Những ám ảnh về “Cộng đồng dễ tổn thương”

Thứ Bảy, 14/01/2012, 14:38

Đam mê nhiếp ảnh, nhưng chỉ coi nhiếp ảnh là nghề tay trái, Phạm Hoài Thanh không chọn một con đường an toàn, chụp cảnh đẹp hay người mẫu mà ống kính của anh tìm đến những số phận đặc biệt, "những cộng đồng dễ bị tổn thương" trong xã hội. Thanh bảo, anh muốn có một cái nhìn trực diện về họ, bằng sự cảm thông, chia sẻ, hơn là những định kiến khắt khe.

Phạm Hoài Thanh là dân mỹ thuật, từng làm design cho một số tờ báo. Nhưng mối bận tâm lớn nhất của Thanh là nhiếp ảnh. Bởi ở đó, có những số phận, những con người đặc biệt trong xã hội, những thân phận mà anh bảo, cuộc đời họ là những thiên tiểu thuyết đã cuốn anh đi. Mê mải. Và đầy hưng phấn.

Trong hành trình hơn 7 năm của mình, Phạm Hoài Thanh đã đặt chân đến các vùng miền của đất nước, đã gặp và sống cùng hàng trăm cảnh ngộ khác nhau. Và anh đã có trong tay gia tài ba triển lãm ấn tượng về những người bị H, những người nghiện đang cố sức vùng vẫy để thoát khỏi sự cám dỗ của ma túy. Cuộc sống vẫn tiếp diễn 1, Cuộc sống vẫn tiếp diễn 2, và gần đây là Đối mặt với ma túy.

Lần đầu tiên, qua ống kính của Phạm Hoài Thanh, chúng ta đã có những góc nhìn chân thực về những con người này. Từ bức ảnh đầu tiên năm 2003, khi anh chụp Phạm Thị Huệ, Anh hùng châu Á, người phụ nữ đầu tiên dám công khai chuyện mình nhiễm H. Bức ảnh đã được đăng tải nhiều trên các báo. Thanh nghĩ, tại sao lại không làm một vệt ảnh về những con người có số phận buồn đó, để xã hội có một cái nhìn bao dung và chia sẻ hơn với họ. Hồi đó, xã hội còn định kiến với những người có H. Ngay cả áp phích quảng cáo, cũng chỉ là những cái đầu lâu xương chéo chung chung và nhàm chán. Anh cũng từng làm tranh cổ động về phòng chống HIV/AIDS, cũng từng vẽ đầu lâu xương chéo. Nhưng bức ảnh về Phạm Thị Huệ đã thay đổi nhận thức của anh. Thanh bước vào một địa hạt mới, mà lúc đó, con đường của anh chưa nghĩ sẽ dài hơi.

Câu chuyện của Phạm Hoài Thanh gắn liền với những mảnh đời bất hạnh, những con người có số phận ngoắt nghéo, thậm chí bị xã hội xa lánh, ruồng bỏ. Nhưng qua góc máy của anh, Thanh muốn mang đến cho xã hội một cái nhìn nhân ái về họ. Đó là một cuộc sống đời thường, những số phận đời thường mang khát vọng về hạnh phúc mà vì một phút sai lầm họ không bao giờ còn được chạm tới. Nhân vật của Phạm Hoài Thanh, là những câu chuyện đời đẫm nước mắt. Anh dùng ngôn ngữ của nhiếp ảnh, để kể lại những câu chuyện, một cách chân thực và sinh động nhất về "cộng đồng dễ bị tổn thương" trong xã hội. Anh muốn vẽ lại bức tranh toàn cảnh về cuộc sống của những người sử dụng ma túy. Phía sau những bản án đối với họ là những giọt nước mắt, những đau đớn.

Một tác phẩm của Phạm Hoài Thanh.

Nhiều năm nay, Phạm Hoài Thanh rong ruổi khắp các vùng miền của đất nước. Khi Quảng Ninh, khi Hải Phòng, khi Đà Nẵng, Nha Trang, Gia Lai, Buôn Ma Thuột. Qua các nhóm cộng đồng, anh "bắt mối" với các nhân vật. Đó là một hành trình không dễ dàng. Phải mất một thời gian dài, khi xã hội bớt đi những định kiến, Thanh mới có nhiều cơ hội tiếp xúc với họ. Một mình rong ruổi trên các nẻo đường với mục đích muốn đưa một thông điệp đến cho xã hội, về một cách nhìn nhận khác đối với những người có H. Sự dấn thân nào chẳng phải đánh đổi bằng những mất mát, hy sinh. Bởi những đối tượng mà Thanh chụp không phải là những con người bình thường. Không dễ tìm được họ, và cũng không dễ thuyết phục để được đưa họ lên ảnh.

Phạm Hoài Thanh kể, có những chuyến đi của anh vét cạn đến đồng cuối cùng vì chờ mãi không gặp được nhân vật. Anh còn nhớ, trong chuyến rong ruổi xuống Quảng Ninh, Phạm Hoài Thanh đi bè từ bờ ra cái bè lớn nuôi cá để gặp nhân vật ở Quan Lạn. Bè chòng chành giữa sông nước khiến anh và chiếc máy ảnh Nikon, cả gia sản của Thanh rơi tõm xuống nước. Sau chuyến đó, Thanh phải vay tạm bạn bè để tậu một máy ảnh mới. Nhiều chuyến đi, Thanh phải bỏ tiền túi vì nằm dài chờ nhân vật, gặp và được họ đồng ý chụp ảnh là điều không đơn giản. Mỗi nhân vật ngốn của Thanh không ít hơn 300 kiểu ảnh.

Để trong 300 kiểu ấy, Thanh chọn lại được 2, 3 kiểu ưng ý đã là một thành công. Thế mới biết sự kỹ lưỡng của người làm nghề. Ảnh của Thanh là những mảng màu chân thực về đời sống của họ, không một chút tô vẽ bằng màu mè hay photoshop. Một cuộc sống đời thường của cậu bé bị nghiện đi bán bóng bay hằng ngày ở Hải Phòng, một cô gái sống lang thang ở các vườn hoa trong Sài Gòn… Hay một buổi chiều đầm ấm bên gia đình của hoa hậu HIV… Những cảnh đời bình thường mà có thể trong cuộc sống không ai mấy bận tâm, nhưng qua góc máy của Phạm Hoài Thanh, có một chút gì đó làm nhói lòng người xem.

Hậu trường của những bức ảnh là thử thách đối với Phạm Hoài Thanh. Nếu không có đam mê, không có lòng kiên trì thì có lẽ anh đã nhiều lần buông máy. Đó là lần anh vào Sài Gòn, nằm dài cổ đợi để chụp ảnh một cậu thanh niên nghiện ma túy. Qua một đồng đẳng viên gọi điện hẹn gặp. Nhưng đến ngày đó, nhân vật của anh tắt máy, không có cách nào liên lạc. Khi tìm ra, thì bảo bận lắm. Anh nằm dài ở Sài Gòn chờ. Phải thuyết phục đến lần thứ 3, nhân vật mới đồng ý cho anh gặp.

Hay chuyện một cô gái 40 tuổi, lang thang sống ở Sài Gòn, lang bạt ở các vườn hoa. Khi đồng đẳng viên đưa anh đến gặp, thấy một cô gái tiều tụy, phớt đời, và cáu kỉnh. Thuyết phục mãi, mới đồng ý cho anh chụp. Được một lúc lại chán, cáu kỉnh và tỏ ra khó chịu. Anh phải bỏ dở máy và lang thang theo cô gái mấy ngày. Nếu vì tự ái, nếu  không kiên trì, thì Thanh đã bỏ cuộc vì sự ẩm ương, bất thường của các nhân vật mà anh gặp. Nhưng cuối cùng Phạm Hoài Thanh lại chụp được những bức ảnh ăn ý, về những khoảng khắc cô đơn, lạc lõng của cô gái giữa phố xá chen chúc người.

Rồi chuyện một cậu bé 17 tuổi ở Hải Phòng, lang thang đi hát rong. Thằng bé nghiện ma túy. Nó sống lơ phơ giữa thành phố, không gia đình, nhà cửa. Nay đây mai đó. Trông nó rất tội nghiệp. Kiếm được đồng nào, nó lại dành dụm để mua ma túy. Thanh đã phải chờ rất lâu mới gặp được nó, thậm chí ngồi cả buổi ở các góc đường mà nó thường qua lại để trò chuyện và thuyết phục nó cho chụp ảnh.

Cậu bé chẳng nói gì, chỉ giơ tay thẳng tưng: "Tiền đâu"?. Nhưng tiếp xúc nhiều với dân nghiện, Thanh quen rồi. Mục đích của anh là những bộ ảnh chân thực và sinh động về đời sống của họ. Một đời sống bị chìm lấp đằng sau những mặc cảm và định kiến. Thằng bé trở thành một nhân vật ấn tượng trong triển lãm ảnh Đối mặt với ma túy của Thanh tháng sáu vừa qua.

Niềm vui của cô giáo Nguyễn Thị Hà.

Có lần khi dự định tổ chức triển lãm Cuộc sống vẫn tiếp diễn lần 2, Phạm Hoài Thanh đã phải mất một năm đi tìm lại những nhân vật của mình. Người còn, người mất. Kẻ tái nghiện, tránh mặt không chịu gặp. Trong số 18 thì Thanh chỉ gặp lại 15 người. Anh phải sống đời sống của họ, hiểu từng biến thái trong tâm lý để có thể chộp được những khoảng khắc nóng nhất về đời sống của họ.

Phạm Hoài Thanh kể, anh gắn bó và sống cùng với họ, đến mức nhiều người nghĩ, Thanh cũng nghiện ma túy hay nhiễm HIV. Nhưng anh chỉ cười. Điều mà Phạm Hoài Thanh làm được, hơn cả những dự định của anh. Sau Đối mặt với ma túy, những nhân vật của Thanh đã biết chấp nhận và đối diện với chính mình. Và nhiều người trong số họ đã tham gia vào những công việc của cộng đồng.

Nhưng trong số những nhân vật của Phạm Hoài Thanh, điều làm anh trăn trở là số phận những người phụ nữ bị nhiễm H từ chồng, từ bạn tình. Họ là những người bị thụ động. 18 gương mặt trong bộ ảnh của Phạm Hoài Nam là 18 câu chuyện đời nhiều uẩn khúc. Ở đó, nước mắt, nỗi đau. Ở đó còn có cả nụ cười, và nghị lực sống của những người phụ nữ biết vươn lên, biết giành sự sống về phía mình.

Nguyễn Thị Hà ở Hà Tĩnh là một cô gái như vậy. Hà bị nhiễm H từ chồng, nhưng vẫn sinh con và đi dạy. Không ai nghĩ, người phụ nữ này lại mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Phạm Hoài Thanh bảo, đó là một trong những cô gái mà anh rất khâm phục. Với Hà và nhiều cô gái bị nhiễm H thì nỗ lực để có một cuộc sống bình thường là một điều khó khăn. Thế nhưng Hà đang sống từng ngày bằng hạnh phúc bình dị đó. Đó là những cô gái đã từng tham gia cuộc thi Dấu cộng duyên dáng, cuộc thi nhan sắc dành cho những phụ nữ bị nhiễm H. Nhìn vẻ đẹp lộng lẫy của họ trên sân khấu, không ai nhận ra, phía sau là những cuộc đời, những cảnh ngộ đẫm nước mắt.

Trong những bức ảnh của Phạm Hoài Thanh có tất cả những điều đó. Anh đã sống cùng nhân vật của mình, trò chuyện và thấu hiểu họ. Có lẽ, hơn bất cứ một thứ ngôn ngữ nào, những bức ảnh của Phạm Hoài Thanh đã trở thành những câu chuyện sinh động và chân thực về đời sống, những góc khuất của họ. Và chạm đến trái tim người xem.

Phạm Hoài Thanh bảo, có lẽ cuộc đời anh có duyên nợ với những con người có số phận đặc biệt. Sau HIV, sau ma túy, sẽ là những người đồng tính. Câu chuyện khác biệt về số phận của những gương mặt sinh ra không được sống là mình của họ là một bi kịch của xã hội hiện đại. Đó là một dự án dài hơi và sẽ ngốn nhiều tâm sức của Phạm Hoài Thanh…

Ngàn Phố
.
.
.