Nhật Bản phát triển kỹ thuật mới về thu thập dấu vân tay

Thứ Sáu, 04/01/2019, 11:01
Tờ Yomiuri Shimbun ngày 2-1 đưa tin, các thành viên trong bộ phận nhận dạng tội phạm của cảnh sát quận Tokyshima ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản vừa phát triển một phương thức mới mà họ tin rằng sẽ giúp thu thập dấu vân tay và dấu chân một cách dễ dàng hơn bằng việc sử dụng máu dính trên bề mặt tại hiện trường vụ án.


Chỉ cần một tờ giấy, các nhà điều tra dán chúng lên dấu vân tay và dấu chân, ngay lập tức nó có thể mô phỏng như bản in trên giấy hình dấu hoàn chỉnh nhất. Phương pháp mới này có thể giúp các điều tra viên thiếu kinh nghiệm kỹ năng hoàn hảo nhất trong việc lẫy mẫu tại hiện trường.

"Nếu chúng tôi có thể liên tục thu thập các mẫu ổn định, nó sẽ giúp xác thực chính xác", Kozo Watanabe, 44 tuổi, trưởng tiểu ban, người đứng đầu đội nghiên cứu này cho biết. Kozo Watanabe cũng giải thích thêm rằng, tờ giấy này có thể được sử dụng để tạo ấn tượng về các mẫu có máu dính, bao gồm dấu vân tay, dấu chân và dấu vết lốp xe. Các tờ giấy mà đội này đang nghiên cứu hiện có độ bám dính cao và khi bị dính vào các vật liệu khác, giấy này không có nguy cơ bị rách…

Kozo Watanabe giới thiệu kỹ thuật mới trong lấy dấu vân tay, dấu chân.

Trong một buổi huấn luyện nhận dạng tội phạm được tổ chức tại trụ sở cảnh sát Tokushima vào mùa xuân năm 2018, Kozo Watanabe đã phát hiện ra rằng, các sĩ quan trẻ gặp khó khăn khi sử dụng các tờ giấy hiện có để lấy mẫu còn in tại hiện trường vì loại giấy đang dùng thường bị rách. Một số người không thể có ấn tượng tốt về bản in. Vì thế, Kozo Watanabe và những người khác bắt đầu nghiên cứu để chế tạo ra loại giấy tốt hơn.

"Chúng tôi muốn tạo ra một tờ giấy sẽ thu thập các mẫu giống hệt nhau cho dù nó được sử dụng ở đâu hay ai sử dụng nó", Kozo Watanabe nói. Một chất hoạt động bề mặt có ái lực tốt với các thành phần chất béo trong máu đã được thêm vào để tấm giấy thậm chí có thể được sử dụng với máu khô. Độ bám dính của tấm giấy được điều chỉnh bằng cách thay đổi lượng nước.

Với lời khuyên từ phòng thí nghiệm điều tra tội phạm của cảnh sát tỉnh Tokushima, đội của Kozo Watanabe đã phải mất 6 tháng điều chỉnh các thành phần để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Vào tháng 10-2018, các tờ thử nghiệm đã được sử dụng tại hiện trường vụ án mạng ở Tokushima.

Cảnh sát đã có thể có được một ấn tượng rõ ràng về dấu chân để lại trên chiếu và giường. Đây chỉ là những sản phẩm thử nghiệm, vì vậy các mẫu không được sử dụng làm bằng chứng, nhưng kinh nghiệm đã cho nhóm nghiên cứu sự tự tin rằng loại giấy của họ có thể thực sự được sử dụng trong các cuộc điều tra.

Họ đã gặp một nhà sản xuất và quyết định sản xuất thử để bán. Nhóm cũng đã trình bày lập luận cũng như giới thiệu loại giấy này tại một cuộc họp của Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Pháp y Nhật Bản được tổ chức ở Tokyo vào tháng 11-2018. Kazuo Nakai, Phó giám đốc bộ phận nhận dạng tội phạm nhận xét: "Thất bại trong việc xác thực là không thể chấp nhận được. Công nghệ tiên tiến hơn sẽ cải thiện chất lượng công việc của chúng tôi. Tôi hy vọng những kết quả nghiên cứu có giá trị này sẽ hữu ích trong các cuộc điều tra”.

Dấu vân tay hay dấu chân, vết máu là một trong những công cụ giúp lần ra kẻ phạm tội, nhất là trong những vụ trọng án khi mà hung thủ đã trốn thoát khỏi hiện trường. Lấy dấu vân tay tại hiện trường là phức tạp nhất bởi có 3 loại vân tay tuỳ theo nơi mà chúng được tìm thấy.

Đầu tiên là dấu vân trên những bề mặt mềm như xà phòng, sáp nến, khăn ướt... còn được gọi là vân "mềm" 3 chiều. 2 loại còn lại là vân trên bề mặt cứng và chia thành vân nhìn thấy (hay vân nổi - patent print) hoặc không nhìn thấy (hay vân chìm - latent print).

Vân nổi có thể dễ dàng tìm thấy được vì chúng nổi lên trên các bề mặt khi máu, bụi đất, mực, sơn, dầu... mà hung thủ để lại trên bề mặt. Còn vân chìm rất khó nhận thấy bằng mắt thường, chúng được hình thành khi dầu và mồ hôi của hung thủ bám lên một bề mặt khác. Để tìm thấy vân chìm, các nhà điều tra phải dùng đến nhiều công cụ khác nhau để làm nổi bật chúng lên.

Một phương pháp phổ biến nhất để lấy vân chìm là phủ bụi lên khu vực có dấu vân bằng các loại bột lưu vân tay. Chúng sẽ bám lên các vị trí có vân tay và biến vân chìm thành vân nổi. Tiếp đấy các nhà điều tra sẽ chụp hình lại y như cách thu thập vân nổi. Sau đó, chúng còn được lưu mẫu bằng cách áp băng dính để lưu trữ về sau này. Phương pháp thứ 2 là dùng ánh sáng.

Các loại ánh sáng khác nhau có thể giúp cải thiện chất lượng hình ảnh vân tay. Tiếp đó là dùng cyanoacrylate - một loại keo siêu dính, vốn sẽ được nhà điều tra phun sương lên bề mặt lấy mẫu trước khi cho bột vân tay hoặc thuốc nhuộm màu.

Phương pháp này được dùng trên các bề mặt không xốp (non-porous) như mặt kính, gương, kim loại... vốn cho phép hơi cyanoacrylate bám lên. Sau đó, các vân tay có thể sẽ được nhìn thấy dưới ánh sáng đèn sáng trắng thông thường. Ngoài các biện pháp đã nêu, còn một số những kỹ thuật đặc biệt khác chuyên dùng cho việc lấy mẫu vân từ da người, vải vóc, quần áo hoặc các bề mặt khó khăn khác.

Linh Oanh
.
.
.