Nhật Bản đối mặt với nhiều hệ lụy của tình trạng già hóa dân số

Thứ Hai, 25/11/2019, 19:10
Nước Nhật lại bị chấn động khi  một cụ bà 71 tuổi thừa nhận đã giết chồng và bố mẹ chồng bằng cách siết cổ. Cảnh sát nghi ngờ lý do của vụ việc là người phụ nữ này quá mệt mỏi và căng thẳng với việc là người duy nhất phải chăm lo cho gia đình chồng khi tuổi cũng đã cao. Vụ án này một lần nữa cho thấy, xã hội Nhật Bản đang phải đối mặt với những hệ luỵ từ tình trạng già hoá dân số. 


Giết cả nhà chồng vì quá... mệt mỏi?

Bà Masako Kishimoto, 71 tuổi, đã bị cảnh sát bắt tại nhà riêng ở thành phố Tsuruga, tỉnh Fukui hôm 17-11 với nghi vấn sát hại chồng và bố mẹ chồng. Theo cảnh sát địa phương, bà Masako bị nghi dùng khăn siết cổ chồng Takio, 70 tuổi, khi ông này đang nằm ngủ tại nhà. Sau đó, thi thể của ông Yoshio, 93 tuổi, bố chồng, và bà Shinobu, 95 tuổi, mẹ chồng bà Masako cũng được tìm thấy.

Con gái bà Masako, một phụ nữ 40 tuổi, là người đã báo cảnh sát sau khi người này liên hệ với mẹ. Cảnh sát tới hiện trường và tìm ra thi thể 2 ông bà Yoshio và Shinobu ở tầng 1, và thi thể của ông Takio ở tầng 2. Bà Masako cũng được đưa tới bệnh viện kiểm tra sau khi bà được cho đã uống thuốc ngủ để tự tử, tuy nhiên bà đã qua cơn nguy kịch.

Trong một nhà tù ở Nhật Bản.

Ông Takio từng kế thừa gia nghiệp của cha và trở thành giám đốc một công ty xây dựng trong khi bà Masako là thành viên trong hội đồng công ty và phụ trách mảng kế toán. Trước khi qua đời, ông Takio gặp khó khăn trong việc di chuyển vì từng bị đột quỵ nhẹ, trong khi bà Shinobu được giới chức địa phương xác nhận rằng sức khỏe không tốt và cần sự chăm sóc từ người khác.

Ngày 18-11, cảnh sát đã lục soát căn nhà nơi 4 người sinh sống. Họ nghi rằng động cơ của bà Masako là do bà đã kiệt sức vì phải chăm lo cho 3 người lớn tuổi khác trong khi bản thân bà đã 71 tuổi. Nghi vấn này hoàn tàn có cơ sở khi một phụ nữ 72 tuổi sinh sống ở khu vực lân cận, người từng trò chuyện với bà Masako trình báo với cảnh sát rằng “Bà ấy nói với tôi rằng bà ấy kiệt quệ vì phải chăm sóc và cảm thấy không ổn”.

Sau khi báo chí đăng tin về vụ án mạng nghiêm trọng này, rất nhiều dân mạng là người Nhật đã chia sẻ ý kiến. Dù việc làm của bà Masako phải bị pháp luật trừng phạt nhưng không ít người vẫn bày tỏ sự cảm thông đối với hoàn cảnh của bà.

Nhiều hệ luy từ tình trạng già hoá dân số

Vụ án này một ần nữa cho thấy xã hội Nhật đang đói mặt với nhiều thách thức và hệ luỵ từ tình trạng già hoá dân sô trong khi tỷ lệ sinh ngày càng giảm. Theo một thống kê công bố đầu năm 2019, Nhật Bản đang trong sự o ép của làn sóng tội phạm cao tuổi, tỷ lệ phạm tội của những người ngoài 65 tuổi gia tăng đều đặn trong 20 năm.

Trong số 2.500 người trên 65 tuổi bị kết án năm 2016, hơn một phần ba có nhiều hơn năm tiền án. Những người cao tuổi khi không còn sức lao động, lương hưu không đủ sống đã chọn cách vào tù để sống. Theo Michael Newman, một nhà nhân khẩu học có trung tâm nghiên cứu ở Tokyo, chỉ ra rằng lương hưu cơ bản "vô giá trị" ở Nhật Bản rất khó sống.

Một phạm nhân 80 tuổi đang thụ án trong tù.

Nhiều người trẻ Nhật Bản ở các tỉnh phải đi làm ăn xa, bỏ bố mẹ tự chăm lo bản thân. "Những người hưu trí không muốn trở thành gánh nặng cho con cái họ và cảm thấy rằng nếu họ không thể sống bằng tiền lương hưu nhà nước thì cách duy nhất để không trở thành gánh nặng là tự chui vào tù", ông nói. Trộm cắp, chủ yếu là ăn trộm đồ trong siêu thị hoặc các cửa hàng là tội chiếm số lượng lớn nhất của những người phạm tội cao tuổi. Họ chủ yếu ăn cắp thực phẩm có giá trị dưới 3.000 yên từ một cửa hàng mà họ thường xuyên mua bán.

Nhưng ngoài những người tìm cách vào tù để duy trì cuộc sống thì có những người chọn cách vào tù sống chỉ vì họ cảm thấy quá cô đơn. Bà Yumi Muranaka, cai ngục của nhà tù Phụ nữ Iwakuni, chia sẻ trên trang Bloomberg: “Họ có thể có gia đình nhưng họ không cảm thấy đó thực sự là một mái ấm”.

Những thay đổi trong gia đình Nhật Bản đã góp phần gây ra làn sóng tội phạm ở người cao tuổi. Mọi người trở nên cô lập hơn, họ không thể chịu đựng nỗi cô đơn của mình. “Tôi cảm thấy thoải mái với đời sống tù nhân. Tôi có quần áo mặc, thực phẩm, chỗ ở, được chăm sóc khi bệnh và có nhiều người xung quanh. Trong tù cũng giống như sống trong một nhà dưỡng lão nghiêm khắc vậy”, một phạm nhân 76 tuổi nói với phóng viên tạp chí Fortune khi được hỏi lý do phạm tội. 

“Nhà tù ở Nhật có môi trường dễ chịu hơn và rất an toàn. Vì thế, nhiều người già nghĩ rằng sống trong tù còn hơn chết ở ngoài”, ông Patrick Hansen, Giám đốc Custom Product Research, nói với Fortune. Không ít phạm nhân nói rằng họ thích cuộc sống ở tù hơn khi không còn cảm thấy cô đơn vì lúc nào cũng có rất nhiều người xung quanh. Nhưng thực tế này là điều đáng báo động cho chính quyền. Theo Bloomberg, Chính phủ Nhật đang cố gắng chống lại vấn nạn “tội phạm cao tuổi” bằng cách cải thiện hệ thống phúc lợi và an sinh xã hội.

Tìm giải pháp để gia tăng tỷ lệ sinh

Tháng 6-2014, Tomonaga Osada, một quan chức địa phương tại tỉnh Aichi, Nhật Bản đã đưa ra một ý tưởng vô cùng táo bạo. Osada gợi ý rằng các nhà chức trách có thể phân phối bao cao su bị... làm thủng một cách bí mật cho các cặp vợ chồng trẻ, và như vậy tỷ lệ sinh sẽ tăng lên. Ý tưởng có phần kỳ quặc này của Osada chỉ nhận được rất ít ý kiến ủng hộ, tuy nhiên nó phản ánh nỗi lo về tình trạng tỷ lệ sinh liên tục giảm của Nhật Bản.

Ngôi nhà của gia đình bà Masako Kishimoto.

Nhật Bản được coi là một quốc gia “siêu già”, có nghĩa là 28% dân số ở độ tuổi trên 65 tuổi và lực lượng lao động đang bị thu hẹp đáng kể. Điều này cũng tác động đến tổng dân số của cả nước. Nhật Bản có 126 triệu người vào năm 2018, giảm 260.000 người so với 1 năm trước đó. Đến năm 2065, con số này dự kiến giảm xuống còn 88 triệu người.

Tỷ lệ sinh của Nhật Bản đã giảm đáng kể kể từ cuối những năm 1970. Vào năm 2005, tỷ lệ này chạm đáy xuống mức 1,26 trẻ/phụ nữ, nhưng sau đó phục hồi cho đến khi giảm trở lại vào năm 2016. Vào năm 2018, tỷ lệ sinh ở mức 1,42 trẻ/phụ nữ, trong khi tỷ lệ cần thiết để duy trì dân số ổn định là 2,1.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Chính phủ Nhật Bản, số trẻ sơ sinh ở nước này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 918.397 trẻ trong năm 2018, tiếp tục dưới mốc 1 triệu trẻ trong 3 năm gần đây. Theo số liệu từ Bộ Y tế-Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, từ tháng 1 đến tháng 7-2019, tỷ lệ sinh tại Nhật giảm 5,9% do nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị thu hẹp. Trong khi đó, nhiều phụ nữ trì hoãn hoặc quyết định không sinh con. Trong giai đoạn này, tổng số ca sinh là 518.590.

Số trẻ sơ sinh ở Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2018.

Ông Yasushi Mineshima, phát ngôn viên của Viện nghiên cứu An ninh xã hội và Dân số quốc gia, mô tả sự sụt giảm tỷ lệ sinh “xảy ra nhanh hơn dự đoán chính thức”. Theo Mineshima tin rằng cuộc khủng hoảng ở Nhật Bản xảy ra do nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị thu hẹp. Phụ nữ đang trì hoãn việc sinh con vì nhiều người tham gia vào lực lượng lao động, theo phân tích của chính phủ. Độ tuổi sinh con lần đầu trung bình của phụ nữ tăng từ 25,6 vào năm 1970 lên 30,7 trong năm 2018.

Một nguyên nhân khác khiến tỷ lệ sinh giảm tại Nhật Bản là tỷ lệ kết hôn giảm. Theo một cuộc khảo sát của Chính phủ, số cặp đôi kết hôn trong năm 2018 cũng đã giảm 20.428 cặp so với năm trước đó, xuống còn 586.438 cặp. Độ tuổi kết hôn trung bình là khoảng 31,1 đối với nam giới và 29,4 đối với nữ giới. Số liệu này không thay đổi kể từ năm 2014. Năm 2018, tỷ lệ kết hôn ở mức 4,7 trên 1.000 người (tính trong năm).

Trong thập niên 70, cứ 1.000 người thì có đến hơn 10 người kết hôn trong một năm. Năm 2015, tỷ lệ những người chưa từng kết hôn ở tuổi 50 đạt 23% đối với nam và 14% với nữ, mức cao nhất từ trước đến nay.

Trong khi đó những người trẻ tuổi đang bị bó buộc với các quy chuẩn xã hội, chỉ có khoảng 2% trẻ em được sinh ra mà cha mẹ của chúng không kết hôn (con số này ở hầu hết các nước phát triển là 30-50%). Điều này có nghĩa là khi tỷ lệ kết hôn giảm thì tỷ lệ sinh cũng giảm. Ngay cả đối với những người đã lập gia đình, chi phí nuôi dạy trẻ tăng cao cũng khiến nhiều bậc cha mẹ quyết định chỉ sinh một con.

Còn theo một nghiên cứu của Đại học Tokyo, tình trạng thiếu kinh nghiệm tình dục cũng đang gia tăng ở quốc gia này, với tỷ lệ phụ nữ chưa quan hệ tình dục trong độ tuổi từ 18 đến 39 tăng từ 21,7% trong năm 1992 lên 24,6% vào năm 2015. Sự thay đổi lớn hơn đối với nam giới trong cùng độ tuổi. Tỷ lệ nam giới từ 18 đến 39 tuổi chưa quan hệ tình dục tăng từ 20% vào năm 1992 lên 25,8% trong năm 2015.

Để đối phó với xu hướng này, Chính phủ Nhật đặt mục tiêu tỷ lệ sinh tăng lên 1,8 trẻ/phụ nữ. Nước này cũng tập trung vào nỗ lực cải thiện cân bằng cuộc sống của phụ nữ bằng cách tăng số trung tâm chăm sóc và thời gian nghỉ phép của cha mẹ.

Ngọc Trang (Tổng hợp)
.
.
.