Nhìn lại những 'tế bào gốc'

Thứ Năm, 20/08/2015, 21:00
40 ngày vừa qua, 3 thảm án đau lòng gây chấn động dư luận xã hội. Theo dõi từng vụ án, người ta dễ dàng nhận thấy, những hung thủ tuổi đời đều còn trẻ, lứa tuổi lẽ ra có nhiều cống hiến, đóng góp tích cực cho xã hội. Nhưng đau lòng thay, chúng lại là những kẻ gây tội ác, cướp đi sinh mạng của nhiều người một lúc.

Chứng kiến những vụ án đau lòng này, mỗi chúng ta đang hoang mang tự hỏi chuyện gì đang xảy ra. Vì sao những thanh niên kia lại có thể hành động mất tính người như vậy. Tội ác từ đâu đến và mỗi gia đình cũng như toàn xã hội phải làm gì để không còn những câu chuyện đau đớn như vậy? Xu hướng tội phạm ngày càng trẻ hóa là cảnh báo của cơ quan chức năng. Chưa bao giờ câu chuyện môi trường xã hội, giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường được đặt ra mạnh mẽ như vậy.

Giáo dục gia đình là quan trọng nhất trong phát triển nhân cách của một đứa trẻ.

Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân), trong một bài phỏng vấn mới đây, khi phân tích về tâm lý tội phạm trong các vụ thảm án xảy ra liên tiếp cho hay: "Trong cuộc sống hiện nay có rất nhiều áp lực, nhiều cạnh tranh, sức ép từ việc làm, khó khăn về kinh tế, vướng mắc trong đời sống, sự phân tầng xã hội diễn ra gay gắt, những mặt tiêu cực của yếu tố thị trường, những mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp trong cuộc sống hàng ngày… đã làm cho một bộ phận dân chúng, nhất là những người trẻ tuổi không thích nghi được.

Trước sức ép đó, người trẻ dễ bị chấn thương tinh thần, không định vị được giá trị cuộc sống, hoang mang, dễ bị tổn thương bởi những tác động từ phía xã hội, chạy theo giá trị ảo. Khi không thỏa mãn được nhu cầu cá nhân, họ mất phương hướng, tiêu cực trong suy nghĩ và hành động, đặc biệt là những hành động cực đoan, gây tội ác. Cùng với đó là sự hiểu biết về xã hội, pháp luật, ý thức công dân của một bộ phận dân cư còn nhiều hạn chế đã khiến cho một số người hành động phạm tội nghiêm trọng mà không nhận thức đầy đủ về tính chất, hậu quả hành vi của mình".

Đổ lỗi cho môi trường xã hội là cách đổ lỗi dễ nhất mà mọi người hay làm. Nhưng quá trình tha hóa của một con người, nhìn trên bình diện sâu xa, chính là bắt nguồn từ giáo dục gia đình. Một đứa trẻ được gia đình giáo dục tốt, có kỹ năng, nó sẽ ít nhiều có khả năng miễn nhiễm với những yếu tố tiêu cực ngoài xã hội.

Hiện nay đang có xu hướng gia đình phó mặc hoàn toàn việc giáo dục con cái cho nhà trường. Cha mẹ bận rộn làm ăn kiếm sống, không quan tâm đến tâm sinh lý con cái mình phát triển ra sao. Cha mẹ không kiểm soát được các mối quan hệ của con, cũng như để con tự do bản năng trong thế giới mà nó chìm đắm, nhất là thế giới ảo. Đó là ở thành thị. Còn ở nông thôn, miền núi thì bố mẹ thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kỹ năng để dạy dỗ con. Những đứa trẻ nếu không được đến trường thì phát triển như cỏ hoang, cỏ dại. Chúng không ý thức được về mức độ nghiêm trọng của những hành vi mà chúng gây ra.

Hung thủ Đặng Văn Hùng trong vụ thảm án ở Yên Bái là một ví dụ. Một thanh niên mù chữ, sống ngoài sự kiểm soát của gia đình, bản năng hung dữ không được giáo dục uốn nắn. Cha mẹ hắn là những người dân hiền lành, ít học, điều kiện sinh sống khó khăn, thiếu kỹ năng, kiến thức dạy con. 

Tên Dương, thủ phạm gây ra vụ thảm án ở Bình Phước cũng là một thanh niên mặc dù có học, nhưng gốc gác vẫn là thiếu sự giáo dục chu đáo của gia đình. Cha mẹ hắn là những người lao động chân chất hiền lành, chỉ biết cho con tình thương, nhưng thiếu các kỹ năng để giáo dục con từ khi còn tấm bé. Tương tự, tên Vi Văn Mằn, thủ phạm vụ thảm án ở Nghệ An cũng sinh ra và lớn lên trong một gia đình có cha mẹ hiền lành, quanh năm lo lắng làm ăn kiếm sống.

Họ - những người cha người mẹ không có tội lỗi gì khi chỉ biết cắm cúi lo miếng ăn trong hoàn cảnh kinh tế gia đình còn khó khăn. Họ không có kiến thức pháp luật đầy đủ, không được học cao hiểu rộng, cũng không phải là một cái tội. Tuy nhiên ở góc độ tâm lý tội phạm, đặt vấn đề giáo dục gia đình có ảnh hưởng như thế nào, và là nguyên nhân sâu xa như thế nào trong những hành vi gây tội ác của những thanh niên trẻ trong những vụ án đau lòng là cần thiết. Theo đó, các bậc cha mẹ có thể nhìn lại cách giáo dục con, cách gần gũi chia sẻ lắng nghe, thấu hiểu tâm lý của con để có cách giáo dục uốn nắn kịp thời, hay phối hợp hiệu quả với nhà trường và các cơ quan chức năng khi cần thiết.

Dù thế nào, gia đình vẫn được xem là cái nôi đầu tiên, là tế bào gốc của xã hội. Việc bỏ rơi con cái trong xã hội hôm nay là tình trạng tương đối phổ biến. Thoạt nhìn, đứa trẻ có thể được chăm sóc đầy đủ hơn về ăn uống, áo quần, thậm chí học tập, nhưng thực chất ảnh hưởng của cha mẹ lên con cái là ít hơn, thiếu thốn hơn.

Những vụ thảm án vừa qua là nỗi đau của toàn xã hội mà qua đó, mỗi bậc làm cha mẹ có thể học được từ nỗi đau đó những bài học về giáo dục con. Hãy dành cho những đứa con của mình nhiều sự quan tâm hơn nữa. Hãy cho chúng nhiều hơn không phải là tiền bạc, mà sự yêu thương, chia sẻ. Hãy trò chuyện với con nhiều hơn, rèn cho con nhiều hơn những kỹ năng quan trọng như kiềm chế cảm xúc tiêu cực, nhân ái vị tha với mọi người, hòa đồng và tôn trọng cuộc sống người khác cũng như của chính mình.

Chúng ta mong một môi trường xã hội tốt, vậy hãy thay đổi môi trường xã hội hơn là ngồi đó mà đổ lỗi. Bằng cách hãy chăm sóc làm sao cho mỗi gia đình là một tế bào gốc được mạnh khỏe, được chu toàn. Những đứa trẻ được gia đình giáo dục tốt chắc chắn sẽ là học sinh tốt ở trường học và là công dân tốt của xã hội.

Hội Quân
.
.
.