Nhớ khói: “Khói là thật mà như hư ảo”

Thứ Hai, 10/02/2014, 15:03

Nhớ cay mắt... một làn khói nơi đồng làng chiều tháng Chạp! Nhớ lan man, thương thầm mùi khói lam chiều sau chái bếp tranh nhà mẹ khi nồi cơm gạo mới chín tới thong thả lên hương. Nhớ đụn khói cay trước cổng nhà mẹ vun lá đốt trong ngày nhập nhoạng tối để dọn quang quẻ sân vườn buổi cuối năm.  Nhớ nặng lòng khói bếp trắng đục cha lúi húi thổi lửa bên nồi bánh chưng bắc giữa sân nhà sôi ùng ục trong đêm trừ tịch.

Đi giữa thành phố những ngày cuối năm nhốn nháo mặt người, thấy Tết đuổi sầm sập sau lưng với ngổn ngang bao công việc chưa hoàn tất. Tự dưng nhớ quay quắt, nhớ cồn cào, nhớ đến cay xè cả mắt mũi mùi khói ở quê...

Thật ra, ta đang ở một nơi đầy khói bụi, ê hề khói bụi để nhớ về mùi khói thân thương quen thuộc trong ký ức trong trẻo thơ ngây của ta. Giữa thừa mứa khói bụi của đời sống hiện đại nhiều ô nhiễm, ta thừa khói và sợ khói… nhưng ta lại thiếu, thèm, và thương nhớ mùi khói xa xăm. Cảm giác đó thật buồn cười và mâu thuẫn nhưng đó là cảm giác có thật. Đã lâu, ta ngập lút trong đời sống đô thị ở một thành phố lớn.

Hằng ngày mỗi mặt người trước khi bước ra đường ai cũng kín mít khẩu trang để tránh khói bụi từ thành phố thải ra. Bao nhiêu thứ khói, loại khói, kiểu khói ở thành phố nhiều bụi bủa vây lấy chúng ta. Khói xăng mù mịt từ những chiếc xe cơ giới hạng nặng, hạng nhẹ chen chúc nhau chạy trên đường. Khói từ những ống pô xe máy hối hả nẹt ga, từ các nhà máy công nghiệp phả ra hừng hực trong guồng quay áp lực của dòng chảy đời sống.

Và khói từ đất đá bụi đường của những công trình xây dựng dở dang ngổn ngang trên phố. Khói từ quán chả nướng vỉa hè khét lẹt mùi thịt cháy, khói từ những bếp lẩu đêm, lẩu chiều ở hai bên hàng quán mù mịt bốc lên bởi những vị thức ăn trộn lẫn ô hợp trong khói bụi thành phố. Trong một thành phố nhiều khói bụi, ta thèm đến nhức lòng một đụn khói thơm thanh khiết, trong trẻo và ấm áp bay lên từ ký ức, bao phủ cánh đồng làng, trùm lên những nếp nhà thân thương, hiền lành ở quê chiều cuối năm...

Nhớ khói ở quê như nhớ một người bạn thời chăn trâu cắt cỏ, như nhớ những dòng chảy ký ức của tháng năm xa... Người quê thường đốt khói vào những cuối vụ. Vụ đông xuân, vụ hè thu, vụ chiêm... người nông dân thu hoạch lúa xong, thu vén rơm về chất thành từng đụn rơm to để lấy chất đốt và thức ăn cho gia súc trâu bò mùa giáp hạt đói rét.

Còn lại những gốc rạ trơ ở đồng, những cây cỏ dại mọc quanh hoang rậm rạp. Cuốc cỏ, cắt rạ, vun hết tất tần tận rơm rác còn vương vãi lại ở ruộng nhà mình, bà con cô bác châm lửa đốt để làm quang quẻ ruộng lúa, làm vệ sinh sạch cho cánh đồng. Những đống lửa cuống rạ đốt ở cánh đồng thường cho những đụn khói to, xám đen và thả nghi ngút lên trời. Khói rơm ở cánh đồng làng thường thơm nhức hương vị của lúa gạo.

Mùa nào khói nấy. Khói mùa hạ không cay mắt, nóng và tản vào gió rất nhanh. Khói mùa thu hương khói rơm rạ từ cánh đồng thơm nhức mũi. Khói mùa thu tan chậm vì ít gió, cứ bảng lảng bay quện vần vũ trong không gian rồi từ từ tan lên bầu trời trong xanh, thả vào đồng chiều những sợi khói mong manh hư ảo. Có khi, khói mùa thu làm mù sương cả cánh đồng làng, khói chở chất ngất tiếng chim cuốc gọi bạn khắc khoải... tiếng bìm bịp đập cánh hoảng hốt tìm về tổ.

Nhớ khói.                           Minh họa: Lê Thiết Cương

Nhưng nhớ nhất có lẽ vẫn là mùa khói tháng Chạp. Khói cuối năm, khói của những ngày áp Tết rét đậm rét hại. Bởi tháng Chạp là tháng áp Tết, tháng chở cái Tết đến chầm chậm đến trong nỗi mong ngóng mỏi cổ của lũ trẻ con nơi đồng đất. Vào những ngày cuối năm, chọn một hôm trời trong để làm quang sạch khoảnh ruộng nhà mình, người nông dân ở quê vác rào, cuốc, liềm ra đồng để dọn cỏ mật và thu gom rơm rạ để đốt cho ruộng thêm mùn rơm chuẩn bị cho vụ cấy đông xuân. 

Mỗi khoảnh ruộng một đống lửa un khói. Bọn trẻ con dắt trâu quây quần ở giữa đồng ngồi chụm năm chụm ba quanh đống lửa vùi những củ khoai sót vừa mót được trong đống trấu đỏ rực rồi xuýt xoa ăn ngay bên ruộng. Đứa trẻ trâu nào mà chẳng mò được một ít cua ốc, cá đồng xâu thành từng xâu để mang đến bếp rơm giữa đồng un lửa nướng ăn với nhau. Những gương mặt lem nhem gio bếp, những đôi mắt đói ăn sáng rực bên ngọn lửa...

Những buổi chiều cuối năm cùng cha đi đốt lửa đồng, ngồi bên cha, ngắm nhìn lửa reo, hít hà mùi khoai nướng, ốc nướng, cá rô đồng nướng mà chảy cả nước dãi. Phía trước phía sau đồng không mông quạnh nghe gió chạy đuổi nhau lồng lộng man man. Gió lạnh xé rách cả tấm áo bông mỏng của tuổi thơ, đứa nào đứa nấy quần đùi, áo bông xơ mướp, chân trần bùn sục, mũi xanh thập thò... miệng cười toét gỡ cá nướng thơm bỏng lưỡi.

Lẫn trong mùi khói rơm chiều thơm mùi lúa ngọt lịm là mùi thơm nưng nức của khoai nướng, cá nướng, hay những đẫn mía ngọt lịm bẻ vội ở vườn giấu cha mẹ mang lên đồng lùi bếp cho chín thơm, cho ấm lưỡi để tước ăn. Dẫu cho không có những buổi cuối năm theo cha đi đốt lửa đồng có khoai nướng, ốc nướng thì lũ trẻ trâu chúng tôi những ngày đông giá, vẫn tìm cách tránh rét bởi những đống lửa trên đồng bãi chiều cuối năm.

Lửa cháy to, khói cay xè mắt thả lên trời, ở đầu làng cuối làng, mẹ nương theo chiều gió ngửi mùi khói biết lũ con nghịch ngợm đang hè nhau nhóm lửa ở ngoài đồng tránh rét. Rét đậm, khói chầm chậm không len được vào màn sương mù, vào mưa phùn giăng mắc cứ luẩn quẩn lưng chừng trời mà tan, mà thơm…

Tuổi thơ của những đứa trẻ lớn lên nơi đồng làng cuối bãi vẫn là những tuổi thơ đầy ắp những thú vui, những trò chơi, những chuyện phong phú và hấp dẫn chỉ ở quê làng đồng bãi mới có mà tụi trẻ con thành phố không bao giờ có được. Đôi khi, tôi thấy hàm ơn cha mẹ mình đã sinh mình ra từ làng quê, cho tôi lớn lên cùng với cánh đồng làng, dòng sông, bờ bãi. Nơi tuổi thơ khó nhọc, nghèo đói và lặng lẽ của tôi đã đi qua trong cái mênh mang vô hình, tẻ nhạt của đồng làng. Nơi tôi đã từng chán ngắt vì sự buồn tẻ, tôi đã bươn bả bằng mọi giá để không bao giờ phải quay trở lại ở quê nghèo. Nhưng đến bây giờ, khi mọi sự được mất ở cuộc đời đã cân bằng, tôi đã sống đủ ở nơi tôi muốn đến, tự nhiên ứa nước mắt bởi cái diễm phúc tuổi thơ lấm láp ấy đã mang lại cho tâm hồn những đứa trẻ như chúng tôi một sự mẩn cảm, phong phú ắp đầy.

Nhưng nhớ khói nhiều nhất vẫn là những mùa khói chiều cuối năm mẹ gom lá đốt trước ngõ, sau vườn để làm vệ sinh sạch sẽ ngôi nhà, sân vườn chuẩn bị cho cha treo cây nêu trước ngõ đón Tết. Nếu như khói đồng có cái mênh mang diệu vợi của mùi rơm, mùi rạ, mùi những hạt thóc lép cháy khét thả vào không gian đồng quê thơm mùi bùn ngấu, mùi đất cày ải một hương vị của ngày mùa. Thì những đụn khói chiều hai tám, hai chín Tết ở sân vườn, ngõ nhà có cái mùi vị đặc trưng không lẫn vào đâu được trong ký ức của những người con xa xứ như chúng tôi.

Đó là mùi khói Tết. Mùi Tết lẫn trong khói, mùi của thực mà ảo, thực mà mộng, mùi của cơn đói cồn cào, của cỗ tết ngày mai, của tuổi thơ vụng ăn và lúc nào cũng đói cháy ruột chỉ mong đến 3 ngày Tết. Thực ra, có chi lạ đâu trong cái mùi khói được un lên từ lá khô, củi mục, từ rơm rác dọn vườn, dọn sân, dọn ngõ. Khói thì vẫn là khói thôi, khói từ lửa mà ra, từ cái chất được đốt mà tạo nên. Nhưng nếu khói nhựa, khói lẫn các đồ vật hóa học, công nghiệp thì chất khói mùi khói là thảm họa, thậm chí có thể giết chết mọi sinh vật.

Nhưng khói từ những lá khô hiền lành, từ cành củi mục cha chặt từ trên cây xuống trong lúc dọn vườn, từ rơm rạ ở cánh đồng làng vương vãi trên lối ngõ thì hương vị khói có mùi thơm thật lạ, thật lâu, cứ bùi ngùi da diết trong tâm cảm mỗi chúng ta. Ngửi mùi khói bốc lên từ chái bếp của mẹ chiều cuối năm chuẩn bị cho ngày mai cúng Tết sao mà thân thương đến lạ. Mùi khói sẽ đi suốt cuộc đời ta như một niềm hạnh phúc hư ảo mà có thực trong đời.

Chiều nay, một chiều cuối năm, giữa không khí Tết đang ngập tràn mọi con phố nhỏ. Thành phố đã vào Tết, mọi người đã mang gương mặt Tết ra đường, bỗng dưng nhớ đến cồn cào mùi khói ở quê. Đi giữa thành phố đầy khói bụi bỗng dưng nhớ khói, thèm khói, thèm hương vị cay nồng mắt mũi của làn khói rơm bốc lên từ cánh đồng làng. Thèm đến ngẩn ngơ hương cốm nếp thơm nhà ai rang sớm, mùi bánh chưng xanh lên hương, và nhớ khói từ bàn thờ ai toả ra mùi trầm thơm đốt sớm…

N.B.
.
.
.