Nhát guốc định mệnh và những ngày sám hối của cô gái tuổi teen

Thứ Bảy, 30/01/2016, 08:27
Những mâu thuẫn ẩm ương của tuổi mới lớn, bỗng một ngày hóa thành vụ án đau lòng, khi có một "đàn chị" nhảy vào giải quyết. Và, nhát guốc định mệnh của "đàn chị" đã khiến một nữ sinh lớp 9 vốn xinh đẹp, học giỏi, mãi mãi đi về bên kia thế giới...


"Lấy số"

Chuyện rất đơn giản: Nạn nhân trong vụ án này, cô bé Đào Thị Linh (nữ sinh lớp 9), ở xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương, có mâu thuẫn với hai nữ sinh cùng trường là Nguyễn Thị Yến và Vũ Thị Dịu. Sau này các nữ sinh có khai rằng, do ghen ghét vẻ xinh đẹp và kiêu kỳ cũng như sức học của Linh nên giữa các nữ sinh này liên tục xảy ra các cuộc cãi vã. Để kết thúc vấn đề, hai bên hẹn nhau ra cổng đài bia thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn giải quyết. Hộ tống Linh có khoảng chục người là bạn bè của cô bé, còn phía Dịu và Yến, cũng cuống cuồng tìm người trợ giúp.

Vốn quen biết Bùi Thị Thu Hoài, SN 1998, ở xã Cẩm Định, một nữ sinh mới "tốt nghiệp" lớp 9, nhưng lại có bề dày thành tích chơi bời, ra xã hội sớm, giao du toàn các đối tượng đầu gấu, đầu xanh đầu đỏ, Dịu liền gọi điện nhờ vả. Được "em út" nhờ, dù biết địa điểm hẹn gặp ở cổng đài bia xã Cẩm Văn, không phải đất của mình, nhưng vì… nể, vả  lại cũng muốn "lấy số" nên Hoài đồng ý đi giải quyết.

Bùi Thị Thu Hoài trong trại giam.

Khi lên đến nơi, thấy nhóm của Linh toàn những gương mặt non choẹt, Hoài cười khẩy, biết là "đè" được nhóm đối phương nên cô ả xông vào đánh dúi dụi Đào Thị Linh. Cô bé Linh chỉ còn biết đứng im chịu trận, yếu ớt giơ tay chống đỡ. Rút chiếc guốc cao gót đang đi ở chân, Hoài bổ thẳng vào gáy nạn nhân. Hôm đó là ngày 14-10-2013.

Sau nhát guốc định mệnh, nạn nhân ngã ra đất. Sau này, Hoài kể: "Cháu học nghề tóc nên túi xách luôn mang theo kéo, nhưng hôm đó cháu không cần dùng đến". Lĩnh  án 9 năm tù vì tội giết người, có lẽ giờ đây, khi đã thụ án được hơn hai năm, cô bé này mới thấm thía tội lỗi của mình, nhất là mới tháng trước, Hoài nghe tin người mẹ của mình mắc bệnh ung thư dạ dày, căn bệnh nghe đâu đã di căn. Là con út trong gia đình có ba anh em, lại xinh xắn, nhưng Hoài nghịch ngợm, chơi bời như một thằng con trai, khiến bố mẹ cô nhiều lần lao đao.

Khi Hoài mới bị bắt, chúng tôi đã gặp cô bé ở trụ sở Công an TP Hải Dương. Khi đó, Hoài gầy và rám nắng, tóc nhuộm vàng hoe, dáng điệu lấc cấc, mắt thâm quầng vì thức đêm nhiều. Mẫu các cô gái mà bất cứ phụ huynh nào cũng không muốn cho con cái mình kết giao. Chỉ có đôi mắt là trong sáng một cách lạ thường. Tôi bị ám ảnh bởi ánh mắt trong veo của cô bé này. Thế nên, hơn hai năm sau gặp lại trong trại giam, chỉ mất đúng 3 giây là tôi nhận ra Hoài. Cô bé cũng reo lên mừng rỡ như gặp lại người quen cũ, một cảm giác thường đến đối với các phạm nhân đang thụ án khi được tiếp xúc với "người xã hội". Không còn vẻ bất cần, nhìn Hoài lọt thỏm trong bộ quần áo kẻ sọc. Vẫn đôi mắt trong veo, nụ cười tươi, nhưng màu tóc giờ đã trầm hơn, giọng điệu cũng đã người lớn hơn rất nhiều. Thú thực là tôi đã ngồi ngắm nữ phạm nhân tuổi teen này rất lâu và thầm nghĩ, giả sử có cuộc thi hoa hậu phạm nhân, thì có lẽ cô gái này chắc chắn sẽ lọt vào vòng chung kết. Và, cũng không biết tại sao, những gương mặt đẹp phạm tội, luôn khiến chúng ta day dứt hơn rất nhiều. Thế mới biết, cái đẹp vẫn có thể ác, cái đẹp vẫn có thể xấu, bởi lằn ranh thiện - ác quá mong manh, nếu bản thân mỗi chúng ta không có ý thức giữ gìn. Với Hoài, một "đứa trẻ" xinh đẹp phạm tội - thì nỗi day dứt của những người lớn - như bố mẹ, thầy cô, không biết đến bao giờ mới nguôi ngoai.

Đêm nào cũng cầu nguyện

Dù đã tỏ ra chín chắn, cô bé vẫn không giấu được tuổi thật của mình.  Hoài đang sống với tuổi 17 đẹp nhất, khi mà tâm hồn con người ta thanh tân nhất. Bởi thế, có lúc quên mất mình là một phạm nhân, cô bé hồn nhiên xin được chụp ảnh 360, để nhìn lung linh hơn, ảo diệu hơn. Tôi nói với Hoài: "Nếu cháu thực sự sám hối và hướng thiện, thì khi ấy cháu không cần phải nhờ bất cứ công nghệ làm đẹp nào".

Bùi Thị Thu Hoài khi mới bị bắt.

- Nhìn bé nhỏ thế này, sao cháu lại thích đánh nhau thế?

+ Vì bạn ấy còn nhỏ hơn cháu. Nhưng hôm đấy thực sự là cháu không có ý định đánh, cháu đi chơi thôi.  Đứa em cháu tên là Dịu bảo. "Chị ơi, con em em bị đánh, chị ra lo cho em". Cháu chỉ định đi giảng hòa thôi.  Khi cháu gọi cho Linh (nạn nhân) thì bạn ấy bảo hẹn ở chỗ cổng đài bia thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn. Bình thường, cháu không bao giờ lên đất lạ đâu, nhưng hôm ấy nể cái Dịu nên cháu lên. Khi đến nơi thì thấy bên kia có hơn chục người, cháu nhìn mặt các bạn thấy còn "non" nên sau khi Dịu tát Linh thì cháu xông vào đánh luôn. Cháu rút guốc bổ vào lưng nhưng thế nào lại trúng gáy, thế là bạn ấy ngã ra đất, chân tay co quắp. Cháu sợ quá hô hấp nhân tạo, rồi day nhân trung nhưng không được nên cho lên xe máy chở vào viện. Một tay cháu lái xe, một tay cháu giữ đầu, còn một bạn ngồi sau giữ Linh. Nhưng bạn ấy đã tử vong từ lúc đưa vào bệnh viện huyện.

- Tại sao cháu lại hay được các bạn nhờ dàn xếp?

+ Vì cháu chơi với nhiều anh chị ''xã hội''. Cháu có chị T "tỉnh", nổi tiếng đất Cẩm Giàng, Hải Dương. Đi đâu chỉ cần nói là em chị T thì không sợ gì hết. 

- Phải như thế nào thì các bạn mới sợ?

+ Phải là học sinh cá biệt mới "lấy số" được. Cứ ở cổng trường mà tụ tập nhiều đầu xanh đầu đỏ là y như rằng các thầy cô bảo đó là bạn bè cháu đến rủ đi chơi. Chắc tại thấy cháu chơi với nhiều anh chị ''xã hội'' nên các em hay nhờ. Khi vụ này xảy ra, có cô giáo bảo cháu là chắc đập đá nên ngáo mới giết bạn như vậy. Nhưng thực sự là cháu mới nhìn các anh các chị đập đá chứ cháu không được chơi.

- Đây là lần thứ mấy đánh nhau rồi?

+ Là lần thứ ba. Trước do ganh tỵ nên cháu bị bạn học bắt nạt, đánh đập. Sau cháu bật lại nên ''hơn phân'' luôn.

- Cháu đã từng bị ai đánh chưa?

+ Có lần cháu bị 3 đứa con gái đánh trong quán net. Chắc chúng nó nhìn thấy cháu đầu xanh đầu đỏ nên ''ngứa pha'', gọi cháu vào toilet đánh dúi dụi. Nó đánh xong bảo, "chị đánh mày xong là xong, từ giờ là bạn". May hôm ấy cháu không bị xé quần áo, cháu chỉ còn biết ngồi thụp xuống giữ váy.

Ảnh minh họa.

- Là con gái, lại là con út trong nhà, lẽ ra phải yểu điệu thục nữ chứ nhỉ?

+ Cháu cũng không hiểu tại sao tính cháu như con trai. Các bạn bằng tuổi cháu thì suốt ngày mẹ ơi, mẹ ời, vòi vĩnh mua cái này cái nọ, nhưng cháu thì không thích thế.

- Cháu nhận tội ngay sau khi bị đưa về trụ sở Công an chứ!

+ Không, 10 tiếng sau cháu mới nhận. Thực ra, cháu định nhận ngay nhưng chính những đứa bị bắt cùng cháu nó xui là "Chị cứ bảo nhìn thấy Linh ngã ra đường nên đưa đi cấp cứu". Đến tối, cháu thấy bọn nó được về hết, còn lại mỗi mình cháu nên cháu biết là chúng nó khai hết rồi nên nhận.

- Đêm hôm đó như thế nào, cháu có sợ không?

+ Sợ cô ạ. Các chú Công an biết cháu sợ nên mang chăn chiếu cho cháu nằm ngay tại phòng làm việc của các chú. Cháu bị ám ảnh bởi cái chết của Linh.

- Vào tù rồi thì anh người yêu có đến thăm không?

+ Tù tội rồi ai yêu nữa hả cô. Hồi ở tạm giam thì cũng đến thăm cháu, nhưng giờ chuyển về đây xa xôi, với lại người ta có học, hiền lành nên cháu chủ động chia tay, cho anh ấy đi tìm người yêu mới.

- Cháu có hình dung những ngày sắp tới của mình như thế nào không, ví dụ như sau này được về với xã hội, cháu sẽ làm gì?

+ Án cháu 9 năm, khi về xã hội cháu cũng gần ba mươi tuổi, cháu chỉ mong thuê được cửa hàng để làm nghề tóc, vì trước đây cháu từng học nghề này rồi.

- Ở trong này, cháu hay nghĩ tới ai nhất?

+ Cháu nghĩ đến mẹ. Cháu mới biết tin mẹ cháu bị ung thư dạ dày, đã di căn rồi. Cháu cũng không muốn bố mẹ vì mình mà vất vả nên bảo bố mẹ cháu vài tháng hãy thăm một lần, ở nhà lo tiền thuốc men chữa bệnh chưa xong còn lo cho cháu. Cháu hối hận vì những gì bố mẹ cháu phải chịu do tội lỗi của cháu gây ra, còn tội lỗi của cháu thì có ân hận cũng không kịp nữa rồi. Đêm nào trước khi đi ngủ cháu cũng chỉ biết cầu khấn vong linh của bạn Linh, mong bạn ấy tha thứ!

Đinh Hiền - Thu Thủy
.
.
.