụp ảnh khiêu dâm, quay lén

Thứ Hai, 14/10/2019, 16:00
Với sự ra đời của iPhone kèm theo tính năng "AirDrop" cho phép người dùng chia sẻ dữ liệu và ảnh với nhiều người cùng một lúc trong phạm vi 10m, tội phạm biến thái đã có phương thức mới để quấy rối tình dục các nạn nhân. Với "AirDrop", khi người dùng iPhone nhận được một bức ảnh, họ có quyền lựa chọn chấp nhận hay từ chối bức hình đó.


Những kẻ biến thái AirDrop

Tuy vậy, dù lựa chọn thế nào, hình ảnh cũng luôn hiện ra trước trên màn hình điện thoại. Lợi dụng đặc điểm này, tội phạm biến thái đã bắt đầu sử dụng tính năng "AirDrop" để gửi ảnh khoe một số bộ phận nhạy cảm trên cơ thể. Hiện tượng mới nổi này được người dân trong nước gọi là "AirDrop chikan". Vấn nạn "AirDrop chikan":  "chikan" là từ dùng để ám chỉ những kẻ quấy rối nói chung, và kẻ biến thái thường dùng tính năng AirDrop của iPhone ở nơi công cộng để thực hiện ý đồ của mình.

AirDrop Chikan là khái niệm mới để chỉ những kẻ biến thái chuyển ảnh khiêu dâm qua AirDrop.

Bằng cách nào chúng lại lợi dụng được điều đó ư? Trước tiên, hãy hiểu rằng AirDrop - tính năng chuyển file không dây của Apple - có thể hiểu nôm na là một dạng Bluetooth cực nhanh chỉ dành riêng cho các thiết bị chạy iOS. Khi gửi file ảnh, hình ảnh thu nhỏ đại diện sẽ hiện lên ngay trên màn hình rồi mới thông báo có chấp nhận tải file về từ người gửi.

Vì thế, những ảnh chụp thô bỉ, dung tục của kẻ chủ mưu sẽ luôn hiện lên trên máy của các nạn nhân xung quanh mà không cần biết họ có đồng ý hay không. Lũ "chikan" thường hành động ở các nơi đông người như ga tàu điện, trạm xe bus... chỉ cần với một ngón tay để sẵn trong túi áo sẵn sàng bấm nút gửi và diễn ra như thể không có gì xảy ra, những ai xung quanh lỡ bật AirDrop sẽ ngay lập tức thấy hình ảnh đó.

Chúng được cho là rất thích thú khi thấy nhiều người sợ hãi và hoang mang vì xem phải ảnh của mình, nên liên tục có những vụ quấy rối như vậy được báo cáo lại.  41% trong số người sử dụng điện thoại thông minh tại Nhật Bản sở hữu iPhone và bất đắc dĩ, họ trở thành nạn nhân của những kẻ biến thái.

Những vụ bắt giữ

Mới đây, Cảnh sát thành phố Fukuoka thông báo họ đã bắt giữ được kẻ biến thái đầu tiên sử dụng tính năng "AirDrop". Theo đó, cảnh sát cho biết đối tượng vào tháng 7 năm nay đã gửi nhầm nhiều bức ảnh đồi trụy cho một người đàn ông 34 tuổi khác cùng chuyến tàu điện ngầm thay vì cho một người phụ nữ.

Trong lúc tìm kiếm phản ứng của những hành khách nữ, hắn đã bị người đàn ông trên phát hiện. Nạn nhân đã theo sát đối tượng và liên lạc với cảnh sát, để bắt giữ đối tượng ngay sau đó. Kẻ phạm tội đã thú nhận gửi những bức ảnh và nói hắn chỉ muốn xem phản ứng của người phụ nữ khi đó.

Cảnh sát thành phố Fukuoka, Nhật Bản, vừa bắt giữ và khởi tố một người đàn ông 37 tuổi vì đã gửi ảnh khoe bộ phận nhạy cảm trên cơ thể của mình qua điện thoại di động cho một hành khách cùng chuyến tàu điện. 

Năm ngoái, đã có ít nhất 2 vụ bắt giữ những kẻ quấy rối tình dục nhờ "AirDrop" khác tại Nhật Bản. Một vụ xảy ra tại tỉnh Hyogo trên một chuyến tàu đi đến tỉnh Kobe và vụ còn lại tại tỉnh Osaka. Trong cả hai trường hợp, các đối tượng đều bị nạn nhân của mình phát giác và thông báo kịp thời cho cảnh sát.

Với chiếc điện thoại tích hợp camera trong tay, những kẻ bệnh hoạn thường lén chụp dưới váy các nữ sinh trên các chuyến tàu điện đông người, các phòng vệ sinh công cộng dành cho nữ giới. Táo bạo hơn nữa, một số đối tượng còn đột nhập vào các nhà tắm công cộng và suối nước nóng của Nhật Bản để "săn" chụp ảnh khỏa thân của những người phụ nữ không may lọt vào tầm ngắm của chúng.

Sau vụ việc một diễn viên truyền hình hạng B bị bắt quả tang khi đang quay lén quần lót của một người phụ nữ trên tàu điện ở Thủ đô Tokyo, các nhà sản xuất thiết bị viễn thông tại Nhật Bản đã bắt đầu cài đặt thêm hiệu ứng tiếng chớp máy ảnh mỗi một lần ảnh được chụp. Cải thiện này giúp làm giảm số vụ chụp ảnh, quay phim lén một cách đáng kể. Tuy nhiên, những kẻ biến thái nước này luôn tìm mọi cách để thỏa mãn sở thích bệnh hoạn của mình.

Việc điều tra các vụ án "AirDrop chikan" có thể gặp nhiều khó khăn nếu không có bằng chứng. Thông thường, các nạn nhân khi nhận phải những hình ảnh đồi trụy đến máy điện thoại của mình, họ sẽ ấn nút không chấp nhận khiến cho dữ liệu hình ảnh trên không được lưu lại trên máy. Cảnh sát khuyến khích các nạn nhân nên lưu lại những hình ảnh đó làm bằng chứng nhằm phục vụ cho quá trình điều tra.

Cảnh sát Nhật Bản khuyến cáo phụ nữ nên đổi tên ID điện thoại của họ thành tên một sở cảnh sát. Tên phụ nữ Nhật Bản thường kết thúc bằng "ko" như Tomoko hay Hiroko và điều này trở thành chỉ dấu cho những tên tội phạm biến thái. Ngoài ra, người dùng iPhone nên chỉnh lại cài đặt "AirDrop" của máy, thay vì cho phép nhận ảnh và dữ liệu từ bất kỳ ai (everyone), họ nên chỉ nhận từ những liên lạc có trong máy hay không nhận từ ai cả.

Trường Vân
.
.
.