Những Mẹ Việt Nam Anh hùng bên bờ sông giới tuyến

Thứ Năm, 19/10/2017, 18:22
Nằm sát hai bên bờ sông Bến Hải lịch sử, các xã Anh hùng: Vĩnh Giang, Vĩnh Linh, Trung Giang, Gio Linh là những nơi trực tiếp chứng kiến nỗi đau chia cắt dằng dặc hơn 20 năm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.


Cũng nơi này, những con người của đồng đất, rơm rạ vốn quen với cấy, cày, đã bằng nghị lực, tinh thần bất khuất của mình chống chọi lại với đạn bom hủy diệt của chiến tranh. Sau hơn 40 năm đất nước giải phóng, giang sơn quy về một mối, trở lại hai bờ sông ấy, gặp những người mẹ năm xưa khóc thầm lặng lẽ tiễn chồng, con ra trận mãi không trở về, mới thấy hết được sự hy sinh thầm lặng mà lớn lao của các mẹ.

Tôi đến thôn Tân Mỹ, xã Vĩnh Giang thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Ngô Thị Mừng. Căn nhà mái ngói khang trang hướng mặt ra phía dòng sông Bến Hải, cách bờ sông một dải lúa chín vàng. Mẹ Mừng năm nay đã 81 tuổi nhưng bước đi vẫn còn nhanh nhẹn.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Mừng bên người con dâu hiếu thảo Lê Thị Lan.

Kể chuyện chồng con, nước mắt mẹ chảy ròng ròng: “Ông quê ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông tập kết ra Vĩnh Giang 1954, làm Công an vũ trang giới tuyến. Những ngày ăn, ở trong dân, ông gặp và quen biết với mệ.

Nhưng bom đạn chiến tranh, chết sống không biết thế nào. Hơn nữa, cả miền Bắc lúc đó, bên cạnh việc kháng chiến, là lo tập trung cho sản xuất để chi viện cho miền Nam ruột thịt. Vì vậy, có mấy ai nghĩ đến chuyện lấy vợ lấy chồng! Mãi tới năm 1958, ông chủ động đặt vấn đề, thuyết phục mệ lập gia đình và xin cấp trên tổ chức cưới.

Năm sau thì mệ có bầu nên được sơ tán ra Hà Tĩnh. Sinh con được 6 tháng thì mệ tình nguyện trở lại quê phục vụ chiến đấu, tiếp tế lương thực, đạn dược, cõng cáng bộ đội bị thương ở bờ Nam sông Bến Hải ra miền Bắc cứu chữa.

Hai vợ chồng ngày đêm đều đi kháng chiến, phục vụ chiến đấu nên thỉnh thoảng mới gặp nhau. Đến năm 1965, ông được cử ra Hà Nội học tập. Đầu năm 1967 thì trở lại Vĩnh Giang rồi lên đường vào Nam chiến đấu. Lúc đó, mệ 30 tuổi, ông 35 tuổi, con trai đầu 7 tuổi, đứa thứ 2 mới 6 tháng tuổi”.

Trước lúc đi, ông cứ mãi dặn mệ: “Cuộc sống không có gì gian khổ bằng chiến tranh. Em một mình nuôi con sẽ còn gian khổ hơn rất nhiều. Anh đi không biết có trở lại không hay. Sau này, nếu anh không trở lại được thì ngày hòa bình em cố gắng tìm ai đó làm bờ vai đỡ đần, chia sẻ khó khăn, buồn vui của cuộc sống, nuôi các con nên người mà đừng nghĩ gì tới anh. Vì em làm vậy coi như đã vì anh nhiều lắm rồi!”. Mẹ kể mà đôi mắt nhòa đi, cứ mãi nhìn ra phía cửa cổng nhà khép hờ trước mặt, như đang trông đợi ai đó trở về.

Hai năm sau, khi đang cõng cáng thương binh đến chữa thương ở một bệnh viện dã chiến trên địa bàn thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Linh, người nữ dân quân du kích địa phương Ngô Thị Mừng đã ngã khụy khi biết tin chồng mình, anh bộ đội gan dạ Nguyễn Văn Tuân đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh khi bị địch phục kích tại địa bàn xã Sơn Lạng, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Căm thù giặc, người nữ dân quân du kích ấy lập tức gượng đứng lên, tiếp tục làm nhiệm vụ. Ngày hôm sau, chị đến gặp cấp trên xin thôi nhiệm vụ cũ vì muốn trực tiếp cầm súng ra chiến trường chiến đấu. Cấp trên của chị đã phải nhiều lần, nhiều ngày động viên, rằng chị còn chăm nuôi các con nhỏ, đó cũng là điều mong muốn của anh ấy.

Là con dâu nhưng chị Thủy chăm nom, yêu thương mẹ chồng như mẹ ruột của mình.

Hơn nữa, phục vụ chiến đấu cũng là một cách chiến đấu diệt giặc, không kém phần quan trọng so với việc trực tiếp cầm súng ra chiến trường, chị mới nguôi ngoai nỗi đau mất mát, tạm chấp nhận với lời khuyên bảo, đề nghị của cấp trên, trở lại với công việc thường ngày của mình.

Sau ngày đất nước giải phóng 4 năm, chiến tranh lại nổ ra ở biên giới Tây Nam, con trai đầu của mẹ Mừng, anh Nguyễn Văn Trung có đơn xin tình nguyện lên đường đi chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Đọc đơn con viết, mẹ lặng người nhưng không nói với con điều gì cả, bởi mẹ biết con của mẹ cũng như bố của nó, yêu Tổ quốc hết mình, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh khi Tổ quốc cần đến.

Nỗi đau mất chồng chưa được khỏa lấp, nhất là sau nhiều năm dò hỏi, tìm kiếm những vẫn chưa tìm thấy được hài cốt của chồng, thì người phụ nữ ấy lại đau đớn đón nhận tin dữ như sét đánh ngang tai: Con trai Nguyễn Văn Trung đã chiến đấu anh dũng, hy sinh ở biên giới Tây Nam. Sau 14 năm tìm kiếm, đến cuối năm 1993, gia đình của mẹ mới tìm thấy, cất bốc được hài cốt liệt sĩ Trung.

Cuộc sống bộn bề khó khăn vì hậu quả nặng nề của chiến tranh. Con trai út của mẹ, anh Nguyễn Văn Nam sau lập gia đình một thời gian đã cùng với vợ xin vào làm công nhân cho một đơn vị khai thác đá ở Tân Lâm, Cam Thành (Cam Lộ, Quảng Trị). Mẹ ở lại quê nhà, làm lụng vườn tược, chăm sóc cháu gái nội đầu. Cách đây 10 năm, khi tuổi tác mẹ đã cao, vợ chồng anh Nam quyết định bán nhà ở Tân Lâm, về quê để chăm nuôi, phụng dưỡng mẹ già.

Căn nhà mẹ yên ả như ru. Khi tôi đến, người con dâu của mẹ, chị Lê Thị Lan đang ngồi bên mẹ, lắng nghe những câu chuyện mẹ kể, hỏi han mẹ thích mua gì trước lúc chị đi ra chợ. Nhưng mẹ lắc đầu, nhìn quanh rồi hỏi con Hà (cháu gái đầu) có gọi điện về không, thằng Phương (Nguyễn Văn Phương, cháu trai út, học sinh lớp 12, Trường THPT Cửa Tùng, Vĩnh Linh) sao chưa thấy về?

Chị khẽ bảo với tôi: “Mệ tuổi đã cao nên thỉnh thoảng bị lẫn. Cứ vài ba hôm, cháu Hà đều gọi điện về cho mệ. Vì sinh sống với mệ từ khi mới lọt lòng nên tình cảm của cháu với mệ còn hơn cả ba mẹ ruột của mình. Nhưng có khi mệ vừa nói chuyện xong với cháu, lại cảm thấy nhớ nên lâu lâu trong ngày lại hỏi”…

Làng Nam Sơn, xã biển Trung Giang, Gio Linh nằm đối diện với làng Tân Mỹ, xã Vĩnh Giang và cách một con sông Bến Hải. Ngôi nhà của Mẹ VNAH Trần Thị Liền (87 tuổi) ở trên một nền cát trắng, mặt hướng ra dòng sông. Không được khang trang như nhà mẹ Mừng, nhà của mẹ Liền được xây dựng từ năm 1989 nay đã xuống cấp, dột nát.

Con dâu của mẹ, chị Phạm Thị Ngọc Thủy cho biết, vợ chồng chị đã định xây dựng lại căn nhà nhưng vì việc nuôi tôm bị lỗ, nghề biển bãi ngang được, mất do trời, nên hiện tại chưa có điều kiện để xây dựng lại được. 

“Vừa rồi, Nhà nước có hỗ trợ gia đình mẹ 40 triệu đồng để cải tạo, xây dựng lại nhà ở. Song với nguồn kinh phí đó và vì điều kiện hiện tại của gia đình nên gia đình chưa dám nhận về vì sợ không làm được, lại tiêu hết không biết đến khi nào thì làm được”, chị Thủy cho biết thêm.

Mẹ Liền có chồng và con đều là liệt sĩ. Năm 1968, chồng mẹ, Xã đội trưởng Xã đội Trung Giang Hoàng Đỏ đã dẫn đầu một trung đội dân quân du kích địa phương, chống trả quyết liệt trận càn của địch vào Trung Giang. Ông đã cùng với các đồng đội của mình chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ dân làng, bảo vệ các cơ sở hoạt động bí mật của cách mạng.

Chiến tranh kết thúc, cũng như mẹ Mừng và bao Mẹ VNAH khác, khi nỗi đau chưa được vơi đi, thì mẹ lại đớn đau đón nhận một nỗi đau khác. Con trai mẹ, anh bộ đội Hoàng Văn Dinh đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc năm 1981 tại vùng biên giới Việt Nam với Campuchia.

Mẹ Trần Thị Liền bên di ảnh chồng và các con.

Chị Thủy chia sẻ: “Bao năm qua, mẹ thường lấy công việc làm nguôi ngoai nỗi đau của mình. Nhưng dường như rất nhiều đêm, mẹ không tài nào ngủ được. Những lúc như vậy, chị đến và thấy mẹ khóc thầm, nước mắt đẫm gối, chăn. Vì là phụ nữ nên chị hiểu được nỗi trống trải khi không có chồng và con. Những lúc như vậy, chị thường lay nhẹ vào người mẹ. Có lúc mẹ giả ngủ tiếp nhưng có lúc mẹ gượng dậy, ôm lấy con khóc”.

Chồng chị Thủy, anh Hoàng Văn Lệ tâm sự: “Tui may mắn lấy được người vợ tốt tính. Đi đâu, người lạ nhìn vào cũng bảo mẹ và vợ tui là hai mẹ con ruột. Ngoài chăm sóc cơm nước, giặt giũ cho mẹ hằng ngày, vợ tui còn thường xuyên tâm sự, chia sẻ những buồn vui với mẹ chồng”.

Nghe chồng khen, chị Thủy cứ liếc yêu chồng: “Anh nịnh vợ đó! Thật sự thì mẹ chồng chị rất dễ tính. Làm gì mẹ cũng giành làm hết. Không cho mẹ làm vì sợ mẹ già rồi ốm đau thì mẹ lại bảo như cầu xin con dâu: “Con đừng giành hết việc của mẹ. Để cho mẹ làm để mẹ được sống vui, khỏe với con cháu”.

Mẹ Liền còn hương khói, thờ phụng mẹ chồng là Mẹ VNAH Đặng Thị Bân. Mẹ Bân ngoài con trai đầu Hoàng Đỏ hy sinh, còn có con trai út là Hoàng Ba cũng đã anh dũng chiến đấu, hy sinh sau anh trai mình 3 năm, cũng trên chiến trường Trung Giang, trong lúc cùng với đồng đội của mình chiến đấu cảm tử, chống lại một trận càn quy mô lớn của địch vào địa phương này.

Mẹ cho biết, những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và ngành chức năng rất coi trọng công tác đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi, giúp đỡ mẹ thường xuyên. Nhất là phụ nữ Công an tỉnh rất gần gũi với mẹ. Hằng tháng họ đều đến đây thăm nom, hỗ trợ mẹ mỗi tháng 500 nghìn đồng.

Đại tá Lê Phương Nam, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị cho biết thêm, mẹ Mừng và mẹ Liền đều là những trường hợp được Hội Phụ nữ Công an tỉnh nhận đỡ đầu, chăm sóc trong nhiều năm qua. Cùng với các chế độ của Nhà nước, Hội Phụ nữ Công an tỉnh hỗ trợ thêm cho các mẹ với mỗi mẹ 500 nghìn đồng/tháng. Số tiền tuy không lớn nhưng là nghĩa tình sâu đậm, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây.

Tôi hỏi mẹ Liền, bây giờ mẹ mong muốn điều gì nhất? Mẹ nước mắt ròng ròng: “Mẹ ngày đêm chỉ mong muốn tìm được hài cốt con trai của mẹ. Dù chỉ là một nắm đất nơi chính xác con trai mẹ hy sinh thôi mẹ cũng phần nào cảm thấy chút thanh thản và ấm lòng”.

Chia tay mẹ Liền và vợ chồng chị Thủy, xa xa tôi nhìn lại vẫn thấy thấp thoáng bóng mẹ Liền nhìn tiễn đưa khách. Cầu mong sao cho ước muốn bao năm qua của mẹ một ngày gần đây sẽ trở thành hiện thực, trước lúc mẹ rời xa cõi tạm, về chốn vĩnh hằng đoàn tụ cùng với chồng và con của mình!

Phan Thanh Bình
.
.
.