Nhiều người đổ xô làm cỗ tất niên bằng thịt ngựa để "giải đen"

Thứ Ba, 28/01/2014, 12:22

Thịt ngựa ăn lành, ngon và ít chất béo. Trong khi châu Âu và nhiều nước khác tránh ăn thịt loài vật quý giàu năng lượng này thì ở Việt Nam những năm gần đây thịt ngựa được xem là đặc sản. Những ngày giáp Tết Giáp Ngọ, giá mỗi cân thịt ngựa khá đắt, từ 200.000 đồng đến gần nửa triệu đồng nhưng vẫn cháy hàng, vì tin rằng, ăn thịt ngựa giải xui nên nhiều người đặt mua làm cỗ tất niên.

"Giá thịt ngựa năm nay không quá mắc. Gần Tết, chỉ tăng nhẹ từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, ngang với giá thịt bò. Tuỳ loại thịt ngựa mà có giá khác nhau. Thịt thăn lưng, thịt bắp giá 250.000 đồng/kg, các loại khác giá thấp hơn, từ 200.000 - 230.000 đồng/kg. Giò ngựa cũng được nhiều khách đặt mua, với giá từ 280.000 - 300.000 đồng/kg"-Anh Nguyễn Văn Dũng, chủ một lò mổ ở Thái Nguyên cho hay. Trong tháng giáp Tết âm lịch, lò mổ của anh đã bán được 10 con ngựa thịt. Anh cho biết, thời gian gần Tết thịt ngựa bán khá chạy. Trung bình mỗi ngày anh thịt 1-2 con. Đa phần mọi người đặt mua làm cỗ tất niên.

Được xem là loại thịt có giá trị dinh dưỡng cao, nhiều sắt, tốt cho người đang phải kiêng mỡ, thịt ngựa hiện không còn là món ăn lạ trong thực đơn của nhiều gia đình. Mùa Tết năm 2014, cùng với những sản phẩm dán mác ngựa được ưa thích khác, nhiều gia đình cũng tìm mua thịt của loài động vật này để làm mâm cỗ cúng cuối năm.

Lò mổ ngựa cuối năm ăn nên làm ra.

Ngoài giết mổ tại cơ sở Thái Nguyên, dịp cuối năm anh Dũng còn đem ngựa đến các tỉnh khác để thịt như Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định... Ngoài bán thịt ngựa, anh Dũng còn nấu cao tại chỗ, giá cao ngựa Bạch là 500.000 đồng/lạng, cao ngựa đen và trắng giá thấp hơn từ 300.000 - 350.000 đồng/lạng. Anh cho biết, thời điểm gần Tết, cao ngựa thường được khách hàng mua làm quà biếu.

Trên các diễn đàn mạng, thịt ngựa làm cỗ Tết cũng được mua bán xôm tụ với giá chênh lệch khá lớn với giá bán tại chợ và các vùng quê. Thịt thăn loại 1 được rao bán với giá từ 300.000 - 400.000 đồng/kg, nhưng có nơi rao tới nửa triệu một kg. Thịt loại 2 như vai, sườn khoảng trên 200.000 đồng/kg.

Riêng các loại giò ngựa, tim ngựa được bán với giá khoảng 350.000 kg. Các loại ruốc thịt ngựa hiếm hơn, từ 700.000 đồng đến khoảng 1 triệu đồng cho mỗi kg thành phẩm. Để làm quà biếu Tết, cao ngựa bạch và cao ngựa màu được tìm mua nhiều dù giá khá đắt, lên tới 3 đến 5 triệu đồng/ kg.

Mua 3kg thịt ngựa về ăn giải xui cuối năm, anh Hoàng Nam (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ: "Năm con gì thì kiêng ăn con đấy, nên mua thịt ngựa về làm cỗ tất niên. Là người làm ăn nên quan niệm về thực phẩm của anh Nam khá khắt khe. "Năm Ngọ thì không ăn thịt ngựa, nhưng thịt ngựa cuối năm lại giải đen. Nhân đây thưởng thức thịt ngựa vì năm sau sẽ không sát sinh loài động vật này"- anh Nam nói.

Bác sĩ Phạm Hưng Củng - nguyên Vụ trưởng Y học Cổ truyền (Bộ Y Tế) hiện là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam:

Ngựa là loại động vật được dùng làm nguyên liệu để làm thuốc. Hầu hết các bộ phận của ngựa đều có thể dùng làm thuốc như xương ngựa, sữa ngựa.

Thịt ngựa là một loại sản phẩm rất bổ dưỡng, nó cung cấp nhiều sinh tố, axit amin, khoáng chất, chất sắt, cho nên dùng rất tốt cho những người suy dinh dưỡng, đặc biệt là bệnh nhân đang trị bệnh.Theo một nghiên cứu gần đây, có tới 60% bệnh nhân ở Việt Nam bị suy dinh dưỡng đang điều trị tại bệnh viện, điều này ảnh hưởng rất lớn tới sự phục hồi sức khoẻ và thời gian lành bệnh của bệnh nhân cũng như tốn kém nhiều về tài chính. Một nghiên cứu ở Mỹ cho kết quả: chi phí cho điều trị các biến chứng trên một bệnh nhân bị suy dinh dưỡng là 26.000 USD, còn ở bệnh nhân không suy dinh dưỡng chỉ tốn 7.000 USD. Như vậy, sử dụng thịt ngựa cho những người có sức khoẻ yếu, cho những bệnh nhân để phục hồi sức khoẻ là rất cần thiết. Đặc biệt, trong thịt ngựa có rất nhiều chất sắt nên những người thiếu máu, phụ nữ mang thai ăn là rất tốt.

Đối với người gầy yếu, mới ốm dậy, suy nhược cơ thể có thể ăn hàng ngày, trẻ em còi xương suy dinh dưỡng ăn thịt ngựa góp phần làm cơ thể cứng cáp, nhanh nhẹn hoạt bát, thanh niên sẽ vạm vỡ, cường tráng, người già chống đau nhức xương và loãng xương… tùy thuộc vào lứa tuổi, mỗi ngày có thể ăn từ 50 - 100g. Sữa ngựa có thể uống hàng ngày, mỗi ngày từ 1 - 2 cốc, xương ngựa nấu thành cao, mỗi ngày dùng khoảng 10g, cách dùng ngâm với rượu trắng, mỗi ngày uống 1 - 2 chén nhỏ hoặc cắt thành từng lát mỏng cho vào cháo hay là chưng cách thuỷ với mật ong. Sỏi trong dạ dày hoặc ruột ngựa làm thành bột, uống ngày 1-3g để chữa bệnh động kinh, điên cuồng.

Hưng Nguyễn - Huyền Bùi
.
.
.