Nhật Bản nỗ lực giảm "làm việc đến chết"

Thứ Hai, 11/12/2017, 09:27
Việc bắt đầu giải ngân khoản bồi thường trị giá 2,4 tỉ yên cho nhân viên phải làm thêm giờ quá mức trong 2 năm qua của Tập đoàn quảng cáo Dentsu đang thu hút sự quan tâm của người dân "đất nước mặt trời mọc".


Bởi hơn 2 tháng trước (6-10), Dentsu bị phạt 4.400 USD vì không khắc phục tình trạng lao động quá giờ bất hợp pháp đã được thanh tra chỉ ra trước đó. Dentsu bị cáo buộc đã buộc 4 nhân viên làm quá giờ bất hợp pháp và cô Matsuri Takahashi tự sát ở tuổi 24 hồi tháng 12-2015.

Được biết, Matsuri Takahashi đã làm thêm 105 tiếng trong tháng cô qua đời. Và trước khi quyết định chấm dứt cuộc sống, Matsuri Takahashi tâm sự, cô chỉ được ngủ 10 tiếng/tuần. Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tadashi Ishii của Dentsu đã từ chức hồi đầu năm nay, còn tập đoàn phải cam kết cắt giảm thời gian làm thêm tối đa xuống còn 65 giờ/tháng.

Ông Tadashi Ishii từ chức sau khi các nhà điều tra khám xét văn phòng Dentsu. Theo Kyodo News, từ tháng 4-2015 đến tháng 3-2017, nhiều nhân viên của Dentsu (tuyển dụng 47.000 người và hoạt động tại 140 nước) phải ở lại làm thêm sau giờ tan ca mà không nhận được trợ cấp đúng mức.

Tập đoàn quảng cáo Dentsu.

Giới truyền thông vừa dẫn lời người đại diện Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi cho biết, họ đã chuyển vụ việc cho bên công tố. Giáo sư tại trường Đại học Osaka Scott North cho rằng, "karoshi" là căn bệnh mạn tính của xã hội Nhật Bản, và hình phạt dành cho Dentsu sẽ không thay đổi được tình hình.

Làm việc quá mức là vấn nạn tại Nhật Bản và nước này dùng từ "karoshi" để chỉ cái chết (xuất hiện từ thập niên 1970) do làm việc quá sức. Hơn 2 tháng trước (6-10), Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi công bố Sách trắng về "karoshi", trong đó có những trường hợp tự tử.

Theo Sách trắng, có 191 trường hợp "karoshi" được ghi nhận trong năm tài khóa 2016 kết thúc vào tháng 3-2017. Theo Russia Today, kết quả tính toán kể trên được dựa trên số nạn nhân tự tử trong năm 2015 - 23.000 người trong độ tuổi từ 15 đến 69.

Vẫn theo Russia Today, việc lần đầu tiên công bố danh sách 334 công ty trên cả nước vi phạm luật lao động cho thấy, Nhật Bản quyết tâm trong việc bảo vệ người lao động khỏi bị ngược đãi và ngăn ngừa "karoshi". Và danh sách này được cập nhật hằng tháng.

Hơn 1 năm trước (tháng 10-2016), Tokyo công bố nghiên cứu đầu tiên về "karoshi", theo đó nhân viên tại 12% doanh nghiệp làm ngoài giờ hơn 100 giờ/tháng. Đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK từng tính toán thiệt hại kinh tế của đất nước vì nạn tự sát và con số này là hơn 4 tỉ USD/năm.

Cái chết của nữ phóng viên 31 tuổi Miwa Sado cũng từng khiến Nhật Bản rúng động bởi mỹ nhân này thiệt mạng vì suy tim sau khi làm thêm 159 giờ và chỉ nghỉ 2 ngày trong 1 tháng. Cha mẹ Miwa Sado cáo buộc hãng NHK đã tìm cách che giấu thông tin để trốn tránh trách nhiệm liên quan tới cái chết của con gái họ.

Cho đến nay ông Itsuo Sekigawa vẫn chưa thể nguôi đau buồn và tức giận vì cái chết của con trai. Một năm sau khi tốt nghiệp đại học, "cậu ấm" Satoshi Sekigawa của ông Itsuo Sekigawa khiến cả nhà vô cùng tự hào khi được nhận vào làm ở một công ty uy tín.

Nhưng chưa đầy 1 năm sau, Satoshi Sekigawa đã tự sát vì không chịu nổi cường độ làm việc. Gia đình các nạn nhân đều cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới cái chết của người thân là việc thực thi luật lao động lỏng lẻo, thiếu hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ép người lao động làm việc đến kiệt sức.

Theo giới truyền thông, từ năm 2005, Nhật Bản đã thành lập cơ quan phòng chống tự sát do "karoshi", nhưng mãi tới năm 2016, số người tự tử ở Nhật Bản lần đầu tiên trong 22 năm qua giảm xuống dưới 22.000 người.

Và sự suy giảm này có được là nhờ luật sửa đổi về các biện pháp đối phó với vấn nạn kể trên. Nhật Bản được coi là một trong những quốc gia mà người dân làm việc quá sức nhất thế giới và căng thẳng công việc là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến họ chọn cách tự sát.

Tờ Japan Times vừa công bố kết quả thăm dò của một công ty cung cấp dịch vụ hẹn hò trên mạng cho thấy, ngày càng nhiều phụ nữ trong độ tuổi kết hôn ở  xứ sở hoa anh đào tìm thấy niềm vui, sự thư giãn, thoải mái tuyệt đối khi được nằm dài trên ghế sofa và xem những bộ phim truyền hình dài tập sau một ngày làm việc.

Dành thời gian tìm kiếm và hẹn hò với người khác giới trở nên xa xỉ và không hứng thú với họ. Và cường độ làm việc cao kéo theo tình trạng mệt mỏi triền miên là lý do khiến có tới 60% phụ nữ trong độ tuổi kết hôn cảm thấy phiền toái khi phải dành thời gian tìm bạn đời. Theo các nhà xã hội học, chỉ khi giảm giờ làm, giảm tải sức ép công việc, nữ giới và nam giới ở Nhật Bản mới có thời gian để tìm một nửa của mình.

Trọng Hậu
.
.
.