Nhộn nhịp chợ nghệ thuật

Thứ Ba, 26/01/2016, 08:51
Những bức tranh không chỉ nằm im lìm trong các gian phòng triển lãm, chờ đợi người tới thưởng ngoạn và quyết định mua hay không. Những sản phẩm thủ công truyền thống cũng không chỉ có con đường xuất khẩu ra nước ngoài bằng các đơn đặt hàng. Sự ra đời của các chợ tranh Tết, chợ nghệ thuật, đặc biệt là sự kiện Tết Art và Tết Domer đang diễn ra tại Hà Nội cho thấy một xu hướng nhằm thúc đẩy thị trường mỹ thuật trong nước.


Sự nở rộ của chợ tranh Tết

Lần đầu tiên tổ chức, "Tết trong ngôi nhà Việt" là chủ đề của hội chợ nghệ thuật và đồ thủ công nhân dịp Xuân Bính Thân diễn ra tại Trung tâm Thương mại Hàng Da (Hà Nội) từ ngày 15/1 đến ngày 5/2. Chương trình do Trung tâm Thương mại Hàng Da, Hàng Da Galleria phối hợp với Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức.

 Hội chợ nghệ thuật giới thiệu đến công chúng một không gian đượm màu Tết với khoảng 200 tác phẩm tranh, 200 tác phẩm gốm, 50 bộ sưu tập áo dài và hàng trăm mặt hàng thủ công mỹ nghệ phù hợp với việc trang hoàng và làm mới ngôi nhà Tết của mỗi gia đình. Triển lãm quy tụ các tác phẩm độc đáo của các tác giả trẻ như họa sỹ Lê Thiết Cương, Đỗ Dũng, Dương Việt Nam, Vũ Thanh Nghị, Đỗ Khải, Đào Anh Việt, Doãn Hoàng Lâm, Tào Linh, Nguyễn Tuấn, các nghệ nhân gốm Nguyễn Việt, Bùi Hoài Mai...

Không gian trưng bày các tác phẩm mỹ thuật và đồ thủ công mỹ nghệ được bố trí xen lẫn nhau, tạo điều kiện để công chúng vừa tới thưởng ngoạn một triển lãm đa dạng chủ đề, vừa trao đổi, mua bán.

Những bức tượng Phật bằng chất liệu sành của nghệ sĩ Tuấn Gốm tham dự Tết Domer.

Riêng với những tác phẩm hội họa, điểm đặc biệt của các tác phẩm đang được bày bán ở hội chợ nghệ thuật Tết Domer được các họa sĩ thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau: toan, giấy, báo cũ, gốm... Đặc biệt, bên cạnh những tác phẩm tranh mới sáng tác của họa sĩ, Ban tổ chức cũng trưng bày các tác phẩm chọn lọc của một số nhà sưu tập tranh, gốm tại Việt Nam.

Họa sĩ Lê Thiết Cương trong vai trò là một giám tuyển của hội chợ nghệ thuật cho rằng, trong tương lai không xa, chúng ta sẽ quen với khái niệm sưu tập không phải là cất giữ, làm cho các tác phẩm ấy cố định trong một không gian. Việc giới thiệu các bộ sưu tập tranh, gốm cũng là một cách để thúc đẩy sự giao lưu, mua bán nhằm thỏa mãn nhu cầu của người thưởng ngoại, người chơi tranh.

"Nếu không chơi, không thích nữa, họ sẽ mang ra đây để bán, chưa chắc bán đã lỗ mà là lãi. Ví dụ như, tôi chơi tranh một thời gian, không thích nữa thì sẽ có một nơi như hội chợ nghệ thuật để đổi lấy một tác phẩm khác"- họa sĩ Lê Thiết Cương nói.

Bên cạnh các tác phẩm hội họa, hội chợ nghệ thuật Tết Domer còn xuất hiện các sản phẩm gốm, được chọn lọc từ làng Bát Tràng (Hà Nội), làng Phù Lãng (Bắc Ninh). Đặc biệt, họa sĩ Nguyễn Tuấn (Tuấn Gốm) đã biến một không gian nhỏ ở trung tâm nghệ thuật Hàng Da thành một vườn thiền với nhiều chân dung Phật bằng chất liệu đất nung ở nhiệt độ cao. Mỗi tác phẩm ở đây đều có giá trị duy nhất, là những tạo hình mới về Phật giáo. Cũng là một cách để giới thiệu sản phẩm nhưng cách làm của các họa sĩ cho thấy trong mô hình một hội chợ nhưng bước đầu các tác phẩm của họ đã gần hơn với công chúng.

Sau Tết Domer hơn 1 tuần, Tết Art là chợ tranh tết đương đại được tổ chức lần thứ hai. Sau thành công của mùa đầu tiên 2015, Tết Art bước đầu được ghi nhận là một con đường góp phần phát triển thị trường mỹ thuật trong nước khi các họa sĩ không chờ đợi sự ưu ái của những người yêu tranh từ các cuộc triển lãm hay cánh cửa hẹp của các gallery.

Năm nay, chợ tranh Tết đương đại 2016 có chủ đề "Tinh hoa hội tụ", thu hút sự tham gia của hơn 80 nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam cùng nghệ sĩ khách mời quốc tế. Tết art 2016 trưng bày hơn 200 tác phẩm mỹ thuật hiện đại và đương đại tiêu biểu. Ngoài ra, Tết Art cũng giới thiệu nhiều bộ sưu tập nghệ thuật của các nhà sưu tập trong nước.

Khai mạc Tết Art, thu hút được đông đảo người tham dự.

Họa sĩ trẻ Trịnh Minh Tiến - người đứng ra kêu gọi đồng nghiệp tại miền Bắc tham gia chợ tranh Tết đương đại Tết Art - phỏng theo mô hình Hội chợ nghệ thật quốc tế (Art Fair) cho biết: "Nhu cầu mua sắm rất tự nhiên của mọi người vào dịp Tết chính là yếu tố quan trọng để giới thiệu tác phẩm mỹ thuật, với một mức giá phù hợp. Tất cả các tác phẩm đều có giá không quá 20 triệu. Các tác phẩm đều được bán cho chính người Việt Nam chứ không phải là ai khác. Gần như 99% là người Việt Nam- tức là chúng tôi có thị trường. Hơn nữa hội chợ là nơi mọi người có thể đến, rất gần gũi, không phải là gallery, không phải quá xa cách".

Xây dựng thị trường mỹ thuật, tại sao không?

Sau nhiều năm đổi mới, các nhà phê bình cho rằng Việt Nam gần như chưa có thị trường mỹ thuật. Trong khi đó, thị trường nội địa luôn được coi là nền tảng và nếu không xây dựng được nền tảng thì chúng ta không thể tiến xa được. Ý thức được điều đó, nhiều họa sĩ Việt Nam đang cố gắng vận động, sáng tạo để có được những tác phẩm giá trị, cùng với đó là một chiến lược quảng bá để thay đổi quan niệm, đưa nghệ thuật đến gần hơn với đời sống.

Chúng ta thường quan niệm các tác phẩm điêu khắc phải có kích cỡ lớn, đặt ở những không gian rộng. Ngày nay quan niệm ấy có phần thay đổi từ chính những người sáng tạo. Với quan niệm sáng tạo các tác phẩm mỹ thuật có giá trị lâu bền mà vẫn luôn chan hòa với đời sống thực tế, các nhà điêu khắc Thái Nhật Minh, Trần Trọng Tri, Khổng Đỗ Tuyền, Phạm Thái Bình mở hai cuộc triển lãm điêu khắc không gian Newform, với mong muốn kết nối tác phẩm điêu khắc vào những không gian kiến trúc sinh hoạt thực tế, mang tính thích nghi cao.

"Vấn đề của chúng tôi là tìm cách tiếp cận để cho những tác phẩm của chúng tôi có thể hòa nhập hoặc làm tôn không gian đó, giống như việc cộng hưởng, cộng sinh với bất kì một không gian kiến trúc nào khác"- nhà điêu khắc Phạm Thái Bình nói.

Với hướng đi ấy, nhóm Newform đã nhận được không ít đơn đặt hàng, làm sinh động hơn những không gian nhỏ như nhà ở, văn phòng, quán cà phê... Và tất nhiên, chúng ta cũng có quyền hi vọng rằng, những tác phẩm điêu khắc không gian này sẽ ngày càng xuất hiện nhiều tại các phiên chợ nghệ thuật. Còn với hai hội chợ nghệ thuật Tết Art và Tết Dome có thể khác nhau về hình thức nhưng đều chung một mục đích cốt lõi: đưa nghệ thuật gần hơn với công chúng. Mặc dù mới dừng lại ở mức độ tự phát nhưng các hội chợ nghệ thuật này đã thể hiện sự vận động tự thân của các nghệ sĩ trong nước, bước đầu mong muốn xây dựng thị trường mỹ thuật đúng nghĩa.

Theo tìm hiểu, những lý do hàng đầu để một người mua tranh có thể kể ra là: để trang trí; để đầu tư kiếm lời; để dự trữ một phần tài sản của mình; để sưu tập vì yêu thích nghệ sỹ, nghệ thuật. Người mua có thể là cá nhân cũng có thể là các doanh nghiệp. Thế nhưng, việc không tồn tại một thị trường nghệ thuật tại Việt Nam đã khiến các nhà đầu tư cá nhân hay doanh nghiệp chần chừ hoặc thậm chí không nghĩ đến việc đầu tư vào nghệ thuật hoặc mua các tác phẩm nghệ thuật. 

Một góc không gian trưng bày những tác phẩm của Tết Art.

Do vậy, thay đổi lớn nhất cần phải có để hình thành thị trường mỹ thuật Việt Nam là phải coi đó là một thị trường, vận động theo các quy luật của thị trường. Rộng hơn nữa, cần nhìn toàn bộ ngành nghệ thuật từ mỹ thuật, âm nhạc tới văn học, điện ảnh dưới góc độ một ngành công nghiệp văn hóa. Đó là cách các quốc gia phát triển ở Phương Tây, sau này là Hàn Quốc, Trung Quốc và gần đây là Philippines đã làm và thành công.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm: Điều quan trọng nhất là đánh giá đúng chất lượng tác phẩm mỹ thuật

Điều quan trọng nhất là nhận thức của xã hội, đánh giá đúng vai trò, chất lượng tác phẩm mỹ thuật. Nếu như các nhà khoa học làm giàu cho đất nước với những phát minh, sáng chế thì văn học nghệ thuật sẽ góp phần làm sang cho một dân tộc bằng những tác phẩm để đời: Ngành Mỹ thuật chỉ có thể làm được việc là nâng cao chất lượng mỹ thuật. Đó cũng là trách nhiệm của ngành mỹ thuật. Nhưng xã hội có hiểu được giá trị của nó không, xã hội có yêu thích, có muốn sử dụng không thì đó là việc hoàn toàn dựa vào sự đồng thuận của toàn xã hội.

Tôi lấy ví dụ, nếu như bây giờ các khách sạn, các khu du lịch, các công sở, cơ quan nhà nước đều sử dụng tác phẩm mỹ thuậtđã là một thị trường rất lớn rồi. Rồi đến các tác phẩm mỹ thuật phục vụ đời sống công cộng như các vườn hoa, khu vui chơi, những tác phẩm điêu khắc nhỏ cũng rất thiết thực thì chúng ta phải coi đó là giải pháp để phát triển thị trường. Tức là chúng ta đã tạo ra việc làm, tạo ra nơi tiêu thụ sản phẩm.

Thạc sĩ Quản lý Văn hóa Nguyễn Đình Thành, Đại học Paris Dauphine: Cụm chính sách cần thay đổi để phát triển thị trường mỹ thuật

 Cụm chính sách cần thay đổi để phát triển thị trường mỹ thuật trong nước, đó là: Cần thành lập 1 đến 2 trung tâm nghệ thuật, ở đó thường xuyên diễn ra các hoạt động trao đổi, đấu giá các tác phẩm mỹ nghệ, đồ cổ, đồ cũ và các tác phẩm nghệ thuật.

Cần chuyên nghiệp hóa các nghề liên quan tới mỹ thuật (từ đào tạo đến thực hành nghề) và có công nhận trong danh mục ngành nghề. Trong đó bổ sung những nghề như: chuyên gia kiểm định (chất liệu, độ xác thực, niên đại); chuyên gia lịch sử mỹ thuật; nhà phê bình; giám tuyển (curator); môi giới nghệ thuật; người điều hành đấu giá…để những người hoạt động trong lĩnh vực này được pháp luật công nhận.

Cần đưa ra chính sách cụ thể về miễn, giảm, giảm trừ thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp cho các nhà bảo trợ văn hoá, cho người mua các tác phẩm nghệ thuật. Và cuối cùng là phải coi các tác phẩm nghệ thuật cũng là một sản phẩm. Vì thế cũng cần có các quy định về người sản xuất, chứng nhận nguồn gốc (chứng nhận tính xác thực, năm sáng tác, số lượng) và từ đó mới xác định một mức thuế đặc biệt cho thu nhập sinh ra từ các sản phẩm này.

Phương Thúy
.
.
.