Nhóm phụ nữ đầu tiên thi hành phạt roi nơi công cộng ở Indonesia

Thứ Hai, 03/02/2020, 15:02
Tám phụ nữ đầu tiên đồng ý làm nhiệm vụ thi hành việc phạt roi công khai đối với những phụ nữ vi phạm luật Hồi giáo ở tỉnh Aceh, Indonesia. Những người này đều là các sĩ quan Sharia - đã đồng ý làm người trừng phạt và được đào tạo về kỹ thuật phù hợp và tư vấn cách hạn chế chấn thương.


Người phụ nữ đeo mặt nạ lo lắng tiếp cận mục tiêu của mình, đứng vào vị trí và sau đó quất roi tới tấp - chứng tỏ mình là thành viên mới nhất của đội trừng phạt nữ giới đầu tiên ở tỉnh Aceh của Indonesia.

Thành viên mới cần sự khuyến khích để trừng phạt kẻ phạm tội - một phụ nữ chưa chồng bị bắt trong phòng khách sạn với một người đàn ông. Hành vi như vậy cấu thành tội đạo đức ở Aceh, khu vực duy nhất trong quốc gia đa số Hồi giáo lớn nhất thế giới áp đặt luật Hồi giáo - được gọi là Sharia.

Người phụ nữ chuẩn bị quất roi cô gái ở nơi công cộng tại Banda Aceh, Indonesia vì tội ác đạo đức. Ảnh: AFP

Mặc dù Indonesia có một nhà nước đơn nhất, quyền lực tập trung ở Thủ đô Jakarta, nhưng Aceh và một số tỉnh, thành khác lại có quy chế “lãnh thổ đặc biệt” với quyền tự trị rộng rãi hơn và có thể ban hành luật riêng. Tỉnh Aceh bắt đầu thực hiện Bộ luật Sharia sau khi được giao quyền tự chủ vào năm 2011.

Đây là nỗ lực của chính phủ nhằm dập tắt cuộc nổi dậy ly khai kéo dài. Năm 2014, tỉnh Aceh còn thông qua luật cấm đồng tính luyến ái, quan hệ đồng tính, quan hệ tình dục trước hôn nhân, ngoại tình, tiêu thụ rượu, đánh bạc, hay “ở một mình với một người khác giới mà không phải là vợ/chồng hoặc người thân”.

Bộ luật Sharia có thể áp dụng 3 hình thức trừng phạt: Hadd là hình thức công khai trừng phạt bằng đòn roi trước đám đông; Kisas cho phép trả tiền bồi thường người bị hại và Tazir là hình thức rất đa dạng - từ những cuộc trò chuyện mang tính khuyên răn cho đến chặt đầu, đóng đinh lên thánh giá. Theo đó, bất kỳ ai vi phạm sẽ bị trừng phạt 100 roi, 100 tháng tù hoặc 1.000 gram vàng.

Roi để “thi hành án” thường được làm từ cây mây. Những người cầm roi đánh luôn che kín các bộ phận cơ thể của họ, ngoại trừ đôi mắt, để không ai có thể nhận diện được họ. Việc phạt roi phải diễn ra công khai trên một bệ cao ở ngoài trời, dù trẻ em không được xem.

Luật Sharia áp dụng cho cả người theo đạo Hồi và người không theo đạo này ở Aceh. Roi mây để lại rất nhiều vết lằn rướm máu, được xem là một hình phạt vô cùng man rợ... dành cho tội “ăn cơm trước kẻng” và cả cờ bạc, rượu chè.

Đã có những nạn nhân ngất xỉu khi phải chịu hình thức xử phạt này. Tháng 12- 2019, một nam thanh niên 22 tuổi đã bị phạt 100 roi mây quất vào lưng bên ngoài nhà thờ Hồi giáo ở huyện Timur, tỉnh Aceh. Khi đang thi hành hình phạt nửa chừng, anh cầu xin người thi hành án dừng tay rồi ngất xỉu vì quá đau đớn.

Nhà chức trách đã tìm cách làm cho anh tỉnh lại và cho nhân viên y tế chăm sóc anh ta trong thời gian ngắn, sau đó tiếp tục thi hành hình phạt đánh roi. Nam thanh niên được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện gần đó sau khi chịu đủ 100 roi.

Người phụ nữ quan hệ tình dục với thanh niên này và một người đàn ông khác có quan hệ tình cảm với cô cũng chịu hình phạt tương tự. Khoảng 500 người dân thích thú xem cảnh phạt này, trong khi một số người hét lớn "đánh mạnh hơn, mạnh hơn đi".

Trước đó, vào tháng 10-2019, ông Mukhlis bin Muhammad, 46 tuổi, làm việc cho Hội đồng Hiền triết Aceh (MPU), cũng đã bị đánh 28 roi vì tội ngoại tình với một phụ nữ đã có chồng. Người phụ nữ mà ông ta ngoại tình bị đánh 23 roi.

"Đây là luật của Thượng đế, bất cứ ai đều sẽ bị phạt roi nếu được chứng minh là có tội, ngay cả khi anh ta là thành viên của MPU", ông Husaini Wahab, Phó Chủ tịch huyện Besar ở Aceh, nơi ông Mukhlis sống, nói.

Ông Husaini nói thêm rằng ông Mukhlis sẽ bị đuổi khỏi MPU. Mukhlis là lãnh đạo tôn giáo đầu tiên bị phạt roi công khai ở Aceh kể từ khi luật Sharia có hiệu lực vào năm 2005. MPU tư vấn cho chính quyền và cơ quan lập pháp địa phương về việc soạn thảo và thực hiện luật Sharia ở Aceh.

Từ hơn một thập kỷ trước, tỉnh tự trị này đã được trao các quyền đặc biệt để đưa ra luật Hồi giáo chặt chẽ hơn. Năm 2017, hai người đàn ông ở Aceh đã bị đánh 83 roi mỗi người sau khi họ bị bắt gặp quan hệ tình dục.

Trước đây, công việc luôn được thực hiện bởi đàn ông. Nhưng do ngày càng nhiều phụ nữ bị buộc tội vì các tội ác đạo đức như bày tỏ tình cảm công khai hoặc quan hệ tình dục trước hôn nhân; do đó tỉnh Aceh đang cố gắng tuân theo luật Hồi giáo, kêu gọi phụ nữ đánh đòn thủ phạm nữ.

Nhưng thuyết phục phụ nữ tham gia không phải là nhiệm vụ dễ dàng và phải mất nhiều năm để tập hợp đội nữ đầu tiên, theo Safriadi, người đứng đầu Đơn vị Thực thi Sharia của Banda Aceh.

Tất cả 8 phụ nữ, là các sĩ quan Sharia, đã đồng ý làm người trừng phạt và được đào tạo về kỹ thuật phù hợp và tư vấn cách hạn chế chấn thương. Đối với phụ nữ, việc bắt giữ ngay cả một vi phạm nhỏ có thể dẫn đến trừng phạt, bao gồm quấy rối tình dục và hãm hiếp khi bị bắt giữ, theo nghiên cứu của Mạng lưới Xã hội Dân sự về Luật Sharia.

"Chúng tôi không định làm tổn thương mọi người bằng cách đánh đòn họ. Điều quan trọng nhất là hiệu ứng xấu hổ đối với những người vi phạm và người xem để họ không làm điều đó một lần nữa", Safriadi nói.

Đức Quý (Tổng hợp)
.
.
.