Những cái "máy nói" trong rạp chiếu phim

Thứ Hai, 03/12/2012, 14:57
Dạo này, tập làm người… đẳng cấp, nên tôi tập ra rạp xem phim (trước đó, thú thật tôi toàn xem phim trên mạng cho đỡ tốn tiền). Và để tập làm "người đẳng cấp" một cách… rất đẳng cấp (chứ không phải loại đẳng cấp tèm nhem…), nên tôi không đến mấy rạp bình dân, mà toàn những rạp nhất nhì Hà Nội, những rạp trú ngụ trong những tòa nhà sang trọng, ảo diệu nhất Việt Nam như rạp Megastar (nằm trong toà nhà Vincom) hay Lotte (nằm trong tòa nhà Keangnam)…

Và tôi thấy đối tượng tới mấy rạp này nếu là con trai thì  phần lớn  là "con trai đồ hiệu", tóc dựng cao vút, đi lại một cách ga lăng, phóng khoáng. Nếu là con gái thì phần lớn là những cô gái chân dài, quần áo thời thượng, nước hoa sực nức. Ở một thế giới trai/gái vừa trẻ, vừa đẹp, vừa sang trọng như thế, cái thằng quê quê, bẩn bẩn như tôi bỗng thấy thẹn thùng. Nhưng  khoa học chứng minh là mọi sự thẹn thùng ban đầu rồi sẽ được chữa dần bằng những thói quen, nên tôi cố tin khi mình quen thở trong cái thế giới trẻ đẹp nhung lụa này hơn thì bệnh thẹn thùng sẽ tự nó mà chết yểu.

Duy có điều này thì tôi sợ thói quen cũng khó khiến mình thôi ức chế. Đó là khi mua xong một chiếc vé xem phim, từ cô bán vé tôi nhận được một tràng… súng liên thanh: "Đây là vé của anh, chỗ ngồi này, hàng ghế này, bộ phim này. Chúc anh xem phim vui vẻ".

Gọi là "súng liên thanh" vì cô ta nói nhanh, nói to, mà cái giọng thì cứ oang oảng không dễ lọt tai chút nào. Nhưng thôi, giọng nói của mỗi người là do trời sinh ra, không phải muốn thay đổi là được (xin lỗi chứ tôi căm ghét cái giọng tôi vô cùng!). Điều đáng sợ là với người mua vé trước tôi, cô ta cũng tung ra một tràng súng liên thanh như thế. Với người mua vé sau tôi, cô ta vẫn tung ra một tràng súng liên thanh y như vậy.

Và ở một quầy bán vé, luôn có ít nhất 3 cô gái - 3 cái máy nói -  3 khẩu súng liên thanh như vậy. Hậu quả là chỉ cần đứng ở khu vực này từ 5 - 10 phút, cùng lúc phải chứng kiến 3 cái chuyển động miệng bắn vào mắt, phải chịu đựng 3 khẩu súng liên thanh bắn vào tai, mạnh mẽ cỡ Héc - Quyn cũng có thể hoa mắt, chóng mặt, tụt huyết áp mà lăn quay ra sàn. 

Biết nói thế nào nhỉ? Trong cuộc sống hàng ngày, tôi đã phải đối diện với rất nhiều cái "máy", từ "máy cười" (đối với những người cứ gặp bạn bè, đồng nghiệp là cười để… lấy lòng), "máy nịnh" (đối với những kẻ cứ gặp sếp là nịnh để tiến thân), cho đến "máy quỳ" (đối với những người sẵn sàng quỳ gối để thăng quan tiến chức)…. Thế nên khi đi xem phim, khi tìm đến một loại hình nghệ thuật - một phương thức giải trí làm nhẹ nhõm đầu óc thì tôi sợ, sợ lắm, sợ vô cùng những cái "máy nói" như tôi vừa kể.

Hỡi những cái "máy nói" ở những rạp phim sang trọng kia, nếu thích nói, xin hãy nói bằng cảm xúc của một… con người được không? Còn nếu cái việc "thể hiện cảm xúc…" với cả trăm, cả ngàn lượt người xem phim là quá khó thì hãy tiết chế lời nói một cách ít nhất có thể, thậm chí hãy cứ im lặng, không nói gì được không?

Ở đời, trong bất luận hoàn cảnh nào, những sự IM LẶNG THẬT LÒNG luôn giá trị hơn những CHUỖI ÂM THANH GIẢ TẠO!

Ngày máy, tháng nói, năm chết đói tâm hồn

Phan Đăng
.
.
.