Nepal

Nhiều nguy cơ bùng phát sau thảm họa động đất

Thứ Hai, 11/05/2015, 15:18
Trong khi đang dốc sức để tái thiết sau trận động đất kinh hoàng mạnh 7,8 độ Richter hôm 25/4, người dân Nepa lại phải lo lắng sau khi tờ Times of India cảnh báo về nạn buôn người sẽ gia tăng tại đất nước đang bộn bề với bao khó khăn sau thảm họa thiên tai. 

Theo tờ Times of India, cơ quan chức năng Ấn Độ vừa giải cứu được 4 trẻ em bị bọn buôn người bắt cóc tại thị trấn Raxaul, bang Bihar, sát biên giới Nepal - Ấn Độ. Không chỉ giới chức Ấn Độ, mà quan chức Nepal cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng buôn người sẽ gia tăng và họ đang lên kế hoạch để xử lý kịp thời trước vấn nạn này. Giới truyền thông Ấn Độ cho rằng, kiểm soát nạn buôn người hiện là nhiệm vụ bất khả thi đối với chính quyền Nepal, bởi họ đang phải căng mình cho công tác cứu trợ và tái thiết sau thảm họa động đất.

Cảnh màn trời chiếu đất sau động đất.

Theo giới truyền thông, phụ nữ không đủ sức bảo vệ bản thân cùng những đứa trẻ và đây là cơ hội cho nạn buôn người gia tăng. Ngoài ra, trẻ em và phụ nữ tại các vùng quê Nepal từ lâu đã là mục tiêu của bọn buôn người, bởi điều kiện sống ở đây khó khăn trong khi các quy định quản lý lỏng lẻo.

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Nepal đứng thứ hai từ dưới lên trong việc đối phó với nạn buôn người - có từ 5.000 đến 10.000 phụ nữ và trẻ em Nepal bị bán sang Ấn Độ mỗi năm. Theo hãng Kyodo, Chính phủ Nepal sẽ dựng khoảng 15.000 lớp học tạm bằng tre và vải cho học sinh tiểu học, trung học và các trường này sẽ hoạt động từ ngày 15/5. Liên hợp quốc cho biết: gần 1,7 triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi trận động đất.

Bộ trưởng Tài chính Nepal Ram Sharan Mahat cho biết, nhu cầu cấp thiết hiện nay của nước này là nhân lực tìm kiếm và cứu nạn, lều lán và thiết bị y tế cho những người bị thương, cũng như lương thực và nước uống bổ sung trong những tuần tới.

Ông Ram Sharan Mahat nhấn mạnh, Nepal cần ít nhất 2 tỷ USD để tái thiết. Trong khi đó hãng Reuters cho biết, công tác cứu trợ người dân vùng thiên tai diễn ra rất chậm chạp và nhiều người vẫn còn bị kẹt trong các vùng thiên tai, bị thương và đói khát trong nhiều ngày. Trong khi đó, hàng cứu trợ lại đang chất đống tại sân bay ở thủ đô Kathmandu, do hải quan Nepal phải kiểm tra từng kiện hàng để đảm bảo rằng không có hàng hóa thương mại lọt vào. Ngoài ra, nhiều nhân viên cứu trợ đến Nepal không mang theo đầy đủ giấy tờ. Những điều này khiến Chính phủ Nepal và các tổ chức cứu trợ quốc tế đổ lỗi nhau về sự hỗn loạn và chậm chạp trong hoạt động cứu trợ nạn nhân động đất.

"Nhiều tổ chức gửi hàng cứu trợ mà không hỏi trước xem chúng tôi cần gì", Laxmi Prasad, quan chức Bộ Nội vụ Nepal than phiền.

Theo giới truyền thông, phần lớn công tác cứu hộ, cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai đều do quân đội đảm nhiệm bởi họ đã huy động gần 90% quân số cho công việc này. Chính phủ Nepal cho biết, hơn 131.500 nhân viên cảnh sát và quân đội nước này đang tham gia hoạt động cứu trợ với sự trợ giúp của hơn 100 đội cứu trợ quốc tế. Nhưng kể từ ngày 6/5, các đội tìm kiếm và cứu hộ đến từ Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Anh, Hà Lan... bắt đầu rời Nepal theo yêu cầu của chính phủ nước này.

Một phụ nữ Nepal sau thảm họa động đất.

Được biết, có hơn 4.000 nhân viên cứu hộ đến từ 34 quốc gia đã tới Nepal tham gia hoạt động cứu hộ, cứu nạn. Trong khi đó, Thủy quân lục chiến Mỹ lại được mời tới Nepal hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất. Theo Chuẩn tướng Thủy quân lục chiến Mỹ Paul Kennedy, họ đã điều 6 máy bay quân sự, trong đó có 2 trực thăng, cùng khoảng 100 lính thủy quân lục chiến và thiết bị chuyên dụng tới Nepal để giúp Kathmandu xử lý khối hàng cứu trợ đang cản trợ hoạt động của sân bay quốc tế duy nhất ở Nepal.

Cảnh màn trời chiếu đất của trẻ em và phụ nữ Nepal sau thảm họa động đất.

 Tính đến sáng 7/5, trận động đất hôm 25/4 đã cướp đi sinh mạng của hơn 7.600 người, làm bị thương 16.300 người và chính phủ Nepal đã quyết định ngừng tìm kiếm nạn nhân động đất, để tập trung vào công tác cứu trợ và tái thiết.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, khoảng 8 triệu người bị ảnh hưởng từ trận động đất, với ít nhất 2 triệu người cần lều trại, thức ăn, nước uống và thuốc y tế trong vòng 3 tháng tới. Nepal là một trong những nước nghèo nhất thế giới, với nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào du lịch. Nhưng theo Tổng Giám đốc Cơ quan Khảo cổ học Nepal cho biết, 90% di sản được UNESCO công nhận ở Nepal đã bị phá hủy trong thảm họa động đất và phải mất 5-7 năm cùng một khoản tiền lớn để khôi phục.

Theo thống kê sơ bộ, 10.718 tòa nhà chính phủ bị phá hủy, 14.741 tòa nhà bị thiệt hại một phần, 191.058 nhà dân bị san phẳng, 175.162 nhà bị hư hỏng và 16.000 trường học bị hỏng. 

Trọng Hậu
.
.
.