Những ca mổ "kì lạ" trên quần đảo Trường Sa

Thứ Hai, 18/07/2016, 08:56
Cuộc sống nơi đảo xa vốn dĩ không dễ dàng gì, nhất là với những người lính đang canh gác chủ quyền đất nước tại quần đảo Trường Sa. Sóng to, gió lớn, thời tiết khắc nghiệt nên những người lính luôn phải đối mặt với những căn bệnh đến bất chợt, đôi khi còn đe doạ đến tính mạng. Cũng vì thế, những bác sĩ quân y trên quần đảo Trường Sa luôn mang trên mình một trách nhiệm vô cùng nặng nề. Sẵn sàng đối mặt với tình huống khẩn cấp, nhất là những ca phẫu thuật đầy khó khăn...


Gian nan bác sĩ đảo

Chúng tôi tới thăm bệnh xá của đảo Trường Sa vào một ngày cuối tháng tư khi đoàn công tác sắp kết thúc chuyến hành trình, khi đó Thượng uý Thái Ngọc Bình - Bác sĩ chuyên khoa 1 - Bệnh xá trưởng của đảo đang thăm khám cho người dân nơi đây. Kết thúc việc khám bệnh, dưới tán cây xum xuê được trồng ở sân bệnh xá, anh Bình tâm sự với chúng tôi về chuyện đời, chuyện nghề và những kỉ niệm khó quên khi làm bác sĩ ở nơi đảo xa.

Anh kể rằng, sau khi tốt nghiệp Học viện Quân y năm 2010, do có thành tích tốt trong học tập, anh tiếp tục được cấp trên cử đi đào tạo bác sĩ nội trú sau đại học. Về công tác tại Bệnh viện Quân y 175 một thời gian, tháng 5-2015, anh được cử ra đảo Trường Sa đảm nhiệm chức danh Bệnh xá trưởng Bệnh xá đảo.

Trung tá Nguyễn Quốc Hoan - Bệnh xá trưởng đảo Sinh Tồn.

"Thời gian đầu ra đảo đầy bỡ ngỡ và không ít khó khăn, mọi thứ đều lạ lẫm từ sinh hoạt cho đến con người. Hơn nữa, đây sẽ là khoảng thời gian xa gia đình nên cũng có chút nhớ nhung. Tuy nhiên, biết nhiệm vụ của một bác sĩ tại đảo là vô cùng quan trọng nên tôi cố gắng thích nghi nhanh nhất có thể", bác sĩ Thái Ngọc Bình chia sẻ.

Và cho đến thời điểm gặp mặt, cũng chỉ còn vài tuần nữa là bác sĩ Bình hoàn thành nhiệm vụ của một bác sĩ quân y. Trong quãng thời gian gần một năm đó, bác sĩ Thái Ngọc Bình cùng các bác sĩ khác trong bệnh xá đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và xử lý nhiều ca mổ được giới chuyên môn bày tỏ sự khâm phục. Theo như ghi chép, từ khi nhận công tác đến nay, bác sĩ Bình cùng các đồng đội đã thăm khám cho hơn 2000 lượt bệnh nhân, 60 trường hợp cấp cứu, đặc biệt là ngư dân.

Bác sĩ Bình cho biết: "Do đặc thù về địa lý và khí hậu nên các chiến sĩ hay mắc các bệnh về hô hấp, da liễu. Ngoài ra, chuyện chiến sĩ gặp chấn thương trong lúc làm nhiệm vụ hay ngư dân bị thương khi đánh cá là thường xuyên xảy ra. Với những ngư dân lênh đênh trên biển nhiều ngày thì tai nạn lao động là khó tránh khỏi. Chúng tôi cũng đã cứu chữa kịp thời cho nhiều bệnh nhân như vậy. Hầu hết đều là những ca phẫu thuật khó".

Điển hình như ca mổ cho bệnh nhân Nguyễn Thành Trung (quê Rạch Giá, Kiên Giang), thuyền viên tàu BTh97779TS bị tai nạn, chấn thương sọ não tối ngày 1-9-2015. Sau khi bệnh nhân được đưa đến bệnh xá, được chẩn đoán là vỡ hộp sọ, tụ máu não, tình trạng rất nguy kịch, nếu không phẫu thuật cấp cứu kịp thời sẽ tử vong.

Nhận định đây là một ca mổ rất khó, các bác sĩ của đảo đã gọi điện để xin sự chỉ đạo chuyên môn từ trong đất liền. Do bệnh nhân mất nhiều máu mà lượng máu dự trữ không đủ, bác sĩ Bình đã nhanh trí chỉ đạo tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ hiến máu cứu bệnh nhân. Cùng lúc đó tổ chức kíp phẫu thuật do bác sĩ Bình làm kíp trưởng nhanh chóng cứu bệnh nhân đang trong cơn nguy kịch.

Dưới sự chỉ đạo, hỗ trợ chuyên môn từ Tổ hội chẩn chuyên khoa ở Bệnh viện Quân y 175, kíp phẫu thuật đã thực hiện tốt việc mổ cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân, tạo điều kiện đưa bệnh nhân vào đất liền điều trị.

Bác sĩ Hoan đang khám bệnh cho một người lính đảo.

Ngoài trường hợp nói trên, ca phẫu thuật khó mà bác sĩ Thái Ngọc Bình đã nhận đó là ca mổ sinh cho bệnh nhân Nguyễn Bình Phương Ái (29 tuổi - hộ dân sống trên đảo). Sau khi hội chẩn, kết luận đây là trường hợp đa ối, dây rau quấn cổ, nếu không xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tính mạng cả mẹ lẫn con, các bác sĩ của bệnh xá đã đi đến quyết định sẽ chủ động phẫu thuật. Với sự nhanh nhạy và tận tâm đó, ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp. Cháu bé tên Thái Bình Hải Thuỳ cất tiếng khóc chào đời và trở thành công dân nhỏ nhất trên đảo Trường Sa.

Những ca mổ đặc biệt

Không được đầy đủ cơ sở vật chất như ở đảo Trường Sa, đảo Sinh Tồn nơi chúng tôi đến trước đó mới được xếp vào đảo cấp 1 trong thời gian gần đây. Do đó, việc bổ sung trang thiết bị y tế cho bệnh xá của đảo vẫn chưa được đầy đủ để có thể thực hiện những ca phẫu thuật khó khăn nhất. Nhưng không vì khó khăn ấy mà nản lòng, các y bác sĩ trong bệnh xá luôn vận dụng sự sáng tạo và kiến thức trong nghề để chữa trị cho người bệnh.

Trung Tá Nguyễn Quốc Hoan - Bệnh xá trưởng đảo Sinh Tồn cho biết: "Cũng giống như mọi điểm đảo, khó khăn tại nơi đây là do thời tiết khắc nghiệt, nắng mưa thất thường, nước ngọt thiếu và lại xa đất liền nên mọi thứ đều rất hạn chế. Đảo mới được xếp từ đảo cấp 3 lên đảo cấp 1, tức là bệnh xá phải đáp ứng được các ca đại phẫu khó nhưng việc nâng cấp cơ sở hạ tầng chưa kịp nên vẫn còn khó khăn trong việc điều trị".

Trước khi ra đảo, bác sĩ Hoan đã phải nghiên cứu rất nhiều về việc khám chữa bệnh trên đảo và phối hợp tập luyện rất nhiều lần cùng các đồng nghiệp trong bệnh xá. Sau gần một năm, bệnh xá đảo Sinh Tồn đã khám chữa cho hơn 1300 lượt bệnh nhân với 11 ca cấp cứu, 7 ca phẫu thuật. Trong đó có 2 ca đại phẫu, 5 ca trung phẫu.

Bác sĩ Hoan chia sẻ: "Mỗi bệnh xá của đảo cấp 1 hoàn toàn có khả năng xử lý một ca đại phẫu khó. Có một số ca mổ khó chúng tôi sẽ hội chẩn và đưa ra phương án tối ưu nhất sau đó thông báo về đất liền để xin ý kiến. Trong năm vừa qua, tại đảo Sinh Tồn, việc thiếu thốn cơ sở vật chất nên một số ca mổ các bác sĩ phải tận dụng mọi thứ có thể để thực hiện phẫu thuật. Đã có những ca bệnh vô cùng nguy cấp được chúng tôi xử lý thành công...".

Theo như lời kể, trong một ca cấp cứu, bệnh nhân là Trung sĩ Nguyễn Thời Huân - khẩu đội trưởng đóng quân trên đảo Núi Le cách đảo Sinh Tồn khoảng 30 hải lý. Sau khi được bệnh xá kiểm tra, chẩn đoán thấy dấu hiệu viêm phúc mạc, toàn bộ ổ ruột thừa bị vỡ, người bệnh đã được đưa vào phòng mổ ngay lập tức. "Bệnh nhân này theo như báo cáo đã đau được hơn 30 tiếng, ngày hôm ấy nếu mổ muộn một chút thôi là không giữ được tính mạng. Đặc biệt, bệnh nhân có một phần ruột thừa quật ngược, đây là tỉ lệ rất hiếm gặp", bác sĩ Nguyễn Quốc Hoan kể lại.

Thượng úy Thái Ngọc Bình - Bệnh xá trưởng đảo Trường Sa khám bệnh cho một ngư dân.

Tuy nhiên, do cơ sở vật chất lúc đó chưa kịp nâng cấp, đèn trong phòng mổ chỉ là đèn tiểu phẫu nên không đủ ánh sáng soi vào ổ mổ sâu. Biết rằng thời gian gấp rút, không kịp thời sẽ khó cứu được bệnh nhân, bác sĩ Hoan huy động một số anh em trong bệnh xá đi lấy đèn pin để soi vào vết mổ.

Ca mổ thành công tốt đẹp nhưng trước đó để đề phòng việc bất trắc, bệnh xá đảo cũng đã liên lạc vào trong đất liền để chuẩn bị phương tiện chở người bệnh vào bờ. Sau ca phẫu thuật, thấy chiến sĩ này bắt đầu tỉnh nên bệnh xá đã giữ lại theo dõi hai tuần mới cho vào bờ làm tổng kiểm tra. Bác sĩ Hoan cũng liên tục gọi điện vào đất liền để hỏi thăm sức khoẻ người đồng đội này.

Ngày hôm ấy, các bác sĩ không chỉ tận dụng hết dụng cụ phẫu thuật sẵn có mà ngay cả một chiếc bàn ăn cũng được làm sạch và đẩy vào phòng bệnh làm chỗ đặt tay cho bệnh nhân do khi bị thương, người này không thể hạ tay xuống để làm phẫu thuật. Sự nhanh trí, phát huy mọi khả năng, tận dụng mọi thứ sẵn có đã giúp các bác sĩ trên quần đảo thực hiện được nhiều ca mổ khó như đã kể trên. Và với tinh thần luôn rèn luyện, vượt qua mọi khó khăn ấy, những người bác sĩ mang màu áo lính đang trở thành một chỗ dựa tinh thần cho quân, dân trên quần đảo Trường Sa, góp phần cho công cuộc xây dựng, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước.

Lê Phong - Số đặc biệt
.
.
.