Những cái Tết độc đáo của người miền núi Hòa Bình

Thứ Hai, 03/03/2014, 13:31

Theo quy định của người Dao ở Hòa Bình, gia đình nào để người của mình vi phạm những điều cấm kỵ như cờ bạc, ma túy, trộm cắp, đánh nhau… thì làng sẽ họp kiểm điểm, tùy theo nặng nhẹ mà nộp phạt và dứt khoát phải ghi vào “Sổ Làng”. Người có lỗi phải quỳ xin làng tha thứ và xin được ở lại làng, trong cộng đồng người Dao để sửa chữa khuyết điểm.

Tết Đe của người Mường Lạc Thịnh

Hằng năm, vào ngày 26 tháng 10 âm lịch, tại xã Lạc Thịnh, Yên Thủy  lại diễn ra một cái Tết của riêng mình. Cái Tết ấy được gọi là Tết Đe hay Tết Cơm Đe. Trước Tết Đe nhiều ngày, người Mường ở đây đã dọn nhà cửa, ban thờ, rửa mâm bát… Đường làng được vệ sinh sạch sẽ. Không khí xóm bản thật là rộn rã.

Vào Tết, cỗ được chuẩn bị từ đêm 25, khi thời khắc chuyển sang ngày 26 là bắt đầu cúng cho đến khoảng 8 hoặc 9h. Trong mâm cúng bao giờ cũng có đồ luộc là vài quả đu đủ xanh, vài quả bí nhỏ, vài con măng, vừng rang giã vội (không trộn muối) và đặc biệt là cơm Đe. Cơm Đe đó chính là cơm từ gạo nếp giã không kỹ ủ với men làm từ lá rừng (như ủ rượu nếp ở miền xuôi). Đây là thành phần quan trọng trong Tết Đe nên người ta thường gọi là Tết Cơm Đe hay Tết Đe. Người dân ở đây còn truyền lại câu nói: “Tết Đe khuyết lộ”, có nghĩa là ngày Tết Đe người đi lại đông đến lở cả đường. Trong Tết Đe, người ta cúng cầu cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng và vạn vật tốt tươi, con người mạnh khỏe.

Cúng Đe.

Từ xa xưa, không ai còn nhớ vào thời gian nào, trong một trận đánh chống giặc ngoại xâm, một vị tướng bị thương và thất trận phải vượt Trường Sơn từ đất Thanh Hóa sang Yên Thủy, Hòa Bình. Lúc này đã rạng sáng ngày 26. Vị tướng cùng tùy tùng tìm vào một nhà dân người Mường ngay chân núi thuộc xã Lạc Thịnh bây giờ. Đêm hôm khuya khoắt, nhà nghèo không có gạo. Gia chủ tìm quanh nhà chẳng còn thứ gì để mời tướng quân. Đang lúc loay hoay, gia chủ bỗng nhìn thấy góc bếp còn mấy quả bí xanh, đu đủ, mấy con măng vừa lấy trên nương hồi chiều. Lập tức, những thứ này được luộc nhanh. Vừng dốc từ ống nứa, rang vội, giã vội dùng để chấm bí xanh và măng luộc chứ chẳng có hạt muối nào. Mâm thức ăn đạm bạc được bày ra mời đoàn tướng quân.

Trong lúc khách đang ăn thì gia chủ sực nhớ tới thúng cơm đang ủ men để chuẩn bị nấu rượu dùng trong dịp Tết Nguyên đán. Không chần chừ, gia chủ mang ngay thúng cơm rượu mời khách. Thứ này tiếng Mường gọi là cơm Đe. Thực ra cơm không là cơm nữa mà đã thơm mùi men rượu. Nhưng rượu thì lại chưa là phải là rượu mà đang là cơm khô.

Cảm kích trước tấm lòng của gia chủ, thương người dân nghèo đói, vùng này thường xuyên xảy ra hạn hán… sáng ra, trước khi rời khỏi nơi này, vị tướng lập đàn tế trời đất cầu mưa. Thật linh thiêng, vừa cúng xong thì mưa xuống. Người dân nơi đây cho biết, vùng Yên Thủy vào dịp này hằng năm thường có mưa. Nhớ công vị tướng đi đánh giặc cứu nước, thương dân nên hằng năm cứ vào ngày 26 tháng 10 âm lịch, người dân Lạc Thịnh lại làm lễ tưởng nhớ vị tướng năm nào. Cứ thế lâu dần thành lệ và thành Tết Cơm Đe.

Ngày nay, đời sống của người dân ngày càng ấm no. Cứ vào dịp Tết Đe, người dân vùng Lạc Thịnh lại tổ chức Tết phong phú hơn. Con cháu đang công tác lại có dịp thu xếp công việc, mời bạn bè về vui Tết. Thức ăn trong mâm có thêm nhiều thực phẩm, nhưng mâm cúng thì vẫn là những cơm Đe; măng, quả bí, quả đu đủ luộc và đĩa vừng không muối như xưa.

Tết Buông của người Dao Đà Bắc

Theo quy định của người Dao ở Hòa Bình, gia đình nào để người của mình vi phạm những điều cấm kỵ như cờ bạc, ma túy, trộm cắp, đánh nhau… thì làng sẽ họp kiểm điểm, tùy theo nặng nhẹ mà nộp phạt và dứt khoát phải ghi vào “Sổ Làng”. Người có lỗi phải quỳ xin làng tha thứ và xin được ở lại làng, trong cộng đồng người Dao để sửa chữa khuyết điểm.

Khi năm cũ sắp hết, năm mới sắp đến, các gia đình có vấn đề trong năm mà phải ghi trong “Sổ Làng” sẽ căn cứ kết quả sửa chữa của mình, nếu thấy thực sự tiến bộ thì đăng ký với Sơn Làng (Trưởng làng) để làng nhận xét, công nhận tiến bộ và xóa “án tích”. Công việc trên, từ xa xưa người Dao gọi là Tết Buông. Già làng Lý Văn Quynh ở bản Tằm, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc giải thích: “Tết Buông có nghĩa là buông tha những sai lầm, khuyết điểm trong năm để bước vào một năm mới tốt đẹp”. Tết Buông là một luật tục nằm trong phong tục lâu đời của người Dao. Như vậy, trong một năm, không phải gia đình nào cũng làm cái tết này.

Những gia đình trong năm có vấn đề, cuối năm đăng ký làm Tết Buông thì được Hội đồng già làng kiểm tra, xem xét xem gia đình đó đã thực sự tiến bộ, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm chưa? Nếu thấy đủ tiêu chuẩn làng mới đồng ý cho làm Tết Buông. Nếu chưa đủ tiêu chuẩn nghĩa là chưa tiến bộ thì làng chưa cho làm Tết Buông. Như thế, “án tích” chưa được xóa. Trong “Sổ Làng”, khuyết điểm của gia đình đó, người đó vẫn chuyển tiếp sang năm mới.

Tết Buông thường được tổ chức từ ngày 29 đến mồng 2 Tết, hiển nhiên nằm trong Tết Nguyên đán nên cũng không mất nhiều thời gian của mọi người và cũng không tốn kém lắm về kinh tế. Không những thế, các gia đình được làm Tết Buông vừa là niềm phấn khởi của mình vừa thêm niềm vui cho cả làng. Do đó, không khí ngày xuân càng thêm ấm áp.

Vào Tết Buông, ban thờ gia chủ được thắp hương, gia làng mở “Sổ Làng” nhắc lại khuyết điểm của gia đình rồi nêu nhận xét quá trình sửa chữa trong năm. Sau đó đến phần dân làng góp ý và biểu quyết “Buông tội”. Nếu được “buông tội” thì bà con động viên, chúc mừng. Nếu chưa được “buông tội” thì bà con cũng động viên gia chủ tiếp tục phấn đấu để sang năm sẽ được “buông”. Sau đó, dù gia đình ấy đã được “buông” hay chưa được “buông” thì cũng mời những người dự vui Tết với mình.

Hỏi kỹ thì được biết, ra Tết, khoảng mồng 7 đến mồng 10 tháng Giêng, người Dao họp Tổng Động. Tổng Động là hội nghị lớn nhất trong năm của người Dao trong cả khu vực. Hội nghị kiểm điểm thực hiện những điều quy định của Tổng Động trong năm cũ và bàn nhiệm vụ của năm mới. Do đó, mọi tồn tại của các làng người Dao phải xem xét, giải quyết trước khi mở hội nghị Tổng Động. Mặt khác, thường thì mồng 4 tết, người Dao đã khai xuân “mượn tay” (đổi công) làm việc như đào ao, làm vườn rồi. Vì thế làng xóm cần vui vẻ, mọi người, mọi nhà đều khí thế khai xuân. Như vậy, Tết Buông cũng là một trong nhiều biện pháp tốt để người Dao giữ gìn bản làng bình yên.

Tết Đền của người Mường Vó, Lạc Sơn

Nếu Tết Cơm Đe và Tết Buông là những cái Tết cổ truyền thì Tết Đền vùng Mường Vó lại là một cái Tết mới ra đời từ đầu những năm 60 của thế kỷ Hai mươi.

Vui ngày Tết Đền.

Mường Vó là một vùng Mường cổ thuộc xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn. Trước cách mạng, cũng như các vùng khác, người dân Mường Vó chịu cảnh cơ hàn. Con cá dưới suối, con chim trên rừng… tất thảy đều là của nhà Lang. Rồi ngày 19 tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đứng đầu là Cụ Hồ Chí Minh, toàn dân Mường Vó nhất tề nổi dậy giành chính quyền. Từng đoàn người mang cờ đỏ sao vàng cùng giáo mác, gậy gộc tiến quân về giải phóng huyện lị. Chính quyền cách mạng được thành lập. Người dân được đổi đời làm chủ từ đây.

Hầu hết người miền núi Hòa Bình một năm có hai cái tết lớn là Tết Nguyên đán và Tết Độc lập mồng 2-9. Trong khi đó, riêng vùng Mường Vó lại ăn Tết to mừng ngày cách mạng Tháng Tám thành công vào đúng ngày 19-8.

Không khí chuẩn bị đón Tết 19 tháng Tám của bà con Mường Vó thật háo hức, vui tươi. Niềm phấn khởi, tự hào ánh lên trên từng nét mặt từ người già cho đến trẻ nhỏ. Công việc đầu tiên, không thể thiếu được trong ngày tết là chuẩn bị gạo nếp ngon để đồ xôi và nghiền bột làm bánh uôi, phân công người đi hái lá đền (lá cây bương) dùng để gói bánh. Chỉ duy nhất trong Tết 19 tháng Tám bánh uôi mới được gói bằng lá đền. Tết Nguyên đán người ta gói bánh uôi bằng lá dong, hoặc lá chuối. Bánh uôi là một loại bánh người Mường làm để cúng trong các dịp lễ tết. Qua tìm hiểu gói bằng lá “đền” có ý nghĩa là đền ơn, ghi nhớ công ơn của Tổ tiên, công ơn Cách mạng !

Mâm cỗ ngày Tết giản dị nhưng được chuẩn bị công phu. Gà vịt  tự nuôi, vài nhà mổ chung con lợn. Món rau đồ thập cẩm, đủ các thứ rau rừng, rau vườn. Rồi món măng, cá nướng… rượu cần, mọi thứ chuẩn bị chu đáo, tinh tươm. Ngoài mâm cúng Tổ tiên, Đất nước (Đất Rác - tiếng Mường), gia đình nào cũng dọn thêm vài mâm mời khách về cùng chung vui .

Riêng món măng - thường là măng giang ngâm chua và rau đồ, còn được nghe các vị cao niên trong làng kể, đây là món ăn, để nhớ lại những ngày gian khổ chạy trốn giặc trong rừng. Có gia đình dùng cả bông lau non – gọi là “chửa lau” chế biến làm món dâng cúng trong ngày tết này.

Ngày này nhà nào cũng treo cờ đỏ sao vàng, ngoài đường thì chăng khẩu hiệu mừng ngày Khởi nghĩa 19 tháng Tám, mừng Quốc khánh mồng Hai tháng Chín. Tiếng cồng ngân vang điệu xắc bùa, tiếng loa tưng bừng phát các bài ca cách mạng. Ôtô, xe máy, người đi thăm, đi chúc tết nườm nượp. Tiếng mời chào râm ran xóm ngõ. Ai cũng vui vẻ, thân tình mời chào, mừng đón bạn bè đến chung vui.

Khi chia tay, chủ nhà bao giờ cũng bịn rịn đặt vào giỏ xe, túi bánh uôi gói lá đền thơm ngào ngạt hương nếp, hương  đậu làm quà cho khách mang về

Lê Va
.
.
.