Nhiều người ngủ đông kỳ lạ nhất thế giới

Thứ Năm, 22/03/2012, 18:09

Vào năm 2006, Mitsutaka Uchikoshi đã sống sót một cách ngoạn mục trong suốt 3 tuần mà không ăn, uống sau khi các chuyên gia mô tả rằng Mitsutaka rơi vào một trạng thái giống như ngủ đông. Mitsutaka Uchikoshi đã leo lên ngọn núi Rokko ở miền Tây Nhật Bản. Ông được cho là đã trượt chân và bất tỉnh nhân sự trên sườn núi đầy tuyết. Mitsutaka chỉ được phát hiện ra 23 ngày sau đó khi thân nhiệt giữ ở mức 22 độ C và suy đa cơ phận.

Các bác sĩ tin rằng Mitsutaka đã rơi vào trạng thái giảm nhiệt từ rất sớm mà nó rất giống với hình thái ngủ đông. Kỳ diệu hơn khi một người đàn ông Thụy Điển đã được tìm thấy bên trong một chiếc xe hơi bị chôn dưới tuyết, ông được cho là đã sống sót sau 2 tháng không ăn, uống mà chỉ cầm hơi bằng những ngụm tuyết nhỏ. Liệu con người có thể sống mà không cần ăn trong bao lâu?

Những trường hợp sống sót kỳ diệu mà không ăn, uống trong thời gian dài

Những tình huống xung quanh trường hợp sống sót phi thường của người đàn ông Thụy Điển Peter Skyllberg hiện vẫn đang được điều tra. Tuy nhiên những bức ảnh chụp bên trong chiếc xe của Peter cho thấy trong xe hoàn toàn trống rỗng thức ăn và giấy gói thức uống, có nghĩa là người đàn ông 44 tuổi này đã có thể ăn cầm hơi một chút thức ăn trước khi rơi vào tình trạng ngủ đông.

Chiếc xe bị nạn đã được tìm thấy hôm thứ sáu tuần trước tại góc cuối con đường rừng dài hơn 1km từ con đường chính ở phía Bắc Thụy Điển. Cảnh sát cho biết nhiệt độ trong khu vực gần đây đã tụt xuống -30 độ C. Peter Skyllberg nói rằng mình đã ở bên trong chiếc xe hơi này kể từ ngày 19/12/2011. Các chuyên gia tin rằng rất có thể con người có thể tồn tại suốt 2 tháng mà không cần thức ăn. Đây không phải là minh họa đầu tiên về sự tồn tại của con người sau một thời gian dài không ăn uống chút gì.

Trước đó, nhà leo núi người Nhật Bản Mitsutaka Uchikoshi đã sống sót trong vòng 24 ngày vào năm 2006 mà không cần ăn, uống khi ông bị cho là đã mất tích trong một chương trình leo núi Rokko ở miền Tây Nhật Bản. Mitsutaka Uchikoshi lúc được phát hiện có thân nhiệt khoảng 22 độ C - gần thấp hơn dưới mức bình thường.

Sau khi điều trị hạ thân nhiệt và các biến chứng sức khoẻ khác, Mitsutaka Uchikoshi đã trở về nhà, để lại cho các bác sĩ những câu hỏi khó giải mã về khả năng phục hồi kỳ diệu của anh.

Năm ngoái 2011, một phụ nữ 56 tuổi từ British Columbia đã sống sót gần 50 ngày tại khu vực hoang dã của bang Nevada và chỉ sống bằng các thứ đồ ngọt và nước suối, khi bà bị kẹt ở trong một hẻm núi trong lúc người chồng đang cuống cuồng tìm mọi cách giải cứu vợ. Những người thợ săn đã tìm thấy bà Rita Chretien trong tình trạng suy nhược sức khoẻ nghiêm trọng nhưng nạn nhân có thể nói, mặc dù bà đã sụt tới 20 kg.

Ngoạn mục hơn phải kể đến nhà ảo thuật gia người Mỹ David Blaine đã trải qua 44 ngày sống trong một lồng kính đặt dưới đáy sông Thames ở London mà không cần ăn uống. Vào thập niên 1940, Lãnh tụ Ấn Độ Mahatma Gandhi sống sót 21 ngày chỉ bằng cách uống từng ngụm nước nhỏ khi ông bày tỏ thái độ chống đối với chính quyền thực dân Anh.

Sự sống sót của con người dưới góc nhìn y học

Nhưng thậm chí ngay cả trong biên niên sử về sự thiếu hụt thức ăn và nước uống thì trường hợp sống sót tới 60 ngày của Peter Skyllberg vẫn được xem là ngoạn mục nhất từ trước tới nay. "Đây là sự giới hạn về khả năng nhưng không phải là hoàn toàn không thể xảy ra", dẫn lời phát biểu của Tiến sĩ Mike Stroud, giảng viên cao cấp về Y tế và Dinh dưỡng tại Đại học Southampton (Anh).

Theo Tiến sĩ Mike Stroud thì có một số nhân tố có thể ảnh hưởng đến khả năng sống sót của con người chẳng hạn như cách mà quá trình trao đổi chất ở người được tiến hành chậm lại để bảo tồn năng lượng. Và người có thể trọng nặng cân cũng là một lợi thế. Lượng mỡ trong cơ thể của người nặng cân sẽ giúp họ rơi vào trạng thái giảm nhiệt nhanh hơn người thường. Cơ thể bắt đầu đóng cửa các cơ quan, từng bộ phận một, nhưng phải mất 60 ngày mới diễn ra cơ chế này.

Bà Catherine Collins, phát ngôn viên cho Hiệp hội Chế độ ăn uống Anh (BDA) giải thích rằng "cơ thể có thể chỉnh sửa lại trong khi đói nhằm giảm thiểu tối đa lượng calori cần thiết. Khi cơ thể ngừng việc nhận thực phẩm, nó chỉ sống bằng lượng đường lưu trữ trong cơ thể. Gan và các cơ bắp lưu trữ Glucose - nguồn nhiên liệu chính - như là Glycogen. Chất Glycogen này sau đó sẽ chuyển đổi thành đường Glucose.

Khi đường Glucose cạn kiệt, chất béo trong cơ thể sẽ chuyển hoá thành một nguồn cung ứng năng lượng thứ cấp gọi là "cơ quan Ketone". Sau khi cạn kiệt chất béo, cơ thể phải tái chế chất đạm từ hệ thống và thậm chí sau đó các cơ bắp sẽ được chuyển đổi thành năng lượng. Vì vậy miễn sao còn calori thì còn duy trì được mạng sống của bạn.

Trong các tình huống thảm hoạ, sự sống sót còn phụ thuộc vào tính cách của mỗi người. Một số sẽ suy sụp và đánh mất hy vọng, trong khi những người khác lại tràn đầy hy vọng và thường có tỷ lệ hồi phục cao hơn. Niềm hy vọng có lẽ là chìa khoá giúp con người chiến thắng ngoại cảnh xấu"

.
.
.