Nhật Bản loay hoay với bài toán thiếu lao động trẻ

Thứ Hai, 10/02/2020, 14:47
Ngày 4/2, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua các dự thảo luật kêu gọi các doanh nghiệp cho phép người lao động làm việc đến 70 tuổi. Các dự luật này được xây dựng trong bối cảnh Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng do dân số đang già hóa nhanh chóng cho thấy nước này vẫn chưa có giải pháp khả dĩ hơn trong việc trẻ hoá dân số.


Nguy cơ thiếu lao động trẻ

Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ đệ trình các dự luật này lên Quốc hội trong kỳ họp thường niên hiện nay để các dự luật có thể có hiệu lực từ tài khóa 2021 (bắt đầu vào tháng 4/2021).

Mặc dù các quy định trong các dự luật trên không có tính bắt buộc nhưng các dự luật này kêu gọi các công ty lựa chọn một trong số năm phương án gồm: tăng tuổi nghỉ hưu của các lao động; bỏ tuổi nghỉ hưu; cho phép người lao động tiếp tục làm việc sau khi đến tuổi nghỉ hưu; giao khoán một số công việc cho những người đến tuổi nghỉ hưu nhưng muốn tiếp tục làm việc; hoặc bố trí họ làm việc cho một số dự án nhân đạo mà các doanh nghiệp này đang triển khai. Trong tương lai, Chính phủ có thể sẽ bắt buộc các doanh nghiệp phải sử dụng người lao động cho đến 70 tuổi.
Lao động cao tuổi đang tham gia thị trường lao động Nhật Bản ở một quy mô lớn chưa từng có.

Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng "xã hội siêu già" khi dân số nước này tiếp tục suy giảm trong năm thứ 7 liên tiếp với số người từ 65 tuổi trở lên chiếm tới 27,7% dân số. Theo thống kê của Bộ Nội vụ Nhật Bản, những người cao tuổi đang tham gia nền kinh tế nước này ở quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Cứ 10 người lao động tại Nhật Bản lại có hơn 1 người trên 65 tuổi. Lao động cao tuổi đang tham gia thị trường lao động Nhật Bản ở một quy mô lớn chưa từng có.

Thống kê hồi đầu năm 2019 của Bộ Bộ Y tế- Lao động và An sinh Nhật Bản cho thấy tỷ lệ "thừa việc thiếu người làm" tại nước này trong năm 2018 đã ở mức cao nhất kể từ năm 1973. Tình trạng thiếu lao động trầm trọng tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới khi dân số đang ngày càng bị già hóa. Trung bình trong năm 2018, cứ 100 người tìm việc thì có tới 161 việc làm sẵn sàng. Nếu tính riêng tháng 12, tỷ lệ này còn cao hơn (100-163).

Theo Tiểu ban Chính sách việc làm, thuộc Bộ Y tế- Lao động và An sinh Nhật Bản, lực lượng lao động của nước này trong năm 2040 dự kiến sẽ giảm 20% so với năm 2017 do dân số suy giảm nếu kinh tế nước này không tăng trưởng trong khi phụ nữ và người cao tuổi khó kiếm việc làm.

Trong báo cáo dự báo đầu tiên về quy mô lực lượng lao động Nhật Bản vào năm 2040, Tiểu ban này kêu gọi Chính phủ thực hiện thêm các chính sách để tăng cường tạo việc làm và khuyến khích phát triển trí tuệ nhân tạo như các biện pháp duy trì năng suất lao động.

Tiểu ban này cũng  ước tính lực lượng lao động ở Nhật Bản sẽ đạt 60,82 triệu người vào năm 2025 và 52,45 triệu người vào năm 2040, giảm so với mức 65,3 triệu người năm 2017. Trong đó, số lượng lao động nam giới của Nhật Bản trong năm 2040 sẽ giảm 7,11 triệu người so với năm 2017, trong khi số nữ lao động trong cùng kỳ giảm 5,75 triệu người.

Xét về ngành, lĩnh vực bán buôn và bán lẻ sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất với lực lượng lao động dự kiến giảm 2,87 triệu người trong giai đoạn 2017-2040. Tiếp theo là lĩnh vực khai khoáng và xây dựng với mức giảm 2,21 triệu người và chế tạo giảm 2,06 triệu người.

Chỉ lĩnh vực y tế và an sinh có lực lượng lao động tăng (1,03 triệu người) vào năm 2040, cho thấy tình trạng dân số già hóa của Nhật Bản. Tuy vậy, nếu các chính sách khuyến khích tạo việc làm cho phụ nữ và người cao tuổi của Nhật Bản phát huy hiệu quả thì lực lượng lao động của nước này sẽ đạt 63,43 triệu người vào năm 2025, giảm 1,87 triệu người so với năm 2017, và 56,44 triệu người năm 2040, giảm 8,86 triệu người.

Chưa có giải pháp khả thi để trẻ hoá dân số

Thống kê của Chính phủ Nhật Bản công bố tháng 4-2018 cho thấy dân số nước này đã giảm 227.000 người xuống còn 126,70 triệu người vào ngày 1-10-2017, giảm 0,18% so với năm trước đó, trong đó có 40/47 tỉnh trong cả nước có tỷ lệ dân số giảm. Số người trong độ tuổi lao động từ 15 đến 64 tuổi là 75,96 triệu người, chiếm 60% tổng số người trong độ tuổi lao động. Trong khi đó số người từ 75 tuổi trở lên chiếm 17,48 triệu người, chiếm 13,8%, còn những người dưới 15 tuổi là 15,59 triệu người, chiếm 12,3%.

Trong khi số lượng người già ngày càng tăng thì tỷ lệ sinh lại giảm mạnh. Theo Bộ Y tế- Lao động và An sinh Nhật Bản, dân số nước này sụt giảm tự nhiên 448.000 người trong năm 2018, mức cao nhất trong lịch sử, do tỷ lệ sinh giảm. Năm 2019, chỉ có 864.000 trẻ sơ sinh chào đời tại Nhật Bản, giảm đáng kể gần 6% so với năm 2018 và thấp kỷ lục kể từ khi bắt đầu thu thập dữ liệu về sinh sản năm 1899.

Một kỷ lục không đáng mong chờ khác cũng được xác lập là số người Nhật kết hôn mới trong năm 2017 cũng thấp nhất thời kỳ hậu chiến tranh với chỉ 607.000 cặp mới, giảm 14.000 cặp so với năm trước đó. Tính trung bình, tại Nhật Bản cứ 34 giây có 1 trẻ ra đời, 23 giây có 1 người qua đời và 52 giây thì có một cặp kết hôn.

Ngọc Trang (Tổng hợp)
.
.
.