Nhạc sĩ Phú Quang:

Như một cách tẩy rửa tâm hồn

Thứ Tư, 24/04/2013, 16:08

Sống thật sự là phải sống cạn, sống đến đáy từng phút giây. Chỉ ai bản năng sống mạnh thì mới có ký ức mạnh.

Bạn có thể hình dung về một ngày của tôi như thế này. Vào buổi sáng tôi thường hơi vội vã một chút, nghĩa là sống nhanh một chút. Nếu tôi có hẹn phỏng vấn thì tôi đến nơi trả lời phỏng vấn. Nếu hẹn bạn bè cà phê thì tôi đến chỗ cà phê.

Đại loại những công việc cần giải quyết tôi luôn cố gắng kết thúc trong buổi sáng. Chỉ buổi sáng thôi nhé. Còn buổi chiều và buổi tối thì tôi chỉ sống cho mình. Mà sống cho mình thì nhất định không có gì vội vã cả. Cứ chầm chậm thôi.

Chầm chậm nghĩa là tôi nghe nhạc, đọc sách, ngắm hoa, thậm chí nằm im ngẫm nghĩ. Tôi có thói quen nghe nhạc cổ điển mỗi ngày và thường nghe vào buổi chiều.

Buổi chiều là lúc vợ tôi ở cơ quan, con tôi đi học. Tôi có không gian cho sự một mình. Nghe nhạc cổ điển có cái hay ở chỗ, nghe xong, ít nhất mình cũng muốn làm một cái gì tử tế, viết một cái gì tử tế. Giống như khi mình tắm gội vậy. Một cảm giác nhẹ nhõm, thanh sạch ùa đến...

Có lúc tôi đọc tiểu thuyết, đọc thơ trên nền nhạc cổ điển. Sung sướng lắm. Hôm nào không nghe nhạc cổ điển thì tôi xem phim. Xem phim mới nhất cũng có mà xem lại những phim kinh điển mình thích cũng có...

Tôi rất yêu loài vật. Trong nhà, tôi nuôi chó, mèo, rồi chim. Nuôi bọn chúng thích lắm. Chúng hồn nhiên, đáng yêu. Lúc chán chường, bức xúc, bất an nói chuyện với con chó, thủ thỉ với con mèo lại thấy nhẹ lòng. Bạn biết không, trong các con vật thì con chó nó rất yêu thương mình.

Có lần tôi nuôi một con chó. Nó rất khôn và tình cảm. Khi nó già, nó ốm, tôi tìm thầy tìm thuốc cứu chữa nó, mà mãi nó không khỏi. Bác sĩ thú y cũng nói với tôi là nó rất yếu, sợ "không qua khỏi". Tôi buồn lắm, chiều hôm đó tôi cứ ngồi ở cầu thang với nó. Nó thì nằm thiêm thiếp trong cái ổ của mình, đầu lúc nào cũng quay về phía tôi, hai con mắt nó đượm buồn, như có nước, như sắp sửa nói lời tiễn biệt.

Tôi vỗ về nó, rồi tôi cũng mệt, phải lên nhà nằm nghỉ. Thế mà tôi lên nhà nằm một lúc quay xuống nó đã chết. Chôn cất con chó xong rồi mà tôi cứ ám ảnh đôi mắt nó nhìn tôi buổi chiều hôm ấy. Ám ảnh đến mức từ đó tôi không bao giờ ăn thịt chó nữa...

Nhân nói về chữ "ám ảnh", tôi nghĩ là dân văn nghệ sĩ, có lẽ vì nhạy cảm hơn người bình thường mà hay bị dằn vặt, day dứt, ám ảnh về những ký ức đã qua. Tôi đã trò chuyện với không ít người, họ bảo, họ ít ngoái nhìn quá khứ lắm, và nếu có ngoái nhìn, họ cũng ít bị ám ảnh, dày vò lắm...

Theo tôi, những người mà không có ký ức, hay ký ức không sâu đậm, là những người sống nhạt. Con người ta đi qua cái gì cũng hời hợt, cũng qua loa vội vàng thì đúng là chả có gì đọng lại thật. Không có ký ức mạnh để mà ám ảnh, giày vò.

Có người lại bảo tôi, hay ho gì cái ký ức mạnh của ông, nó ám ảnh dày vò thì sống làm sao mà dễ chịu được. Tôi đồng ý. Cảm giác bị giày vò là không dễ chịu. Nhưng người không nghĩ gì, không nhớ gì hay không ám ảnh gì thì đời sống của họ trống rỗng. Họ đã sống phí một đời. Vì họ đã không mở rộng tất cả các giác quan của mình, đã không lắng nghe, và bỏ sót rất nhiều phút giây làm nên màu sắc của cuộc đời mình. Sống thật sự là phải sống cạn, sống đến đáy từng phút giây. Chỉ ai bản năng sống mạnh thì mới có ký ức mạnh.

Những kẻ sáng tạo thường được trời cho một khả năng trí nhớ hình ảnh rất tốt. Và phần lớn những gì họ làm ra, cũng mang ít nhiều bóng dáng của ký ức. Nghệ sĩ thực sự, không ai viết cái họ đang nhìn thấy cả. Ngay cả họ viết về cái đang diễn ra, thì đằng sau cũng là vẫn dấu vết của ký ức đã trải trong đời.

Tuy nhiên, mặt trái của ký ức là gì? Nếu thời gian có khả năng làm mờ đi, phôi pha đi những ký ức đối với một số người bình thường nào đó, thì đối với những kẻ sáng tạo, nỗi khổ là nó luôn "tươi ròng". Tôi rất sợ khi chạm vào những ký ức đã qua, mà cảm giác như nó vẫn còn mới nguyên, mới vừa xảy ra. Nó làm mình khó sống trong hiện tại lắm.

Tôi đã tuổi ngoài 60 rồi, những ngọt đắng, những biến cố cuộc đời cũng đã trải qua nhiều rồi.Vinh quang cũng nếm đủ rồi. Về công việc sáng tác bài hát mà suốt đời tôi theo đuổi, tôi ngẫm thế này. Mình đã cầm bút và viết, như là định mệnh cuộc đời buộc mình phải thế. Những bài hát từ chiếc bàn viết của mình đã bay đến khán giả, đã nhận lấy một đời sống của riêng nó.

Những vỗ tay mình cũng đã nhận nhiều. Nhưng thực chất thì có phải mình viết cho khán giả không, cho những người đã vỗ tay kia không. Chả phải. Mình viết cho mình thì đúng hơn. Mình viết để "cứu" mình thì đúng hơn. Vì viết là "xả", là "buông" mà. Giống như việc các con chiên đến nhà thờ để cầu nguyện vậy. Cầu nguyện không phải để được Chúa ban cho cái gì, mà cầu nguyện là để "tẩy rửa" tâm hồn mình.

Viết cũng chính là một cách cầu nguyện. Viết ra là để tâm hồn được "tẩy rửa", được nhẹ nhõm. Giống như khi tôi đến thăm mộ cha mẹ tôi, tôi nhìn khu mộ được xây khang trang, tôi thanh thản. Cha mẹ tôi có lẽ không cần con cái xây một ngôi mộ đẹp. Nhưng tôi xây mộ đẹp cho mẹ cha xong thì tôi thanh thản.

Vậy, ở đời những việc mình làm, dù là làm từ thiện hay viết một bài hát, một bài thơ, hay xây mộ đẹp cho cha mẹ, cũng là vì sự thanh thản của chính mình mà thôi...

Quỳnh Vũ (ghi)
.
.
.